Cách đây 55 năm, thực hiện Nghị quyết 15 của BCH Trung ương Đảng về cách mạng miền Nam, ngày 19/5/1959 Thường trực Tổng quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho đoàn công tác quân sự đặc biệt (Đoàn 559) do Thượng tá Võ Bẩm làm trưởng đoàn có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường Miền Nam.
Đường Trường Sơn qua đèo Chư Poong, tỉnh Gia Lai năm 1974 - Ảnh: T.LIỆU |
Để bảo đảm tuyệt đối bí mật của công tác chi viện, khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh lúc đó của Đoàn 559 là: Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng.
Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn bằng phương thức gùi thồ, các chiến sĩ Đoàn 559 đưa tới Tà Riệp (A Lưới, Thừa Thiên Huế). Chuyến hàng đầu tiên tuyệt đối bí mật và an toàn làm nức lòng cán bộ chiến sĩ Liên khu 5 và toàn miền Nam, khẳng định quyết định lịch sử đúng đắn thành lập Đoàn 559 của Đảng và Bác Hồ.
Tuyến giao liên và vận chuyển bằng gùi thồ đã hình thành và hoạt động hiệu quả ở Trường Sơn. Song thấy tầm chưa đủ nên hai đảng, hai nhà nước Việt Nam và Lào thống nhất cho Đoàn 559 khẩn trương lật cánh sang tây Trường Sơn mượn đất bạn Lào để mở tuyến chi viện. Cuối tháng 12/1961, tuyến đường mới được mở nối liền đường 12 thông tới đường số 9 đến Mường Phìn, tỉnh Savana khet. Đây là một bước phát triển rất quan trọng của tuyến chi viện chiến lược 559 đường Hồ Chí Minh, từ thế độc tuyến đông Trường Sơn Đoàn 559 mở thêm tuyến theo biên giới Việt Lào. Đặc biệt quan trọng là đường tây Trường Sơn từ gùi thồ, đã mở thêm 200km cho xe cơ giới, mở ra một bước đột phá mới về phương thức chi viện năng suất cao hơn, kết quả gấp nhiều lần, để đáp ứng cho chiến trường.
Sau hơn 18 tháng thực hiện nhiệm vụ chi viện đạt được kết quả quan trọng, cách mạng đã mở tuyến giao liên, vận tải quân sự dài hàng trăm cây số trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ, địa hình bị chia cắt, kẻ thù ngăn chặn rất quyết liệt.
Cán bộ chiến sĩ Đoàn 559 đã anh dũng vượt qua bom đạn, vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, khí tài thiết yếu để giao cho lực lượng vũ trang nhân dân Liên khu 5 và Tây Nguyên, tuyến giao liên đường bộ đã đưa hơn hai ngàn cán bộ chiến sĩ đến các chiến trường an toàn.
Tổng quân ủy Trung ương đánh giá: Đoàn 559 đã đảm nhận một nhiệm vụ rất vinh quang, góp phần cống hiến quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tạo nên bản hùng ca xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
Đối mặt với kẻ thù tàn bạo, Đoàn 559 phát triển nhanh chóng lực lượng, đảm nhận nhiệm vụ chi viện cho miền Nam ruột thịt. Từ 500 cán bộ chiến sĩ đầu tiên 1959, ngày 23/10/1961 Đoàn 559 đã trở thành đơn vị tương đương cấp sư đoàn. Đến ngày 3/4/1965, Thường trực quân ủy Trung ương ra nghị quyết nâng cấp Đoàn 559 thành Bộ Tư lệnh 559, tương đương cấp quân khu. Tháng 10/1970, Trường Sơn chính thức trở thành một chiến trường quan trọng và rộng lớn. Đến năm 1973-1975, Bộ tư lệnh 559- Trường Sơn đã có lực lượng hùng hậu với 9 sư đoàn binh chủng cùng 21 trung đoàn trực thuộc, quân số 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và 1 vạn thanh niên xung phong (TNXP).
16 năm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, giặc Mỹ đã thực hiện 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay, trút xuống Trường Sơn 4 triệu tấn bom đạn các loại.
16 năm chiến đấu anh dũng trên tuyến đường mang tên Bác, lực lượng cầu đường với 4 sư đoàn công binh và 1 vạn TNXP và dân công hỏa tuyến, kiên cường bám trụ, giành giật từng thước đường. “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”, Bộ đội công binh Trường Sơn đã làm nên một hệ thống giao thông vĩ đại gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với gần 17.000km đường xe cơ giới.
Lực lượng vận tải Trường Sơn với 2 sư đoàn ô tô cơ động xứng đáng với danh hiệu “gan vàng dạ ngọc” “còn người còn xe, còn hàng”, vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường. Từ năm 1973 đến đầu năm 1975, bộ đội Trường Sơn chở bằng cơ giới 40 vạn quân và tổ chức hành quân 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường, cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt sư đoàn quân chủ lực tham gia chiến dịch.
Lực lượng bộ binh Trường Sơn đã tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng giải phóng rộng lớn ở Nam Lào, bảo vệ vững chắc hành lang tuyến chi viện.
Lực lượng phòng không Trường Sơn gồm 1 sư đoàn và 9 trung đoàn và các đơn vị khác của Trường Sơn đã bắn rơi tại chỗ 2.455 máy bay các loại, bảo vệ thắng lợi lực lượng vận tải chi viện cho các hướng chiến trường.
Lực lượng giao liên Trường Sơn xứng đáng với 10 chữ vàng “Tận tình với đồng chí, tận nghĩa với chiến trường” mở 3.000km đường giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn.
Các lực lượng thông tin Trường Sơn với khẩu hiệu “Coi dây như ruột, coi cột như xương” xây dựng 1.350km đường thông tin tải ba và hàng vạn kilomet dây thông tin các loại. Hệ thống thông tin tải ba từ Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh đến sở chỉ huy các binh trạm, trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội… trên toàn hệ thống đường bộ, đường sông, đường giao liên. Đây không chỉ là kỳ tích mà còn là sự phát triển của các lực lượng trên, toàn tuyến đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và hiệu quả của công tác chỉ huy, chiến đấu trong hoàn cảnh mới, góp phần quan trọng cho sự chỉ huy thông suốt từ Tổng hành dinh Hà Nội tới thẳng các hướng chiến trường.
Bộ đội xăng dầu Trường Sơn đã mở 1.400km đường ống xăng dầu. Đường ống xăng dầu Trường Sơn là một kỳ tích vĩ đại về sức mạnh của con người . “Một dòng sông mang lửa” xuyên dọc Tây và Đông Trường Sơn vào thẳng chiến trường Nam Bộ, góp phần tạo nên sức mạnh và hiệu quả của công tác chi viện chiến lược cho cách mạng của 3 nước Đông Dương.
Các lực lượng của Đoàn 559 đã trực tiếp phục vụ và tham gia tổng tấn công Mậu Thân 1968; tham gia Chiến dịch Khe Sanh năm 1968. Trong chiến dịch Đường 9- Nam Lào, bộ đội Trường Sơn vừa bảo đảm chi viện chiến lược, vừa xuất sắc trực tiếp phục vụ các đơn vị tham gia chiến dịch; đồng thời các đơn vị của bộ đội Trường Sơn là lực lượng tại chỗ quan trọng, đảm nhận nhiều hướng quan trọng của chiến dịch. Các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn đã trực tiếp chiến đấu tiêu diệt 5.695 tên, bắt 614 tên, gọi hàng 64 tên, bắn rơi 346 máy bay (trong đó có 310 trực thăng), thu 24 khẩu pháo, 4 máy húc, 6 xe tăng, xe bọc thép và 91 xe các loại. Sau chiến dịch, ta đã mở rộng căn cứ chiến lược với chính diện từ Đông sang Tây Trường Sơn khoảng 200km, phát triển thêm chiều sâu, mở thêm nhiều trục dọc, cải thiện thế trận vận tải chiến lược.
Trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị xuân hè năm 1972, bộ đội Trường Sơn đã sử dụng Binh trạm 12, 2 trung đoàn pháo cao xạ, 2 trung đoàn công binh và lực lượng của Sư đoàn 473, Sư đoàn phòng không 377 trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu giải phóng Đông Hà, giải phóng thị xã Quảng Trị, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Tiểu đoàn 166 ca nô binh trạm 12 vượt qua bom đạn ác liệt của địch trên dòng sông Thạch Hãn trực tiếp cung cấp vũ khí, đạn dược, hậu cần bảo đảm cho Trung đoàn 48 và các lực lượng chiến đấu bảo vệ Thành cổ suốt 81 ngày đêm.
Đầu năm 1975, 3 sư đoàn của Bộ Tư lệnh Trường Sơn (Sư đoàn 968, Sư đoàn công binh 470, Sư đoàn xe 471) đã trực tiếp tham gia Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, giải phóng Buôn Ma Thuột. Sư đoàn 968 được bộ phân công nhiệm vụ đánh nghi binh thu hút địch ở bắc Tây Nguyên. Đây là trận mở màn Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi ngày 1/3/1975. Các đơn vị khác của Bộ tư lệnh Trường Sơn trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, 6 sư đoàn của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã phối thuộc với các quân đoàn chủ lực trên nhiều hướng. Lực lượng ô tô chiến đấu của 2 sư đoàn bộ đội Trường Sơn đã trở thành lực lượng cơ động bộ binh đi cùng xe tăng, thiết giáp của các quân đoàn chủ lực đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa, Bộ Tổng tham mưu ngụy và chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã kết thúc sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vĩ đại của dân tộc, thu non sông về một mối.
16 năm chiến đấu anh dũng, bộ đội Trường Sơn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Kỷ niệm 40 năm thành lập, bộ đội Trường Sơn vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng cao quý. 82 đơn vị và 47 cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng LLVTND”.
16 năm chiến đấu anh dũng trên Trường Sơn, bộ đội Trường Sơn đã tạo nên vị trí và tầm vóc lớn lao trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc ta.
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo lịch sử vĩ đại của Đảng và Quân đội ta; là sự thể hiện sáng tạo và đúng đắn trong việc biến Nghị quyết 15 của Đảng ta về cách mạng Miền Nam trở thành hiện thực trong thực tiễn chiến tranh cách mạng. Đường Hồ Chí Minh trở thành điều kiện nền móng và kiên quyết bảo đảm sự thành công của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Không có tuyến chi viện chiến lược. Đường Hồ Chí Minh thì không thể có thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đường Hồ Chí Minh trở thành một chiến trường có không gian rộng lớn trải dài trên 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia. Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ chiến lược, tạo cơ sở vật chất, tạo điểm tựa vững chắc và là sức mạnh to lớn cho cách mạng của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Chiến trường Trường Sơn trở thành một chiến trường thực nghiệm chiến lược phá hoại, ngăn chặn bằng không quân quy mô, hiện đại nhất, ác liệt nhất và man rợ nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại.
Đường Hồ Chí Minh được tổ chức lực lượng với quy mô lớn và với một hệ thống giao thông liên hoàn: Đường ô tô, đường thủy, đường giao liên, đường dây thông tin, đường ống xăng dầu... Bộ đội Trường Sơn với một lực lượng binh chủng hợp thành thiện chiến gồm những sư đoàn binh chủng dày dạn kinh nghiệm với hơn 10 vạn quân và hơn 1 vạn TNXP. Bộ đội Trường Sơn đủ sức vừa đảm nhận nhiệm vụ chi viện chiến lược, vừa là lực lượng tác chiến tại chỗ bảo vệ tuyến hành lang chi viện, mở rộng vùng giải phóng, vừa làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Lào và Campuchia.
(Còn nữa)
TRẦN THÀNH CHÍNH
Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên