BÀI 2: Hai bờ sông Seine và những ngọn đồi
Nằm giữa khu phố Latin cổ kính và đầy không khí học thuật, mục đích ban đầu của điện Panthéon là để bảo quản thánh tích của thánh Sainte Geneviève, được hoàn thành năm 1790 sau hơn 30 năm xây dựng. Hiện nay, Panthéon là nơi chôn cất những người có cống hiến đặc biệt to lớn cho nước Pháp. Trước điện nổi bật dòng chữ “Au grands hommes, la Patrie reconnaissante” (Tổ quốc nhớ ơn những người con vĩ đại ).
Điện Panthéon - Ảnh: NGUYỄN THANH |
Mái vòm cao 83m nổi bật trên khu phố, đây cũng là nơi nhà vật lý Jean Bernard Léon Foucault làm thí nghiệm về sự tự quay của trái đất, giờ đây một con lắc mới treo bằng sợi thép dài từ mái vòm gợi nhớ đến ông. Bên ngoài, nhiều cột đá lớn cao vút làm tăng thêm vẻ uy nghi của điện, bên trong tầng trên có những trụ đá bóng loáng và những bức tranh tường, những bức tượng tuyệt đẹp. Đến dưới tầng hầm, mọi người đi nhẹ nhàng, nói nhỏ hơn, tôn trọng giấc ngủ ngàn thu của gần 70 vĩ nhân. Tràn đầy cảm xúc khi nhìn mộ Voltaire, Jean Jacques Rousseau, Pièrre Curie, Marie Curie (nhà khoa học nữ đầu tiên và cũng là người nước ngoài duy nhất cho đến nay), Sophie Berthelot, Victor Hugo…
Đặc biệt, thi hài nhà văn Alexandre Dumas, tác giả Ba người lính ngự lâm, Bá tước Monte Cristo… năm 2002 đã được đưa về đây, hơn 100 năm sau ngày mất chỉ vì ông là cháu nội một người đàn bà nô lệ da đen. Tại buổi lễ đưa ông vào Panthéon, Tổng thống Jacques Chirac đã tuyên bố: “Nước Pháp hôm nay không chỉ nghiêng mình biểu dương một thiên tài, nó còn sửa chữa điều bất công đối với con người đã góp phần làm nên bản sắc dân tộc Pháp”. Muộn còn hơn không, lời xin lỗi rất cần thiết này đã làm cho người ta yêu nước Pháp hơn. Tôi vẫn còn chút băn khoăn: số lượng nữ danh nhân được vào Panthéon vẫn còn quá ít đối với đất nước rất coi trọng nữ quyền!
Vườn Luxembourg là nơi thư giãn ưa thích của người Paris. Bên cạnh hồ nước lớn với những tượng màu trắng của các hoàng hậu nước Pháp, trong gió thu man mác, những hàng cây thẳng tắp đã chớm đổi màu lá, hoa đủ màu khoe sắc, bãi cỏ xanh rờn, khách đến đây thấy lòng dịu êm, thanh thản. Nhưng đối với những người yêu nhau mà phải xa nhau thì mùa thu ở đây đượm nỗi buồn da diết. Khi chia tay người yêu, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã dâng cho đời những ca từ đầy xao xuyến “Ngày em đi nghe chơi vơi não nề. Qua vườn Luxembourg sương rơi che phố mờ. Buồn này ai có mua. Từ chia ly nghe rơi bao lá vàng. Ngập dòng nước sông Seine…” (Mùa thu không trở lại).
Phạm Duy thì lắng đọng với “Mùa thu âm thầm. Bên vườn Lục Xâm. Ngồi quên ghế đá… Không em ôi buốt giá từ tâm” (Mùa thu Paris). Giờ đây hai nhạc sĩ đã về cõi thiên thu nhưng khi nào thế giới còn tình yêu thì những bài hát này vẫn làm rung động lòng người. Tôi tin vậy và tôi nghĩ Paris cũng tin như vậy.
Chỉ cách Panthéon vài bước chân là trường đại học đầu tiên của Paris: Sorbonne (Đại học Paris 1). Nổi tiếng là nơi đào tạo nhân tài cho các nước, Sorbonne có những bức tượng nghệ thuật trên mặt trước các tòa nhà và tượng các danh nhân. Tôi nhớ nhất là bức tượng ngồi của nhà văn Montaigne trên đường Écoles, đối diện với Sorbonne. Tượng màu xanh thẫm với một chiếc giày lóe sáng, dường như do nhiều bàn tay của các thế hệ sinh viên tìm kiếm cảm hứng trước các kỳ thi. Chợt liên tưởng đến các sĩ tử Việt Nam cứ muốn sờ vào đầu rùa đá ở các bia tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) vậy.
Nhà thờ Đức Bà Paris (Nôtre Dame de Paris) nằm trên đảo Ile de la Cité giữa sông Seine là nổi tiếng nhất, tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Gothic. Sân trước của nhà thờ là điểm cây số không của nước Pháp, tất cả khoảng cách từ Paris đi các nơi trong nước Pháp đều được đo từ mốc này.
Tác giả dưới chân tháp Eiffel - Ảnh: ĐỖ XUÂN |
Đây cũng là trung tâm lịch sử của Paris. Được xây dựng từ năm 1163, gần 200 năm mới hoàn thành, Nhà thờ Đức Bà Paris nhỏ hơn các nhà thờ Nôtre Dame ở Amiens và Rouen nhưng kích thước cũng thật ấn tượng với chiều cao của tháp nhọn đằng sau là 96m, hai tháp đôi phía trước 69m nổi bật trên nền trời Paris, quả chuông Emmanuel nặng 13 tấn đặt ở tháp bên phải. Mặt trước là vô số các bức tượng tinh xảo, nhìn từ phía trái của hậu cung là đẹp nhất với những trụ chống cong cong trông vừa mạnh mẽ vừa duyên dáng, ba cửa sổ bằng kính màu từ xưa đầy ấn tượng.
Bên trong thật hoành tráng và trang nghiêm, các bức tranh trên tường, mái vòm, các bức tượng vua Judah, tổ tiên của chúa Jésus sau khi bị phá hủy trong thời kỳ cách mạng đã được khôi phục lại. Xếp hàng vào nhà thờ khá lâu nhưng leo 387 bậc thang lên đỉnh tháp nhìn cảnh quan Paris thì thật tuyệt. Khu vườn nhỏ bên cạnh nhà thờ có cây bồ kết ba gai đen cổ nhất Paris được chống đỡ bằng một trụ bê tông để giữ gìn một di vật của quá khứ làm tôi nhớ đến những cây phong đường kính hai mét trong công viên ở Zurich (Thụy Sĩ). Cây phong có một cành rất lớn sà xuống dòng sông được chống bằng một cọc thép, ngồi ăn trưa trên kè đá bên sông dưới cành cây này là kỷ niệm không phai.
Bối cảnh nhà thờ đã truyền cảm hứng cho Victor Hugo viết tác phẩm lịch sử Nhà thờ Đức Bà Paris mô tả xã hội Paris vào thời Trung cổ, chàng gù Quasimodo xấu xí nhưng đầy lòng bác ái, mối tình câm lặng giữa chàng và cô gái digan Esmeralda xinh đẹp, nhân hậu và tội nghiệp. Kiệt tác văn học này đã đi vào lòng người, tồn tại vượt thời gian và biên giới. Gắn chặt với cảnh quan chung, đắm mình trong cả dòng nước sông Seine và dòng thời gian, Nhà thờ Đức Bà Paris là nơi thu hút đông du khách nhất thành phố này.
Nhà thờ Sacré Coeur (nhà thờ Thánh Tâm) theo phong cách Roman- Byzantine nằm trên đồi Montmatre, được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX với tên gọi có nghĩa là “dâng trái tim cho Chúa” nhằm chuộc lỗi cho nước Pháp sau khi thua trận trong chiến tranh Pháp - Phổ. Sáu đời kiến trúc sư liên tiếp nhau giám sát thi công. Đi bộ lên dốc cũng nhẹ nhàng nên tôi đã đến nhanh hơn là chờ xe tời kéo để rồi sững sờ trước màu trắng tinh khiết của nhà thờ do xây dựng bằng đá hoa, mưa làm rỉ ra màu trắng vĩnh cửu và kinh ngạc trước vòm chính cao 55m cũng như đỉnh tháp cao 83m.
Vào bên trong nhà thờ phải qua mái vòm có hai bức tượng cưỡi ngựa bằng đồng để ngước lên ngắm bức tranh khảm bằng vàng hình chúa Jésus trên thiên đường có diện tích 475m2 phía trên gian cung thánh, là một trong những bức tranh khảm lớn nhất thế giới. Cái chuông Savoyarde lớn nhất nước Pháp với đường kính ba mét, nặng 18 tấn được đặt tại đây. Mua vé trèo lên cầu thang xoắn ốc lên đỉnh, du khách sẽ thấy được những cảnh quan ngoạn mục của Paris.
Thời kỳ khủng bố, ba vệ binh đội mũ lệch đỏ vác súng đi tuần trong sân cũng không làm giảm bớt vẻ lãng mạn của khu vực nhà thờ: cô gái bán hàng lưu niệm đeo vòng hoa trên mái tóc kéo đàn chào mời, bên hông nhà thờ là cô gái đứng bất động với trang phục giả tượng đồng cùng cái lon đựng tiền khách cho dưới chân, tôi thấy tiền cũng khá nhiều vì nơi thiêng liêng này thu hút khách du lịch đứng hàng thứ hai Paris và vì cô khá đẹp nên nhiều người đã cho tay vào túi…
Được hoàn thành năm 1973 sau bốn năm xây dựng, tháp Montpartnasse cao 210m là nơi ngắm toàn cảnh Paris lý tưởng. Màu sẫm của tòa nhà 59 tầng này tương phản với màu sáng của các công trình xung quanh. Khi xây dựng tháp đã xảy ra nhiều tranh cãi nên sau đó một luật cấm xây dựng công trình cao quá bảy tầng tại trung tâm thành phố đã ra đời.
Với 284 bậc thang thì không ai có thể đi bộ lên, còn thang máy thật tuyệt khi chứa đến 40 người và chỉ sau 38 giây đã lên đến tầng 56. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy hầu như từng người một đều đứng vào một vị trí để có người chụp hình, thì ra hình này sẽ ghép với cảnh quan Paris về các hướng, nếu ai không muốn lấy hình thì không phải trả tiền. Muốn lên tầng trên cùng từ đây thì phải đi bộ, tại đây có ống nhòm để nhìn những công trình xa.
Đã đến Paris thì không thể bỏ qua tháp Eiffel. Được xây dựng nhân triển lãm thế giới năm 1889 đồng thời kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp, tháp Eiffel có chiều cao ban đầu 300m, là cấu trúc kim loại cao nhất thế giới mãi đến năm 1930. Như một trò đùa kỳ quặc của số phận, Eiffel đã trở thành biểu tượng của Paris, hơn thế nữa là của nước Pháp dù khi bắt đầu xây dựng nó bị chỉ trích dữ dội bởi các nhà văn và nghệ sĩ, kiến trúc sư có ảnh hưởng nhất thời đó. Họ sợ công trình này sẽ làm xấu đi bầu trời Paris nên đã gửi thư yêu cầu ngừng xây dựng.
Được xây trước kỷ nguyên của những tháp truyền hình nên dự định tháp chỉ tồn tại trong 20 năm, sau này lắp thêm các ăng ten cao 25m để phát sóng truyền thanh, truyền hình. Đến năm 1910, tháp Eiffel trở thành nguồn cảm hứng của các nhà thơ, nghệ sĩ và được cho tồn tại vĩnh viễn. Chân tháp là một khoảng không gian mát rượi với khoảng cách các chân là 125m. Có cả cầu thang bộ và thang máy lên tới tầng thứ tư.
Ở những độ cao khác nhau, các tầng chứa được hàng ngàn người. Tầng ba chứa được 1.600 người, là nơi lý tưởng nhất để ngắm Paris, có nhà hàng mang tên nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng Jules Verne. Ngắm toàn cảnh tháp tuyệt vời nhất cả ngày và đêm là sân của điện Chaillot bên cạnh quảng trường Trocadéro bên kia sông Seine…
Nay bản sao của Eiffel đã có ở Las Vegas (Mỹ), Copenhagen (Đan Mạch), Bungari… Ngày nào ở Thâm Quyến (Trung Quốc), tôi đã đứng trong khu “A window to the world” (Một cửa sổ nhìn ra thế giới) chụp hình với phiên bản tháp Eiffel cao 100m mà ước ao một ngày nào sẽ đến tháp thật. Giờ đây tôi đã thỏa niềm mong ước rồi đó, Eiffel ơi!
Chứa được 2.200 người, nhà hát Opéra Charles Garnier nằm trong số những nhà hát lớn ở châu Âu, mở cửa năm 1875 sau 13 năm xây dựng. Nhìn mặt trước trang trí theo phong cách kiến trúc Tân cổ điển với các bức tượng của những nhạc sĩ lừng danh thế giới và những bức tượng tuyệt đẹp khác mà chợt nhớ mặt trước Bưu điện Sài Gòn do người Pháp xây dựng cũng trong thời gian này được gắn tượng những người đi tiên phong trong kỹ thuật viễn thông.
Quảng trường trước mặt không trồng cây để khách dễ dàng chiêm ngưỡng. Nhìn từ mặt sau thấy rõ sự đồ sộ của cả nhà hát, chung quanh là những trụ đèn trang trí đậm nét nghệ thuật. Bên trong là các sảnh lớn, chùm đèn treo khổng lồ nặng hàng tấn, cầu thang rộng lộng lẫy dẫn đến lầu trên đáp ứng nhu cầu giải trí của tầng lớp thượng lưu…
NGUYỄN THANH
BÀI CUỐI: Chuyện về những cây cầu và… nghĩa trang