Thứ Năm, 28/11/2024 18:01 CH
Đồng chí Nguyễn Bá Lộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên:
Lũ lớn gây bất ngờ là do dự báo lượng mưa thiếu chính xác
Thứ Năm, 12/11/2009 10:00 SA

Không có quy chế điều tiết lũ liên hồ thủy điện, sự yếu kém trong công tác quan trắc và dự báo mưa, tình trạng nhiều diện tích rừng bị tàn phá là các nguyên nhân chính gây lũ lịch sử tại Phú Yên. Đó là nhận định của đồng chí Nguyễn Bá Lộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên chiều qua, 11/11.

 

sbh-xa-lu091112.jpg

Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ trong đợt lũ lụt vừa qua - Ảnh: N.CƯỜNG

 

* Thưa đồng chí, những ngày qua, dư luận đặt vấn đề chính việc xả lũ liên tục với lưu lượng lớn của hồ thủy điện Sông Ba Hạ khiến vùng hạ lưu tỉnh Phú Yên gồm TP Tuy Hòa và các huyện phía nam của tỉnh bị ngập lụt nặng. Đồng chí  nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

 

- Hiện nay, trên bậc thang sông Ba được xây dựng khá nhiều thủy điện, tất cả đều tích nước hồ trên lòng sông. Nhiệm vụ của hồ thủy điện là tích nước sản xuất điện, đồng thời điều tiết nước sản xuất và tham gia cắt lũ cho hạ du. Tuy nhiên, nếu mực nước hồ chứa vượt quá quy định cho phép thì buộc phải xả lũ, vì nếu không tai họa sẽ rất lớn. Song, điều bất cập là hiện nay nước ta chưa xây dựng được quy chế về điều tiết xả lũ liên hồ thủy điện, dẫn đến tình trạng “chủ” mỗi hồ tự tích nước nhằm “thủ” lượng nước đảm bảo cho việc phát điện, đến khi nước trong hồ vượt mức báo động thì mạnh ai nấy xả, xả đồng thời, khiến vùng hạ du lãnh đủ. Cơn lũ vừa qua, vì nằm ở cuối nguồn nên hồ thủy điện Sông Ba Hạ trên địa bàn Phú Yên phải hứng chịu lượng nước xả lũ lớn của các hồ thủy điện khác phía trên. Điều tất yếu là Thủy điện Sông Ba Hạ phải xả lũ với lưu lượng lớn. Tỉnh Phú Yên dù thực hiện đúng quy chế, quy trình xả lũ của hồ Thủy điện Sông Ba Hạ, song việc TP Tuy Hòa và các huyện phía nam tỉnh bị ngập lụt là không thể tránh khỏi. Qua đợt lũ lụt vừa rồi, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng quy chế xả lũ liên hồ thủy điện, thành lập ban chỉ đạo liên tỉnh, liên hồ. Lượng mưa lớn, nước hồ chứa vượt báo động là phải xả lũ, nhưng xả vào thời điểm nào, điều tiết thế nào là hết sức quan trọng, nên chính Chính phủ phải thực hiện điều này.

 

Điều đáng quan tâm nữa là công tác dự báo về lượng mưa của chúng ta chưa tốt. Các trạm quan trắc thủy văn của chúng ta phân bố thưa thớt nên dự báo thiếu chính xác. Trong đợt lũ vừa rồi, lượng mưa ở thượng nguồn lên đến 601mm, trong khi các trạm quan trắc đặt trên địa bàn Phú Yên chỉ dự báo lượng mưa khoảng 100-150mm. Tất cả đều “mù” về lượng mưa. Giá như chúng ta dự báo được lượng mưa sớm chừng một ngày, thì các hồ thủy điện trên sông Ba đâu tích nước nhiều làm gì để rồi sau đó ồ ạt xả, dẫn đến lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng như vậy.

 

* Trong đợt lũ vừa rồi, ba địa phương phía bắc tỉnh Phú Yên là Đồng Xuân, Tuy An, Sông Cầu bị thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt là số người chết do lũ quá lớn. Nhiều người dân vùng lũ cho rằng việc phá rừng, trong đó có việc một số doanh nghiệp “phát dọn thực bì” để trồng rừng kinh tế, góp phần khiến lũ hung tợn hơn, gây thiệt hại khủng khiếp hơn. Đồng chí nghĩ thế nào?

 

- Phản ánh của người dân là đúng! Mình cứ hình dung khi đổ một xô nước lên mái tole so với khi đổ lên mái rạ thì dòng nước nào chảy mạnh, chảy nhanh hơn, thì đợt lũ vừa rồi cũng tương tự vậy. Rừng bị phá góp phần khiến lũ lụt nghiêm trọng hơn, gây thiệt hại nặng nề hơn.

 

Tuy nhiên, nguyên nhân chính yếu như tôi đã nói trên là do công tác dự báo thủy văn, lượng mưa của chúng ta chưa tốt, dẫn đến bất ngờ. Phương án phòng tránh bão số 11 và lũ lụt, triều cường được Phú Yên xây dựng từ xã đến huyện rồi đến tỉnh. Những nơi xung yếu hay sạt lở đất, triều cường, lũ lụt lâu nay đã được tỉnh chủ động sơ tán dân, nên không có người nào ở những vùng này chết. Trong khi những nơi có nhiều người chết nhất trong đợt lũ khủng khiếp vừa qua lại là những địa phương hàng chục năm nay hầu như không có lụt, nếu có thì cũng không lớn. Lần này thì ở những địa phương đó bất ngờ có lũ quét. Lượng mưa đầu nguồn lớn, lại xảy ra vào đêm tối, dân lại chủ quan nghĩ không có lũ, nên thiệt hại nặng nề. Nếu dự báo được lượng mưa lớn từ thượng nguồn thì mọi người đã chủ động hơn trong phòng tránh, thiệt hại không đến mức quá nghiêm trọng như đợt lũ vừa rồi.

 

* Phú Yên đã rút ra những kinh nghiệm phòng tránh thế nào sau những thiệt hại khủng khiếp do bão, lũ gây ra vừa rồi?

 

- Kinh nghiệm lớn nhất mà Phú Yên kiến nghị với Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, là xây dựng nhiều trạm quan trắc thủy văn ở những điểm xung yếu trên toàn địa bàn với mật độ dày hơn, không chỉ ở Phú Yên mà cả ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ, cả ở nước ngoài nơi có lưu vực ảnh hưởng đến nước ta. Một khi làm tốt công tác dự báo thì công tác phòng tránh thiên tai mới chủ động và hiệu quả. Còn nếu cứ để như thế này thì không biết là chúng ta còn phải hứng chịu bao nhiêu đợt lũ lụt nghiêm trọng nữa.

 

Thứ hai là Trung ương phải nghiên cứu cho các tỉnh miền Trung thêm các tàu thuyền cứu hộ cứu nạn, trong đó phải có tàu công suất lớn để cứu hộ trên biển. Chúng ta thành lập được nhiều đội thanh niên xung kích tình nguyện phòng chống bão lụt. Nhưng người thì có nhiều mà không có phương tiện thì cũng “bó tay”.

 

* Xin cảm ơn đồng chí.

 

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek