Thứ Năm, 17/10/2024 10:22 SA
Suối khoáng nóng - tài nguyên quý cho phát triển du lịch:
BÀI 1: “Món quà” từ lòng đất
Chủ Nhật, 28/10/2018 09:31 SA

Khu vực suối khoáng nóng Triêm Đức (huyện Đồng Xuân) rất hoang sơ - Ảnh: QXL

Nước khoáng nóng có giá trị đặc biệt với đời sống con người. Từ xưa, con người đã biết đến những ứng dụng của suối khoáng nóng phục vụ cuộc sống. Trên thế giới, ở các nước tiên tiến, khoáng nóng là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, mang nhiều giá trị để phát triển kinh tế và giá trị y học. Phú Yên được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên này khá phong phú, tuy nhiên chưa thể khai thác, biến nó thành sản phẩm hữu ích, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

 

Mới đây, UBND tỉnh phối hợp cơ quan ngoại giao, Đại sứ quán Hungary tổ chức hội thảo quốc tế “Định hướng khai thác nguồn suối khoáng nóng ở tỉnh Phú Yên”. Tại hội thảo, nhiều vấn đề đã được xới lên và quan trọng là định hướng “đánh thức” nguồn tài nguyên quý trong lòng đất này.

 

Hiện trên địa bàn Phú Yên có năm điểm mỏ nước khoáng nóng, trong đó có ba điểm được người Pháp điều tra sơ bộ từ những thập niên đầu thế kỷ XX, hai điểm mới phát lộ. Đây là nguồn tài nguyên vô giá, nếu khai thác hiệu quả sẽ góp phần phát triển du lịch văn hóa kết hợp với dịch vụ nghỉ dưỡng sinh thái.

 

Tiềm năng lớn

 

Ở huyện Tây Hòa có hai điểm mỏ nước khoáng nóng là Lạc Sanh và Mỹ Thành. Điểm mỏ nước khoáng nóng Lạc Sanh nằm trên địa bàn xã Sơn Thành Đông, là điểm mỏ mới phát lộ và được Đoàn 500N khảo sát từ năm 1979. Nguồn nước của điểm mỏ này xuất lộ từ khe nứt cát bột kết màu xám đen, nhiệt độ khoảng 48 độ C, độ khoáng hóa là 0,34g/l, nước phun trào quanh năm. Còn điểm mỏ nước khoáng nóng Mỹ Thành thuộc địa bàn xã Hòa Mỹ Tây, cũng là điểm mỏ mới phát lộ. Nguồn nước của điểm mỏ này xuất lộ từ khe nứt của đá granodiorit, nhiệt độ khoảng 50 độ C.

 

Tại huyện Phú Hòa có một điểm mỏ nước khoáng nóng là Phú Sen thuộc xã Hòa Định Tây được người Pháp phát hiện từ năm 1923. Nguồn nước mỏ nước khoáng này xuất lộ lên mặt đất dưới dạng mạch trào, tạo nên vùng sình lầy có diện tích khoảng 13.000m2, nhiệt độ nước khoảng 68-71 độ C. Trong các điểm mỏ nước khoáng nóng ở Phú Yên thì điểm mỏ Phú Sen được đánh giá có trữ lượng lớn, đạt cấp B với khoảng 691m3/ngày và Bộ TN-MT đã cấp giấy phép khai thác khoảng 100m3/ngày với diện tích khoảng 40ha.

 

Ở huyện Đồng Xuân có hai điểm mỏ nước khoáng nóng là Triêm Đức và Trà Ô. Mỏ nước khoáng nóng Trà Ô nằm ở xã Xuân Long, nước nóng chảy ra từ những khe nứt của đá granit trong thung lũng suối Long Ba nằm cao hơn mực nước suối khoảng 3m.

 

Năm 1926, người Pháp khảo sát và đặt tên là Ba Gò, đến năm 1928 đặt tên là Ha Ba Tuần. Tại điểm phát lộ, bể chứa được xây dựng giống như một miếu thờ, nước nóng chảy ra theo hai vòi được trang trí như hai miệng rồng. Năm 1957, nguồn nước này được lấy mẫu để phân tích, nhiệt độ trung bình khoảng 57 độ C, độ khoáng hóa là 0,53g/l, nước phun trào quanh năm.

 

Còn mỏ nước khoáng nóng Triêm Đức, nằm phía bờ bắc sông Kỳ Lộ, thuộc xã Xuân Quang 2. Điểm mỏ này được người Pháp nghiên cứu từ những năm 1926-1931, nguồn nước lộ ra sát bờ sông, cao hơn mực nước sông khoảng 4m. Nhiệt độ của suối khoáng nóng này khoảng 75-78 độ C, độ pH khoảng 8, độ khoáng hóa là 0,5g/l.

 

Ông Nguyễn Văn Đức, Đoàn trưởng Đoàn Tài nguyên nước duyên hải miền Trung, cho biết: Phú Yên có tiềm năng nước khoáng, nước khoáng nóng thuộc loại phong phú, là tiềm năng lớn để khai thác nước uống, phục vụ du lịch kết hợp chữa bệnh.

 

Các nguồn nước khoáng nóng đều có nhiệt độ cao, có điểm mỏ nhiệt độ nước lên đến 70 độ C, các chỉ tiêu hóa lý nằm trong giới hạn cho phép đóng chai, riêng một số điểm mỏ có hàm lượng fluor cao thì phải xử lý. Các nguồn nước khoáng này có thể khai thác làm dịch vụ xông, tắm và chữa bệnh theo mô hình du lịch nghỉ dưỡng.

 

Trong các mỏ nước khoáng nóng ở Phú Yên mới chỉ có mỏ nước khoáng Phú Sen được điều tra đến hình thức tìm kiếm và đánh giá trữ lượng, các mỏ nước khoáng còn lại cũng chỉ dừng lại ở mức độ điều tra sơ bộ và khảo sát theo danh bạ. Phú Yên cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu tỉ mỉ để có dữ liệu lập dự án khai thác, mời gọi đầu tư.

 

Chưa được đầu tư bài bản

 

Theo ông Mai Kim Lộc, Phó Giám đốc Sở TN-MT, các điểm mỏ nước khoáng nóng ở Phú Yên còn hoang sơ, chưa được đầu tư khai thác bài bản và có hiệu quả. Hiện một số điểm mỏ mới chỉ thu hút khách tham quan du lịch ở địa phương vào mùa hè và các điểm mỏ nước khoáng nóng này hầu như chưa có sự quản lý nên có tình trạng xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.

 

Ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Các điểm mỏ nước khoáng nóng ở huyện gần với một số điểm tham quan, du lịch. Tuy nhiên, đến nay hai điểm mỏ này chưa được đầu tư bài bản nên việc khai thác phục vụ du lịch chưa hiệu quả, phát sinh tình trạng ô nhiễm môi trường do người dân đến tham quan, cắm trại rồi vứt rác bừa bãi. Huyện cũng đã chỉ đạo các xã nơi có nguồn nước khoáng nóng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và tăng cường công tác tuyên truyền để người dân giữ gìn vệ sinh chung.

 

Muốn thu hút nhà đầu tư phát triển du lịch tại hai điểm này, trước mắt cần phải đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng. Riêng tại điểm suối khoáng nóng Trà Ô cần phải xây dựng cây cầu bắc qua sông Cô, trong khi nguồn lực của địa phương có hạn nên chưa thể đầu tư. Mới đây, UBND tỉnh có chủ trương đầu tư tuyến đường đến điểm suối khoáng nóng Triêm Đức, đây cũng là một tin vui của địa phương nhằm kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch.

 

Theo Sở Công thương, hiện nay, việc khai thác nước khoáng nóng trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, trong đó mới chỉ có mỏ nước khoáng Phú Sen do Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên khai thác 100m3/ngày, sản lượng tiêu thụ khoảng 5 triệu lít/năm. So với tổng trữ lượng được phê duyệt tại mỏ này là 1.555m3/ngày thì cũng chỉ bằng khoảng 15% trữ lượng…

 

Ông Mai Kim Lộc cho biết thêm: Các điểm mỏ nước khoáng nóng ở Phú Yên chủ yếu là lộ thiên, thường nguồn nước chảy ra từ các khe nứt của các khối đá dưới dạng mạch trào với áp lực yếu. Trừ điểm mỏ nước khoáng nóng Phú Sen được Bộ TN-MT cấp phép khai thác nói trên, các mỏ suối khoáng nóng còn lại vẫn còn hoang sơ, chưa được đầu tư.

 

Nhìn chung, các điểm mỏ nước khoáng nóng trong tỉnh chưa được điều tra cơ bản về địa chất để có cơ sở đánh giá tiềm năng khai thác các nguồn nước khoáng nóng này. Trong thời gian tới, cần phải lập dự án đánh giá cụ thể, trên cơ sở đó sẽ có đề xuất các giải pháp quản lý cũng như khai thác cho phù hợp.

 

-------------------------- 

BÀI 2: Chờ đánh thức

 

ÔNG MIHALY KRAMPEK, CỐ VẤN HIỆP HỘI TẮM KHOÁNG NÓNG HUNGARY: Tiềm năng suối khoáng nóng của Phú Yên rất dồi dào

 

Phải nói Phú Yên rất giàu tiềm năng phát triển du lịch, trong đó không thể không nhắc đến các nguồn suối khoáng nóng.

 

Theo chúng tôi, muốn khơi dậy tiềm năng này trở thành nguồn lợi phục vụ cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội, việc đầu tiên là phải điều tra các nguồn nước khoáng nóng trên địa bàn. Tiếp đó là điều tra đánh giá thành phần hóa học, tác dụng của nước. Từ cơ sở này chúng ta có thể xác định cho mục đích điều trị dưỡng bệnh hay là một trung tâm spa, thể thao du lịch nước nóng.

 

Sau khi có kết quả phân tích nguồn tài nguyên này, các chuyên gia và chính quyền địa phương đưa ra định hướng mục tiêu, phương án hợp lý cho từng nguồn suối khoáng. Chính quyền thực hiện quy hoạch cho từng vùng suối khoáng nóng. Sau khi có được định hướng và phương án rồi thì kêu gọi đầu tư.

 

Tôi muốn khuyến cáo các bạn trong vấn đề quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, tránh những sai lầm mà Hungary đã từng mắc phải, đó là không lường hết sự phát triển trong tương lai, dẫn đến đầu tư xé lẻ, phá vỡ quy hoạch. Vấn đề nữa là đầu tư hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường.

 

ÔNG LÊ QUỐC THU, TRƯỞNG BAN QUẢN LÝ KHU DU LỊCH SUỐI KHOÁNG MỸ LÂM (TỈNH TUYÊN QUANG): Cần có chính sách ưu đãi đặc biệt cho nhà đầu tư

 

Suối nước khoáng nóng Mỹ Lâm là nguồn nước khoáng thiên nhiên có nhiệt độ cao, giàu hàm lượng khoáng chất, có giá trị du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh cao. Nguồn nước khoáng nóng Mỹ Lâm được bơm trực tiếp từ độ sâu 150m, nhiệt độ nước từ 67 độ C đến gần 70 độ C, nước rất trong cho nên nhiều du khách đã đến khu nước khoáng nóng Mỹ Lâm để nghỉ dưỡng, điều trị, phục hồi sức khỏe, chữa các bệnh về xương khớp. Để có được sự thành công như ngày hôm nay, ngoài chất lượng của nguồn nước khoáng thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp cũng rất quan trọng.

 

Tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt cho nhà đầu tư như miễn, giảm một số loại thuế có thời hạn, đầu tư cơ sở hạ tầng, cảnh quan trước khi mời gọi đầu tư, xúc tiến liên kết tỉnh, liên kết vùng để tạo ra sản phẩm mà khách du lịch ưng ý nhất… Phú Yên là một trong những tỉnh khu vực miền Trung có nguồn suối khoáng nóng rất dồi dào, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm rất muốn hợp tác, liên kết cùng phát triển.

 

TRẦN QUỚI - ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tháng mười ở Hàn Quốc
Thứ Bảy, 27/10/2018 11:00 SA
Về miền ký ức
Thứ Bảy, 20/10/2018 13:00 CH
Trở lại Phú Yên
Thứ Sáu, 19/10/2018 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek