Trong đợt bão lũ vừa qua, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Tuy An đã kề vai sát cánh cùng người dân sơ tán người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm, phát lương thực, thực phẩm cho người dân vùng bị chia cắt, đảm bảo an ninh trật tự ở nơi dân sơ tán. Tất cả những việc làm ấy được thực hiện bằng cả trách nhiệm và nghĩa tình.
Lực lượng công an cứu dân ra khỏi vùng bão lũ. - Ảnh: K.PHƯỢNG
Cùng tổ thanh niên xung kích cứu hộ của Công an huyện Tuy An đến thăm cụ bà Nguyễn Thị Cảnh và một số người dân được lực lượng Công an huyện Tuy An cứu trong cơn lũ vừa qua ở vùng 9, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, chúng tôi được chứng kiến những tình cảm xúc động. Nghe tin các chiến sĩ công an huyện đến, những người được các anh cứu tập trung rất đông. Trên khuôn mặt họ hiện rõ niềm vui mừng của những người kề cận với cái chết được cứu sống. Cụ bà Nguyễn Thị Cảnh cầm tay thiếu úy Nguyễn Phạm Viết Xuân, nước mắt lưng tròng kể: “Tui chưa chứng kiến đợt lụt nào lớn như đợt lụt này. Mà nước lớn nhanh quá. Tui kê bàn để ngồi, nước lên ngập bàn. Kê thêm cái ghế nước cũng ngập luôn. Người tui ướt hết, lạnh cóng, phải tìm cách leo lên cây đà kêu cứu. May có các chú công an vô cứu kịp thời, đưa lên ca nô về trụ sở xã, lấy mì cho ăn. Muộn vài tiếng đồng hồ nữa chắc chết rồi”.
Trong đợt bão, lũ vừa qua, Công an huyện Tuy An đã sơ tán, cứu hơn 450 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Chứng kiến niềm vui của những người được cứu sống trở về càng thấy rõ tinh thần trách nhiệm, nghĩa tình của cán bộ chiến sĩ Công an huyện Tuy An dành cho người dân vùng bão lũ. Để làm được điều đó, các anh đã thật sự quên mình. Ngay khi bão, lũ xảy ra, là trụ cột gia đình nhưng vì trách nhiệm trước Đảng, trước ngành, vì nghĩa tình với nhân dân, các anh đã không thể ở nhà trong lúc mưa to, gió lớn để giúp đỡ gia đình mình. Mọi việc phải phó mặc cho vợ con. Nghe kể lại trường hợp của thượng sĩ Trần Đức Thắng, chúng tôi vô cùng xúc động. Thắng là thành viên tổ xung kích cứu hộ cứu nạn của Công an huyện Tuy An. Trước khi bão đổ bộ vào, anh đã tham gia trực chiến, sẵn sàng ứng cứu người dân. Rạng sáng ngày 2/11, Thắng cùng các đồng chí trong tổ xung kích đưa ca nô đến xã An Ninh Đông cứu dân. Trong lúc đó, nhà anh ở xã An Nghiệp nước lũ dâng nhanh. Vợ anh vừa sinh con. Thấy nước lớn nhanh, vợ của Thắng chỉ biết bế con lên nóc nhà ngồi chờ lực lượng cứu hộ đến ứng cứu. Mưa to, gió lớn, hai mẹ con lạnh cóng. May sao một tổ công tác khác của công an huyện trên đường làm nhiệm vụ cứu dân ở đây đã kịp thời cứu hai mẹ con. Lúc lên được ca nô, đứa con nhỏ của anh gần như tím tái. Tôi hỏi vợ Thắng, rằng liệu em có chạnh lòng khi trong gian nan, hoạn nạn lại không có chồng bên cạnh. “Có, vì mình là phụ nữ mà. Nhưng em cũng quen rồi. Anh Thắng là thành viên của tổ thanh niên xung kích công an huyện, đợt bão lũ nào anh cũng đi làm nhiệm vụ giúp dân. Em hiểu và mong anh hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Trong đợt bão, lũ vừa qua, có biết bao cán bộ, chiến sĩ công an đã quên mình vì nhiệm vụ như thế.
Lực lượng Công an Phú Yên đã điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng 17 ca nô đến các vùng ngập lụt ở các huyện Đồng Xuân, Tuy An, TX Sông Cầu; tổ chức sơ tán 3.500 hộ dân, cứu trên 2.000 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; hỗ trợ, phân phát mì ăn liền nước uống cho người dân vùng bão lũ; đảm bảo an ninh trật tự cho 6 đoàn tàu do lũ lụt phải lưu lại các ga và một số điểm giao thông trên quốc lộ 1A trên địa bàn tỉnh; giúp dân khắc phục hậu quả bão lụt; cử hơn 30 đoàn viên thanh niên công an tỉnh về xã An Dân, huyện Tuy An giúp bà con khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra, đồng thời trao 120 suất quà, 1.000 quyển sách vở cho các gia đình bị thiệt hại.
HOA SIÊM