Được tin tỉnh Phú Yên bị bão lũ tàn phá nặng nề, Bộ Công an đã điều động 400 chiến sĩ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động miền Trung - Tây Nguyên hành quân về giúp người dân vùng bão lũ Phú Yên khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Lực lượng Cảnh sát cơ động giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ tại xã Xuân Quang 2 (Đồng Xuân). - Ảnh: QUỐC DŨNG
Vượt qua chặng đường hàng trăm cây số, 400 chiến sĩ cảnh sát cơ động đã có mặt tại các vùng thuộc huyện Đồng Xuân, Tuy An và TX Sông Cầu.
Tại huyện Đồng Xuân, 200 chiến sĩ cảnh sát cơ động đã đến với bà con bằng cả trái tim và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Nhìn những ngôi nhà chỉ còn trơ lại đống gạch đổ nát, cây cối ngổn ngang, lòng ai cũng quặn thắt. Vừa nhanh chóng ổn định vị trí đóng quân, cán bộ, chiến sĩ bắt tay ngay vào công việc, tay cuốc, tay xẻng cào bùn, dọn dẹp vệ sinh môi trường, lợp lại những mái nhà bị tốc mái... cho người dân. Chị Nguyễn Thị Lệ Huyền, ở khu phố Long Thăng, thị trấn La Hai xúc động nói: “Nhờ có lực lượng công an, bộ đội về đây giúp, bà con chúng tôi cảm thấy ấm lòng. Nếu không có các anh, chúng tôi không biết đến bao giờ mới ổn định được cuộc sống”.
Trung úy Nguyễn Văn Tuất nói: “Quê tôi ở Huế, nơi cũng thường xuyên bị lũ lụt nên thấu hiểu nỗi đau khổ của bà con vùng bão lũ Phú Yên. Được về đây giúp dân, tôi sẽ cố gắng hết mình để phần nào xoa dịu nỗi đau và góp phần sớm ổn định cuộc sống của bà con”. Cùng với công việc giúp người dân vùng lũ sửa chữa lại nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường, các chiến sĩ dò dẫm đào từng tấc đất để tìm kiếm thi thể của những người bị mất tích trong cơn bão lũ. Thượng tá Phạm Văn Long, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 20 cho biết: “Trong hai ngày, chúng tôi đã tìm được ba thi thể bị vùi lấp trong cát, đồng thời cùng gia đình thân nhân đưa nạn nhân về nơi yên nghỉ cuối cùng. Nhìn cảnh tang thương, anh em chúng tôi không ai kìm được nước mắt”.
Tại huyện Tuy An, các chiến sĩ cảnh sát cơ động đến với bà con vũng trũng Đồng Cháy thuộc thôn Phú Lương, xã An Cư. Khu vực Đồng Cháy có trên 130 hộ, trong đợt bão lụt vừa qua có trên 80% nhà bị sập, tốc mái, cây cối đổ rạp. Đã một tuần trôi qua kể từ khi cơn bão số 11 đổ bộ vào, khu vực Đồng Cháy vẫn bị cô lập. Để vào được đây, các chiến sĩ cảnh sát cơ động phải lội bộ gần 1 km. Tại đây, cán bộ chiến sĩ khẩn trương giúp bà con lợp lại mái nhà, dọn dẹp đồ đạc ngã đổ ngổn ngang, phát quang cây cối, làm vệ sinh môi trường… Có một đôi vợ chồng già hoàn cảnh neo đơn, rất thương tâm. Cụ ông bị liệt nằm một chỗ, cụ bà gần 80 tuổi, sức khỏe yếu, trong khi con cái đều đi làm ăn xa. Tường nhà của hai cụ bị xiêu vẹo, sắp sập sau cơn bão lũ. Trong lúc hai cụ không biết xoay xở ra sao thì cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát cơ động đã kịp thời có mặt nhanh chóng dựng lại ngôi nhà. Những người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn khác như các cụ Nguyễn Thị Thông, Trần Thị Thụy, Nguyễn Thị Thuận… cũng đều được các chiến sĩ cảnh sát cơ động sửa chữa, dọn dẹp lại nhà cửa; đồng thời hỗ trợ nhu yếu phẩm để vượt qua khó khăn.
Thiếu úy Lê Minh Tuân, trợ lý Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 1 cho biết: “Chỉ trong buổi sáng ngày 6/11, đơn vị đã giúp cho bà con lợp lại 9 mái nhà. Ngoài ra, đơn vị cũng đã dọn dẹp cây cối bị ngã đổ, vận chuyển hơn 1.000 suất thực phẩm, nước uống của các tổ chức cứu trợ đến với bà con khu vực Đồng Cháy”.
Tại TX Sông Cầu, những ngày qua 100 chiến sĩ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động miền Trung – Tây Nguyên cũng đã nhiệt tình đem hết sức mình giúp bà con xã Xuân Lâm, phường Xuân Phú… khắc phục hậu quả bão lũ. Thiếu úy Trần Văn Tân bộc bạch: “Chúng tôi đang làm hết sức mình vì cuộc sống của bà con vùng lũ”. Thượng tá Nguyễn Văn Minh, Phó Trung đoàn trưởng Cảnh sát cơ động miền Trung – Tây Nguyên tại Gia Lai, cho biết: Những ngày giúp dân tại huyện Tuy An, Đồng Xuân và TX Sông Cầu, Trung đoàn Cảnh sát cơ động đã sửa chữa, đào đắp trên 20 km đường giao thông, dọn dẹp, sửa chữa, lợp lại mái nhà cho hàng trăm hộ; đồng thời giúp thầy trò Trường tiểu học Xuân Lâm (TX Sông Cầu) dựng một lớp học tạm để các em kịp trở lại lớp trong ngày 9/11.
KIM PHƯỢNG