Thứ Hai, 14/10/2024 21:18 CH
Những người giữ biển đảo giữa phong ba
Kỳ cuối: Nghĩa tình đồng đội Trường Sa
Thứ Hai, 14/03/2016 10:39 SA

Các cựu binh Trường Sa trao quà cho gia đình liệt sĩ Phan Tấn Dư - Ảnh: L.PHONG

Những người lính đảo năm nào đã lau nước mắt và an ủi mẹ đồng đội: “Má đừng buồn, đừng khóc nữa! Má mất một người con nhưng rồi có thêm nhiều đứa con”. Gần 10 năm qua, các cựu chiến binh Trường Sa đã kết nối, sẻ chia giúp đỡ và động viên nhau vượt qua khó khăn. Anh hùng Nguyễn Văn Lanh xúc động: “Tôi thấy anh em rất quan tâm đến đồng đội của mình. Họ vẫn luôn giữ phẩm chất của người lính”.

 

“MÁ ƠI, ĐỪNG KHÓC NỮA…”

 

“Mong muốn của anh em bộ đội Trường Sa ở Phú Yên là sớm thành lập Hội Cựu chiến binh Trường Sa tại Phú Yên để tổ chức các hoạt động và thuận tiện hơn trong việc kết nối anh em đồng đội”, anh Huỳnh Bá Thoại, người lính công binh ở đảo Nam Yết năm nào, cho biết.

Vào một ngày cách đây hơn 10 năm, có một người đàn ông lạ mặt tập tễnh bước vào ngôi nhà quạnh quẽ của mẹ Lê Thị Niệm ở xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa), xin phép được thắp hương cho liệt sĩ Phan Tấn Dư. Đó chính là anh thương binh Trường Sa Nguyễn Văn Dũng, đến từ TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) - người đầu tiên trong số các cựu chiến binh Trường Sa kết nối với gia đình liệt sĩ Phan Tấn Dư. Chị Phan Thị Nhung, con gái mẹ Niệm, cho biết: “Anh Dũng là người tìm ra má. Bây giờ, má có rất nhiều con, ai cũng thương, cũng lo cho má”.

 

Con của mẹ Niệm là đông đảo cựu chiến binh Trường Sa - những người vẫn tụ họp về trong ngày giỗ anh Dư, vẫn đến thăm mẹ vào dịp lễ tết, lau nước mắt và giúp đỡ mẹ; những người vẫn kiên trì kết nối với đồng đội ở khắp nơi và đều đặn tổ chức họp mặt vào ngày 14/3 hàng năm, tưởng niệm 64 người lính hải quân đã anh dũng hy sinh trong trận Gạc Ma.

 

Buổi họp mặt đầu tiên được tổ chức vào đúng ngày giỗ của liệt sĩ Phan Tấn Dư; cựu chiến binh Trường Sa Nguyễn Hồng Trung, Đào Thái Thi, Nguyễn Thanh Hòa… là những người khởi xướng. Anh Thi kể rằng vào năm 2008, tròn 20 năm sau khi đồng đội ngã xuống trong trận chiến ngày 14/3/1988, các anh vô Nha Trang dự buổi gặp mặt cựu chiến binh Trường Sa ở Khánh Hòa. Thấy hoạt động này thật ý nghĩa, các anh bàn nhau tổ chức họp mặt đồng đội tại Phú Yên. Buổi họp mặt đầu tiên tuy không quy tụ đông người song vô cùng xúc động, diễn ra tại nhà anh Phan Tấn Dư - một trong hai người con Phú Yên đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển.

 

Từ đó đến nay, vào ngày 14/3, các cựu chiến binh Trường Sa lại gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Họ rưng rưng khi xem lại những thước phim tư liệu về trận chiến không cân sức ở Gạc Ma. Họ lắng lòng nhớ đồng đội đã ngã xuống, hòa máu đỏ vào đại dương bao la, vì biển đảo của Tổ quốc thiêng liêng.

 

Cuộc họp mặt được tổ chức luân phiên ở các địa phương trong tỉnh, bao giờ cũng có người thân của hai liệt sĩ và các cựu chiến binh Trường Sa ở Khánh Hòa. Tham dự buổi họp mặt vào ngày 14/3/2015, những người lính Trường Sa xúc động đến rơi nước mắt khi lần đầu tiên sau 27 năm, họ mới có dịp gặp lại anh Nguyễn Văn Lanh - người đã quấn cờ Tổ quốc vào thân mình trước khi ngã xuống trên đảo Gạc Ma. Đây cũng là lần đầu tiên sau 27 năm, họ gặp lại anh Lê Minh Thoa ở Bình Định và anh Lê Hữu Thảo ở Hà Tĩnh - những người lính Trường Sa từng vào sinh ra tử trong trận Gạc Ma. “Nói chuyện với anh Lanh và thấy ảnh phát biểu, tôi rất mừng. Hồi đó ảnh bị thương rất nặng, cứ tưởng khó qua khỏi”, cựu chiến binh Nguyễn Hùng Lâm chia sẻ cảm xúc khi gặp lại người anh hùng trở về từ Gạc Ma.

 

Cựu chiến binh Trường Sa Nguyễn Hùng Lâm kể chuyện - Ảnh: P.TRÀ

 

Gần 10 năm qua, những người lính trở về từ Trường Sa đã dành cho gia đình hai liệt sĩ Phan Tấn Dư, Trương Văn Thịnh tình cảm vô cùng ấm áp. Anh Huỳnh Văn Trông, thành viên Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trường Sa tại Phú Yên, cho biết: “Năm nào lính Trường Sa cũng đến thắp hương, dự đám giỗ hai liệt sĩ Phan Tấn đổi qua ngày. Hai người con trai đi làm ăn xa, rồi một người bị lao cột sống, phải phẫu thuật với chi phí điều trị lên đến hơn trăm triệu đồng. Khi được hỏi về cuộc sống hiện nay, anh Lâm nói: “Căng lắm! Nhưng hồi nhận nhiệm vụ ngoài đảo, khó khăn thiếu thốn như vậy mình còn vượt qua được, lẽ nào bây giờ mình lại chịu thua? Con người mà, lúc nào cũng có những giai đoạn thử thách để bước qua. Không bao giờ hết thử thách, cho đến khi mình nằm xuống”. Nói rồi anh mỉm cười, nụ cười tươi rói trên gương mặt sạm nắng gió của một người luôn tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

 

Anh Lâm giữ gìn cẩn thận những giấy tờ ghi dấu quãng thời gian làm lính pháo binh trên đảo Sinh Tồn, trong đó có lời nhận xét của Ban chỉ huy đảo: “… Xác định tốt nhiệm vụ bảo vệ đảo, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức tránh được phân công. Đạo đức tốt. Có thời gian công tác ở đảo là 38 tháng”.

 

Những tờ giấy hẩm, đã ngả màu, được anh nâng niu như kỷ vật quý giá. Những tờ giấy hẩm lưu giữ ký ức sống động về những ngày đêm trực chiến dưới giao thông hào; những lần cùng đồng đội thả lưới bắt cá cải thiện bữa ăn; những mùa nắng anh em san sẻ cho nhau từng lon nước ngọt; những mùa bão bời bời, con người càng có cảm giác nhỏ bé, chông chênh trước mịt mù đại dương…

 

Cựu chiến binh Trường Sa Lê Thành Sương cũng trân trọng giữ gìn huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” do Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân trao vào năm 2015, ghi nhận những đóng góp của anh vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong 3 năm làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Lớn. Huy hiệu được treo ở nơi trang trọng trong ngôi nhà nhỏ của gia đình anh ở thôn Ngọc Phước 1 (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa). Trước nhà là con hẻm rất hẹp, chỉ vừa đủ chiếc xe máy chật vật đi qua.

 

Trở về với đời thường, những người lính Trường Sa năm nào đối mặt với nhiều thử thách trong cuộc sống. Một số người thành công, khá giả song cũng có không ít người chật vật mưu sinh bằng đủ nghề: làm nông, chạy xe thồ, bốc vác… Thế nhưng họ vẫn nhiệt tình đóng góp và hàng năm, cựu chiến binh Trường Sa đều có món quà tình nghĩa dành tặng gia đình hai đồng đội đã hy sinh nơi biển thẳm, giúp đỡ những anh em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. “Ngày trước, anh em cùng một chiến hào, sống chết có nhau, coi nhau như người một nhà. Tình anh em đó chúng tôi giữ cho đến khi nhắm mắt”, anh Nguyễn Hùng Lâm nói.

 

Trong một lần đến Phú Yên dự buổi họp mặt cựu chiến binh Trường Sa, thiếu tá Nguyễn Văn Lanh - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, xúc động: “Tôi thấy anh em Trường Sa rất quan tâm đến đồng đội của mình. Họ vẫn giữ được phẩm chất của người lính Cụ Hồ”.

 

Gần 30 năm đã trôi qua kể từ sự kiện 14/3/1988. Những người lính đảo từng sát cánh bên nhau bảo vệ chủ quyền có chung mong ước: Được một lần trở lại Trường Sa, thả một vòng hoa tưởng niệm 64 đồng đội không bao giờ trở về. Trên biển thăm thẳm xanh, những đóa hoa như lời nhắn nhủ: Các anh hãy yên lòng! Lớp con cháu chúng ta luôn hướng về biển đảo và sẽ dùng máu của mình để bảo vệ biển đảo, bảo vệ biên cương của Tổ quốc thiêng liêng.

 

Theo anh Đào Thái Thi, thành viên Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trường Sa tại Phú Yên, chiều tối 14/3 năm nay, lính Trường Sa tổ chức họp mặt tại trại giống cạnh cầu Cháy ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa). “Ban Liên lạc đã mời các cựu chiến binh Trường Sa ở Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa và Ninh Thuận. Lính Trường Sa chúng tôi tổ chức họp mặt để tưởng nhớ đồng đội đã mất, và “tìm lại” anh em rải rác ở các nơi, sau bao nhiêu năm…”, anh Thi nói.

 

Ký sự dự thi của PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ 2: Dùng máu dựng cột mốc chủ quyền
Chủ Nhật, 13/03/2016 11:00 SA
Kỳ 1: Giữa muôn trùng sóng gió
Thứ Bảy, 12/03/2016 17:29 CH
Đi qua Hố Ếch
Thứ Năm, 03/03/2016 14:00 CH
Lão ngư can trường với đại dương
Thứ Bảy, 27/02/2016 08:30 SA
Ma Tin hiến đất xây trường
Thứ Sáu, 19/02/2016 09:53 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek