Thứ Hai, 14/10/2024 23:26 CH
Chuyện về nữ “chiến sĩ” áo trắng một thời
Thứ Sáu, 11/03/2016 11:18 SA

Gần 50 năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm về đồng đội, công việc trong những tháng ngày bom đạn vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của bác sĩ Huỳnh Thị Kim Huê, nguyên Trưởng Bệnh xá Y13 (huyện Tuy An), trong thời chống Mỹ, cứu nước.

 

Y13 là mật danh của Bệnh xá huyện Tuy An trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Cô Huỳnh Thị Kim Huê với những thành tích được Đảng và Nhà nước ghi nhận - Ảnh: K.CHI

 

NHỮNG THÁNG NĂM GIAN KHỔ NHƯNG HÀO HÙNG

 

Trong căn nhà ở hẻm Ngô Quyền (phường 4, TP Tuy Hòa), bác sĩ Huỳnh Thị Kim Huê (sinh năm 1941) bồi hồi nhớ lại những năm tháng gian khổ nhưng ấm áp tình thương, dồn hết tâm sức cùng các đồng nghiệp cứu từng thương bệnh binh khỏi tay tử thần.

 

Sinh ra ở Thừa Thiên - Huế, năm 1954, Kim Huê tập kết ra Bắc, từ năm 1961-1966, bà học tại Trường đại học Y Hà Nội, cùng lớp với liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Sau 5 năm miệt mài đèn sách, trau dồi chuyên môn, tháng 2/1966, Trung ương Đoàn thanh niên lao động kêu gọi thanh niên nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ tại miền Nam, bác sĩ trẻ Huỳnh Thị Kim Huê viết đơn gia nhập và được chấp nhập. Đoàn khoảng 40 người phân về chiến khu V.

 

Tháng 4 năm đó, đoàn bắt đầu cuộc hành quân vào chiến trường miền Nam. “Chỉ có những ngày đầu tiên là được đi ôtô nhưng cũng phải ngụy trang rất khéo. Đến làng Ho (Quảng Trị), cả đoàn bắt đầu đi bộ theo đường mòn Hồ Chí Minh để vào Nam. Ròng rã suốt 3 tháng trời băng rừng, lội suối, cả đoàn đến Ban Y tế Phú Yên, ở Hòn Núp (huyện Sơn Hòa). Vừa chân ướt chân ráo, đoàn gặp ngay một trận càn ác liệt của Mỹ. Địch đóng quân và càn quét cả tháng mới rút đi”, bà Huê nhớ lại.

 

Năm 1967, bà Huê được phân công làm Bệnh xá Trưởng Y13. Ngày đầu về đơn vị, bác sĩ Huê không tránh khỏi những cảm xúc đan xen, vừa hăm hở, tràn đầy nhiệt huyết, vừa lo lắng. Bệnh xá lúc ấy chỉ hơn 10 cán bộ, bác sĩ, công nhân viên nhưng phải thường xuyên chăm sóc vài chục thương binh. Vì vậy, bác sĩ Huê cùng đồng đội động viên nhau nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

 

Bà bộc bạch: “Lúc mới tới Tuy An, tôi rất ngỡ ngàng, mọi thứ không như lúc đầu mình tưởng tượng. Không có nhà cửa, phòng ốc gì cả, bệnh xá huyện lúc bấy giờ chỉ là đồi sơn trắng; thuốc men, bông băng, kim chỉ đều thiếu… Mỗi lần phẫu thuật vết thương, chỉ có thuốc tê, chúng tôi phải dùng chỉ may đã được hấp sát trùng để khâu ngoài da, phải giặt lại những cuộn băng, miếng gạt cũ, luộc kỹ, phơi khô, rồi hấp bằng nồi đun bằng củi. Không có nước rửa vết thương, các bác sĩ phải nấu nước muối pha loãng, lọc kỹ để dùng.

 

Đáng thương nhất, những thương binh lên cơn uốn ván, không có thuốc điều trị, chúng tôi dùng vỏ ve sầu sắc nước, nhổ cây vòi voi về sắc cô đặc thành kháng sinh, ấy thế mà cũng cắt được những cơn co giật của nhiều ca uốn ván. Cuối năm 1966, Y13 đóng ở vùng 2 An Xuân (huyện Tuy An), có lần đơn vị tiếp nhận 50 thương binh vào giữa đêm, đèn không được thắp, chúng tôi chỉ dùng tia sáng nhỏ của đèn pin để kiểm tra, phân loại vết thương. Mọi hoạt động nấu nướng, hấp dụng cụ y tế đều phải làm vào ban đêm, nếu làm ban ngày thì sợ khói bay lên, địch sẽ phát hiện ra chỗ chúng ta đang ở”.

 

QUYẾT KHÔNG CHIÊU HỒI

 

Có một kỷ niệm mà bà Huê không bao giờ quên. Đó là năm 1968, địch càn dữ dội, bệnh xá phải chuyển lên đồi lau vùng 1 An Lĩnh. Đêm, địch thả bom liên tục làm ba cô y tá bị thương. Bệnh nhân có lúc phải nhịn đói suốt 2, 3 ngày liền. Y, bác sĩ có bao nhiêu thức ăn cũng dành cho bệnh nhân của mình, chỉ uống nước cầm hơi. Đến ngày thứ năm, các đồng chí bảo vệ của ta lần xuống để nắm tình hình và lấy nước về uống, luộc rau ăn qua ngày. Sau đó, địch rút quân, ta kiểm tra tình hình chắc chắn rồi đưa bệnh nhân về lại bệnh xá an toàn. Trong những năm chiến tranh ác liệt ấy, ngay tại vùng 2 An Lĩnh, bệnh nhân bị sốt rét ác tính khá nhiều, nhiều người chết phải chôn gần bệnh xá. Cũng trong hoàn cảnh đó, chính bác sĩ Huê đã mổ thành công cho một sản phụ mẹ tròn con vuông. Sau giải phóng, mẹ con tìm đến nhà cảm ơn.

 

Gần 10 năm ở chiến trường chống Mỹ, trong đó công tác ở Y13 tròn 5 năm, mỗi tháng bà Huê cùng đồng đội gặp 6 trận càn của địch. Lúc này, Tuy An đang là vùng chiến tranh ác liệt vì giáp ranh với vùng địch chiếm đóng. Địch càn vùng này thì ta lại phải di chuyển tới vùng khác. “Ác liệt nhất là giai đoạn 1966-1968, đơn vị bị địch vây hãm ráo riết, công tác cứu chữa, chăm sóc thương binh, bệnh binh gặp rất nhiều khó khăn. Địch ra sức càn quét, bắn phá khắp nơi, máy bay của địch quần thảo kêu gọi y, bác sĩ, cán bộ bệnh viện, có khi kêu đích danh từng vị trí chủ chốt. Nhưng tinh thần của những chiến sĩ áo trắng không lung lay, hết lòng cứu chữa cho thương bệnh binh để họ tiếp tục cầm súng ra chiến trường, tất cả vì độc lập dân tộc. Nếu không có lòng dũng cảm và chịu khó, chịu khổ thì Y13 đã bị xóa sạch. Những năm tháng ấy, chị em không hề nghĩ đến việc riêng của mình, tất cả đều một chí hướng, đoàn kết, giúp đỡ, động viên nhau để khắc phục mọi khó khăn nguy hiểm, phục vụ bệnh binh tốt nhất, không để một thương binh nào lọt vào tay giặc”, bà Huê chia sẻ.

 

Suốt những năm sống giữa chiến trường ác liệt, nhất là trên cương vị Bệnh xá trưởng Bệnh xá Y13, bác sĩ Huỳnh Thị Kim Huê đã cùng đồng đội tổ chức cứu chữa, bảo đảm an toàn cho hàng nghìn lượt thương binh, bệnh binh. Nhớ lại những ngày tháng gian khổ ấy, bà Huê kể: “Thiếu thuốc, thiếu lương thực đã khổ, nhưng không sợ bằng mỗi lần nghe tin địch tổ chức càn quét, chúng tôi phải tổ chức sơ tán thương binh để đảm bảo an toàn”.

 

75 tuổi đời, 47 năm tuổi Đảng, với sự cống hiến bằng tấm lòng của người thấy thuốc, xả thân vì độc lập dân tộc, bác sĩ Huỳnh Thị Kim Huê đã cứu sống nhiều thương bệnh binh trong cuộc chiến. Trong căn nhà ở hẻm Ngô Quyền, bà trang trọng treo nhiều bằng khen, huân, huy chương cao quý của Đảng, Nhà nước khen tặng: Huân chương Kháng chiến hạng hai; Huân chương Quyết thắng hạng nhất; Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng hai; Kỷ niệm chương Vượt Trường Sơn; Huy hiệu Thầy thuốc Ưu tú…

 

Bác sĩ Huỳnh Thị Kim Huê (bìa phải) cùng đoàn cán bộ y tế huyện Tuy An dự hội nghị ngành Y tế tỉnh năm 1968 - Ảnh do nhân vật cung cấp

 

GƯƠNG MẪU GIỮA ĐỜI THƯỜNG

 

Trở về đời thường, từ năm 1975-1997, bà công tác tại Bệnh viện Bắc Phú Khánh, làm các công tác Chủ nhiệm khoa Nội rồi Phó Giám đốc bệnh viện; sau làm Giám đốc Bảo hiểm y tế tỉnh, rồi nghỉ hưu. Năm 2001, được chi bộ tín nhiệm, bà giữ chức Bí thư Chi bộ khu phố 1, phường 4 suốt 14 năm.

 

Năm 2010, bác sĩ Huỳnh Thị Kim Huê mới có dịp trở lại chiến trường xưa vào ngày Bệnh xá Y13 đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tất cả đã qua đi, nhiều thứ đã lùi vào dĩ vãng, nhưng trong chuyến đi này, với bà và nhiều đồng đội đã ghi đậm cảm xúc về những năm tháng ở chiến trường, đặc biệt là ở Y13, nơi bà đã cứu thương rất nhiều đồng chí, đồng đội.

 

Bà Huê chia sẻ: “Trong chiến tranh, gian khổ là thế, mình không hề sợ hãi, nao núng, về với đời thường, tôi cũng muốn cống hiến sức mình tiếp tục phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Khu phố 1, phường 4 có hơn 400 hộ dân. Những năm trên cương vị Bí thư chi bộ, bà luôn gương mẫu đi đầu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tổ chức họp bàn, triển khai nhiều biện pháp phù hợp để lãnh đạo khu phố ngày càng phát triển. Bà cùng khu phố vận động xóa được 2 nhà tạm cho phụ nữ nghèo trong khu phố; vận động nhiều mạnh thường quân hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

 

Với lối sống giản dị, gần gũi, nói đi đôi với làm, nữ bác sĩ về hưu, Bí thư chi bộ khu phố Huỳnh Thị Kim Huê được nhiều người tin tưởng, quý mến. Nhờ vậy, khu phố 1 luôn dẫn đầu toàn phường về các phong trào thi đua yêu nước; Chi bộ khu phố 1 đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh 11 năm liền; 2 năm giữ vững danh hiệu Khu phố văn hóa… Bây giờ thì bà Huê đã xin thôi các nhiệm vụ của chi bộ khu phố vì tuổi cao sức yếu, nhưng mỗi khi khu phố, trong xóm có việc là bà lại có mặt cùng góp ý kiến xây dựng và tham gia những việc mình có thể. Chị Lê Thị Lan, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 1, phường 4, nói: “Cô Huỳnh Thị Kim Huê khi còn là Bí thư chi bộ khu phố rất nhiệt tình, sâu sát với công việc của khu phố. Biết thêm về tiểu sử của cô, những người trẻ chúng tôi càng thêm kính phục. Cô là một bác sĩ giàu lòng nhân ái, một phụ nữ giàu nghị lực, tấm gương điển hình của người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến và cả thời bình…”

 

Ông Nguyễn Bằng Tín, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, kể lại một kỷ niệm: Tôi vào Bệnh xá Y13 với vết thương khá nặng. Hồi đó, các bệnh xá của ta ở chiến trường không có máy chụp X-quang, bác sĩ Kim Huê lấy một cái que ngoáy ngoáy vào vết thương của tôi để xem mảnh đạn nằm ở đâu, rồi chuẩn bị phẫu thuật. Khi bác sĩ Huê sắp tiến hành ca mổ, thì giặc nổ súng, sát gần bệnh xá. Vậy là bác sĩ, y tá cùng hơn chục bệnh nhân, dìu dắt nhau băng rừng, tránh giặc. May mà các nhân viên bệnh xá, ngoài một ít gạo, muối, đồ hộp mang theo, các cô còn mang đủ các dụng cụ y tế cần thiết và một số thuốc men, bông băng. Nhờ đó, vừa chạy giặc, mà vết thương của tôi vẫn được rửa sạch hàng ngày, thuốc tiêm, thuốc uống vẫn duy trì. Nhờ sự chăm sóc tận tình của thầy thuốc, nên sau một tuần dù băng rừng vượt suối vất vả, khi trở lại bệnh xá, vết thương của tôi đã kéo da non, lành lặn.

 

 

KIM CHI – KIM LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đi qua Hố Ếch
Thứ Năm, 03/03/2016 14:00 CH
Lão ngư can trường với đại dương
Thứ Bảy, 27/02/2016 08:30 SA
Ma Tin hiến đất xây trường
Thứ Sáu, 19/02/2016 09:53 SA
Một trinh sát nhiệt huyết với nghề
Thứ Bảy, 30/01/2016 10:00 SA
Bài cuối: Nỗ lực đi tìm tri thức
Thứ Bảy, 09/01/2016 13:00 CH
Bài 2: Viết lên cuộc sống
Thứ Sáu, 08/01/2016 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek