Thứ Năm, 17/10/2024 12:39 CH
Kỳ thú châu Âu
Kỳ cuối: Ghế ba chân và những đỉnh cao
Thứ Hai, 24/09/2018 09:36 SA

Trước khi bắt tay vào hành trình chinh phục đỉnh núi Mont Blanc, cao nhất của dãy Alps (còn gọi là nóc nhà của châu Âu), từ Lyon chúng tôi tập kết đến Chamonix, thị trấn nhỏ lọt thỏm trong dãy Alps, nằm ở độ cao 1.280m tiếp giáp giữa ba nước Pháp - Thụy Sĩ - Ý.

 

Ghế ba chân ở Geneva Thụy Sĩ - Ảnh: ĐÀO MINH HIỆP

 

Mặc dù thuộc Pháp, nhưng Chamonix lại mang đậm những đặc điểm văn hóa của vùng núi Thụy Sĩ, với ngôi nhà thờ nhỏ dựa lưng vào vách núi xanh rì trông rất lãng mạn và nhà ga xe lửa cũng xinh xắn, thơ mộng không kém. Trong thị trấn có tượng đồng vinh danh hai nhà leo núi đầu tiên chinh phục đỉnh Mont Blanc, đó là Jacques Balmat và Michel - Gabriel Paccard. Một ông giơ tay về phía đỉnh núi cao nhất dãy Alps như chỉ đường cho những người mới đến lần đầu như chúng tôi.

 

Từ thị trấn, chúng tôi lên núi Alps bằng cáp treo và phải đi hai chặng mới lên tới nơi vì độ dốc của tuyến cáp quá lớn. Có một điều đáng lưu ý, là dù đi bằng cáp treo hay xe lửa bánh răng thì du khách đều có cảm giác như đang bay lơ lửng trong không trung trên độ cao chóng mặt mà những người yếu tim không dám nhìn xuống dưới.

 

Do đặc thù nghề nghiệp và niềm đam mê du ngoạn nên tôi đã có nhiều dịp được đặt chân lên những đỉnh núi cao ở trong nước và trên thế giới. Đỉnh núi đầu tiên ở trong nước mà tôi leo lên vì công việc là đỉnh Hàm Rồng ở Gia Lai, ngay tại ngã ba quốc lộ 14 và quốc lộ 19 đến huyện Chư Prông, nơi Đoàn địa chất 702 của chúng tôi đóng quân sau ngày đất nước thống nhất.

 

Vốn xưa kia là núi lửa, giờ đây Hàm Rồng chỉ là cái miệng phễu khổng lồ nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, với lớp đất bazan phì nhiêu cho thảm thực vật phong phú, đặc biệt là khu rừng thông xanh ngát. Đỉnh núi thứ hai mà tôi phải cố sức leo lên cũng có tên là Hàm Rồng, nhưng lại ở Sa Pa. Lên tới đỉnh núi đá vôi lởm chởm có độ cao hơn 1.800m, tôi sững sờ trước những bồn hoa đủ màu đua nhau khoe sắc và thảm cỏ xanh rì, là công sức của từng đoàn người đã nối đuôi nhau khiêng từng bao đất lên đây.

 

Ngoài hai đỉnh Hàm Rồng ở hai miền đất nước, tôi còn có dịp leo lên một số đỉnh núi khác như Langbiang ở Lâm Đồng cao hơn 2.000m so với mặt nước biển, đỉnh Bà Nà (1.489m) ở Đà Nẵng, núi Bà Đen (986m) ở Tây Ninh và núi Bà (400m) ở Bình Định có tượng Phật Thích Ca cao nhất Đông Nam Á hiện nay.

 

Mấy năm trước, trong một chuyến du ngoạn đến Suối Tiên ở Mũi Né, Bình Thuận để xem cát đỏ, tiện đường chúng tôi leo lên núi Tà Cú cao 649m để viếng chùa Núi. Ngọn núi đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất chính là Yên Tử ở Quảng Ninh với chùa Đồng ở trên đỉnh cao 1.068m, cùng với một hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa gắn liền với sự ra đời và phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

 

Không biết có phải là một sự ngẫu nhiên, nhưng trong những chuyến ra nước ngoài, tôi cũng được đưa đến tham quan nhiều đỉnh núi độc đáo. Ngọn núi lửa Seongsan Sunrise Peak trên đảo Jeju của Hàn Quốc, cao 181m so với mực nước biển là một trong những đỉnh núi hấp dẫn du khách nhất với 3 danh hiệu: Di sản thế giới, Công viên địa chất toàn cầu và Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

 

Hôm chúng tôi leo lên, đúng vào một ngày mưa gió, chiếc áo mưa mới mặc được vài phút đã bị gió giật rách bươm, nhưng đoàn người vẫn lầm lũi bước, chỉ khổ cho cậu HDV cứ phải chạy lên chạy xuống, dặn đi dặn lại, đi sát vào vách núi kẻo gió cuốn xuống vực. Cuối cùng thì chúng tôi cũng leo tới đỉnh, choáng ngợp trước thiên nhiên hùng vĩ đang trong cơn cuồng nộ, cùng với tiếng gió rít ào ào bên tai và những giọt mưa rát mặt.

 

Tác giả trên đỉnh núi Alps - Ảnh: LÊ ĐIỆP

 

Trên núi Kyaikhtiyo ở Myanmar có một ngôi chùa rất hấp dẫn du khách là chùa Đá Vàng. Ngôi chùa cổ không có gì đặc biệt nhưng lại được xây trên một tảng đá hình quả trứng nằm chênh vênh ở mép vực cao 1.100m so với mực nước biển. Có cảm giác, chỉ cần xô mạnh một cái là cả tảng đá lẫn ngôi chùa có thể rơi xuống. Nhưng ngôi chùa đã tọa lạc ở đây trên 2.500 năm, tức là vào thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn sống, và được xếp vào một trong số rất ít những kiệt tác của thiên nhiên.

 

Ở Myanmar còn có một quả núi nữa cũng rất nổi tiếng, đó là núi Singuttara ở thủ đô Yangon cao 105m, trên đó có ngôi chùa Shwedagon (hay còn gọi là Chùa Vàng) lưu giữ 4 báu vật thiêng liêng đối với các tín đồ Phật giáo là 8 sợi tóc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cây gậy của Đức Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Đức Phật Câu Na Hàm và một mảnh áo của Đức Phật Ca Diếp.

 

Ở khu vực châu Á, tôi còn có dịp leo 272 bậc thang lên đỉnh núi đá vôi Batu ở Malaysia, chui vào một cái động to để viếng ngôi đền Ấn Độgiáo ở độ cao 100m. Khi sang Campuchia, tôi đã leo lên núi Pakheng cao 65m để ngắm nhìn toàn cảnh di sản thế giới Angkor. Đến Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc, xe chở chúng tôi chạy vòng vèo trên các triền núi cao rồi đổ chúng tôi xuống dưới chân Trường Thành. Tưởng chỉ leo mấy bậc tam cấp là lên trên thành nhưng hóa ra phải leo hàng trăm bậc mới lên tới mặt thành cao chục mét, rộng 5-6m và dài tới 21.196km.

 

Ấn tượng sâu đậm nhất về những đỉnh núi cao mà tôi có dịp leo lên là pháo đài Masada ở Israel. Pháo đài nằm trọn trên một đỉnh núi ở độ cao 400m so với Biển Chết, với những vách đá dựng đứng, chỉ có ba con đường mòn để đi lên. Xưa kia, Masada vốn là một lâu đài nguy nga và tráng lệ do vua Do Thái Herod The Great xây dựng. Khi quân La Mã đánh chiếm Jerusalem, người Do Thái không chống cự nổi, phải rút lui về phía Biển Chết và cố thủ ở pháo đài Masada. Sau 3 năm lương thực cạn kiệt, biết không thể chống đỡ nổi, tất cả dân Do Thái trong pháo đài quyết định tự sát chứ không đầu hàng. Cuộc tự sát tập thể trên pháo đài Masada là khúc ca bi tráng đầy máu và nước mắt của người Do Thái.

 

Thụy Sĩ không chỉ có “nóc nhà của châu Âu” cuốn hút các nhà leo núi và những kẻ ưa mạo hiểm, mà còn nhiều điểm tham quan thú vị không kém. Xưa nay, nói đến Thụy Sĩ là người ta nhắc ngay đến đồng hồ, nhưng nhà thơ Việt Phương, trong tập thơ “Cửa mở” đã “chê” loại đồng hồ tốt nhất thế giới này bằng câu thơ: “… đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ… trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ…”.

 

Trước khi đưa mọi người vào một siêu thị ba tầng chuyên bán đồng hồ ở Geneva, cậu HDV đã chỉ dẫn cặn kẽ tầng nào bán loại gì để tiện lợi cho du khách. Chúng tôi vào tầng trệt, bán loại rẻ tiền nhất, với mục đích phải mua cho bằng đựơc một chiếc “Thụy Sĩ chính hiệu” dù đắt hay rẻ. Nhưng sau khi bước mỏi chân ở cả ba tầng, tất cả đều quay ra tay không, chỉ có một người mua một chiếc vỏ nhựa thuộc loại “rẻ nhất”, nhưng cũng hơn ngàn đô.

 

Thế đấy, tiền nào của ấy, mua hàng ở đây là mua “thương hiệu”. Khách sạn ở Thụy Sĩ, dù là cùng “sao” với các khách sạn khác ở châu Âu, nhưng theo quan sát của chúng tôi thì tinh tế và sang trọng hơn, từ các vật dụng trang trí nội thất cho đến cách xếp chăn gối, thái độ phục vụ của nhân viên hay những viên kẹo socola để trên bàn nước vào mỗi buổi sáng… Một số người trong đoàn có bà con định cư ở nước ngoài còn cho biết, thủ tục và tiêu chuẩn nhập cư vào Thụy Sĩ khó hơn nhiều so với các nước Tây Âu khác.

 

Nhưng Thụy Sĩ, đâu chỉ nổi tiếng với đồng hồ, thứ xa xỉ phẩm dành cho giới đại gia và quý tộc. Với các nhà hoạt động chính trị và xã hội, người ta quan tâm đến đất nước tươi đẹp này là vì ở đây có trụ sở một cơ quan quyền lực cao nhất thế giới - đó là Liên Hợp Quốc (LHQ). Trước khi đến đây tôi vẫn hình dung trụ sở LHQ phải là một tòa nhà hoành tráng, cỡ như Tòa Bạch Ốc hay Thiên An Môn… nhưng khi đến tận nơi, nhìn từ xa qua thảm cỏ xanh trong khuôn viên thấy tòa nhà cũng khiêm nhường sau lớp hàng rào song sắt và cái cổng cũng bình thường như mọi công sở khác. Điểm khác biệt duy nhất là bốn hàng cột cờ của hơn một trăm nước tung bay phấp phới. Trụ sở LHQ tại Genève nằm trong Cung Các quốc gia (Palais des Nations) là trụ sở lớn thứ hai sau trụ sở chính ở New York.

 

Đứng trên vỉa hè trước cổng LHQ, tôi nhìn sang Quảng trường Các quốc gia bên kia đường, thấy có một chiếc ghế khổng lồ bị gãy một chân. Hóa ra đó là tượng đài Chiếc ghế gãy “Broken Chair” cao 24m của nhà điêu khắc người Thụy Sĩ Daniel Berset, được làm từ 5,5 tấn gỗ và hoàn thành vào tháng 8/1997. Ý tưởng xây dựng một tượng đài về những người tàn tật là của Paul Vermeulen, người sáng lập đồng thời là người lãnh đạo của tổ chức Giúp đỡ người tàn tật quốc tế (Handicap International) Thụy Sĩ.

 

Chiếc ghế gãy mang tính biểu tượng và tính nhân văn sâu sắc, phản đối sử dụng mìn sát thương và bom bi, đồng thời là lời kêu gọi của toàn xã hội gửi đến các vị lãnh đạo nhà nước trước khi Công ước Cấm mìn sát thương (Convention d’Ottawa) được ký kết vào tháng 12/1997 tại Ottawa. Năm 2005, trong quá trình chỉnh trang, sửa chữa quảng trường, chiếc ghế đã được đưa đi chỗ khác, nhưng sau nhiều cuộc tranh luận gay gắt, cuối cùng Chiếc ghế gãy lại được đưa về vị trí cũ vào ngày 26/2/2007.

 

Không hiểu tại sao khi đứng trước Chiếc ghế gãy, tôi lại nhớ về người bạn thương binh cụt một chân của mình với bao khó khăn trong cuộc sống thường nhật. Có thể tôi là người đa cảm, hay là tác phẩm điêu khắc Chiếc ghế gãy có sức lay động tâm can đến thế.

 

Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek