Thứ Hai, 14/10/2024 23:25 CH
Ma Tin hiến đất xây trường
Thứ Sáu, 19/02/2016 09:53 SA

Ma Tin cùng vợ và cháu trai bên điểm trường mầm non buôn Thu được xây trên mảnh đất do gia đình ông hiến tặng

Nhà nghèo, cả gia đình 9 người gồm vợ chồng, con cháu, dâu rể vẫn phải sống chung một nhà nhưng Ma Tin ở buôn Thu, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa, vẫn quyết định hiến 900m2 đất thổ cư để xây điểm trường mầm non cho trẻ em trong buôn. Ở vào hoàn cảnh của Ma Tin, hiếm người làm được như thế.

 

NHÀ NGHÈO VẪN HIẾN ĐẤT

 

Lúc chúng tôi đến nhà Ma Tin, ông cùng những người thợ đào giếng đang nghỉ ngơi sau hơn một giờ đồng hồ làm việc cật lực. Ông cho biết: “Hơn chục năm nay, vợ và con gái mình vẫn ngày ngày thay phiên nhau đi xách nước ở giếng của nhà người quen ở cách xa gần một cây số. Biết vợ con vất vả nhưng mấy năm nay nhà mình làm lụng chỉ đủ ăn, không dư dả gì nên không dám bỏ tiền ra đào giếng”. Lâu nay, với hơn 2ha đất trồng mè, mỗi năm gia đình Ma Tin thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Số tiền này không thấm vào đâu vì cả nhà Ma Tin gồm vợ chồng, con cháu, dâu rể có đến 9 miệng ăn. Ngoài canh tác trên mảnh đất của mình, Ma Tin cùng mọi người trong nhà còn làm thuê cho những người khác trong buôn. Cuộc sống khó khăn nên mới đây, gia đình Ma Tin mới gom đủ tiền để thuê người đào giếng lấy nước cho cả nhà dùng.

 

Điều kiện kinh tế chật vật như thế nhưng điều đáng quý là Ma Tin sẵn sàng hiến 900m2 đất thổ cư cách nhà khoảng 100m để Nhà nước xây điểm trường mầm non buôn Thu. Chia sẻ về điều này, Ma Tin nói giản dị: “Mình có 3 đứa con gái và một đứa con trai. Đời mình đã vất vả vì thiếu chữ, đời con mình cũng vất vả vì không đủ chữ, nên mình không thể để cháu mình lặp lại cái vòng lẩn quẩn đó”.

 

Cái vòng lẩn quẩn mà Ma Tin nói là đói nghèo, lạc hậu dẫn đến thiếu tri thức, và vì không được tiếp cận với cái chữ nên con em đồng bào cứ lớn lên như cái cây, ngọn cỏ trong làng, rồi như cha mẹ, chúng cũng lại đi làm thuê làm mướn, lại đói nghèo triền miên. Cũng chả trách được vì ai đến buôn Thu cách đây hơn chục năm sẽ thấy khác lắm. Buôn Thu nằm cách trung tâm xã Krông Pa gần 1,5km về hướng tây, giáp cầu Cà Lúi; là ranh giới giữa xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa (Gia Lai) và xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa. Bà con trong buôn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số với thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp nên rất bấp bênh. Đời sống kinh tế khó khăn, lo cái ăn đã khó huống chi chuyện học hành. Là người con của buôn làng, hơn ai hết, Ma Tin hiểu rõ những khó khăn, thiếu thốn của người dân, nhất là trong việc tiếp cận với tri thức để từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống…

 

ĐỂ CON CHÁU CÓ NƠI HỌC HÀNH

 

Theo Ma Tin, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ cho địa phương nói chung, buôn Thu nói riêng nên đời sống của người dân buôn Thu dần được cải thiện. Tuy nhiên, đến tận năm 2012, buôn Thu vẫn chưa có điểm trường mầm non cho các cháu đi học mà phải mượn nhà rông văn hóa buôn Thu để các cháu học tạm. Thế nhưng, cơ sở vật chất của nhà rông văn hóa buôn không đảm bảo cho việc học mầm non. Các cô giáo không thể trang trí nhà văn hóa buôn thành một phòng học như yêu cầu của ngành Giáo dục; vật dụng, đồ chơi cho trẻ thì thiếu thốn. Mỗi lần đi học, các cháu phải bước lên bậc thang cao mới vào được lớp nên phụ huynh không mấy yên tâm. Chưa kể mỗi lần các cơ quan đoàn thể có việc họp buôn hoặc cần nơi để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước thì các cháu lại phải nghỉ học. Nếu muốn học trường mầm non đầy đủ cơ sở, vật chất, con em buôn Thu phải đi một đoạn đường rất xa đến tận trường chính ở trung tâm xã. “Trường xa mà các em lại quánhỏ, trong khi lưu lượng xe qua lại trên tuyến quốc lộ 25 thì đông đúc nên học sinh mầm non không thể tự đi bộ đến trường. Thêm vào đó, cha mẹ các em phải đi làm rẫy từ sớm nên cũng không thể đưa đón con đi học. Vì khó khăn này mà những năm trước đây, việc vận động phụ huynh đồng bào dân tộc thiểu số đưa con trong độ tuổi mầm non đến trường gặp nhiều khó khăn. Các cô giáo phải đến từng nhà tuyên truyền, vận động, thậm chí là năn nỉ nhưng nhiều cha mẹ vẫn không muốn cho con đến lớp”, cô Nguyễn Thị Như Quỳnh, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Krông Pa, tâm sự.

 

Qua tuyên truyền của chi bộ, ban nhân dân thôn, chính quyền địa phương và các hội đoàn thể xã, Ma Tin biết Nhà nước có chủ trương xây dựng điểm trường mầm non tại buôn Thu, nhưng chưa thể triển khai vì quỹ đất dự phòng của xã không có, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân lại càng không. Thấu hiểu những khó khăn của bà con trong buôn làng và mong muốn con cháu được đi học dễ dàng, thuận lợi, không phải theo cha mẹ đi làm rẫy khổ cực, Ma Tin đã bàn với gia đình rồi quyết định hiến 900m2 đất thổ cư để Nhà nước xây trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu trong độ tuổi mầm non được đến trường ngay tại buôn của mình.

 

“Ban đầu, khi biết mình hiến đất xây trường, nhiều người trong buôn bảo mình “khùng” vì trên mảnh đất đó, gia đình mình đang trồng mè, trồng sắn, thu nhập mỗi năm cả chục triệu đồng. Chưa kể, nếu bán đất đi, mình có thể kiếm cả trăm triệu đồng. Dù biết việc hiến đất sẽ ảnh hưởng đến kinh tế trước mắt và sau này khi các con của mình lớn lên, lập gia đình sẽ không đủ đất để ở nhưng vì tương lai chung của con em đồng bào trong buôn làng, mình quyết định hiến đất mà không hề đòi hỏi chính quyền xã, huyện hỗ trợ tiền đền bù. Mình chỉ mong các cấp lãnh đạo quan tâm tạo điều kiện đưa giáo viên về buôn để dạy cho các cháu nhỏ tiếng phổ thông, những bài hát hay, dạy các cháu biết lễ phép, yêu thương ông bà, cha mẹ để các cháu nên người, mai sau góp sức xây dựng quê hương”, Ma Tin bộc bạch.

 

Trên mảnh đất 900m2 mà gia đình Ma Tin hiến tặng, một tổ chức phi chính phủ của Pháp thông qua Hội Chữ thập đỏ huyện Sơn Hòa đã hỗ trợ kinh phí xây dựng điểm trường mầm non buôn Thu. Theo cô Quỳnh, từ ngày có trường, các gia đình trong buôn Thu quan tâm nhiều hơn đến việc học hành của con em mình. Ý thức được tầm quan trọng của việc học, họ chủ động đưa con đến lớp, thường xuyên hỏi thăm cô giáo về tình hình học tập của con; nhờ vậy, việc huy động trẻ trong độ tuổi đến trường không còn khó khăn như trước. Ông Rơ Ô Khí có cháu học tại điểm trường mầm non buôn Thu, chia sẻ: “Nhờ Ma Tin hiến đất xây trường mà cháu mình có nơi học hành đàng hoàng, không phải đi xa như trước, mình thấy ưng cái bụng lắm”.

 

Ma Tin tranh thủ thời gian rảnh, đi tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước cho người dân trong buôn

 

LÀ NGƯỜI GƯƠNG MẪU TRONG BUÔN

 

Những ai tiếp xúc với Ma Tin đều ấn tượng với nụ cười hiền và đôi mắt đôn hậu của ông. Nụ cười và ánh mắt ấy khiến người đối diện có cảm giác tin cậy, thân thiện. Có lẽ vì vậy mà khi Ma Tin vận động bà con trong buôn đoàn kết yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ai nấy cũng tin và nghe theo.

 

Hàng ngày, ngoài thời gian đi rẫy, Ma Tin còn tranh thủ những lúc rảnh rỗi, đến từng gia đình trong buôn vận động bà con chí thú làm ăn, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nhất là vận động bà con hưởng ứng mạnh mẽ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nghe và tin lời Ma Tin, người dân buôn Thu đã từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, không cúng bái ma chay, không mê tín dị đoan, khi ốm đau, sinh đẻ thì đến trạm y tế; không được tảo hôn, trước khi lấy vợ lấy chồng phải đăng ký kết hôn; luôn phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số… Mí Thon ở buôn Thu, chia sẻ: “Cách đây mấy năm, nhờ Ma Tin hàng ngày đến nhà tuyên truyền mà chồng mình hiểu chuyện, không ép mình phải sinh thêm con. Đến nay, hai con mình lớn lên khỏe mạnh, vợ chồng chăm lo làm ăn, có điều kiện cho con học hành chứ không phải vất vả như nhiều nhà đông con khác”.

 

“Cả nhà mình đã nỗ lực, cố gắng làm kinh tế mới có được cuộc sống như ngày hôm nay nên mình thấy ưng cái bụng lắm. Nhà mình không giàu có nhưng vẫn đủ ăn hàng ngày và còn đỡ khó khăn hơn rất nhiều người khác trong buôn. Cái tay mình còn khỏe, cái chân mình còn đi bộ đến khi mặt trời xế bóng thì mình còn làm được việc, nuôi sống được gia đình”, Ma Tin cười hiền tâm sự.

 

Cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng điểm trường mầm non buôn Thu

 

Điểm trường mầm non buôn Thu hôm nay dù mới có một phòng học nhưng được xây dựng khang trang, trang bị đầy đủ vật dụng, đồ chơi, đáp ứng nhu cầu học tập của hơn 20 trẻ em trong buôn. Điều đáng tiếc là xung quanh điểm trường này hiện vẫn là khu đất trống, tiếp giáp với quốc lộ 25; sân trường vẫn còn lởm chởm đất đá, cỏ dại mọc đầy. Mỗi khi đưa cháu là Ksor Y Thôi đi học, Ma Tin luôn dặn cháu phải đi đứng cẩn thận, không chạy nhảy trước sân kẻo bị té ngã. “Tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục đầu tư xây tường rào xung quanh trường mầm non và tráng sân xi măng để các cháu học hành, vui chơi an toàn, tránh chạy nhảy ra quốc lộ vì lưu lượng xe tải, xe khách qua lại khu vực này là rất lớn”, Ma Tin nói.

 

 

LÊ HẢO

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Một trinh sát nhiệt huyết với nghề
Thứ Bảy, 30/01/2016 10:00 SA
Bài cuối: Nỗ lực đi tìm tri thức
Thứ Bảy, 09/01/2016 13:00 CH
Bài 2: Viết lên cuộc sống
Thứ Sáu, 08/01/2016 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek