Thứ Sáu, 10/01/2025 06:56 SA
Tháng mười ở Hàn Quốc
Thứ Bảy, 27/10/2018 11:00 SA

Các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Sao Biển biểu diễn văn nghệ, giao lưu với các nghệ sĩ tỉnh Chungbuk - Ảnh: TRẦN QUỐC CƯỠNG

Chúng tôi đến tỉnh Chungbuk và thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào một ngày đầu tháng 10 lạnh giá. Trời khuya khoắt. Sắp đến sân bay Incheon, phía dưới là bức tranh khổng lồ sống động, lung linh sắc màu. Cái đẹp thật nôn nao, ấn tượng, nhất là đối với một người lần đầu đặt chân đến đất nước xa lạ. Các bạn Hàn Quốc đón chúng tôi tại sân bay bằng nụ cười rạng rỡ và những cái bắt tay thật chặt. Băng rôn với khẩu hiệu chào mừng đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên và bó hoa tươi thắm dành cho Trưởng đoàn Hồ Văn Tiến.

 

Ấn tượng Chungbuk

 

Chiếc cầu Incheon Doekyg dài 21km nối liền với Chungbuk như con rắn uốn lượn, đưa chúng tôi về TP Cheongju. Dọc đường, những hàng cây phong lá năm cạnh bắt đầu chuyển dần sang màu đỏ và những hàng cây xanh lá nhỏ chuyển sang sắc vàng óng ả.

 

Hàn Quốc đang là mùa thu. Thời điểm Phú Yên đã thu hoạch xong lúa vụ hè thu, nhưng ở đây ruộng lúa mới bắt đầu chín vàng bên những nhà bạt trồng táo, ớt, cải… ứng dụng công nghệ cao. Xa xa là hàng loạt nhà cao tầng lô nhô với núi xanh rì bao quanh. Mọi người đi trên xe buýt nhận định núi rừng ở đây hẳn là không có lâm tặc nên mới được như thế.

 

Thú vị hơn là những con đường bê tông dù đã cũ, nhưng không hề có sự chấp vá, hang, ổ. Còn hè phố thật đúng nghĩa là hè phố dành cho người đi bộ vì rộng, thoáng, sạch bong và không bị lấn chiếm. Trên đường phố hiếm có xe máy.

 

Xe ô tô tham gia giao thông dày đặc, nhưng diễn ra trật tự và an toàn. Có lẽ người Hàn Quốc học tập theo người Nhật Bản về tinh thần tự tôn dân tộc, không ỷ lại vào tài nguyên sẵn có, mọi người vì lợi ích chung của cả cộng đồng mà phấn đấu xây dựng đất nước.

 

Ngay cả trẻ con cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, ra đường chấp hành nghiêm luật giao thông. Nền móng vững chãi của một xã hội văn minh là con người không hám lợi trước mắt, không đố kỵ, ích kỷ và thượng tôn pháp luật.

 

Tháng mười lễ hội xứ Hàn

 

Bản in kim loại Jikj Korea của Hàn Quốc mà TP Cheongju, Chungbuk (Hàn Quốc) đang lưu giữ, triển lãm là bản in kim loại đầu tiên của thế giới. Hiện nay, bản in cổ Jikj đang lưu giữ ở bảo tàng của Pháp, nhưng người Hàn Quốc có đủ luận cứ để minh chứng rằng bản in kim loại cổ đó là của họ với lòng tự hào dân tộc vô bờ bến. Ai đến TP Cheongju hãy đến với Festival Korea. Korea là một trong ba triều đại của Hàn Quốc nằm trên lãnh thổ Chungbuk đã có một thời tồn tại và phát triển lẫy lừng! Festival Korea còn có sân khấu ngoài trời với trang thiết bị hiện đại.

 

Rời Festival Korea, chúng tôi đến với làng bích họa Suamgol ở TP Cheongju. Làng bích họa ra đời vào thời điểm tư bản lấn dần dân nghèo bằng nhà cao tầng. Các họa sĩ Chungbuk đã vẽ tranh tường ở làng nghèo. Chính nghệ thuật bích họa, mỹ thuật công cộng đã làm thay đổi cách nghĩ, sự mặc cảm của thanh thiếu niên nghèo, đã làm cho Suamgol nghèo nàn trở thành điểm du lịch nổi tiếng và là niềm tự hào chung của người dân Chungbuk.

 

Dường như chiều hôm ấy, chủ nhà dành riêng cho khách một bữa tiệc mỹ thuật trọn vẹn. Ban Mỹ thuật dân tộc Chungbuk tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật giao lưu giữa các họa sĩ Chungbuk và các họa sĩ Phú Yên tại Gallery trong rừng thuộc Quán văn hóa Chungbuk. Phải nói đó là một nơi vô cùng lý tưởng cho việc triển lãm.

 

Rừng cây xanh êm đềm, tĩnh lặng, rộng thoáng. Tôi có cảm giác không khí nơi đây trong lành đến mức làm cho con người ta thư thái và thấy yêu thiên nhiên nhiều hơn. Theo lịch trình của bạn, sáng hôm sau chúng tôi lại lên đường để thăm một họa sĩ nổi tiếng.

 

Nơi ở của họa sĩ Lee Hong Won xa hút miền quê, xung quanh là núi xanh rờn và ruộng vườn đang chuẩn bị mùa thu hoạch. Vườn nhà ông có nhiều loại hoa khác nhau. Trước nhà có nhiều tượng đá thiên về ngựa. Hai căn phòng đầy ắp tranh với phong cách lạ, màu sắc nhẹ nhàng nhưng thanh thoát. Trông ông hiền lành, bình dị, nhưng là một tài năng lớn của đất nước Hàn Quốc.

 

Tác phẩm của ông từng được triển lãm nhiều nước trên thế giới. Nhà ông là địa chỉ đỏ đối với khách du lịch. Vợ chồng Lee Hong Won đón tiếp đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên với nụ cười luôn nở trên môi. Tôi thấy họ thật gần gũi!

 

Tác giả (trái) và nhà thơ Do Jong Hwan, Bộ trưởng VH-TT Hàn Quốc - Ảnh: CTV

 

Chúng tôi đến với Chungbuk và Seoul vào những ngày lễ hội. Trong buổi gặp gỡ bên tách cà phê bốc khói thơm lừng, Chủ tịch Liên đoàn nghệ thuật Chungbuk Yu Sun Ung chân thành nói: “Các bạn đến đây vào dịp lễ hội thật vui, nhưng cũng làm cho chúng tôi thêm phần bận rộn”.

 

Người Hàn Quốc xem việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình như một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Thật thú vị khi thấy các họa sĩ Hàn Quốc tái hiện lại cảnh thi cử thời phong kiến có cái gì đó tương đồng với văn hóa của dân tộc Việt Nam.

 

Chungbuk được mệnh danh là “vương quốc” của học tập. Một tỉnh có đến 9 trường đại học, 6 trường cao đẳng, trong đó có Trường đại học Quốc gia với mấy chục ngàn sinh viên trong và ngoài nước. Trong trường có 5 thư viện, ngân hàng, bệnh viện phục vụ riêng cho sinh viên.

 

Còn Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc là viện văn hóa công cộng dành cho việc nghiên cứu, triển lãm, giáo dục và bảo tồn văn hóa về cuộc sống hàng ngày của người dân Hàn Quốc. Ở đây vòng đời con người “sinh - lão - bệnh - tử” được trưng bày logic và tái hiện sinh động.

 

Có những phong tục, như: Lễ cưới hỏi, các hoàng tử, công chúa được dạy dỗ từ thuở bé bởi những người thầy được đặt trách ở trong cung điện, các công cụ dùng để cắt thuốc, giã thuốc, cối đá dùng để xay bột…, thậm chí cỗ xe tang dùng để đưa người quá cố về cõi vĩnh hằng cũng có nét tương đồng với văn hóa Việt Nam.

 

Làm việc với Ban điều hành Tổ chức “Chiếc Nơ Hòa Bình”, gồm 5 thành viên, do ông Lee Chul Soo là Chủ tịch, chúng tôi mới thấy hết thiện chí và quyết tâm của những người bạn Hàn Quốc. Tổ chức “Chiếc Nơ Hòa Bình” ra đời từ lâu, không chỉ ở Chungbuk mà trên cả nước với số lượng hội viên ngày càng tăng.

 

Tôn chỉ, mục đích của tổ chức này là vận động sự tài trợ kinh phí của các công ty, tổ chức từ thiện để hỗ trợ cho học sinh nghèo Việt Nam, nhằm góp phần làm xoa dịu nỗi đau chiến tranh mà lính Nam Hàn đã gây ra. Người Hàn Quốc đã và đang chuộc lỗi bằng sự thành tâm hàn gắn Hàn - Việt vì hòa bình, thịnh vượng theo xu thế mở của thời đại mới.

 

Gọi là “Đem chuông đi đánh xứ người”, Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Sao Biển đã mang sang xứ sở kim chi một chương trình nghệ thuật đặc sắc với đêm “diễn thử” tại Festival Korea và đêm “diễn thiệt” chính thức giao lưu văn hóa, nghệ thuật Hàn - Việt năm 2018 tại Cheongju Art Hall.

 

Ca sĩ Thanh Vân với đơn ca “Gối đầu lên sóng chờ anh” của nhạc sĩ Huỳnh Tấn Phát vừa “rinh” huy chương vàng cách đây chưa lâu làm tôi nhổm da gà vì tiếng kêu thảng thốt, ai oán. Đơn ca “Người đàn bà mang gùi”, tác giả Y Cel Nie, do Sô Chăm Huy trình bày nghe thật mạnh mẽ, hoang dại. Múa “Mùa nghêu”, âm nhạc và biên đạo NSND Hữu Từ mang đến sự mới mẻ, thi vị, sôi nổi.

 

Đạo cụ mà Hữu Từ mang theo sang Hàn Quốc được tôi gọi vui là “bộ bồ cào” bị ách lại tại sân bay Đà Nẵng vì dài quá khổ đã làm khổ cho Hữu Từ và Thanh Hải, hai anh em đã thuyết phục được người quản lý bay, mang bộ bồ cào dài lêu nghêu sang tận Chungbuk. Đêm văn nghệ có những cô gái lấy chồng Hàn Quốc đến xem, vẫy tay chào tôi vì biết là đồng hương.

 

Các tiết mục văn nghệ của Phú Yên được khán giả Hàn Quốc cổ vũ nồng nhiệt. Nhất là khi đến tiết mục của nhạc sĩ Hàn Quốc Han Song Nien, mang tên “Chặng đường cùng nhau”. Đó là chặng đường mà Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Sao Biển và Liên đoàn Nghệ thuật Chungbuk đã cùng nhau “Cưỡi lên những ngọn sóng/ Vượt qua những đám mây” mà đến với nhau mới có được như hôm nay, tất cả vì hòa bình và phát triển!

 

Thắt chặt tình hữu nghị Việt - Hàn

 

Những ngày ở Hàn Quốc, đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên không những được Liên đoàn Nghệ thuật tỉnh Chungbuk đón tiếp nồng hậu mà còn được các vị lãnh đạo cao nhất của chính quyền tỉnh tiếp đãi trọng thị.

 

Ngày đầu tiên chúng tôi đến Chungbuk, ông Lee Chang Sớp - Tỉnh phó mở tiệc chiêu đãi trọng thể. Tôi đi từ ngạc nhiên đến thú vị khi nghe ông nói câu: “Người Hàn Quốc thường nói một láng giềng gần bằng ba bà con xa. Tỉnh Phú Yên là láng giềng gần đó các bạn ạ!”.

 

Cách so sánh ví von của ông Tỉnh phó làm tôi chợt nhớ đến câu tục ngữ Việt Nam “Bà con xa không bằng láng giềng gần”. Ông Lee Chang Sớp còn trải lòng: “Đất nước của các bạn từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chia cắt hai miền Nam - Bắc, nhưng các bạn thật hạnh phúc khi được hòa bình, thống nhất hai miền.

 

Còn chúng tôi chưa biết đến bao giờ thống nhất hai miền Nam - Bắc Triều Tiên”. Ngài Chang Seo Bae, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Chungbuk tiếp chúng tôi rất đúng giờ. Ông vừa ăn, vừa chuyện trò thân mật với khách. Chớp lấy cơ hội này, Chủ tịch Liên đoàn Nghệ thuật Chungbuk nhắc chuyện đã gửi kế hoạch cho tỉnh để xin hỗ trợ kinh phí tổ chức các hoạt động văn học, nghệ thuật. Trưởng đoàn Phú Yên cũng nói giúp một câu với ông Chủ tịch Hội đồng, thế là mọi người cùng phá lên cười.

 

Thì ra bạn cũng tranh thủ xin tiền của tỉnh để tổ chức mọi hoạt động và lãnh đạo của tỉnh Chungbuk cũng quan tâm đến lĩnh vực văn học, nghệ thuật không kém gì lãnh đạo tỉnh Phú Yên. Riêng Cục trưởng Cục VH-TT-DL Jeong Hyo Jin còn đề nghị mở rộng giao lưu về du lịch của hai tỉnh để phát triển kinh tế. Đáng quý nhất là nhà thơ Do Jong Hwan, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Hàn Quốc, người từng đọc thơ trong Hội thơ Nguyên tiêu trên Tháp Nhạn, khi ông còn làm Chủ tịch Liên đoàn Nghệ thuật tỉnh Chungbuk đã dành cả buổi trưa và buổi tối tiếp đãi chúng tôi một cách thân tình.

 

Tôi nói vui với người trong đoàn “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”, mình qua Hàn Quốc không chỉ tham quan, trải nghiệm mà còn bàn đến công việc giao lưu văn hóa, nghệ thuật cho năm tiếp theo. Sau khi hai đoàn bàn bạc, thống nhất có bản ghi nhớ kèm theo, năm 2018, Ban Mỹ thuật của tỉnh Chungbuk và Chi hội Mỹ thuật tỉnh Phú Yên sẽ mở Trại sáng tác Mỹ thuật tại Phú Yên để chào mừng Kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Phú Yên và Tổ chức “Chiếc Nơ Hòa Bình” sẽ tiếp tục sang Phú Yên để trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở huyện Tây Hòa.

 

Phú Yên và Chungbuk đã trải qua 15 năm giao lưu về văn hóa, nghệ thuật. Bạn đã tích cực vận động các công ty tài trợ kinh phí để xây dựng công viên, trường học và trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở Phú Yên. Họ thật sự muốn xoa dịu nỗi đau chiến tranh mà những người lính Nam Triều Tiên đã gây ra để tiến tới mở rộng quan hệ trên các lĩnh vực khác vì hòa bình và phát triển.

 

Đó là điều quan trọng nhất mà tôi cảm nhận được trong chuyến đi này.

 

TRẦN QUỐC CƯỠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Về miền ký ức
Thứ Bảy, 20/10/2018 13:00 CH
Trở lại Phú Yên
Thứ Sáu, 19/10/2018 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek