Thứ Sáu, 04/10/2024 20:22 CH
Anh lính biên phòng cứu dân giữa dòng lũ xoáy
Thứ Hai, 09/11/2009 17:00 CH

Lũ rút, chúng tôi về phường Xuân Phú (TX Sông Cầu). Chứng kiến những mảnh đời tang thương do lũ dữ hoành hành mà lòng quặn thắt. Và, đâu đó vẫn ngời sáng những câu chuyện, những tấm gương thật cảm động về sự quên mình để cứu giúp dân trong dòng lũ dữ.

 

tien.091109.jpg

Thiếu uý Nguyễn Văn Tiến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Thơm - Ảnh: P.OANH

 

NHỮNG NGƯỜI TRỞ VỀ TỪ CÕI CHẾT

 

Được cứu lên từ dòng nước lũ, chị Nguyễn Thị Thơm ở khu phố Long Bình, phường Xuân Phú ràn rụa nước mắt, kể: Đêm ấy, thấy lũ lên, vợ chồng chị đưa hai con và một đứa cháu 5 tuổi lên ngôi nhà cao hơn ở bên cạnh để trú ẩn. Gần 10 giờ đêm, thấy nước tiếp tục lớn nhanh, anh chị mượn một chiếc sõng chuyển cả nhà ra ngoài đường lộ. Sõng đang đi thì không may gặp dòng nước xoáy đánh lật úp. Cả nhà bị văng ra mỗi người một nẻo, bị cuốn trôi ra hướng biển. Phần chị, một tay ôm đứa con mới 20 tháng tuổi, một tay cố vơ quào và chụp được một nhành cây. Cũng lúc ấy búi tóc phía sau đầu mắc vào dây điện, níu ngược lại. Trong đêm tối, chị ngoi ngóp, vùng vẫy kêu cứu. Nước càng lúc càng dâng lên, chị chìm dần trong biển nước. Tóc bị vướng vào dây điện, kéo giật ngửa mặt lên trời, chỉ phần mũi và miệng còn nhô lên trên mặt nước nên còn thở được. Biết đứa con đang trên tay đã chết vì ngạt nước, chị vẫn cố giữ chặt. Chị Thơm kể tiếp: “Chỉ cầu trời sao cho tới lúc chết, tay vẫn giữ được con. Nó nhỏ quá, nếu thả ra, không tìm được xác. Lúc đuối, đang tưởng không thể níu giữ con được nữa thì có ánh đèn pin quét đến. Tôi cố gượng gọi kêu cứu thì có chiếc sõng của một anh mặc đồ bộ đội nói tiếng miền Bắc đến gần vớt tôi lên, đưa đến chỗ cao trên đường lộ… Bữa giờ thương xót con, tôi cũng thầm biết ơn anh bộ đội đã kịp cứu để tôi còn giữ được xác con. Ước gì tìm gặp lại anh bộ đội ấy”. 

 

Quay lại bờ kè dọc sông Tam Giang, chúng tôi hỏi thăm về anh bộ đội cứu người, một chủ thuyền tên Long đang neo thuyền bên cạnh cầu nhanh miệng nói: “Anh bộ đội đó tên Tiến, người của Trạm Biên phòng Dân Phước. Anh ấy chèo sõng đi lùng hết các ngả, suốt từ 22 giờ đêm đến 4 giờ sáng hôm sau để cứu người. Từ lúc nước bắt đầu lớn cho đến lúc đưa hết người trong các khu phố bị lũ ngập, chắc có đến vài ba chục chuyến”. Chỉ tay về hướng ngôi nhà bị sập tan hoang nằm trên khu phố Long Hải Nam, người chủ tàu lại kể: Nước chảy xiết làm bứt móng, đánh sập căn nhà ấy, đưa cả vợ chồng con cái trôi theo lũ. Hai đứa con chết và tấp vào lùm cây ở cuối sông. Người chồng mắc vào một cây cao ven đường nên vẫn còn sống. Trong lúc bị lũ cuốn đi, người vợ được một ai đó kéo lại nhưng do đuối sức đành cột chị vào ngọn cây dừa. Anh Tiến đang đưa sõng đi dò tìm cứu người thì vớt được chị. “Trong cái đêm bấn loạn ấy, có hàng chục người dân ở hai khu phố Long Bình và Long Hải Nam, phường Xuân Phú được anh Tiến cứu vớt”, ông Long nói. Một chủ thuyền khác tên Bình cũng góp chuyện: “Trước khi cứu bà con trong xóm, anh Tiến cùng với anh em trạm biên phòng cứu gần hai mươi chủ thuyền, có cả tôi, đang neo tại bến này “.

 

TẤM LÒNG VÌ DÂN

 

Chúng tôi tìm đến Trạm Biên phòng Dân Phước vào buổi trưa, khi các chiến sĩ của trạm vừa trở về từ khu phố Mỹ Thành, phường Xuân Phú. Hỏi thăm về câu chuyện cứu dân suốt đêm của người chiến sĩ tên Tiến, thượng úy Nguyễn Văn Trân, Trạm trưởng Biên phòng Dân Phước không giấu niềm tự hào về người đồng đội của mình: “Cũng không thể hiểu vì sao Tiến có sức khỏe đến vậy. Cả một ngày trước khi bão đến, Tiến cùng với anh em trạm đi kéo, neo tàu thuyền cho dân. Bão vừa tan là đi tuần rồi gặp và cứu vớt dân. Cầm cự suốt 5, 6 giờ đồng hồ để chèo sõng trong nước lũ chảy xiết đã khó, trời lại tối không thấy gì, bà con không biết ngồi sõng và hốt hoảng nên càng khó khăn. Chuyện bị lật sõng chỉ xảy ra trong gang tấc. Vậy mà Tiến đã cầm cự vừa chèo chống, vừa trấn tĩnh bà con để vượt qua”. 

 

Trong bộ quân phục biên phòng, thiếu úy Nguyễn Văn Tiến khá chững chạc so với tuổi 25. Khuôn mặt anh gầy sọp, hốc hác bởi nhiều ngày nay những bữa cơm của anh em trạm chỉ qua loa, có ngày toàn mì ăn liền. Từ sau bão lũ, tất cả chỉ tập trung lo cứu giúp, khôi phục nhà cửa, ổn định cuộc sống của dân. Bằng chất giọng vùng quê Phú Thọ, Tiến tâm sự về sự ám ảnh, nỗi day dứt đeo đẳng anh suốt từ hôm lũ về tàn phá: “Tang thương, đau xót lắm! Sự chia sẻ, giúp đỡ của mình chỉ xoa bớt phần nào nỗi đau. Biết đến bao giờ bà con mới khôi phục lại được”.

 

Nghe chúng tôi kể về câu chuyện đã gặp được người phụ nữ ôm con chết trên tay được Tiến cứu vớt, một thoáng bần thần, người thiếu úy trẻ lại khẩn khoản đề nghị: Em còn ít tiền, ngay bây giờ sẽ tìm mua ít gạo, nhờ các anh chị trong đoàn giúp em chuyển lên cho gia đình chị ấy. Chúng tôi chỉ nhận lời đồng ý đưa Tiến lên nhà chị. Bởi trong lúc đau thương này, niềm an ủi của người phụ nữ ấy là được gặp lại anh bộ đội đã cứu mình trong đêm kinh hoàng ấy.

 

PHƯƠNG OANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nỗi đau sau cơn “đại hồng thủy”
Thứ Hai, 09/11/2009 18:30 CH
Nước mắt Sông Cầu...
Thứ Hai, 09/11/2009 14:30 CH
Tan nát “xóm giữa sông”
Thứ Hai, 09/11/2009 13:00 CH
Gượng dậy sau thiên tai
Thứ Hai, 09/11/2009 10:30 SA
Tích cực giúp dân vùng bão, lũ
Thứ Hai, 09/11/2009 07:16 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek