Thứ Hai, 14/10/2024 21:13 CH
Những người giữ biển đảo giữa phong ba:
Kỳ 2: Dùng máu dựng cột mốc chủ quyền
Chủ Nhật, 13/03/2016 11:00 SA

Người anh hùng trở về từ Gạc Ma Nguyễn Văn Lanh thắp hương cho liệt sĩ Trương Văn Thịnh trong ngày giỗ của anh. Người đứng phía sau là ông Trương Văn Cảnh - Ảnh: P.TRÀ

“… Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma/Anh đã lấy ngực mình làm lá chắn/Để một lần Tổ quốc được sinh ra/Máu các anh thấm vào lòng biển thẳm…”.

 

Con trai mẹ Lê Thị Niệm và con trai mẹ Nguyễn Thị Đảo, những thanh niên hiền lành, chất phác ra đi từ làng quê Phú Yên, đã hóa thành “cánh chim muôn dặm sóng”, tan vào biển thẳm quê hương khi cùng đồng đội bảo vệ chủ quyền.

 

“CỜ TỔ QUỐC PHẤT LÊN TRONG MƯA ĐẠN”

 

Sáng sớm 14/3/1988, như mọi ngày, tiếng kẻng báo thức vang lên trên đảo Sinh Tồn. Những người lính thức dậy tập thể dục. Nhưng rồi nếp sinh hoạt ấy bị phá vỡ khi từ đồi quan sát, trinh sát báo rằng ngoài biển có mục tiêu rất lạ. Lính đảo lập tức lên các điểm cao, dõi mắt ra khơi. Cựu chiến binh Trường Sa Nguyễn Hùng Lâm nhớ lại: “Tôi nghĩ Trung Quốc đem tàu cũ ra diễn tập, chớ không nghĩ là chúng sẽ bắn mình. Lúc đó trên biển, tôi thấy có hai chiếc tàu của ta”.

 

Đó là tàu HQ 604 do đại úy Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng và tàu HQ 505 do thiếu tá Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng, đã từ đảo Đá Lớn tiến về Gạc Ma, Cô Lin (cách đảo Sinh Tồn vài hải lý), tham gia chiến dịch bảo vệ chủ quyền. Trên hai chiếc tàu này có hai phân đội công binh thuộc Trung đoàn 83, 4 tổ chiến đấu thuộc Lữ đoàn 146, do trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng chỉ huy cùng 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn Đo đạc và biên vẽ bản đồ thuộc Bộ Tổng tham mưu. Tàu HQ 604 thả neo cách đảo chìm Gạc Ma khoảng 500m. Tối 13/4/1988, công binh đã vận chuyển vật liệu lên đảo để xây dựng công trình phòng thủ rồi rút về tàu, lực lượng chiến đấu cắm cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền và triển khai 4 tổ bảo vệ đảo.

 

Cách đảo Gạc Ma hơn 5 hải lý, tàu HQ 605 do đại úy Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng đã thả neo gần đảo Len Đao và cắm cờ Tổ quốc lên hòn đảo này vào mờ sáng ngày 14/3/1988.

 

Về phía quân Trung Quốc, theo các tư liệu lịch sử mà TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, có được: Sau khi chiếm giữ trái phép các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven và Xu Bi, nhằm thực hiện ý đồ thôn tính 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, từ đầu tháng 3/1988, chúng đã huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa. Từ 9-12 tàu chiến của quân Trung Quốc thường xuyên hoạt động tại đây. Đêm 13/3/1988, Trung Quốc điều thêm 2 tàu trang bị pháo 100mm đến khu vực đảo Gạc Ma. Khoảng 5 giờ sáng ngày 14/3/1988, chúng xua 40 quân đổ bộ lên đảo chìm, hung hăng giật cờ Tổ quốc của ta. Thiếu úy Trần Văn Phương lao vào giành lại cờ. Nhận lệnh từ chỉ huy, hơn 10 người lính trên tàu HQ 604 vật lộn với sóng lớn, bơi đến đảo Gạc Ma, quyết tâm giữ cờ, giữ đảo. Theo lời kể của thiếu tá - Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Lanh, khi đó là trung sĩ, tiểu đội trưởng công binh, lính Trung Quốc có súng AK gắn lưỡi lê. Chúng hung hăng ào lên. Những người lính công binh Việt Nam dùng xẻng, xà beng, cuốc chim… chống cự với bọn chúng. Quân Trung Quốc nổ súng. “Anh Trần Văn Phương trúng đạn, hy sinh. Tôi tiến lên cắm cờ lại và đánh nhau với chúng. Tôi đá bay khẩu súng của một tên lính Trung Quốc, bị chúng đâm vào bả vai. Rồi tôi trúng đạn. Tôi quấn lá cờ vào người trước khi ngã xuống…”, anh Nguyễn Văn Lanh kể lại cuộc đụng độ không cân sức trên đảo chìm Gạc Ma.

 

Có mặt trên tàu HQ 604 lúc đó, trung sĩ Lê Minh Thoa (quê ở Bình Định) nhìn thấy cảnh quân ta và quân Trung Quốc xáp lá cà trên đảo Gạc Ma và nghe tiếng súng của chúng. Ngay sau đó, tàu Trung Quốc cũng lập tức nã đạn vào tàu HQ 604. Anh Thoa vội lao đến buồng lái thì nơi này trúng đạn, bốc cháy. “Tôi chạy lên trên và thấy đạn bắn như mưa từ tàu Trung Quốc”, cựu chiến binh này nhớ lại.

 

Mẹ Lê Thị Niệm bật khóc khi kể về con trai thứ tư - liệt sĩ Phan Tấn Dư - Ảnh: P.TRÀ

 

Ở hướng đảo Len Đao, tàu HQ 605 bị pháo từ tàu Trung Quốc bắn chìm.

 

Từ đảo Sinh Tồn, trung sĩ pháo binh Nguyễn Hùng Lâm chứng kiến những giây phút cuối của tàu HQ 604 trước khi chìm vào đại dương cùng thi thể những người lính hải quân đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Anh cũng chứng kiến cảnh tàu HQ 505 quay mũi, lao thẳng lên bãi cạn, trở thành công sự kiên cường trấn giữ đảo Cô Lin.

 

Tiếng súng lắng xuống, anh Lâm cùng đồng đội trên đảo Sinh Tồn đi ca nô tìm kiếm anh em bị thương và thi thể đồng đội - những người đã trúng đạn trong khi đương đầu với quân Trung Quốc và những người bị chúng tàn sát dã man sau khi thoát khỏi con tàu đang bốc cháy, đang bập bềnh trên mặt biển.

 

“Thương binh thì đưa về trạm xá cứu chữa; thi thể anh em thì đưa vào nơi trước giờ vẫn dùng làm kho chứa gạo. Chúng tôi luân phiên trực chiến, hết ca thì thay nhau canh giữ thi thể đồng đội”, anh Lâm cho biết.

 

Hai ngày sau, anh Lâm hay tin: Trong số 64 người lính hải quân hy sinh trong trận Gạc Ma có một người bạn của mình: trung sĩ pháo binh Trương Văn Thịnh. Cùng với hơn 60 đồng đội, anh Thịnh và một người con Phú Yên khác là trung sĩ thông tin Phan Tấn Dư đã dùng máu dựng cột mốc chủ quyền Tổ quốc.

 

24 năm sau cuộc chiến trên đảo Gạc Ma, nhà báo - nhà thơ Nguyễn Việt Chiến công bố bài thơ “Tổ quốc ở Trường Sa” tưởng nhớ những người lính hải quân đã hy sinh khi bảo vệ biển đảo, trong đó có những câu khiến người đọc nghẹn lòng:

 

“… Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma

Anh đã lấy ngực mình làm lá chắn

Để một lần Tổ quốc được sinh ra

Máu các anh thấm vào lòng biển thẳm.

Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn

Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương

Anh đã lấy thân mình làm cột mốc

 Chặn quân thù trên biển đảo quê hương…”

 

20 NĂM THẮT LÒNG CHỜ CON

 

Thật khó để chấp nhận sự thật rằng đứa con trai hiền lành mà mình vô cùng thương yêu đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển! Trước khi tham gia chiến dịch bảo vệ chủ quyền, ngày 28 tháng Chạp, anh Trương Văn Thịnh (sinh năm 1966, quê ở Bình Kiến, nay là phường 9, TP Tuy Hòa) về phép thăm gia đình và thổ lộ với người anh trai Trương Văn Cảnh: “Còn mấy tháng nữa thì ra quân, em sẽ về làm nghề hớt tóc, phụ giúp gia đình”.

 

Khi tin dữ bay về ngôi nhà xao xác ở ngoại ô Tuy Hòa, cha mẹ anh Thịnh không tin đó là sự thật. “Ba tôi nghĩ rằng biết đâu Thịnh vẫn còn sống nên không cho gia đình cúng giỗ. Tôi lập bàn thờ ở nhà riêng, cúng tưởng em mình”, ông Cảnh nói rồi lặng đi.

 

Trong gia đình, ông Cảnh rất thương anh Thịnh. “Nó học chưa hết cấp 2 thì nghỉ, đi học nghề hớt tóc, nhường cho tôi học hết cấp 3. Cứ nghĩ đến chuyện đó là tôi càng thương nó”, anh trai thứ năm của liệt sĩ Trương Văn Thịnh thổ lộ, mắt ông đỏ hoe. Sau khi nhận giấy báo tử cho đến nay, vào ngày 25 tháng Giêng, ông Cảnh làm đám giỗ em mình.

 

Cha mẹ anh Thịnh cứ tựa vào niềm hy vọng “biết đâu con còn sống”. Và trong hàng chục năm trời, họ chờ đợi đứa con từ biển đảo trở về. “Cho đến năm 80 tuổi, cha tôi mới chấp nhận thực tế là Thịnh đã hy sinh. 6 năm sau thì ông mất”, ông Cảnh ngậm ngùi kể.

 

Chân yếu, mắt mờ, mẹ Nguyễn Thị Đảo nói rằng đêm trước ngày giỗ con trai, mẹ không sao ngủ được. “Cái thằng hiền lành, thiệt thà. Tôi thường nằm mơ thấy nó về đem theo trứng hải âu cho tôi, y như hồi nó còn sống”, người mẹ 87 tuổi của liệt sĩ Trương Văn Thịnh rưng rưng nước mắt.

 

*

 

Thi thoảng, mẹ Lê Thị Niệm mới lần giở lại những tấm ảnh đã ngả màu của con trai thứ tư - liệt sĩ Phan Tấn Dư, bởi mỗi lần nhìn ảnh con là thêm một lần mẹ trào nước mắt. “Nó hiền khô, chưa làm mích lòng ai bao giờ - người mẹ gần 90 tuổi khóc nghẹn - Tết năm 1988, nó về phép, nói sau tết sẽ ra đảo. Nó nói má đừng lo, công tác xong thì con về”. Mẹ Niệm đã nén nỗi lo, chờ thư con. Rồi cả nhà bàng hoàng khi hay tin anh Dư hy sinh. Rồi giấy báo tử run rẩy đến. Ai nói gì thì nói, mẹ Niệm vẫn buốt lòng hy vọng, vẫn chờ đứa con từ biển thẳm trở về. “Người ta nói con tui hy sinh. Người ta làm lễ truy điệu, nhưng tui nghĩ chắc nó còn sống. Không nhìn thấy xác nó, tui không tin!”, mẹ trung sĩ Phan Tấn Dư bật khóc.

 

Mẹ Niệm có đến 12 người con. Mỗi đứa con như một khúc ruột, mất một người đau thấu tâm can. Trớ trêu thay, đầu bạc cứ phải tiễn đầu xanh, bệnh tật đã cướp đi 4 người con của mẹ. Đứa con thứ tư thì ra đảo rồi mãi mãi không về. Chị Phan Thị Nhung, con kề út của mẹ Niệm, kể: “Má vẫn hy vọng anh Dư còn sống. Người ta gửi đồ đạc của anh về, má cất rất kỹ. Má nói biết đâu thằng Dư còn sống. Đồ đạc của nó, má cất cho nó”.

 

Lối vào ngôi nhà quạnh quẽ của mẹ Niệm ở thôn Mỹ Thạnh Nam (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) có hai hàng hoa chiều tím. Những cánh hoa mỏng, tím đến nhức lòng, như dằng dặc đợi chờ của mẹ! 5 năm. 10 năm. 15 năm. 20 năm trôi qua. Thời gian xối trắng mái tóc, thời gian trĩu nặng trên tấm lưng còng, người mẹ của liệt sĩ Phan Tấn Dư tựa vào niềm hy vọng mong manh như ngọn đèn trước gió để mà sống. Rồi niềm hy vọng đó cạn dần. Khoảng 6 năm trước, trong một lần về thăm, đồng đội của anh Dư nói với mẹ Niệm: “Không còn hy vọng nữa đâu, má ơi! Dư không còn sống nữa đâu…”. Mẹ khóc nghẹn rồi đem balô, đồ đạc của anh Dư ra đốt.

 

Con trai mẹ Niệm và con trai mẹ Đảo, những thanh niên hiền lành, chất phác ra đi từ làng quê Phú Yên, đã hóa thành “cánh chim muôn dặm sóng”, đã tan vào biển thẳm quê hương khi cùng đồng đội bảo vệ chủ quyền.

 

Kỳ cuối: Nghĩa tình đồng đội Trường Sa

 

Ký sự dự thi của PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ 1: Giữa muôn trùng sóng gió
Thứ Bảy, 12/03/2016 17:29 CH
Đi qua Hố Ếch
Thứ Năm, 03/03/2016 14:00 CH
Lão ngư can trường với đại dương
Thứ Bảy, 27/02/2016 08:30 SA
Ma Tin hiến đất xây trường
Thứ Sáu, 19/02/2016 09:53 SA
Một trinh sát nhiệt huyết với nghề
Thứ Bảy, 30/01/2016 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek