Con đường đi về miền tây của Phú Yên nối liền các di tích lịch sử, xuyên qua vùng rừng núi điệp trùng với cảnh quan đẹp, khí hậu mát mẻ như một tiểu Đà Lạt. Khi đến đây, khách bốn phương sẽ thưởng thức đặc sản của vùng cao nguyên Vân Hòa. Với riêng tôi, đó là những đặc sản chứa đựng cả một miền ký ức.
Mùa thu, trời Tuy Hòa dịu nắng. Sau bữa cơm chiều, tôi ngồi uống trà trên tấm phản, nghe má kể chuyện cách đây hơn nửa thế kỷ. Lúc ấy, tôi khoảng lên tám, lên mười. Những năm chưa có chiến tranh, người nông dân chăm chỉ cày bừa một sương hai nắng, mùa đông thì đi đặt lờ, cắm câu bắt cá đồng. Hồi đó đồng ruộng chưa có thuốc trừ sâu, trừ cỏ và các loại hóa chất nên cá đồng nhiều lắm.
Ở chợ quê, cá đồng nhiều hơn cá biển và ở nông thôn thì chưa có điện, chưa có gas, chưa biết đun nấu bằng dầu nên vào mùa thu mát mẻ ở thời điểm nông nhàn, mọi người trong xóm rủ nhau lên núi hái củi. Sau gà gáy lần thứ hai, nam nữ thanh niên trong làng gõ đòn gánh lốp cốp gọi nhau đi củi, mọi nhà đều thức dậy, cơm đùm, cơm vắt lên đường.
Đoàn người chuyện trò rôm rả, kéo nhau lên núi Phụng Nguyên, đến chiều tối ai nấy đều kẽo kẹt trên vai gánh củi về làng. Họ đi để có củi nấu nướng và còn để dành cho mùa đông không đi núi được, rồi để dành cho ngày Tết và cho những ngày bận rộn mùa vụ.
Má tôi cũng đi hái củi, mỗi chiều về trên vai bà nặng trĩu gánh củi, còn trong hai túi áo bà ba của má đầy căng những trái cây rừng như chim chim, dủ dẻ, sim, ổi rừng, trái xay..., có lúc còn có cả trái đỏ nữa. Bọn trẻ chúng tôi thích thú vô cùng! Nhưng thích nhất là mỗi lần má tôi cùng những người trong làng đi Đồn về, trong hai đầu quang gánh nặng trĩu của má là những trái mít chín thơm lừng, những trái thơm vàng ươm.
Lũ trẻ háu ăn xúm quanh hít hà mà không để ý đến mồ hôi ướt đẫm lưng áo má, ướt cả tóc và chảy tràn trên khuôn mặt. Má ngồi xuống sân, lấy nón vừa quạt vừa cười tươi nhìnmấy anh em tôi thích thú nhảy chân sáo quanh gánh trái cây mà bà trèo núi đem về.
Năm nay, má tôi đã gần 90 tuổi nhưng còn khỏe và bà thường nhớ những chuyện xa lắc ngày trước hơn là chuyện ngày nay. Ngồi trên phản buông thõng chân xuống đất, má vừa hớp ngụm trà vừa chậm rãi kể: “Trên Đồn có mít, thơm rất ngon cùng với nhiều loại trái cây rừng khác.
Hồi đó, dân làng mình thường hay đi Đồn mua về, có người mua để bán lại kiếm lời còn nhà mình thì mua về ăn thôi vì đi bộ gồng gánh trèo đèo vượt suối xa như vậy không có sức đâu mà gánh nhiều để bán. Má và bà con ở xóm mình thường đi theo ngả lên Đồng Mỹ, vượt dốc Lỗ Chài rồi nghiêng về hướng bắc đến Đồn.
Một số người thì đi lên hướng núi Cẩm Tú vượt dốc cả ngày mới tới được Đồn. Tất cả đều đi theo đường mòn, do dân đi lâu ngày thành đường xuyên rừng, vượt núi. Một chuyến đi Đồn hồi đó phải mất ba ngày cả đi và về. Không biết từ khi nào Đồn trở thành một vùng đặc sản trái cây có tiếng như vậy. Má cũng không biết cái tên Vân Hòa có từ lúc nào và do ai đặt.
Còn vì sao gọi là Đồn thì má nghe các cụ già xưa kể rằng cách đây hơn 400 năm, ông Lương Văn Chánh nhận lệnh của triều đình, đưa quân vào đóng đồn ở Vân Hòa, từ đó tiến quân xuống đánh lấy Thành Hồ thắng lợi. Nơi lập đồn, đóng quân của ông sau này trở thành nơi nổi tiếng về đặc sản trái thơm, trái mít, rồi người đời đặt tên là Đồn Vân Hòa để muôn đời sau nhớ mãi về đội quân của người tiền hiền đã có công mở mang bờ cõi, khai khẩn đất đai, lập nên xứ Phú Yên, giữ vững miền biên viễn cho nhà Nguyễn, từ đó làm bàn đạp tiến xa xuống phương Nam cho con cháu sau này một hình hài đất nước Việt Nam bây giờ”.
Bà kể tiếp: “Từ đó đi lên một đoạn nữa thì đến Giếng Trạm. Giếng Trạm là nơi quân của Lương Văn Chánh lập trạm đổi ngựa trên đường dây liên lạc để các binh lính luôn có ngựa khỏe, phi ngựa đi cấp báo”. Má tôi kết thúc câu chuyện của bà bằng câu nói vui: “Đó là má kể lại theo lời các cụ xưa truyền miệng chớ má không phải quân lính của cụ Lương Văn Chánh mà cũng không sống cùng thời với cụ nên đâu có biết là đúng hay sai!”.
* * *
Du khách chụp ảnh bên cây đỏ tại cao nguyên Vân Hòa - Ảnh: PV |
Buổi sáng mùa thu, bầu trời Tuy Hòa trong xanh và dịu mát. Ngồi bên ly cafe cùng các nhà báo Phú Yên, được các bạn cho biết bây giờ đi lên cao nguyên Vân Hòa dễ dàng hơn ngày trước nhiều lắm, ô tô chạy vèo vèo chứ không phải luồn rừng trèo đèo vượt suối như các cụ ngày xưa.
Đồn Vân Hòa là một địa điểm nhỏ nằm trên cao nguyên Vân Hòa rộng lớn gồm ba xã: Sơn Xuân, Sơn Long và Sơn Định thuộc cánh bắc của huyện Sơn Hòa. Được các bạn hướng dẫn, anh em tôi lên xe nổ máy tìm đến nơi ngày trước đôi chân đất của má đã nhiều lần đến đó gánh về những trái cây ngon ngọt đã đi vào ký ức tuổi thơ và theo tôi mãi cho đến tận sau này.
Từ TP Tuy Hòa theo quốc lộ 1 đi về hướng bắc khoảng 14km thì đến Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An), chúng tôi rẽ trái theo đường bê tông đi về phía tây Phú Yên. Xe bắt đầu leo dốc trên con đường quanh co có đoạn bê tông xi măng, có đoạn bê tông nhựa. Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng Tuy Hòa rộng hút tầm mắt dưới chân núi Chóp Chài.
Vào địa phận xã Sơn Định, có những đoạn xe chạy xuyên qua rừng bạch đàn xanh mát và những vườn tiêu tươi tốt; xa xa những mái nhà ẩn hiện sau các cụm rừng với một ít sương khói mùa thu sót lại trong nắng trưa. Khung cảnh thật nên thơ! Chúng tôi mở cửa kính, gió cao nguyên lùa vào trong xe mát rượi làm cho lòng người thư thái.
Từ ngã ba Hòa Đa chạy gần 30km, chúng tôi đến Nhà thờ Bác Hồ. Nơi đây, vào ngày 9/9/1969, Tỉnh ủy Phú Yên đã tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ, sau này tỉnh đã cho xây dựng nhà thờ để tưởng nhớ Bác và kỷ niệm một sự kiện lịch sử đã đi vào ký ức của những người một thời theo lời Bác gọi, lên núi tham gia kháng chiến.
Sau khi thăm viếng, thắp nén hương dâng Bác, chúng tôi quay xe trở lại một đoạn là đến chợ Đồn - nơi ngày trước bà con quê tôi trèo núi đến đây mua thơm, mua mít, có lúc bà con còn trèo tiếp vượt qua Giếng Trạm lên cao hơn nữa để mua đủ trái cây gánh về. Nhìn trùng điệp núi rừng mới thấm thía được múi mít, miếng thơm mà chúng tôi ăn ngày còn bé đã thấm đẫm biết bao nhiêu mồ hôi công sức của má và của bà con quê mình.
Buổi trưa, chúng tôi ghé vào vườn đỏ nghỉ ngơi và ăn trưa. Dân ở đây đã có thêm nghề mới, đó là làm du lịch, mỗi vé vào vườn giá 10.000 đồng. Người chủ vườn cho biết mỗi vườn đón từ 100-150 khách/ngày.
Phần lớn khách vào nghỉ chân đều đặt cơm trưa có món canh gà lá dít và mắm thơm - những món ăn dân dã nhưng phải nói là rất ngon, ngon hơn cao lương mỹ vị ở thành phố. Khách ăn đông tới mức chủ vườn không phục vụ kịp; khách chờ đợi đói bụng, réo gọi chọc ghẹo nhau om sòm.
Gạo rẫy đặc sản, gà đặc sản, mắm thơm đặc sản và cả lá dít cũng đặc sản của vùng này nên ai đến đây mà không thưởng thức một bữa ăn thì đó là một thiếu sót lớn hoặc coi như chưa đến nơi này! Món ăn rất ngon mà cảnh quan cũng hữu tình.
Du khách lúc đầu ngẩn ngơ, xuýt xoa với những cây đỏ chi chít trái từ gốc lên ngọn, sau đó thì say mê chụp ảnh. Tất cả các thiết bị ghi hình đều được đem ra, từ máy ảnh chuyên nghiệp, máy ảnh du lịch đến điện thoại di động... Khách tranh nhau làm dáng và liên tục bấm máy bên những cây đỏ thắm màu nổi bật trên nền xanh của lá. Theo bản chỉ dẫn bên đường thì đi về hướng bắc một đoạn sẽ đến Hội trường Mùa Xuân.
Vùng này một thời là căn cứ của Tỉnh ủy Phú Yên trong những năm chống Mỹ. Một vùng rừng núi hiểm trở được chọn làm căn cứ kháng chiến, và nơi hội họp của tỉnh hiện chỉ cách quốc lộ 1 hơn 20km; từ đây đã đưa ra những quyết định quan trọng, phát động những chiến dịch tiến xuống đồng bằng, tiến về thành phố... cho đến ngày chiến thắng.
Từ Nhà thờ Bác Hồ có một con đường rộng, dài khoảng 10km chạy đến xã An Xuân (huyện Tuy An), nơi có địa đạo Gò Thì Thùng nổi tiếng trong những năm chống Mỹ. Khi tôi đang học lớp 12 ở Trường trung học Nguyễn Huệ thì tại gò Thì Thùng diễn ra những trận đánh ác liệt giữa ta và địch kéo dài nhiều ngày. Đó là lần đầu tiên tôi được nghe đến gò Thì Thùng - một cái tên rất lạ.
Những ngày ấy, TX Tuy Hòa xôn xao tin về chiến sự, xe cứu thương của quân đội Sài Gòn hú còi inh ỏi cả thị xã. Binh lính chế độ Sài Gòn hoang mang lo lắng, sợ bị đưa đi tiếp viện. Nhiều người trong số họ tỏ ra hiểu biết chiến sự kể lại rằng “Việt cộng nằm phục kích dưới lớp lá ủ; trực thăng chở lính thả xuống gò Thì Thùng lọt hết vào ổ phục kích. Họ đội lá bật dậy đánh giáp lá cà, nên hễ thả xuống bao nhiêu bị hốt gọn hết bấy nhiêu”.
Một đồn mười, mười đồn trăm, cứ thế người dân thị xã truyền miệng nhau một cách thán phục! Sau này mới biết là hệ thống gần 2km địa đạo và giao thông hào ở gò Thì Thùng đã góp phần lớn cho chiến thắng này. Về làng, tôi đem những tin tức nghe được ở thị xã báo lại cho các chú trên núi về, được các chú nói thêm về chiến thắng của ta ở gò Thì Thùng, mọi người khấp khởi vui.
Ngày nay, khách đến gò Thì Thùng được tham quan hệ thống địa đạo nổi tiếng. Vào mùng 9 Tết, hội đua ngựa tưng bừng diễn ra trên gò Thì Thùng.
Con đường đi về miền tây của Phú Yên nối liền các di tích lịch sử, xuyên qua vùng rừng núi điệp trùng với cảnh quan đẹp, khí hậu mát mẻ như một tiểu Đà Lạt, có thể trở thành tour du lịch. Và khi đến đây, khách bốn phương sẽ thưởng thức những đặc sản riêng có của vùng cao nguyên Vân Hòa. Riêng tôi, một người con Phú Yên đi xa, được trở về với miền ký ức đã làm sống dậy tình yêu quê hương xứ Nẫu được bồi đắp trong trái tim từ những ngày còn bé.
HOÀNG NGUYÊN