Thứ Năm, 17/10/2024 12:35 CH
Những chuyện kể về mặt trận B3 - Tây Nguyên
Thứ Bảy, 25/08/2018 11:00 SA

Chị Lê Thị Thanh Xuân (thứ 2 từ trái sang) và đồng đội nữ Trường Sơn ôn lại kỷ niệm chiến trường xưa - Ảnh: NGUYỄN BÁ THUYẾT

“Tây Nguyên, ai đã từng qua đó

Suốt cuộc đời mắc nợ nhớ thương nhau”

 

Tôi đến nhà chị Lê Thị Thanh Xuân vào một chiều mưa. Đã lâu rồi không mưa. Đất trời miền Trung cháy khét lên chờ đợi nước, cây cối già nua, khô héo vì khát. Đón trận mưa giông muôn loài nhảy múa tưng bừng, tôi nghe như có cả tiếng cây lá cười reo. Chị nói: “Giống mưa B3 - Tây Nguyên”. Cũng nhờ cơn mưa to và khá dài nên tôi mới có dịp ngồi cà kê với chị.

 

Chị sinh năm 1951, ở một vùng quê lúa Tuy Hòa. Năm chị 17 tuổi là thời điểm chiến tranh miền Nam vô cùng ác liệt. Chị được cách mạng đưa lên núi, làm chiến sĩ thông tin của một đơn vị quân y thuộc mặt trận B3 (Tây Nguyên). Tôi và chị biết nhau đã lâu nhưng đây là lần đầu tôi nghe chị tâm sự về những chặng đời đã qua. Chị nói chị tuổi Mão, tuổi này đàn ông là sướng lắm nhưng đàn bà thì vất vả vô cùng. Như sợ tôi không tin, chị lại nói: “Đúng như thế đó em! Đời chị vất vả từ nhỏ cho đến bây giờ. Chị chỉ may mắn hơn bạn bè, đồng đội là được sống đến ngày hôm nay. Được trở về trong hòa bình, có chồng con, thế là hạnh phúc lắm rồi”.

 

Là người lính trải qua chiến trường tôi đồng ý với cái triết lý cũ mèm này của chị. Đúng là ai đã trải qua chiến trường mà không hy sinh, không bị thương, không di chứng chất độc da cam là hết sức may mắn và hạnh phúc. Chị trầm trầm kể về ngày ấy, những năm ác liệt ở chiến trường B3. Chị kể về những cái chết không giống nhau ở chiến trường - nơi chị gọi là “giành nhau để được chết”, ai cũng sẵn sàng chết, coi cái chết nhẹ như lông hồng.

 

...Năm 1968, B3 mới thành lập (mặt trận Tây Nguyên thành lập ngày 1/5/1964), thiếu thốn trăm bề, Tây Nguyên bạt ngàn rừng, “rừng che bộ đội”, rừng nuôi bộ đội nhưng rừng cũng đã làm cho bộ đội thêm nhiều gian lao, khốc liệt, nhiều cái chết không đáng có vì rừng. Chị điểm qua, chết vì rắn cắn, ăn nhầm nấm độc, lũ cuốn, lạc rừng, thú dữ ăn thịt, sốt ác tính... Ở đơn vị quân y nên chị trực tiếp chứng kiến hàng ngàn sự hy sinh khác nhau. Chị nói hy sinh vì bom đạn cũng đau đớn, nhưng những sự hy sinh không đáng có còn đau đớn, tức tưởi hơn nhiều.

 

1. Ngày đó, mùa mưa, mưa giăng kín Tây Nguyên. Đại đội 22 Thông tin/K61 Quân khu 5 đóng quân ở Hà Roi/Phú Yên. Đại đội trưởng Ngọ cho đám con gái ở nhà vá đồ. Nam thanh niên được phân công đi lấy lương thực, thực phẩm. Nói là lương thực thực phẩm nhưng chủ yếu là củ ráy, củ nần, hoa chuối... và măng, gặp gì lấy nấy, ăn được là lấy. Nghe được tin ấy, đám con gái không chịu, lên gặp Ban chỉ huy đại đội để xin đi. Anh Diu, Chính trị viên phải mất nửa tiếng phân tích giải thích các chị mới cam lòng. Hồi đó, rừng Hà Roi còn xanh tốt bạt ngàn, ban ngày mà cảm giác tối thui, vắt và muỗi rừng nhiều vô kể. Đi đường không khéo là lạc, mùa mưa nước lên xuống thất thường, tạo nên thác lũ bất ngờ khủng khiếp.

 

Từng tổ ba người các anh đi. Tổ của anh Trữ do anh Sách phụ trách, còn cả Thành nữa, Thành mới 14 tuổi nhưng khá cao to. Thành mới được bộ đội Phú Yên đưa lên núi vài tháng. Các anh đi được một giờ đồng hồ thì chia ra từng hướng để tìm kiếm, hái lượm. Đang mải mê ngó nghiêng, anh Sách nghe tiếng gầm gừ, rên rỉ trong gió phía rừng có anh Trữ. Cứ ngỡ anh Trữ bị trúng gió nên anh Sách gọi Thành mang lọ dầu sang cho anh Trữ. Gọi Thành không được nên anh Sách sang tìm anh Trữ phía có tiếng rên lẫn tiếng gầm gừ. Trước mắt anh Sách là xác anh Trữ tơi tớt, hai con cọp to lớn đang nhảy qua, nhảy lại vờn xé miếng mồi ra từng thớ. Lúc này, Thành cũng vừa tới. Trước cảnh tượng kinh hoàng anh Sách và Thành như người mất hồn, trong tay chỉ có xẻng bộ binh và con rựa, họ thất thần rút chạy. Anh Sách chạy được về “đơn vị” lán của đại đội, còn Thành bị lạc trong rừng. Lúc này chị đang sốt rét chưa cắt cơn. Nghe ồn ào, tỉnh dậy thấy anh Sách ngất xỉu đang được xoa dầu, đánh gió. Một lúc sau, anh Sách tỉnh táo báo tin: Anh Trữ bị cọp vồ! Ngay lập tức, Đại đội trưởng Ngọ cử anh Hạnh, đại đội phó và ba chiến sĩ mang theo súng AK đến chỗ anh Trữ. Khi đến nơi, hai con cọp đang giằng nhai những thớ thịt. Mọi người không thể tiến gần hơn vì sẽ rất nguy hiểm, cây rừng dày khó quan sát, khó chạy thoát nếu bị cọp đuổi. Các chiến sĩ nổ súng, nghe tiếng súng cọp lao vút vào rừng sâu. Bốn anh em chỉ biết khóc gào lên, gom những phần thi thể còn lại của anh Trữ về mai táng phía mé đồi gần đơn vị. Vậy mà đêm đó, cọp vẫn theo về cạnh lán tìm thứ mồi đã mất. Dự đoán được tình hình, đơn vị cho bộ đội treo võng cao lên, đốt lửa canh chừng nên cọp không dám vào.

 

 

Bà Lê Thị Thanh Xuân (trái) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội - Ảnh: NGUYỄN BÁ THUYẾT

2. Sau khi chạy lạc vào rừng, Thành may mắn gặp đơn vị công binh đang thi công mở đường, tuyến đường 559. Khi biết chính xác đơn vị của Thành là C22 thông tin Quân khu 5 do anh Diu làm chính trị viên, anh Ngọ làm đại đội trưởng, họ đã hướng dẫn để Thành về lại đơn vị. Chẳng biết có phải vì còn quá trẻ nên dễ bị ám ảnh sâu sắc hay không mà kể từ ngày anh Trữ mất, Thành luôn thất thần, sợ hãi vô cớ. Rồi Thành bị sốt rét - “sốt rét ngầm”, rất khó biết. Mấy tháng sau, da Thành tái xám, bụng to lên, mệt mỏi đi đứng khó khăn. Có được cân đường, hộp sữa, ai cũng dành cho Thành, Thành không ăn cứ cất dành cho chị Hai. Chị Hai cũng bị sốt rét, gầy và da xấu lắm. Thành năn nỉ: “Chị Hai ăn cho có sức, cho đẹp ra, phụ nữ là phải đẹp!”.

 

Thế rồi một đêm. Lại một đêm định mệnh. Cơn sốt bùng lên, Thành quá khát nước lò dò xuống bếp. Do đường quá dốc, Thành vấp ngã, bị dập lách bởi sốt rét lâu ngày lách sưng lên quá to. Đơn vị tận tình cứu chữa nhưng Thành đã ra đi. Thành được chôn cất bên cạnh anh Trữ. Đây là vùng đất mối rất nhiều, cây rất tốt, tám năm sau và nhiều năm sau nữa, đồng đội đã về đây tìm hài cốt anh Trữ và Thành nhưng vật đổi sao dời, đành vô vọng.

 

3. Đầu năm 1971, địch đánh phá ác liệt các cứ điểm nghi có lực lượng của ta, nhất là chúng muốn chặt đứt đường dây 559 chi viện từ miền Bắc vào. Lúc này, chị Lê Thị Thanh Xuân là y tá khoa 32, điều trị ngoại trạm quân y 211 do bác sĩ Đặng Ngọc Anh làm chủ nhiệm khoa, bác sĩ Nguyễn Văn Phụng làm chính trị viên, đơn vị đóng phía tây bắc Kon Tum. Thương binh về trạm rất nhiều, trong đó có anh Cát, vết thương ở chân rất nhỏ nhưng sâu, khó lành. Anh lên cơn nóng lạnh triền miên, vết thương cứ rỉ ra thứ nước vàng vàng. Nhưng anh vẫn yêu đời, tin tưởng ngày mai chiến thắng. Anh đòi ra trận nhưng biết rõ vết thương của anh nên các bác sĩ không đồng ý. Điều kiện chiến trường với muôn vàn khó khăn, vết thương của anh Cát sinh dòi, dòi từ trong xương, trong tủy dòi ra nhưng không thể chuyển tuyến được. Đến ngày gần kiệt sức anh nằm một chỗ nhưng vẫn rất cố gắng ăn, uống thuốc, tin tưởng và tràn đầy hy vọng.

 

Hôm đó, chị Xuân trực bên anh Cát, chị hát cho anh ấy nghe, bón cháo cho anh ăn. Anh dặn chị đừng đi đâu xa. Anh sợ chị đi thì sẽ không còn gặp nữa. Chủ nhiệm khoa hỏi anh Cát có thương Xuân không, anh gật đầu. Nếu thương thì để Xuân đi ăn cơm, anh cũng gật đầu. Chị đứng dậy đi, xuống dốc phía bếp cơ quan hơn một trăm bậc thang, nhưng mới được hơn hai mươi bậc thì nghe tiếng gọi giật giọng. Chị quay lại, anh Cát đã từ từ nhắm mắt và ra đi. Nuốt nước mắt vào trong, đồng đội đưa anh an táng chỉ cách lán chừng 300m. Nơi đây cũng có hàng chục liệt sĩ đã yên nghỉ trước đó, mộ chí là đoạn cây rừng cắp trước viên đá đánh dấu từng người đã mất. Đây là Trường Sơn Tây, thuộc tỉnh Môn Đônkiri của Campuchia. Sáu tháng sau, đơn vị được lệnh di chuyển nên các anh nằm lại đó, sau giải phóng có tin hài cốt các anh đã được đưa về Nghĩa trang Trường Sơn.

 

4. Tám năm ở chiến trường B3, tóc hết rụng rồi mọc, mọc rồi rụng, bị thương và chuyển ngành, lòng chị Lê Thị Thanh Xuân vẫn mãi đau đáu hướng về Tây Nguyên - B3 năm xưa “Những năm tháng không thể nào quên”. Chị Xuân hiện ở số 20 Lê Hồng Phong, TP Tuy Hòa. Chị có mái ấm gia đình với chồng, con, cháu… Mãn nguyện với hạnh phúc của mình, chị luôn miệng nhắc câu: “May mắn lắm rồi, hạnh phúc lắm rồi!”.

 

Với chế độ hưu của hai ông bà, ngoài trang trải cuộc sống, chị thường xuyên tham gia phong trào quyên góp giúp gia đình chính sách nghèo khó, thăm động viên những đồng đội cùng thời không may mắn bằng mình. Họ hy sinh, bị thương, di chứng chất độc da cam…; có người đứa con đầu bị dị tật, hy vọng đứa thứ hai nhưng trời không cho; có người đời con chưa sao mà đời cháu mới bị…, thuốc men chạy chữa tán gia bại sản, khổ vô cùng tận… vẫn “tay trắng”. Chị tâm sự trong nước mắt: “Với đồng đội đã hy sinh giờ chỉ biết đến ngày 27/7 hoặc Tết mình thắp nén hương thành tâm cầu nguyện cho họ được siêu thoát, an lạc ở thế giới bên kia. Còn mình cố gắng sống cho đàng hoàng để tâm luôn thanh thản, để không hổ thẹn với quá khứ, với công lao của cha anh và đồng đội, để con cháu học tập, trân trọng và biết ơn thế hệ trước đã đổ xương máu để giành lại độc lập, tự do ngày hôm nay”.

 

NGUYỄN BÁ THUYẾT

(Ghi theo lời kể của chị Lê Thị Thanh Xuân, chiến sĩ quân y ở mặt trận B3)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek