Thứ Hai, 07/10/2024 03:24 SA
Trả ơn cuộc đời
Thứ Sáu, 11/11/2011 18:00 CH

Được các thầy thuốc cứu sống sau vụ nổ bom thảm khốc, người kỹ thuật viên chỉnh hình tật nguyền ấy đã tận tụy với nghề y hơn 40 năm đđem về sự lành lặn cho nhiều đứa trẻ thiếu may mắn

 

Ong-Tiem111111.jpg

Ông Hồ Tiềm làm giày chỉnh hình bằng tất cả tình yêu và sự tận tâm.

Người đàn ông trong chiếc áo xanh bạc màu lật đật lấy giấy bút, bước khập khiễng về phía người mẹ trẻ và bệnh nhi của mình. Ông quỳ xuống, nâng bàn chân bé xíu của đứa bé lên tấm bìa cứng, tỉ mỉ đo, vẽ. Đo xong, ông lại huơ tay, ú ớ mấy tiếng cố diễn đạt cho người mẹ hiểu con của cô sẽ được điều trị như thế nào.

 

Một đồng nghiệp của ông vội bỏ dở công việc, quay sang “phiên dịch”. Hình ảnh ấy không còn xa lạ ở xưởng chỉnh hình của Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP Hồ Chí Minh. Mấy chục năm qua, nhiều thế hệ bệnh nhân đã thoát khỏi cuộc đời tật nguyền nhờ bàn tay của “người thợ giày” câm điếc ấy. Ông là kỹ thuật viên Hồ Tiềm, chuyên phụ trách khâu đóng giày chỉnh hình ở bệnh viện.

 

ĐI QUA NỖI ĐAU

 

Cố hiểu nhau qua ngôn ngữ cơ thể, những tấm ảnh cũ bạc màu, những tấm giấy chứng nhận đã ố vàng và những câu chữ rời rạc trên giấy viết, chúng tôi nghe ông “kể” lại đời mình…

 

Là con trai trưởng trong một gia đình nhà nông nghèo ở Quảng Nam, tuổi thơ ông trôi qua trong cơ cực. Năm 1968, mái nhà ấy đã không còn vẹn nguyên khi người cha mãi nằm lại trên chiến trường miền Nam. Năm đó ông mới 16 tuổi, dù nghèo đói nhưng cũng lành lặn, khỏe mạnh như bao thanh thiếu niên khác. Cố quên đi nỗi đau mất cha, ông cùng người mẹ góa còng lưng trên ruộng đồng lo cho đàn em.

 

Nhưng chưa đầy một năm sau, trong một lần làm đồng, ông vô tình gặp phải một quả bom. Tiếng nổ kinh hoàng là âm thanh cuối cùng ông nghe được trong đời. Quả bom như xé cơ thể cậu thiếu niên ra bằng vô số vết thương thảm khốc, mà dấu tích còn lại là những vết sẹo chạy dài trên mình, trên đôi chân khập khiễng và một thế giới câm lặng mãi từ đó.

 

Cuối năm 1969, ông cùng nhiều đứa trẻ khác được tổ chức phi chính phủ Terre Des Hommes (Đức) đưa đi điều trị thương tật tại Đức, theo một chương trình hỗ trợ nạn nhân chiến tranh. Tại đây, ông cũng được đào tạo nghề làm giày chỉnh hình. Bốn năm sau, người thanh niên Hồ Tiềm trở về quê hương, bắt đầu cuộc sống mới. Đó là những tháng ngày vùi mình trong xưởng với da giày, búa đinh, keo dán… Đó là 40 năm ông hạnh phúc nhìn những đứa trẻ tật nguyền đứng dậy bước đi và sống đời bình thường trên những đôi giày chỉnh hình mình làm ra.

 

NGƯỜI ĐI THẮP HY VỌNG

 

Trong căn phòng ngập mùi keo dán đặc trưng của xưởng giày, ông dốc lòng vào công việc với tất cả sức lực và tình yêu. Ông tâm sự: “Ngày trước, những thầy thuốc của Terre Des Hom­mes đã cứu sống tôi. Họ cho tôi cuộc sống mới và cho tôi cái nghề. Nên tôi biết mình có trách nhiệm đi giúp những trẻ không may khác bằng nghề này, như năm xưa người ta đã giúp tôi, như một cách trả ơn cuộc đời”. Những chiếc giày đặc biệt này đều được làm theo phương pháp thủ công, mỗi đôi phải mất nhiều ngày để hoàn thành. “Giày chỉnh hình mỗi đôi mỗi khác. Mỗi chiếc giày không chỉ là một số phận riêng mà còn là ước mơ được bước đi bình thường của một con người” - ông ra dấu và lần lượt đưa cho chúng tôi nhiều đôi giày để so sánh.

 

Với mỗi bệnh nhân, mỗi loại thương tật, chiếc giày làm ra lại mang những đặc điểm riêng. Từ cái khuôn là những bàn chân bằng gỗ được đánh số theo kích thước, ông sẽ phải vẽ mẫu giày linh hoạt theo thể trạng người bệnh, chêm thêm đế hay luồn vào những miếng kim loại… tùy vào yêu cầu điều trị. Những điều này đòi hỏi kỹ thuật viên phải tận tâm với công việc và nắm vững chuyên môn vì sản phẩm làm ra không chỉ là một đôi giày mà còn là một dụng cụ y học.

 

Ông xúc động kể về những kỷ niệm với bệnh nhân, nhất là những năm tháng ngành y tế Việt Nam còn nặng gánh đối phó với bệnh bại liệt. Có những cậu bé bại não, bại liệt, tay chân quặt quẹo, cứ níu chặt tóc ông mỗi lần ông cúi xuống đo giày. Lại có những người cha, người mẹ lo lắng không biết những đôi giày ấy có đủ phép màu để con họ bước đi như người bình thường được không, rồi lại ngẩn ngơ không hiểu gì khi được ông trấn an bằng thủ ngữ (ngôn ngữ tay của người khiếm thính).

 

“Vậy mà lúc nào anh ấy cũng cười. Tính anh Hồ Tiềm là vậy, đã “thương” ai là anh ấy nhiệt tình lắm. Anh hưởng chế độ làm việc 7 giờ/ngày dành cho người khuyết tật nên chiều được về sớm hơn chúng tôi nhưng nhiều hôm anh cứ cố nán lại. Thấy mấy đứa nhỏ đi lại khổ sở, nhiều lần anh ấy thay bộ đồ làm việc ở xưởng ra, chuẩn bị về rồi, ngó thấy mấy đôi giày chưa xong lại lấy ra làm tiếp…” - kỹ thuật viên Lê Duy Mỹ, đồng nghiệp thân thiết của ông Hồ Tiềm, chia sẻ.

 

Nguoi-ban111111.jpg

Và bên người bạn thân Lê Duy Mỹ.

NHẶT LẠI HẠNH PHÚC

 

Trên tất cả giấy tờ, bằng cấp của ông Hồ Tiềm đều chỉ có tên “Nguyễn Văn Câm” - cái tên mà người ta đã sử dụng khi đưa ông sang Đức điều trị, bởi khi đó ông không có một thứ giấy tờ tùy thân nào, không thể nghe, không thể nói, tâm trí nhiều lúc vẫn ngơ ngẩn, đôi tay thương tật cũng chưa thể viết để cho người ta biết mình là ai.

 

Khi ông về Việt Nam, những đồng nghiệp mới đặt cho ông cái tên “Hồ Tiềm”. Mấy năm sau, người ta mới giúp ông tìm lại được nguồn gốc, gia đình. Nhưng dường như quãng đời của cậu thiếu niên lành lặn trên ruộng đồng năm xưa và ngay cả cái tên cha sinh mẹ đẻ cũng đã mờ ảo trong trí nhớ của người đàn ông vừa bước qua cửa tử. Ai hỏi tên thật của ông, ông cũng chỉ bối rối viết lên giấy hai chữ “Hồ Tiềm”.

 

Bắt đầu cuộc sống mới trong cái chông chênh của một thân thể không còn lành lặn, một thế giới xung quanh mãi mãi câm lặng nhưng ông đã vươn lên khỏi nghịch cảnh. Ở tuổi xế chiều, người đàn ông ấy tự hào khoe với tôi những bức ảnh gia đình, những đứa con đã lớn khôn. Đồng nghiệp lâu năm của ông, kỹ thuật viên Nguyễn Văn Ninh, kể: “Anh ấy gặp được một cô gái khiếm thính yêu thương mình và kết hôn năm 28 tuổi, sinh được 3 con.

 

Đến giờ thì tất cả đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm đàng hoàng, người đang làm tài xế taxi, người làm kế toán, em út cũng vừa học xong… Một trong 3 người đã lập gia đình”. Nhìn ông cất bộ đồ lấm bụi và keo dán giày vào giỏ, thay một bộ đồ tươm tất và tươi cười tạm biệt mọi người để đi đón cháu ở nhà trẻ mỗi chiều, ai cũng nhận ra rằng người đàn ông nhiều bất hạnh ấy đã nỗ lực tạo dựng được cho mình một cuộc đời tràn đầy hạnh phúc.

 

Ngoài những chiếc giày cho bệnh nhân, ông còn tự đóng giày chỉnh hình cho mình. Thương tật vĩnh viễn ở đôi chân buộc ông suốt đời phải mang giày chỉnh hình với phần chêm đặc biệt ở đế. Ông mỉm cười và ra dấu cho chúng tôi biết cứ 2 năm là ông tự “thưởng” cho mình một đôi giày mới.

 

Tình bạn thay tiếng nói

 

Cuộc sống vắng âm thanh tạo ra một bức tường vô hình xung quanh người khiếm thính. Bức tường đó cũng khiến họ trở nên nhạy cảm hơn, yêu ghét rõ ràng và quan sát cuộc đời bằng một góc nhìn riêng biệt mà ai gần họ lắm mới hiểu được. Vậy mà hầu hết các kỹ thuật viên chỉnh hình tại xưởng đều có thể hiểu, trở thành “thông dịch viên” cho ông Hồ Tiềm khi cần thiết.

 

Nhưng người hiểu ông nhất có lẽ là kỹ thuật viên Lê Duy Mỹ, người cùng làm khâu đóng giày với ông. Anh nhiệt tình phiên dịch cho chúng tôi trong suốt cuộc phỏng vấn. “Tôi chưa từng được học thủ ngữ. Nhưng có một thời gian đi tập huấn ở nước ngoài, tôi được làm quen với một số bạn đồng nghiệp là người khiếm thính nên… học lóm. Hơn nữa, cũng đã mấy mươi năm làm chung với anh Hồ Tiềm, không hiểu nhau sao được” - anh cười.

 

Ngay cả những câu chuyện ông kể về đời mình, những tính từ ông diễn đạt trong lời nói, anh Mỹ đều có thể truyền đạt lại đầy đủ cho người nghe. Anh cũng là cầu nối mỗi khi ông gặp khó khăn trong cập nhật những kỹ thuật mới vì không thể nghe, nói như người bình thường. Khi được hỏi “Có thương anh Mỹ không?”, ông Hồ Tiềm tươi cười, gật đầu và giơ ngón cái biểu thị sự tán đồng. Tình bạn, tình đồng nghiệp ấm áp ấy là một động lực quan trọng để người kỹ thuật viên tật nguyền gắn bó gần trọn cuộc đời với xưởng chỉnh hình.

 

Theo NLĐ

 

ANH THƯ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nỗi đau của một gia đình
Thứ Bảy, 05/11/2011 18:00 CH
Hết thời xe máy Tàu
Thứ Bảy, 05/11/2011 14:00 CH
Một ngày với trẻ em Sapa
Thứ Hai, 31/10/2011 18:00 CH
Đời hát
Thứ Bảy, 29/10/2011 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek