Thứ Sáu, 10/01/2025 08:17 SA
Sâu lắng Paris - Bài cuối: Chuyện về những cây cầu và… nghĩa trang
Thứ Hai, 06/08/2018 16:00 CH

Cầu dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp mang tên Simone de Beauvoir - Ảnh: NGUYỄN THANH

Bài cuối: Chuyện về những cây cầu và… nghĩa trang

 

Vắt mình qua dòng sông Seine quanh co uốn khúc trong lòng Paris là 37 cây cầu, mỗi cầu cung cấp cho người đi bộ nhiều điểm để ngắm cảnh và kể lại lịch sử của thành phố.

 

Ngày xưa khi học tiếng Pháp, tôi đã được biết về Pont Neuf (cầu Mới) nhưng là cây cầu cũ nhất Paris nên phải đến cho được nơi này, cũng tiện là nó gần Nhà thờ Đức Bà. Gọi là cầu Mới vì những cầu trước đó của Paris đều bằng gỗ, có nhà xây hai bên; Pont Neuf là chiếc cầu đá đầu tiên được xây năm 1578 và hoàn thành 29 năm sau đó.

 

Nối bờ phải đến đảo Ile de la Cité rồi lại nối đến bờ trái sông Seine, đây là cầu đầu tiên có vỉa hè hai bên, tại mỗi trụ cầu có những ban công hình bán nguyệt nhô ra ngoài sông, mặt ngoài cầu được điểm tô bằng 385 tượng mặt người bằng đá. Không có những ngôi nhà nằm hai bên cầu, Pont Neuf trở thành địa điểm lý tưởng để ngắm sông Seine và xung quanh, đây là một trong những chuẩn mực để xây những chiếc cầu sau này.

 

Là quà tặng của Nga hoàng Alexandre III cho Paris nhân dịp triển lãm thế giới năm 1900, Alexandre III là cầu sắt một nhịp hình vòng cung nối Palais Grand (Cung điện Lớn), Palais Petit (Cung điện Nhỏ) ở bờ phải với điện Invalides ở bờ trái sông Seine.

 

Chiều rộng 40m bảo đảm cho xe cộ lưu thông và dòng du khách đông đúc ở khu vực trung tâm thành phố, mỗi bên thành cầu có gắn 14 trụ đèn ba ngọn, các tác phẩm điêu khắc đặc sắc, cuối cầu mỗi bên có hai trụ đá vuông cao 17m với tượng nữ thần có cánh bằng đồng mạ vàng. Trong ánh mặt trời chiều và khi đêm xuống, những tượng thần sáng rực hòa với ánh đèn làm nên vẻ đẹp lung linh, huyền ảo. Trong quang cảnh cổ kính xung quanh, tôi có dịp chứng kiến nhiều đôi tình nhân chụp ảnh lưu niệm nơi đây.

 

Pont des Arts (cầu Nghệ thuật) nằm giữa Bảo tàng Louvre và Viện Tiếng Pháp, là một trong ba cầu dành riêng cho người đi bộ được xây dựng lần đầu vào đầu thế kỷ XIX. Tên cầu gắn liền với Palais des Arts (Cung Nghệ thuật), là tên cũ của Louvre. Trên thành cầu, những cặp tình nhân đã từng gắn những ổ khóa ghi tên hai người, đôi lúc có thêm ngày đến Paris và hình trái tim, hôn nhau rồi ném chìa khóa xuống sông Seine để mong có tình yêu vĩnh cửu.

 

Không biết có bao nhiêu đôi lứa đã đạt được ý nguyện của mình và bao nhiêu mối tình đã tan như bọt nước sông Seine nhưng lan can cây cầu cũ kỹ không chịu được sức nặng tình yêu của gần triệu ổ khóa nên đổ sụp và chính quyền đã phải tháo các ổ khóa mang đi.

 

Xây dựng cùng thời gian là cầu Archevêché nằm ngay phía sau Nhà thờ Đức Bà Paris, có lan can mang đặc điểm kiến trúc thời Phục hưng. Chắc là có đến hàng trăm ngàn ổ khóa tình yêu đủ cỡ, đủ kiểu, đủ màu sắc gắn lên thành cầu. Ở gần nơi linh thiêng, trung tâm lịch sử của nước Pháp, hẳn các bạn trẻ tin rằng tình yêu của họ sẽ được đấng tối cao chứng giám. Không thấy ai bán Love Lock (khóa tình yêu) trên cầu như ở gần tháp Eiffel, tôi đành chụp ảnh kỷ niệm như một minh chứng cho tình yêu bền vững của mình. Có thể nào các ổ khóa trên cây - cầu - tình - yêu lại bị dẹp bỏ như ở Pont des Arts?

 

Trẻ tuổi nhất là cây cầu dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp nằm giữa thư viện quốc gia Mitterand và vườn Bercy mang tên Simone de Beauvoir - nữ triết gia và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng. Lần đầu tiên lấy tên một phụ nữ đặt cho cây cầu, Paris như muốn bù đắp cho phái nữ một phần sự bình đẳng. Dáng cầu cong cong mềm mại, không trụ chống ở giữa, rộng 12m, lát ván ngang suốt chiều dài 300m, có cả chỗ trú mưa. Tuyển chọn tác phẩm lãng mạn của một nhà thiết kế người Áo, Paris đã đầu tư 21 triệu euro để xây dựng chỉ nhằm phục vụ nhu cầu giải trí, hóng mát, thư giãn của người dân và du khách. Còn gì đáng yêu hơn nữa phải không Paris?

 

Paris là một trong những thành phố hiếm hoi mà du khách đến có thêm mục đích là thăm viếng các nghĩa trang. Có bốn nghĩa trang ở nội thành từ thời Napoléon, đây là nơi an nghỉ cuối cùng của rất nhiều người nổi tiếng gồm người Pháp, người nước ngoài sống và mất ở Pháp. Những nghĩa trang cũng được tính trong 450 không gian xanh của thành phố với đường đi rộng thoáng, cây cối xanh tươi và những ngôi mộ nhỏ bé mang nhiều kiểu dáng khác nhau cùng những bức tượng tinh xảo. Đặc thù của những nghĩa trang này là hình ảnh tươi tắn, sống động chứ không đượm vẻ u buồn hoặc lạnh lẽo như ta thường thấy.

 

Lớn nhất và nổi tiếng nhất là Père Lachaise rộng 44ha, khởi đầu với mộ của nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine và nhà viết kịch Molière, sau đó dân Paris đua nhau đưa người thân về đây để được nằm bên cạnh những người nổi tiếng từ hơn 200 năm qua. Rộng mênh mông nên phải mua bản đồ để tìm thấy mộ nhà văn Honoré de Balzac, nữ bá tước Ewelina Hanska, nhạc sĩ vĩ đại người Ba Lan Frédéric Chopin, Fulgence Marie Auguste Bienvenüe (cha đẻ của hệ thống tàu điện ngầm Paris), nhà thơ Guillaume Apollinaire - tác giả Mùa thu chết lừng danh, Ferdinand de Lesseps - người chỉ huy công trình kênh đào Suez - và nhiều người nổi tiếng khác. Mộ của nhà thơ, nhà viết kịch Oscar Wilde người Ireland phải bọc lớp kính để ngăn những người hâm mộ để lại nhiều dấu vết của nụ hôn.

 

Riêng trái tim của Chopin được đưa về Ba Lan với quan niệm thời ấy: Thân xác con người chia làm ba phần là thi thể, nội tạng và trái tim, trong đó trái tim người chết được đưa về nơi người ấy yêu quý, nội tạng được đưa về nơi người ấy không thích, còn nơi đặt thi thể thì do người ấy chọn trước. Thật hạnh phúc khi ở Warszava, trái tim ông được sưởi ấm bởi những bản Polonaise, Mazurka trong các cuộc thi piano quốc tế mang tên mình. Còn tại Père Lachaise, trên nấm mồ nhỏ bé của ông, hoa tươi vẫn được đặt lên hàng ngày.

 

Đứng trên tháp Montpartnasse nhìn xuống thấy gần kề dưới chân tháp là lô nhô những ngôi mộ của nghĩa trang cùng tên nằm xen lẫn trong hàng ngàn tán cây xanh. Đâu là mộ của triết gia Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir, nhà văn Guy de Maupassant, nhà thơ Beaudelaire? Biết vậy thôi vì còn nhiều nơi phải viếng thăm trong thành phố dày đặc di tích.

 

Nằm cạnh quảng trường Trocadéro, cách tháp Eiffel chỉ 10 phút đi bộ, nghĩa trang quý tộc Passy nằm ở khu vực sang trọng nhất Paris với hoa nở bốn mùa, với phòng chờ có sưởi ấm, là nơi an nghỉ cuối cùng hoàng đế Việt Nam cuối cùng. Xây bằng đá đen đơn sơ, nhỏ bé với hàng chữ vắn tắt bằng chữ Pháp và Việt: Hoàng đế Việt Nam, BẢO ĐẠI, húy Nguyễn Phước Vĩnh Thụy 1913-1997. Bâng khuâng chợt nghĩ, nằm cô đơn giữa thủ đô tráng lệ, bên cạnh những ngôi mộ Pháp bề thế hơn, sau những tháng năm sống trong nhung lụa, ngựa xe tiền hô hậu ủng trong những chuyến đi, giờ ông còn lại gì trong giấc ngủ nghìn thu?

 

Không phải là một nghĩa trang theo cách hiểu thông thường, Vương cung thánh đường Saint Denis là nơi chôn cất những người trong hoàng tộc Pháp từ thế kỷ XII. Bên trong có rất nhiều pho tượng trắng với kích thước thật đủ các dáng đứng, nằm, ngồi của hầu hết các vua và hoàng hậu Pháp bao gồm cả vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette sau khi lên máy chém ở quảng trường Concorde. Tại đây người thăm thấy như đang lược qua một đoạn dài của lịch sử nước Pháp và ngẫm nghĩ về sự hữu hạn của đời người, sự thăng trầm của các triều đại, cuối cùng chỉ còn lại những công trình và sự nghiệp để lại cho ngàn sau.

 

Qua khỏi cầu Alexandre III tráng lệ là bước vào khu vực điện Invalides. Công trình hơn 300 năm tuổi này bây giờ chỉ còn một phần nhỏ dùng cho chức năng điều trị thương binh, còn lại là Bảo tàng quân sự, Bảo tàng lịch sử và những sân, bãi cỏ xanh mướt. Có nhiều hiện vật là những chứng tích cho một thời kỳ quan hệ với Đông Dương của nhà nước Pháp.

 

Nổi bật trong khu điện này là nhà thờ Saint Louis với mái vòm 101m cao và đẹp nhất Paris vào thế kỷ XVII, đã được dát 550.000 lá vàng bên ngoài nhân kỷ niệm 200 năm cách mạng Pháp. Bên dưới mái vòm là ngôi mộ của những nhà quân sự nổi tiếng của nước Pháp: Thống chế Foch, Thống chế Vauban - cha đẻ của các công trình quân sự làm người ta nhớ đến tên này hơn là tên thật của ông. Quân hàm không cao nhưng cũng được chôn cất tại đây là đại úy Rouge de Lisle, tác giả bài quốc ca Pháp…

 

Trung tâm của mái vòm này là ngôi mộ của Napoléon đệ I. Từ nơi mất ở đảo lưu đày Saint Hélène, năm 1840 thi hài ông được đưa về Pháp với nghi thức trang trọng nhất: đi qua Khải hoàn môn là nơi ông cho khởi công, qua đại lộ Champs Élyssés, quảng trường Concorde rồi về điện Invalides. Mộ của ông xây xong 21 năm sau đó.

 

Trong quan tài nhiều lớp với đá đỏ ngoài cùng mang hình một chiếc yên ngựa trên bệ đá màu xanh lục, vây quanh là 12 tượng phụ nữ tượng trưng cho các chiến thắng của ông, dưới nền quanh ngôi mộ là vòng nguyệt quế và tám chiến công lừng lẫy. Napoléon đệ I từng thống trị cả châu Âu trên vó ngựa trường chinh. Giờ đây từ những điểm cao của Paris, ngày cũng như đêm, mọi người đều nhìn thấy mái vòm lấp lánh bên trên ngôi mộ của nhà chính trị và quân sự kiệt xuất của nước Pháp.

 

* *

*

Có hai điều độc đáo kể từ năm 2002 làm cho Paris cuốn hút hơn, đó là bãi biển nhân tạo bên bờ sông Seine (Paris plage) và Đêm trắng (Nuit blanche). Lúc Thị trưởng Bertrand Delanoë đưa ra ý tưởng Paris plage, ông đã vấp phải nhiều tranh cãi khi muốn mỗi năm biến ba cây số bờ sông Seine giữa trung tâm thành phố thành bãi biển trong một tháng với cát, ghế bố, dù, những hàng cọ lớn trong các chậu gỗ, các trò chơi trên bãi biển… chỉ trừ việc tắm sông. Đầu tư hàng triệu euro nhưng cho vào miễn phí, người dân hào hứng, du khách thêm thích thú.

 

Từng thấy trên đường cao tốc dẫn về phía nam dày đặc ô tô đến với mùa hè Địa Trung Hải, dù sống lâu năm ở ven biển nhưng đến lúc đó tôi mới thấy biển quý giá và quan trọng đến dường nào! Và những thủ đô châu Âu không có biển như Praha, Bruxelles, Berlin… cũng nối gót Paris.

 

Không có Đêm trắng thiên nhiên như những thành phố gần cực Bắc là ngày mà mặt trời không lặn và bóng đêm bị đẩy lùi, Paris tự tạo nên Đêm trắng của riêng mình vào tháng 10 hàng năm. Đây là đêm hội dành cho sự sáng tạo, tham gia sinh hoạt văn hóa và giải trí của người Pháp và khách nước ngoài có mặt ở Paris.

 

Mục đích của Đêm trắng là góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di sản của đất nước và nâng cao ý thức của người dân. Trong đêm này, Tòa Thị chính Paris cùng các công trình lịch sử, kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật, các bảo tàng, nhà thờ, lâu đài… ở Paris đều mở cửa, trang hoàng rực rỡ suốt đêm để đón khách tham quan miễn phí. Cả Paris biến thành một đại dương ánh sáng, hầu hết người dân đều tràn ra đường để được sống trong không khí lễ hội. Các nghệ sĩ từ khắp hành tinh về trình diễn các loại hình nghệ thuật trên đường phố trong đêm huyền diệu. Thế rồi sau đó một số thủ đô khác ở châu Âu cũng tổ chức Đêm trắng hàng năm.

 

Với hai sáng tạo này, thống kê cho thấy lượng du khách tăng vọt từng năm, rõ ràng Paris đã nhận lại nhiều hơn là cho đi, vậy mà ai cũng thỏa lòng.

 

Nước Pháp đã tặng nước Mỹ bức tượng Nữ thần Tự Do lớn nhất thế giới được dựng trên hòn đảo gần kề New York nhân kỷ niệm 100 năm ngày độc lập. Ngay tại Pháp chỉ có những phiên bản tượng nhỏ hơn nhiều đặt ở gần cầu Grenelle bên sông Seine và các nơi khác. Điều tưởng như nghịch thường này lại mang ý nghĩa lớn: cho đi giá trị vật chất nhưng nhận lại giá trị tinh thần là lòng biết ơn và ngưỡng mộ của người Mỹ cũng như được tiếng là nước đề cao giá trị của tự do.

 

Hầu hết các thành phố khác trên thế giới thường đặt tên các công trình công cộng theo tên các lãnh tụ, nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa hoặc tên một địa danh nước ngoài có quan hệ lịch sử nào đó. Ngoài những tiêu chí chung đó, Paris còn có những đường phố, công trình mang tên người khởi nguồn hoặc thiết kế xây dựng nó như đại lộ Haussmann là tên của thị trưởng vào thế kỷ XIX đã quy hoạch tổng thể 20 quận Paris như ngày nay, Gustave Eiffel là người xây dựng tháp Eiffel, Christophe Marie là kỹ sư xây dựng cầu Marie, Charles Garnier là kiến trúc sư nhà hát Opéra Garnier…

 

Kiến trúc sư đầu tiên của Panthéon là Jacques Germain Sufflot cũng được ghi nhận công lao bằng việc an táng ông trong điện này. Hình thức tưởng nhớ người xây dựng như vậy là một nét văn hóa thể hiện lòng biết ơn đối với các dấu ấn kiến trúc tuyệt vời mà họ để lại.

 

Paris có quận 13 được mệnh danh là quận châu Á với cộng đồng người Hoa, Việt, Thái… định cư tại đây. Những người đã chọn Paris làm quê hương thứ hai đã có nhiều đóng góp cho nước Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, ẩm thực. Tôi đã lắng nghe tiếng chuông chùa của khu phố Hoa, đã tò mò đứng nhìn khách Tây xếp hàng mua bánh mì Việt do người Hoa bán, đã cắn răng ăn… tô phở Việt với giá 10 euro trong tiệm phở trên đường Tolbiac.

 

Còn rất nhiều nơi mà tôi chưa đến được vì ở Paris quá giàu có về văn hóa, và cũng vì Paris luôn biết làm mới mình mà vẫn bảo tồn được vẻ tráng lệ cổ kính. Dù nước Pháp đã trải qua nhiều thăng trầm, Paris vẫn mãi thế, vẫn cuốn hút, vẫn gợi nhớ với những ai đã từng đi qua, từng ở lại.

 

NGUYỄN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek