Thứ Sáu, 10/01/2025 06:48 SA
Suối khoáng nóng - nguồn tài nguyên quý cho phát triển du lịch:
Bài 2: Chờ đánh thức
Thứ Hai, 29/10/2018 13:00 CH

Nhiều nước trên thế giới đã khai thác và sử dụng nước suối khoáng nóng cho những mục đích khác nhau và mang lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe con người, phát triển kinh tế - xã hội. Thử gõ lên công cụ tìm kiếm Google từ khóa “tác dụng nước suối khoáng nóng”, chỉ trong vòng 0,33 giây đã cho ra hơn 1,6 triệu kết quả tương thích. Điều này thêm một lần nữa khẳng định, nguồn suối nước khoáng nóng là một tài nguyên thiên nhiên quý mà con người hoàn toàn có thể phát huy giá trị của nó để phục vụ đời sống, phát triển kinh tế - xã hội với những sản phẩm dịch vụ cao cấp.

 

Lãng phí

 

Theo kỹ sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn trưởng Đoàn Tài nguyên nước duyên hải Miền Trung, việc điều tra các nguồn suối khoáng nóng trên địa bàn Phú Yên được tiến hành ở quy mô, mức độ khác nhau. “Về cơ bản trữ lượng nước khá dồi dào, có khoáng chất, độ nóng từ nóng vừa đến rất nóng.

 

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có điểm mỏ Phú Sen là được khai thác. Mà mức độ khai thác cũng rất khiêm tốn, chỉ từ 5-10 triệu lít/năm, khoảng 15% so với trữ lượng nước cấp B. Tất cả các nguồn suối nóng còn lại hiện tại đều ở dạng tự nhiên, chưa được đầu tư khai thác, nên rất lãng phí”, kỹ sư Đức nói.

 

Huyện Đồng Xuân là nơi có hai suối nước nóng Triêm Đức (xã Xuân Quang 2) và Trà Ô (xã Xuân Long). Từ thị trấn La Hai ngược lên phía tây, trên đoạn đường đã được bê tông khoảng 6 cây số, từ đường lớn rẽ trái qua cánh đồng hẹp hơn 500m là đến suối nước nóng Triêm Đức.

 

Gọi là suối, nhưng trước mặt là con sông Kỳ Lộ, đoạn mở rộng về hạ lưu. Nước nóng phun trào, chảy thành dòng róc rách từ một triền đá granit màu xám, phớt hồng, tràn xuống mặt sông. Buổi sáng sớm mùa đông, phía mặt sông, hơi nước tỏa khói lãng đãng. Đầu nguồn là một dải ruộng lớn với thảm thực vật tầng thấp dày.

 

Bước lên, chúng ta có cảm giác nền đất yếu, lềnh phềnh như trên túi bùn lỏng; giữa các khe ô ruộng có những trũng, khe nước rất nóng. Ở những hốc đá lớn, nước đọng lại nóng bốc hơi đến độ có thể dùng để luộc chín trứng gà.

 

Phía bờ suối nước nóng khu vực gò cao là rừng keo lai và còn sót lại một số cây gỗ lớn như cốc da đá, lành ngạnh, bằng lăng và thảm thực vật tương đối phong phú, xanh mát. Ở đây còn có tài nguyên nhân văn là nền gạch đổ nát, hoang phế của hai ngôi miễu thờ, mà dân trong vùng thường gọi là miễu Ông, miễu Bà.

 

Ông Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, sinh ra và lớn lên ở gần khu vực suối khoáng nóng Triêm Đức và Trà Ô cho biết, nguồn nước nóng ở đây rất đặc biệt, có thể trụng được gà để nhổ lông, luộc trứng gà, trứng chim cút. Từ lâu, người dân trong vùng biết dùng nước từ suối khoáng nóng để tắm trị bệnh ghẻ lở, da liễu.

 

“Suối khoáng nóng Triêm Đức, Trà Ô là nguồn tài nguyên quý để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; kết hợp với các tài nguyên nhân văn trong vùng có thể hình thành những khu du lịch quy mô. Lâu nay chưa đủ điều kiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chưa có nhà đầu tư với những dự án du lịch để phát huy giá trị tài nguyên.

 

Được biết, một số nhà đầu tư đã đăng ký dự án tại khu vực suối nước nóng Triêm Đức, cũng như các điểm mỏ nước khoáng nóng khác trên địa bàn tỉnh. Vấn đề là khi tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án thì phải đảm bảo nhà đầu tư có năng lực, nhất là năng lực tài chính, thiện chí để dự án sớm thành hiện thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống người dân trong khu vực có tài nguyên”, ông Tâm nêu vấn đề.

 

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Trần Công Chính, tài nguyên suối khoáng nước nóng Lạc Sanh cũng như những tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn huyện thích hợp để đầu tư khai thác du lịch.

 

Tuy nhiên, trong điều kiện cơ sở hạ tầng vừa yếu, vừa thiếu, địa phương chưa thể xúc tiến kêu gọi đầu tư. Gần đây, một số nhà đầu tư đặt vấn đề triển khai dự án tại khu suối khoáng nước nóng Lạc Sanh. Đây là tín hiệu vui, vì khi du lịch phát triển sẽ góp phần thay đổi diện mạo ở vùng đất này. Huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai dự án.

 

Kinh nghiệm từ Hungary và các địa phương

 

Kinh nghiệm từ các nước châu Âu cho thấy, suối khoáng nóng là tài nguyên quý được bảo vệ, khai thác triệt để cho mục đích chữa bệnh và phát triển kinh tế, trở thành nguồn thu đáng kể cho GDP quốc gia. Đất nước Hungary

 

là một điển hình. Hungary, xứ sở hoa hồng còn được mệnh danh “thế giới tắm khoáng nóng”. Văn hóa tắm suối khoáng nóng được hình thành từ thời đế chế Ottoman, La Mã cổ đại, hiện vẫn còn những di tích kiến trúc của bồn tắm, phòng tắm rất quy mô.

 

Theo TS-BS Bernadette Rojkovich (Hunggary), nước suối khoáng nóng có tác dụng chữa bệnh rất tốt, trong đó có các bệnh về thấp khớp, phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe. Tác dụng chữa bệnh của nước suối khoáng nóng là tác dụng tổng hợp của ba liệu pháp điều trị vật lý, đó là: thủy trị liệu, nhiệt trị liệu và khoáng trị liệu.

 

Ở Hungary có những bệnh viện lâu đời chuyên trị liệu bệnh thấp khớp bằng phương pháp tắm suối khoáng nóng; các khu nghỉ dưỡng công viên nước chăm sóc sức khỏe và tắm khoáng trị liệu hình thành các tour trọn gói vừa kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch với trị liệu bằng khoáng nóng.

 

“Nước khoáng nóng có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng và phòng ngừa thứ cấp nhằm cải thiện kết quả chữa bệnh cũng như trị liệu khác của bệnh: thấp khớp, phục hồi chức năng sau chỉnh hình, tiêu hóa, da liễu, nội tiết, phụ khoa... Ngoài ra, có thể ứng dụng hiệu quả phương pháp thủy trị liệu với suối khoáng nóng cho dịch vụ spa, làm đẹp”, TS-BS Rojkovich nói.

 

Ông Mihaly Krampek, cố vấn Hiệp hội Tắm khoáng nóng Hungary, cho biết tắm khoáng nóng là dịch vụ đặc trưng nhất của du lịch Hungary. Mỗi năm ước có hơn 3,6 triệu lượt khách quốc tế đến đây chỉ để tắm khoáng nóng, chưa kể hệ thống bệnh viện trong nước sử dụng liệu pháp tắm khoáng nóng để phục vụ chăm sóc sức khỏe theo hệ thống bảo hiểm quốc gia cho người dân trong nước (kể cả hợp tác với hệ thống bảo hiểm các nước khu vực châu Âu). Doanh thu của ngành Du lịch, mà vai trò chính là các dịch vụ liên quan đến suối khoáng nóng đóng góp 10,5% GDP của quốc gia.

 

Tại Việt Nam việc phát hiện nguồn suối khoáng nóng và đã được khai thác, hình thành các khu nghỉ dưỡng, tuy nhiên chưa khai thác hết các tiềm năng từ tài nguyên suối khoáng nóng ở các địa phương. Nhiều sản phẩm thương hiệu nước khoáng đóng chai nổi tiếng như: Đảnh Thạnh, Thạch Bích, Vĩnh Hảo... Các khu du lịch nghỉ dưỡng khai thác từ nguồi suối khoáng nóng đang hấp dẫn khách trong nước cũng như thu về nguồn ngoại tệ đáng kể như: Khu du lịch tắm khoáng, bùn Tháp Bà (Khánh Hòa), Khu du lịch suối khoáng nóng Mỹ Lâm (Tuyên Quang), Khu du lịch suối nước nóng Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu)...

 

Bà Đỗ Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Ngoại vụ Phú Yên, nói: “Chúng ta có nhiều nguồn suối khoáng nóng rất phù hợp đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Có định hướng đúng, với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, nhất là Hungary về kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm quản trị kinh doanh, đầu tư phát triển dịch vụ này, tôi tin rằng Phú Yên sẽ sớm có mặt trong bản đồ điểm đến du lịch suối khoáng nóng trong chuỗi giá trị sản phẩm suối khoáng của thế giới”.

 

----------------------------- 

Bài cuối: Định hướng trong khai thác du lịch

 

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh cách đây không lâu, Tổng lãnh sự quán Liên bang Nga tại Đà Nẵng Andrei hồ hởi, phấn khởi khi nói về vấn đề khai thác tài nguyên suối khoáng nóng và mở đường bay thẳng sang Nga. Tiềm năng suối nước khoáng của Phú Yên cần đánh thức. Tôi biết ở Uzbekistan và một số nước cũng có nguồn suối khoáng nóng và họ đã tận dụng rất tốt. Cách đây vài tháng, tôi có chuyến khảo sát 4 điểm suối khoáng nóng Triêm Đức, Trà Ô (huyện Đồng Xuân), Lạc Sanh (huyện Tây Hòa), Phú Sen (huyện Phú Hòa); và chính mắt nhìn thấy, tự tay sờ lấy, ăn cả trứng luộc từ suối nước nóng... Có thể nói, các điểm suối khoáng nóng của Phú Yên rất tiềm năng để phát triển du lịch. Về nguồn khách quốc tế, tôi tin chắc nếu ở Phú Yên có những khu nghỉ dưỡng, thư giãn làm đẹp, kết hợp chữa bệnh ở các suối khoáng nóng chắc chắn sẽ thu hút tốt nguồn khách Nga. Đặc biệt là Tuy Hòa đang chuẩn bị mở đường bay quốc tế trực tiếp sang Nga.

 

Phú Yên nên tranh thủ sự hỗ trợ về chuyên môn, cũng như cách quản lý khai thác nguồn suối khoáng nóng, nhất là gói dịch vụ điều trị bệnh và phục hồi chức năng từ suối khoáng nóng, vì hiện nay Việt Nam chưa có khu du lịch suối khoáng nào có dịch vụ đặc biệt này. Một trong những hạn chế địa phương cần khắc phục ngay nếu muốn phát triển du lịch là giao thông. Khoảng cách từ TP Tuy Hòa đến các điểm vài chục cây số không phải vấn đề lớn, nhưng điểm nghẽn là những cây số cuối đường quá hẹp, ô tô 45 chỗ ngồi không thể vào được. Du lịch dịch vụ mà không có giao thông thì không thể triển khai.

 

TRẦN QUỚI - ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
BÀI 1: “Món quà” từ lòng đất
Chủ Nhật, 28/10/2018 09:31 SA
Tháng mười ở Hàn Quốc
Thứ Bảy, 27/10/2018 11:00 SA
Về miền ký ức
Thứ Bảy, 20/10/2018 13:00 CH
Trở lại Phú Yên
Thứ Sáu, 19/10/2018 13:00 CH
Kỳ 2: Những thành phố của tỉ phú
Chủ Nhật, 23/09/2018 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek