Thứ Năm, 17/10/2024 10:26 SA
Trở lại Phú Yên
Thứ Sáu, 19/10/2018 13:00 CH

Đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Bạc Liêu chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Hội VHNT Phú Yên tại gành Đá Đĩa - Ảnh: CTV

Tôi và đoàn văn nghệ sĩ Bạc Liêu đến Phú Yên vào một buổi chiều đầu mùa thu. Tiết trời vào thu thật đẹp. TP Tuy Hòa đón chúng tôi trong cái nắng hanh vàng, với cát trắng thùy dương trải dài ngút mắt. Lãnh đạo và anh chị em công tác ở cơ quan Hội đón đoàn thực tế sáng tác của Liên hiệp các Hội VHNT Bạc Liêu thân tình, nồng ấm và trân trọng. Chúng tôi rất xúc động trước tấm chân tình của các bạn.

 

Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên đến Phú Yên, vào năm 2012, khi ấy tôi công tác ở ngành Văn hóa, đã được các anh chị ở Sở VH-TT-DL Phú Yên đón tiếp cũng hết sức chu đáo, nồng nhiệt. Ấn tượng trước tấm lòng hiếu khách và chân thành của người Phú Yên làm cho tôi và mọi người luôn trân quý, dẫu ở rất xa xôi. Để rồi hôm nay trở lại, cảm giác thân quen như về lại chốn xưa, nghe bồi hồi khi trở lại vùng đất xinh đẹp và mến khách này.

 

Đón chúng tôi ở cơ quan Hội vào một ngày nghỉ cuối tuần mà có đầy đủ lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, anh Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch; các anh Huỳnh Thạch Thảo, Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch Hội; cùng các anh chị công tác ở Hội và Tạp chí Văn nghệ Phú Yên. Các anh lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đều là nhà văn, đều hoạt động trong lĩnh vực văn học. Thảo nào, lĩnh vực văn học, các hoạt động ở chuyên ngành văn học rất sôi nổi, sinh động, và chất văn học thể hiện rất đầy đặn trong Tạp chí Văn nghệ Phú Yên, rất nhiều truyện ngắn, tản văn, thơ, bút ký... hay và sâu sắc. Và không chỉ có văn học, Văn nghệ Phú Yên còn có nhiều chuyên ngành văn học nghệ thuật khác phát triển tốt, trong đó có mỹ thuật, sân khấu...

 

Chúng tôi rất vui khi được biết, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên rất quan tâm, sâu sát và đầy trách nhiệm với giới văn học nghệ thuật của tỉnh, giống như Bạc Liêu của chúng tôi - luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, nên hoạt động văn học nghệ thuật của hai tỉnh đã có được sự phát triển tốt và ổn định.

 

Trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên nằm trong lòng TP Tuy Hòa, trước mặt là quảng trường thành phố, kề bên là một bãi biển xinh đẹp. Một vị trí tuyệt vời, đầy ấn tượng; trụ sở làm việc rộng rãi, khang trang. Đây cũng là nơi để anh chị em văn nghệ sĩ đến sáng tác, rất thuận tiện trong hoạt động phong trào, tập hợp hội viên...

 

Chúng tôi được Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đưa đi thăm một số di tích, thắng cảnh ở TP Tuy Hòa và huyện Tuy An, đến Tháp Nhạn, gành Đá Đĩa, Hòn Yến..., đi qua những vùng quê, nghe những thông tin hấp dẫn về văn hóa, về bản sắc độc đáo của Phú Yên, được tiếp xúc, gặp gỡ ở vùng đất giàu chất thơ, với những con người chân chất, khoáng đạt. Những điều đó là chất liệu quý báu giúp anh chị em văn nghệ sĩ Bạc Liêu có được những trải nghiệm ấn tượng, thú vị. Những nơi đi qua cho chúng tôi nhiều cảm xúc về một vùng đất yên ả, với non xanh nước biếc, với thắng cảnh làm say đắm lòng người.

 

Lãnh đạo Hội VHNT Phú Yên chụp ảnh lưu niệm với văn nghệ sĩ tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: CTV

 

Trở lại Phú Yên, tôi rất vui khi thấy quê hương xinh đẹp của các bạn đã có nhiều phát triển về diện mạo, về cơ sở hạ tầng, sự ngăn nắp, khang trang của phố xá, đô thị và những con đường được mở rộng, trải dài về những vùng nông thôn, đến với những địa điểm du lịch, trong đó có những điểm du lịch độc đáo, nổi tiếng của Phú Yên. Tôi có cảm nhận Phú Yên mang một vẻ đẹp bình dị của một thôn nữ duyên dáng, dịu dàng, chứ không kiêu sa như một nàng công chúa. Đứng trên núi Nhạn nhìn xuống, bên tháp cổ nghìn năm là dòng sông Chùa uốn khúc, lững lờ trôi về phía biển, xa xa là đồi núi chập chùng, trời xanh, mây trắng và biển trời quyện vào nhau một màu tuyệt đẹp.

 

Trước phong cảnh như tranh và giàu thi tứ ấy, một người trong đoàn đã khắc họa cảnh và tình trong bài thơ đầy cảm xúc của mình: Phú Yên nghiêng nắng về trong phố/ Lơ thơ nước chảy khúc sông Chùa/ Tóc buông vào gió cho người nhớ/ Điệu lý theo về một chốn xưa/ Mây vẫn cứ trôi về núi Nhạn/ Nghìn năm soi bóng xuống chân cầu/ Để mặc ai giấu chiều trong mắt/ Dẫu có một lần đến với nhau/ Để có một lần nghe sóng vỗ/ Sóng xô vào sóng đến bạc đầu/ Để người qua phố trăm năm nữa/ Còn nhớ trong chiều, nỗi nhớ nhau!

 

Trong bữa cơm chiều thân tình, được người Phú Yên hát tặng một khúc dân ca, điệu Lý Mỹ Hưng, những câu dân ca miền Nam mộc mạc được cất lên bằng âm ngữ xứ Nẫu, và được hát bằng tấm lòng mến khách trong một buổi chiều lộng gió bên bờ biển duyên hải miền Trung, nghe xao xuyến lạ lùng! Đáp lại ân tình của bạn, các nghệ sĩ của đoàn Bạc Liêu đã trình bày tác phẩm bất hủ “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, bài hát “Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang”, của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (người thầy giáo - nhạc sĩ quê ở dải đất miền Trung, Quảng Nam) vào Bạc Liêu dạy học, đã cảm đất và người ở đấy, và đã có một “ngày ấy thanh xuân, trăng Gành Hào tròn như chiếc gương”, để rồi ...“giờ tóc pha sương, qua Gành Hào tiếc một vầng trăng!”.

 

Các bạn rất xúc động khi chúng tôi ca vọng cổ, bài “Giọt sữa cuối cùng” của soạn giả Trọng Nguyễn, “Lỡ một chuyến về” của Dương Thị Thu Vân, những bài ca vọng cổ thấm đẫm tình người, sự hy sinh và tình yêu quê hương xứ sở. Chúng tôi khá ngạc nhiên về sự yêu thích của rất nhiều người miền Trung về sân khấu cải lương, bài vọng cổ và nghệ thuật đờn ca tài tử của vùng đất phương Nam, trong đó có Bạc Liêu. Chợt nghĩ, có lẽ thuở Nhã nhạc cung đình Huế theo bước chân khai phá, khẩn hoang của cha ông xuôi về phương Nam, để giao hòa và tiếp biến nghệ thuật, để trở thành đờn ca tài tử, cũng đã có lúc dừng chân ghé lại và gieo vào tâm hồn giàu chất thi ca của con người và dải đất miền Trung những cung, điệu ngọt ngào, bất tuyệt, và còn lưu dấu trong tâm khảm, trong tình yêu nghệ thuật dân tộc ở nơi đây.

 

Một bất ngờ trong chuyến đi là chúng tôi được gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi “văn nghệ” với anh Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên. Anh là thạc sĩ Văn học, một người có khả năng sáng tác thơ và đặc biệt là sáng tác những bài thơ, câu, vè “nói lái” rất dí dỏm, độc đáo. Anh Thành cũng đã trực tiếp hướng dẫn chúng tôi khám phá Tuy An với những “trầm tích” văn hóa rất đặc trưng qua cách phân tích sâu sắc, bằng kiến thức đáng nể của một người yêu thích văn học nghệ thuật. Chúng tôi được đến thăm đảo yến ở một vùng biển xanh trong đặc trưng của duyên hải miền Trung, nhìn về xa xa đã thấy “hoa vàng trên cỏ xanh”, một trong những thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất này, vùng đất đã đi vào thơ ca nhạc họa, phim ảnh, làm xuyến xao bao trái tim của người dân cả nước.

 

Đến với những thắng cảnh, địa điểm du lịch của Phú Yên, chúng tôi có dịp thấy rõ hơn tính cách người Phú Yên, trong cách nói chuyện, tiếp xúc, mua bán... rất thẳng thắn nhưng thật hiền lành, chân chất. Những điều ấy làm cho người nơi khác đến đây rất ấn tượng, thiện cảm. Có một điều gì đó rất tốt, rất thành thật từ trong tâm hồn đến tính cách của những người Phú Yên chúng tôi gặp, và có lẽ vì vậy mà người Phú Yên làm du lịch thấy hiền lành, dễ thương và thật hồn nhiên. Tôi nói với anh Cưỡng và anh Quốc, nhìn thấy người Phú Yên làm du lịch sao mà hiền và hồn nhiên vậy; đến gành Đá Đĩa mua nón, không bán, chỉ cho mượn thôi vì đây là nón cũ, khi nào trả cũng được nhưng chú nhớ mua giùm cháu ly nước là được rồi, và ly nước bán rất đúng giá, các món quà lưu niệm được bày bán ở đây cũng vậy, không hề chặt chém du khách; tổ chức đêm văn nghệ trên Tháp Nhạn mỗi tối thứ bảy cũng vậy, cho du khách và người dân đến xem thôi, không lấy tiền, không bán vé. Phú Yên với TP Tuy Hòa xinh đẹp nằm bên bờ biển xanh, cát trắng, với thùy dương thơ mộng, nguyên sơ; với vùng đất Tuy An nhiều thắng cảnh, giàu bản sắc văn hóa... nhưng ở hai đầu lại là hai “đại gia” rất mạnh về du lịch, Đà Nẵng kéo ra, Nha Trang kéo vào, nên đành phải ở giữa chịu làm du lịch “dịu dàng” như một cô thôn nữ hiền thục, thiệt thòi (?!).

 

Rời Phú Yên xinh đẹp, mến khách, chúng tôi rất vui và cảm kích trước tấm lòng và sự chu đáo của các bạn. Vùng đất và con người ở đây lại một lần nữa làm cho tôi xúc động. Chúng tôi cảm thấy sự đồng điệu, thân tình một cách hết sức tự nhiên của những người hoạt động văn học nghệ thuật nói riêng, và về tính cách, tâm hồn con người nói chung, tuy ở xa xôi nhưng lại rất gần gũi trong tâm cảm, trong đặc điểm tính cách có chứa đựng ảnh hưởng của bản sắc văn hóa. Lần này về Bạc Liêu, trong hành trang của chúng tôi lại đong đầy những tình cảm thật đẹp, những cảm xúc sâu sắc, những nghĩa tình giản dị, mộc mạc của đất và người Phú Yên, để bây giờ ngồi viết những dòng này, trước mắt tôi như thấy lại vẻ đẹp ngọt ngào của vùng đất “hoa vàng trên cỏ xanh”, thấy biển xanh cát trắng, thấy chim về núi Nhạn, thấy những ánh mắt trìu mến, chân tình, nghe từng nhịp đập của những trái tim ấm áp, yêu thương, và nghe khúc giao hòa sâu nặng ân tình giữa hai miền đất hứa!

 

NGUYỄN VŨ

Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Bạc Liêu

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek