Thứ Hai, 14/10/2024 23:26 CH
Đi qua Hố Ếch
Thứ Năm, 03/03/2016 14:00 CH

Xóm Hố Ếch thuộc thôn Phú Sơn, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), chạy dọc theo bờ sông Cái (sông Kỳ Lộ). Trước đây, người dân vùng này sinh sống ở xóm Thác Dài, bên kia sông Cái, một vùng đất hẻo lánh nhưng là cơ sở cách mạng kiên trung. Cách đây 10 năm, địa phương di dời xóm nhà qua bên này Hố Ếch. Cuộc sống của người dân ở thượng nguồn dòng sông thắt chặt tình làng nghĩa xóm, thấm đượm tình quê.

 

Bà Nguyễn Thị Sáu ở xóm Hố Ếch trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên về bến nước Thác Dài - Ảnh: H.NAM

 

Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, cho biết: Thác Dài trước kia là vùng căn cứ cách mạng, lịch sử đảng bộ xã vẫn còn ghi lại. Vùng đất đó hẻo lánh, cách trở nên địa phương di dời dân qua sinh sống ở Hố Ếch. Khu dân cư mới này, ngoài điện còn có trạm cấp nước sinh hoạt được đầu tư đưa về tận nơi. Người dân ở đây rất cần cù, chuyên nuôi bò, trồng sắn, mía phát triển kinh tế hộ gia đình.

TỪ THÁC DÀI QUA HỐ ẾCH

 

Chúng tôi được anh Trần Văn Hiên, một người dân địa phương chống sõng câu (một loại xuồng nhỏ) đi dọc theo dòng sông Cái, đoạn dòng sông chảy qua các xã Xuân Quang 1, Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) để tìm hiểu ngọn ngành tên gọi các thác nước. Trên chuyến đi, anh Hiên giải thích, thác Dài nằm dưới thác Rọ Heo (xã Xuân Quang 1) và trên thác Lỗ Cá (xã Xuân Quang 2). Sở dĩ, người dân quanh vùng đặt tên thác Dài là vì so với các dòng thác khác thì thác nước này chảy dài nhất sông Cái. “Cách đây hơn 10 năm, bên kia thác Dài có xóm nhà nên người dân quanh vùng gọi “trụm” luôn là xóm Thác Dài”, anh Hiên nói.

 

Anh Hiên giải thích thêm, lúc đó trong xóm có gần 40 ngôi nhà. Hàng ngày, người dân trong xóm bước ra khỏi nhà qua bên kia đường lộ phải lội qua bến nước trên đầu thác Dài. Mùa hè nước sông cạn; còn mùa mưa lụt, dòng sông nước lênh láng không một phương tiện nào qua sông được, người dân xóm Thác Dài “kẹt cứng” một chỗ. Tuy nhiên, nước sông đầu nguồn là nước “khách” (lớn nhanh cũng rọt nhanh), mỗi đợt lụt, nước sông chảy lênh láng kéo dài 3-4 ngày. Còn Hố Ếch bên này sông chỉ là động rừng hoang vắng, không có nhà ở. Sau khi tuyến đường La Hai đi Đồng Hội (xã Xuân Quang 1) mở rộng, thông tuyến, địa phương di dời xóm Thác Dài qua Hố Ếch (cạnh tuyến đường La Hai đi Đồng Hội) để người dân tiện đi lại.

 

Chúng tôi vào nhà bà Nguyễn Thị Sáu (77 tuổi) ở Hố Ếch, sau một hồi hỏi về những năm tháng sống ở Thác Dài, bà nhớ lại: Hồi ở bên xóm Thác Dài hẻo lánh, “tréo” đường vậy mà có nhiều khách vãng lai đến ở nhờ. Đó là những người ở làng nghề thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) lên trên này chặt mò o (một loại cây giống cây lồ ô nhưng nhỏ hơn) thả bè về đan ky giỏ, rổ rá. Thường một tốp từ 5-7 người lên bến nước đầu thác Dài ở lại 2 đêm 3 ngày, ban ngày vào rừng chặt mò o còn ban đêm họ ngủ trên bãi cát cạnh bờ sông. Mùa nắng có những buổi tối mưa dông, họ “đùm túm” vào xóm nhà ngủ nhờ ở hàng ba, phòng khách. Một tháng có 5-6 tốp người, tính ra 1 năm trên trăm lượt người trú ngụ ở Thác Dài.

 

Bà Sáu còn kể, đi làm ăn cũng có lúc gặp trục trặc, có người dỡ theo chai nước mắm do lỡ tay làm đổ xuống bãi cát nên họ vào xóm xin đỡ chén nước mắm, con cá mặn làm thức ăn; có người hết gạo nửa chừng vào xóm mượn gạo nấu. Xóm nhà hồi đó hầu hết là nhà tranh vách đất nhưng đong đầy tình cảm. Còn trong chiến tranh, xóm nhà Thác Dài chạy viền ở sát chân núi, trổ cửa hậu phía sau, tối mang gạo, muối thức ăn ra sau hè cất giấu trong gốc cây, để tối cách mạng từ trên núi xuống lấy. Thời chiến tranh, nhiều nam, nữ trong thôn thoát ly làm cách mạng. Trong thôn còn lại người già, trẻ em bám trụ sản xuất, cày đất trồng lúa, đồng thời cũng là những cơ sở cách mạng kiên trung.

 

Qua tận xóm Thác Dài, chúng tôi vào thăm trang trại của ông Đoàn Văn Sô. Khi nghe chúng tôi hỏi thăm cuộc sống của người dân trước đây ở vùng này, ông ngồi bệt xuống đất, rót nước trà mời khách uống, trầm ngâm kể: Sau ngày đất nước giải phóng, vùng này mía bạt ngàn. Mía Thác Dài cũng nổi tiếng một thời, đến mùa thu hoạch, công lao động các nơi đến làm thuê; nhiều nhà “nuôi” 10 công làm mía, tập trung thu hoạch mía gần cả tháng trời. Mỗi vụ mía, trung bình một nhà trên chục phuy đường đen (đường trầm) để bên chái hè. Thời đó, người dân bán mỗi phuy đường sắm một chỉ vàng. Còn trồng sắn, đến mùa thu hoạch nhà nào cũng có bồ cuốn sắn miếng (sắn xắt lát) trước hàng ba. Làm ăn mau khá giả, nhiều cặp vợ chồng trẻ mới ra riêng đã cất cặp nhà xây.

 

Tuy nhiên hồi đó, cái khổ ở đây là muốn đi chợ La Hai phải đi từ chiều hôm trước, tối ngủ lại nhà người quen gần chợ, sáng bán hàng mua thức ăn xong về đến nhà đã nửa buổi chiều. Xóm nhà nằm tách biệt bên kia sông, ở đây không có chợ phiên bán “hàng nằm” mà hàng ngày mua lại thức ăn từ người bán chợ di động. Mỗi đợt mưa to, nước sông lên cao, chợ di động không thể sang sông, nên trước những đợt lũ lụt tràn về, cả xóm đi chợ mua thức ăn để dự trữ trong nhà, ăn qua 3 tháng mùa mưa.

 

Qua định cư xóm Hố Ếch, cuộc sống “sướng” hơn. Chợ Đồng Tranh họp tại trung tâm xã, đi xe 10 phút là đến nơi, mua được thức ăn tươi sống hàng ngày chứ không phải hâm đi hâm lại như hồi còn ở bên Thác Dài. Tuy qua ở bên Hố Ếch nhưng người dân vẫn không “rời khỏi” Thác Dài. Khi dời nhà, tài sản còn lại là đất sản xuất và nền nhà cũ. Vì thế cứ năm mười bữa hoặc nửa tháng, họ lại qua Thác Dài thăm và chăm sóc mía, sắn. Người dân ở đây sống một cảnh mà hai quê.

 

Lắp đặt loa phát thanh để đưa tiếng nói của Đảng, Nhà nước về Hố Ếch - Ảnh: M.H.NAM

 

NGHĨA TÌNH HỐ ẾCH

 

Hố Ếch cũng thuộc diện vùng sâu vùng xa nhưng nhà ở sát mặt đường. Xóm nhà dựa lưng vào vách núi ngửa mặt về xóm Thác Dài cách nhau dòng sông Cái. Xóm nhà ở Hố Ếch sống quây quần bên nhau, có chén canh con cá mọi người cũng bưng qua cho nhau, tình làng nghĩa xóm luôn thắt chặt. Anh Trần Văn Bình tối bơi sõng câu ra sông Cái ngay bến Thác Dài thả lưới bắt cá lúi, cá diếc để chiều nay nấu canh lá dang đãi khách. Nồi canh chín, chị Bùi Thị Nhung, vợ anh Bình, bảo đứa con gái múc một tô bưng cho cụ Ba Đóng - một cụ già hàng xóm sống một mình. “Xóm làng là vậy, có chén canh con cá bưng qua cho nhau, tình làng nghĩa xóm mặn nồng”, chị Nhung giãi bày.

 

Chị Nhung là cư dân ở xa về làm dâu Hố Ếch, nhưng có ơn nghĩa “dây mơ rễ má” từ xóm Thác Dài. Chị Nhung kể, quê chị ở làng nghề đan rổ, rá thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3). Cách đây trên 10 năm, ba chị đi chặt mò o trên Thác Dài rồi quen biết với gia đình chồng chị bây giờ. Bẵng một thời gian, ba chị không đi chặt mò o trên này nữa, dịp tết cách đây 3 năm, chồng chị từ Hố Ếch xuống nhà ghé thăm, từ đó hai người biết nhau rồi yêu nhau… Chỗ ơn nghĩa, ba chị cũng không muốn chị yêu ai ngoài chồng chị bây giờ. Sau một thời gian làm ăn tích lũy, vợ chồng chị xây nhà. Dịp tết vừa qua, ba chị đến thăm vui mừng nói: “Nghe con xây nhà mới nên ba lên “dòm” thử ra sao. Thấy con làm ăn phát đạt, ba mừng lắm!”.

 

Chị Nhung cho biết: Người dân ở đây rất cần cù lao động, chịu thương chịu khó, vươn lên trong cuộc sống. Hàng năm, cứ đến tết, người dân trong xóm tập hợp lại, đến thăm từng nhà, chúc mừng nhau và cùng chung vui ly rượu rồi bàn tán chuyện đồng áng. Ở nơi heo hút này, để có món dọn ngày tết, mười nhà như chục đều có gà vịt nuôi sẵn trong nhà, khách ở xa về có món đãi. Gà thả vườn ai cũng khen ngon. Tết ở đây thật đơn giản nhưng cũng thật đậm đà tình quê. Ngoài tổ chức vui chơi ăn uống, trên bàn thờ nhà nào cũng cúng tổ tiên cầu mong mưa thuận gió hòa, gia đình nào cũng làm ăn phát đạt. Người dân ở đây vẫn chưa quên đợt lũ lịch sử đầu tháng 11/2009 cuốn trôi 18 người dân xóm Trường, thôn Triêm Đức (kề phía dưới thôn Phú Sơn). Trận lũ lịch sử đó, nhiều đám đất canh tác gần triền núi bị lũ “nạo” hết lớp đất mặt, nhiều người sau lũ mất trắng diện tích đất sản xuất. Sau lũ, người dân ra sức gánh đất, cát cải tạo đất rồi chuyển sang mô hình trồng cỏ voi nuôi bò. Xóm Hố Ếch mười nhà như chục đều nuôi bò, đất gần sông có nước tưới nên cỏ xanh tốt quanh năm, bò con nào con nấy béo tốt.

 

Anh Trần Văn Bình chia sẻ thêm: Người dân xóm Hố Ếch nghĩa tình lắm. Nhà nào có chuyện vui hoặc buồn thì cả xóm cùng đến chia sẻ, giúp đỡ. Trong công việc đồng áng, các gia đình thường trao đổi, bàn bạc với nhau, cùng giúp đỡ nhau để phát triển. Xóm tuy nghèo nhưng ấm tình làng nghĩa xóm.

 

Xóm nhà ở Thác Dài bây giờ chỉ còn trong ký ức của bao người nhưng thác Dài trên sông Cái còn đó. Dòng chảy sông Cái đã tạo thành một sợi dây vô hình, gắn kết tình thân ái giữa những người dân trong xóm Hố Ếch cũng như lúc ở Thác Dài với nhau. Sáng sớm và chiều tối, xóm Hố Ếch rộn ràng bởi tiếng loa phát thanh do địa phương lắp đặt để đưa tiếng nói của Đảng, Nhà nước về xóm Hố Ếch.

 

MẠNH HOÀI NAM - KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lão ngư can trường với đại dương
Thứ Bảy, 27/02/2016 08:30 SA
Ma Tin hiến đất xây trường
Thứ Sáu, 19/02/2016 09:53 SA
Một trinh sát nhiệt huyết với nghề
Thứ Bảy, 30/01/2016 10:00 SA
Bài cuối: Nỗ lực đi tìm tri thức
Thứ Bảy, 09/01/2016 13:00 CH
Bài 2: Viết lên cuộc sống
Thứ Sáu, 08/01/2016 14:00 CH
Bài 1: “Tôi không là gánh nặng...”
Thứ Năm, 07/01/2016 08:46 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek