Thời sinh viên, tôi đã từng sống ở châu Âu, nhưng chỉ loanh quanh trong các nước Đông Âu thuộc Liên bang Xô viết (cũ), nên Tây Âu vẫn là một miền đất đầy sức quyến rũ. Mới đây, sau nhiều lần trì hoãn, hai vợ chồng quyết định làm một chuyến Tây du để tìm hiểu xem sao.
Mặc dù chưa một lần đặt chân lên đất nước Italia xinh đẹp bên bờ Địa Trung Hải nhưng tôi vẫn có cảm giác quen thuộc, nguyên do là những năm học ở Nga tôi rất mê hội họa, mà các thiên tài trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình thời kỳ Phục Hưng đều là người Italia. Nhờ đó, tôi cũng biết chút ít về miền đất này.
Chính vì vậy, trong chuyến du ngoạn châu Âu mới đây, đất nước mà tôi dành nhiều sự quan tâm nhất là Italia, và điểm dừng chân quan trọng nhất là Vatican với Vương cung Thánh đường thánh Peter. Đây là thánh đường lớn nhất, nguy nga nhất thế giới do chính thiên tài Leonardo da Vinci thiết kế và chỉ đạo thi công, với mái vòm cao 136m, trưng bày hàng trăm tác phẩm hội họa và điêu khắc vô giá của nhân loại.
Thành cổ Pompeii là một hải cảng phồn hoa và sầm uất ở Italia, bỗng một ngày kia, cả thành phố bị chôn vùi dưới lớp dung nham dày gần 20m. Theo Kinh thánh, thành phố bị Chúa trời trừng phạt do cuộc sống xa hoa, trụy lạc, còn theo các nhà địa chất chúng tôi thì do núi lửa Vesuvius gần đó đến chu kỳ hoạt động phun trào.
Sự diệt vong của thành Pompeii đã trở thành đề tài cho hàng trăm tác phẩm văn học nghệ thuật của đời sau, trong đó có kiệt tác hội họa - bức tranh khổ lớn Ngày cuối cùng của thành Pompeii của họa sĩ người Nga K. Bryullov (1799-1852) mà tôi có dịp được chiêm ngưỡng trong Bảo tàng Mỹ thuật Nga ở Sankt-Peterburg.
Dạo còn trẻ, tôi đã nghe nói đến tháp nghiêng Pisa được xây dựng từ năm 1173, nhưng đến nay vẫn không đổ. Khi đứng trước công trình đồ sộ cao 56m này, tận mắt thấy nó nghiêng hẳn sang một bên, tôi không thoát khỏi cảm giác ớn lạnh, lỡ nó bất chợt đổ sập, nhưng dòng người tham quan vẫn nườm nượp leo lên leo xuống như mắc cửi. Ở Italia, ngoài Vatican, tháp nghiêng Pisa, thành cổ Pompeii, đấu trường La Mã Colosseum… còn vô số công trình kiến trúc khác cũng rất độc đáo.
Trong một lần nghỉ hè được nhà trường cho đi tham quan TP Sankt Peterburg (Leningrad), tôi nghe cô giáo chủ nhiệm nói, TP Leningrad có hệ thống sông ngòi chằng chịt như Venice ở Italia. Hồi ấy, tôi chẳng có một chút khái niệm gì về Venice, giờ đây bồng bềnh trên những chiếc thuyền gỗ vẫn giữ nguyên kiểu dáng của thời cổ đại, luồn lách qua các con kênh, tôi mới có dịp ngắm nhìn những tòa nhà và các công trình kiến trúc cổ hai bên bờ kênh như mọc thẳng lên từ dưới nước, với đèn lồng, lẵng hoa trên cửa sổ trông rất lãng mạn, gợi nhớ đến mối tình si Romeo và Juliet của đại văn hào Shakespeare.
Mực nước trong các kênh rạch ở Venice hầu như không biến động vì toàn bộ nước Ý nằm trọn trong Địa Trung Hải và các biển Adriatic, Ionia, Terrhenia, Liguria là những biển kín như một cái ao khổng lồ, không thông với đại dương nên quanh năm sóng yên biển lặng. Sau một buổi ngao du trên thuyền gỗ, luồn lách trong các dòng kênh, đến tận các ngõ phố cổ xưa, du khách có thể cảm nhận được những nét độc đáo của thành phố nổi có một không hai này.
Do đặc điểm địa hình, đất nước Italia có ba mặt tiếp giáp với đại dương nên ngành hàng hải phát triển rất sớm, với các nhà thám hiểm và thương gia nổi tiếng đã đi vào sử sách. Đó là Marco Polo (1254-1324), quê ở Venice, cùng với cha và chú mình là những người châu Âu đầu tiên đặt chân lên đất Trung Quốc và Mông Cổ; là Christopher Columbus (1451-1506) sinh ra ở Genoa, đã thực hiện bốn chuyến hành trình qua Đại Tây Dương dưới sự bảo trợ của các vị vua Tây Ban Nha để đến vùng biển Caribe, Trung Mỹ và Nam Mỹ.
Nhưng với tôi, điều hấp dẫn hơn cả là nền hội họa Phục Hưng được bắt nguồn từ đây vào thế kỷ XV, thời kỳ hội họa phát triển rực rỡ nhất và có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của nghệ thuật thế giới những năm tiếp theo. Chính vì vậy mà các họa sĩ thời kỳ Phục Hưng được coi là những người thầy khai sáng cho nền mỹ thuật thế giới, với ba cây đại thụ là Leonardo da Vinci (1452-1519), Raffaello (1483-1520) và Michelangelo (1475-1564).
Trong số các tác phẩm của họ, nổi tiếng nhất là bức họa Mona Lisa (còn được gọi là La Gioconda hay La Joconde) của Leonardo da Vinci, vẽ bằng sơn dầu trên một tấm gỗ dương vào thế kỷ XVI ở Florence. Tác phẩm của họa sĩ người Italia, nhưng sau nhiều năm phiêu bạt lại thuộc sở hữu của Chính phủ Pháp và được treo trong bảo tàng Louvre (Paris) với tên gọi chính thức là Chân dung Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo.
Mùa hè năm 1974, khi còn là sinh viên Đại học Thăm dò địa chất Moskva, vừa nghe tin bức tranh Mona Lisa được đưa từ Paris sang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Pushkin ở Moskva, tôi liền chạy đến bảo tàng, xếp hàng rồng rắn dài cả cây số dọc theo các con phố chờ tới lượt vào xem. Đứng mỏi chân gần một giờ chỉ nhúc nhích được vài mét, tôi thầm nghĩ, hết buổi sáng chưa chắc đã đến lượt, mà buổi chiều lại có giờ học.
Vậy là tôi liền đến gặp anh công an giữ trật tự, rút chiếc thẻ sinh viên ra năn nỉ. Anh cầm chiếc thẻ lật qua lật lại, nhìn tôi vẻ dò xét rồi dẫn tôi đến cổng. Và trong lúc anh còn đang nói gì đó với người bảo vệ, tôi liền... chạy tọt vào trong cùng với tiếng la ó của những người đang xếp hàng. Những năm qua, nàng Mona Lisa đã ba lần rời nước Pháp để trưng bày tại các TP: New York (1962), Washington (1963), sau đó là Tokyo và Moskva (1974).
Để đảm bảo an toàn cho tác phẩm trước khi xuất ngoại, người ta đã định giá cho bức tranh ở mức 100 triệu USD để bảo hiểm và đóng một hộp kính đặc biệt chống đạn, chống va đập, tính đến cả trường hợp xấu nhất nếu máy bay bị nổ tung trên không thì hộp kính cùng với bức tranh rơi xuống vẫn nguyên vẹn, rồi thuê riêng một chuyên cơ, thành lập các đội đặc nhiệm ở các nước để áp tải bức tranh từ sân bay đến phòng triển lãm.
Hôm bức tranh được chở từ sân bay vào TP Moskva, trên đường đi học, tôi nghe tiếng còi xe công an rú inh ỏi, cứ tưởng đoàn xe của một vị nguyên thủ quốc gia nào, buổi tối xem ti vi mới biết đó là đoàn xe áp tải bức tranh.
* *
*
Những năm học ở Nga, tôi mơ ước được một lần đến “kinh đô ánh sáng”. Nhưng điều kiện của một sinh viên du học thời ấy, với sinh hoạt phí 60 rúp một tháng, chỉ đủ cho chúng tôi ngày ba bữa và sách vở giấy bút, tằn tiện lắm mới mua được bộ quần áo may sẵn, nói gì đến chuyện du lịch. Lần này đi châu Âu, coi như thỏa được niềm mong ước của một thời trai trẻ.
Làng hoa Yvoire - Ảnh: ĐÀO MINH HIỆP |
Khi sang Paris, một trong những điểm đến quan trọng của tôi là ghé thăm nàng Mona Lisa, “người tình trong mộng” thời sinh viên gần nửa thế kỷ trước, và trong chương trình tour du lịch cũng có điểm tham quan Bảo tàng Louvre. Xe chở đoàn đến một quảng trường lớn, cậu hướng dẫn viên giơ tay khua một vòng về phía các tòa nhà cổ, nhiều tầng nối tiếp nhau, kéo dài hàng trăm mét bên bờ sông Seine thơ mộng, nói: “Tất cả các tòa nhà này là Bảo tàng Louvre”.
Ngừng một lát cho mọi người có thời gian ngắm nhìn, cậu tiếp: “Ngày xưa, các tòa nhà này vốn là pháo đài được vua Philippe Auguste xây dựng vào năm 1190, đến cuối thế kỷ XIV trở thành cung điện hoàng gia. Từ năm 1672, khi triều đình Pháp chuyển về Versailles, thì cung điện là nơi lưu giữ bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật của hoàng gia. Đến thời kỳ Cách mạng Pháp, cung điện trở thành bảo tàng và chính thức mở cửa vào ngày 10/8/1793.
Những hiện vật ban đầu của bảo tàng chủ yếu là từ bộ sưu tập của hoàng gia và tài sản của giáo hội bị tịch thu trong thời kỳ cách mạng, còn sau đó là từ các nước thuộc địa chuyển về nhờ những cuộc chinh phạt của Napoleon. Nhưng sau khi nước Pháp bại trận trong cuộc chiến Waterloo, phần lớn các hiện vật này đã được trả về các quốc gia chủ nhân cũ.
Hiện nay, Louvre là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới, với diện tích 210.000m2, trưng bày 35.000 hiện vật về các nền văn minh cổ đại và nghệ thuật Hồi giáo, nghệ thuật châu Âu từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIX. Bên cạnh những hiện vật mua lại, bảo tàng còn thường xuyên nhận được các di vật và tặng phẩm cá nhân”.
Bức tranh Mona Lisa hiện được treo ở phòng số 6, trên tầng hai của bảo tàng. Khi tôi ngỏ ý muốn vào xem Mona Lisa, cậu hướng dẫn viên giơ tay chỉ đoàn người xếp hàng rồng rắn trong quảng trường dưới ánh nắng gay gắt, nói: “Trong chương trình của chúng ta không bố trí thời gian vào bảo tàng, nếu cô chú muốn vào xem Mona Lisa thì không có cách nào khác là phải xếp hàng, nhanh lắm cũng phải mất một buổi và phải bỏ qua nhiều điểm tham quan khác trong chương trình cũng hấp dẫn không kém như tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn...”. Vậy là tôi đành phải ngậm ngùi chia tay với “người tình trong mộng” thời trai trẻ mà không biết đến khi nào mới có dịp gặp lại.
Với những người thích ngao du thì nhà thờ Đức Bà Paris là một địa chỉ văn hóa - lịch sử không thể bỏ qua, còn với những người yêu văn học thì đây là một cái tên quen thuộc với tiểu thuyết cùng tên Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris) của đại văn hào Pháp Victor Hugo (1802-1885).
Để viết tác phẩm này, nhà văn đã nhiều lần đến nhà thờ Đức Bà để ngắm nhìn kiến trúc cổ của nó, từ đó nảy sinh ra những ý tưởng lấy bối cảnh Paris thời Trung cổ mà trong đó, ngôi nhà thờ cổ kính và tráng lệ là trung tâm, vượt qua mọi thời gian và biến cố. Nhà thờ Đức Bà Paris là nhà thờ Công giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Gothic của Paris và cũng là nhà thờ chính tòa của Tổng Giáo phận Paris.
Nhà thờ được khởi công vào năm 1163, với sự có mặt của Giáo hoàng Alexander III và vua Louis VII, được giám mục Maurice de Sully trực tiếp chỉ đạo cho tới năm 1196, rồi giao lại cho giám mục Eudes de Sully. Các kiến trúc sư tham gia thiết kế là Jean de Chelles, Pierre de Montreuil, Pierre de Chelles, Jean Ravy và Jean le Bouteiller. Nếu tính từ năm khởi công 1163 cho tới khi hoàn thành vào năm 1350, có thể nói đây là công trình xây dựng lâu nhất, 187 năm, đó là chưa kể đến các đợt trùng tu, mở rộng, trang trí nội thất… cho đến tận ngày nay.
Sau chiến thắng Austerlitz (1805), một trong những chiến thắng quan trọng nhất của Napoleon Bonaparte đánh bại hoàn toàn liên quân Nga - Áo của Hoàng đế Franz II và Sa hoàng Aleksandr I, Hoàng đế Napoleon quyết định xây dựng trên quảng trường Étoile một công trình để vinh danh quân đội. Đó là Khải Hoàn Môn (tiếng Pháp là L’arc de triomphe de l’Étoile) cao 50m, rộng 45m, với bốn tác phẩm điêu khắc quan trọng nhất là Xuất quân 1792, Khải hoàn 1810, Kháng chiến 1814 và Hòa bình 1815 của nhà điêu khắc François Rude.
Năm 1840, thi hài của Napoleon Bonaparte, người quyết định xây dựng công trình, được đưa qua dưới mái vòm Khải Hoàn Môn trước khi đưa về điện Invalides. Sau đó, linh cữu của nhà văn Victor Hugo cũng được để một đêm ở đây trước khi đưa về điện Panthéon. Ngày nay, Khải Hoàn Môn là một trong những công trình nổi tiếng nhất của Paris và cùng với đại lộ Champs-Elysées là nơi tổ chức các lễ hội, sự kiện quan trọng của nước Pháp.
Nói đến Paris, danh thắng quan trọng nhất không thể bỏ qua là tháp Eiffel, biểu tượng của nước Pháp. Tháp Eiffel nằm trên đại lộ Anatole France, bên sông Seine, do kỹ sư Gustave Eiffel (1832-1923) thiết kế và xây dựng nhân dịp Triển lãm thế giới năm 1889, cũng là dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp. Với chiều cao 325m, ngoài chức năng du lịch, tháp Eiffel còn được sử dụng cho mục đích khoa học, hiện giờ là trạm phát sóng phát thanh và truyền hình của thành phố.
Trước khi tận mắt “mục sở thị” ngôi tháp nổi tiếng này, tôi đã đọc nhiều chuyện liên quan đến nó, từ việc khi mới bắt tay vào xây dựng đã gây ra những cuộc tranh cãi gay gắt về tính thẩm mỹ và công năng, cho tới việc từng bị rao bán sắt vụn đến hai lần mà không thành, kết quả là kẻ lừa đảo phải lãnh án 20 năm tù.
Ngoài tháp Eiffel ra, kỹ sư Gustave Eiffel còn thiết kế, chỉ đạo thi công hàng chục công trình xây dựng và cầu cống khác trên khắp thế giới, trong đó có cầu Trường Tiền (còn gọi là cầu Tràng Tiền) trên sông Hương, cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát ở Đồng Nai của Việt Nam. Có một số thông tin nói Eiffel là người thiết kế cầu Long Biên, tuy nhiên điều này là không chính xác. Cầu Long Biên là do Công ty Daydé & Pillé thiết kế và xây dựng.
Xe chúng tôi chạy trên đường phố Paris nắng chói chang nhưng đèn đường và đèn xe ô tô lại bật sáng trưng. Hóa ra lúc đó đã 8 giờ đêm, chạy gần một tiếng nữa, đến 9 giờ, trời vẫn sáng trưng. Nhìn các ô cửa sổ lấp lóa ánh nắng mặt trời, tôi không thể hình dung nổi, người dân châu Âu ngủ nghê ra sao khi nắng vẫn rọi vào phòng đến tận khuya.
Dấu hiệu duy nhất để nhận ra bây giờ là đêm là các cửa hàng đều đóng cửa, mặc dù vẫn còn nhiều người đi bộ trên đường và chim bồ câu vẫn chao lượn. Chỉ có dòng xe ô tô thì vẫn nối đuôi nhau như bất tận, đa số là loại bốn chỗ, nhỏ gọn, tiện lợi cho việc tìm chỗ đậu, phù hợp với gia đình hiện đại ít người. Nhìn cảnh này, tôi chợt nhớ đến những “đêm trắng” ở Nga. Những ngày ấy đêm rất ngắn, trời sáng hầu như suốt cả đêm.
Trên đường đến thành phố cảng Marseille của nước Pháp, chúng tôi ghé vào ngôi làng cổ Yvoire nằm bên quốc lộ. Ấn tượng đầu tiên đập ngay vào mắt là bãi đỗ xe của làng rất rộng, đậu kín các loại xe. Những ngôi nhà trong làng đều xây dựng bằng đá với nhiều kiểu dáng đa dạng, độc đáo, mang yếu tố đặc trưng của văn hóa Pháp về kiến trúc nhà ở nông thôn.
Tuy nhiên, điều thú vị nhất là trong làng có rất nhiều hoa: hoa trồng hai bên đường, bên cổng nhà, trong các chậu cảnh, cắm trong các bình lọ kiểu dáng khác nhau, bày trên ban công, bậc tam cấp, bệ cửa sổ. Chủng loại hoa cực kỳ đa dạng, không có chậu nào giống chậu nào, có thể gọi ngôi làng cổ này là làng hoa.
Đi một vòng quanh làng, sục sạo vào từng ngõ ngách, tôi không thấy những dấu hiệu của đời sống thường nhật như tiếng của trẻ con, tiếng súc vật, ít ra là tiếng chó mèo, bò ngựa, chỉ thấy những người nông dân trong trang phục dân tộc đang cần mẫn xách nước tưới cây và tưới hoa. Một số ngôi nhà là nhà hàng phục vụ du khách, bán hàng lưu niệm, cà phê…
Tôi nói với cậu hướng dẫn viên về những nhận xét của mình, cậu mỉm cười đáp: “Chú tinh thật đấy. Ngôi làng này không phải là khu dân cư mà là một công viên hoa, nhưng không phải là một công viên bình thường như ta vẫn thấy trong phố mà trên bối cảnh của một ngôi làng cổ bằng đá đã được phục chế lại. Chính những ngôi nhà cổ ở đây, cùng với các loài hoa là hiện vật trưng bày, giúp người xem có thể hiểu được một cách trọn vẹn về sự gắn kết giữa hoa với đời sống người dân xưa kia như thế nào”.
-----------------------
KỲ 2: Những thành phố của tỉ phú
Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP