Thứ Sáu, 10/01/2025 06:52 SA
Trữ tình làng cổ bên sông Zaan
Thứ Bảy, 11/08/2018 16:16 CH

Tác giả (trái) và người thân chụp ảnh tại bảo tàng giày gỗ - Ảnh: CTV

Là cường quốc hàng hải, những thế kỷ trước, Hà Lan chinh phục các vùng đất xa xôi, ở đó họ xây dựng những công trình kiến trúc mang nét đặc thù. Đi qua Indonesia và TP cổ Malacca của Malaysia, tôi thấy những cối xay gió độc đáo nằm xen lẫn bên những nhà thờ, pháo đài, phố cổ. Cối xay gió có vai trò như thế nào trong đời sống tinh thần của người Hà Lan đến mức ở cách xa quê ngàn dặm chúng vẫn được xây dựng và nâng niu? Câu trả lời thật rõ ràng và thuyết phục khi tôi đến ngôi làng cổ bên sông Zaan. Ở đây không chỉ có cối xay gió mà còn nhiều biểu tượng văn hóa đặc sắc khác.

 

Những cối xay gió trong làng

 

Bất kỳ người Hà Lan nào cũng có chung niềm kiêu hãnh: “Chúa đã tạo ra trái đất, nhưng người Hà Lan tạo ra đất nước Hà Lan”. Hà Lan có một lịch sử kiên cường và bền bỉ chống chọi với thủy thần để tồn tại và phát triển. Hơn 1/4 lãnh thổ của đất nước này nằm dưới mực nước biển, là nơi ở của 1/5 dân số, đã được cải tạo bằng cách lấn biển và lấp các hồ, đầm lầy. Từ thế kỷ XX, các đê biển, đê sông dài hàng vạn cây số cùng với trạm bơm nước cực lớn bảo vệ đất nước Hà Lan trước những cơn cuồng nộ của biển Bắc.

 

Trước đó, nhiệm vụ này là của hơn mười ngàn cối xay gió. Ngoài chức năng điều chỉnh dòng nước để chống lũ lụt và bồi đất lấn biển, những cối xây gió còn giúp người dân nơi đây xay bột, phát điện, sản xuất dầu, cưa gỗ để đóng tàu thuyền…

 

Sau thế kỷ XVIII, kỹ thuật tiến bộ nhanh chóng và các động cơ đã thay thế cối xay gió trong nhiều lĩnh vực thì chúng dần dần hư hỏng, ngày nay chỉ còn gần một ngàn cối xay gió rải rác khắp đất nước. Để bảo tồn di sản kiến trúc của mình, từ năm 1961 Hà Lan cho dựng lại hình ảnh một ngôi làng như ở thế kỷ XVII, XVIII tại làng Zaanse Schans trên bờ đông sông Zaan, cách thủ đô Amsterdam 18 cây số.

 

Từ bãi đỗ xe buýt, tôi nhìn thấy cánh đồng cỏ, đồng ca cao ngút ngàn lộng gió với 13 cối xay gió từ các nơi trong vùng được đưa về dựng lại trong làng, sáu cái trong số đó có tuổi đời trên 300 năm, có tên riêng đặt kề bên bờ dòng sông uốn lượn hiền hòa, thấp thoáng những ngôi nhà gỗ cổ kính và những ngôi nhà dài dùng làm bảo tàng, nhà trưng bày và bán hàng; có cả một tháp gỗ để khách trèo lên ngắm toàn cảnh đẹp như tranh vẽ của làng.

 

Làng không rộng lắm, vì vậy từ bãi đậu xe du khách có thể đi bộ dọc theo các khu nhà, dòng kênh để đến tận cối xay gió xa nhất hoặc có thể thuê xe đạp để đi trong làng. Bảng quảng cáo cho thuê xe ghi bằng nhiều thứ tiếng, có cả tiếng Việt, chứng tỏ đã từng có nhiều người Việt Nam đến đây. Trên đường đi chúng tôi dễ dàng bắt gặp những con thiên nga đang lững thững bước đi hoặc bơi ven bờ sông, trên những dòng kênh; những con cừu bụ bẫm chạy tung tăng và những con bò sữa bình thản gặm cỏ trong khung cảnh yên bình.

 

Những cối xay gió có hình dáng, kích thước và nội thất khác nhau, bên trong là các cơ cấu cơ khí để chuyển năng lượng gió phục vụ hoạt động của các bộ phận chức năng riêng biệt. Mỗi cối xay có bốn cánh quạt làm bằng gỗ quý, dài hàng chục mét. Một số cối xay bên bờ sông có đề bảng tên, năm sản xuất, giá vé để trèo lên tòa tháp cao ngắm cảnh trong từ 2-4 Euro.

 

Trung bình cứ 16 giây các cánh quạt cối xay gió sẽ quay hết một vòng, khi gió lớn chỉ cần khoảng 10 giây. Các cối xay gió cổ nằm ven sông với cỏ, hoa, sông nước bao quanh, xen lẫn cùng những bến thuyền du lịch, làm cho không khí thêm mát mẻ. Đó là các cối xay De Huisman dùng sản xuất đồ gia vị, De Gekroonde Poelenburg và Het Jonge Schaap giúp cưa gỗ, De Zoeker và De Bonte Hen dùng sản xuất dầu, De Kat để sản xuất sơn và thuốc nhuộm.

 

Bốn cánh quạt gió xoay quanh trục chính tạo nên tiếng nói riêng của nó, tùy theo sự bố trí: khi bốn cánh đứng yên theo hình chữ thập (hay dấu cộng ) là trạng thái nghỉ tạm thời, hình chữ X là trạng thái nghỉ lâu dài, nếu cánh đứng trên cùng nghiêng về bên phải của đường thẳng đứng là dấu hiệu của sự sinh nở, niềm vui, hạnh phúc; khi cánh đứng trên cùng nghiêng sang trái là dấu hiệu đang có tin buồn. Người Hà Lan quả thật tinh tế khi thổi hồn của cuộc sống vào hình ảnh các cối xay huyền thoại mà thân thiết của mình. Với sự đóng góp lớn lao của các cối xay gió xuyên suốt chiều dài lịch sử, Hà Lan thường được gọi là đất nước của những cối xay gió.

 

Chúng trở thành biểu tượng đầy tự hào của người dân nước này trong việc chinh phục tự nhiên, dùng chính sức mạnh của thiên nhiên để phục vụ cho mình và giảm thiểu những hiểm họa do nó gây ra. Hai ngày cuối của tuần lễ thứ nhì tháng năm hàng năm được quy định là ngày cối xay gió quốc gia. Trong thời gian này, tất cả các cối xay gió đồng loạt mở cửa cho khách vào tham quan, ngoài mục đích quảng bá du lịch còn nhằm giáo dục cho các thế hệ sau về một thời mở đất…

 

Sản phẩm giày gỗ truyền thống

 

Ngôi làng có một nhà gỗ khá dài để trưng bày, biểu diễn sản xuất giày gỗ và bán giày gỗ như một món hàng lưu niệm. Người Hà Lan gọi giày gỗ là Clog hoặc Klompen. Giày gỗ đóng vai trò quan trọng trong tâm thức của người Hà Lan, bởi ngày xưa nông dân Hà Lan còn nghèo và do địa hình thấp nên đất đai luôn ẩm ướt, thay vì đi giày vải như các nước châu Âu khác thì họ sử dụng giày gỗ để bảo vệ đôi chân, nhất là trong mùa đông lạnh lẽo.

 

Từ những khúc gỗ dương, liễu hay tần bì thô người thợ khoét thành giày, có mũi vểnh lên như chiếc thuyền, bên trong được lót rơm để giữ ấm và êm giúp cho bàn chân khô ráo, an toàn. Màu cơ bản của các nét vẽ trên giày thường là màu đỏ. Ngày nay nhiều nông dân, ngư dân Hà Lan vẫn còn thói quen đi giày gỗ, nhiều văn phòng làm việc liên quan đến lịch sử, văn hóa cũng chọn kiểu giày này trong đồng phục của nhân viên để giới thiệu với du khách và nhắc nhở nhân viên về một nét văn hóa đáng tự hào.

 

Theo truyền thống của người Hà Lan thì trong sính lễ ngày cưới thường có những đôi giày gỗ mà chú rể tặng cô dâu, nó được xem quý hơn cả những lễ vật đắt tiền khác. Có những đám cưới mà khách tham dự còn được tặng cả giày gỗ. Sau đám cưới, đôi giày gỗ được đặt ở vị trí trang trọng trong nhà. Ngày nay trong nhiều nhà ở nông thôn Hà Lan vẫn có chỗ dành riêng để đặt giày gỗ.

 

Giày gỗ cũng thường được dùng trong lễ hội, đi cùng với trang phục truyền thống là váy nhiều tầng hoặc quần ống rộng như một biểu tượng khác của Hà Lan. Giày gỗ đã đi vào văn hóa bằng điệu múa Klompendanskunst với yêu cầu vũ công phải mang giày gỗ để tạo ra tiếng lốc cốc bằng cách đập hai chiếc giày vào nhau và đập giày xuống sàn.

 

Trong xưởng chế tác giày gỗ, cùng với hàng trăm du khách đến từ khắp nơi, tôi được xem người thợ vừa vận hành những chiếc máy sản xuất giày, vừa giải thích quy trình. Chỉ trong ít phút, từ khúc gỗ thô sơ, một đôi giày đã hoàn thành. Tiếng máy ảnh bấm liên tục, đèn flash lóe sáng. Một số người còn ở lại để quay phim trọn vẹn quá trình sản xuất một đôi giày trong lần biểu diễn tiếp theo.

 

Tại khu trưng bày có những đôi giày cổ chạm trổ hết sức công phu, những đôi giày đặc trưng cho các vùng miền khác nhau ở Hà Lan, thích ứng với các mục đích khác nhau: Giày gỗ với dây da đến đầu gối, giày gỗ được trang trí xếp nếp hình chiếc váy dùng cho cô dâu, giày cao gót, giày trượt pa tanh, giày mũi nhọn dùng cho người đi câu cá trên băng…

 

Ở khu bán hàng lưu niệm rộng thênh thang có hàng vạn đôi giày đủ sắc màu rực rỡ, sắp xếp hấp dẫn để khách chọn mua theo ý muốn. Có những đôi giày nhỏ xíu kèm với móc khóa, hay có đính nam châm để khách đem về gắn lên vách tủ bằng kim loại.

 

Có những đôi giày vừa phải để trưng bày trong tủ kính hoặc để làm quà tặng, hoặc sử dụng. Ở vách bên ngoài của khu bán hàng có nhiều đôi giày gỗ gắn trên vách như một nghệ thuật trang trí, có cả những đôi làm chức năng của bình cắm hoa, có đôi cỡ lớn đặt trên mặt đất để khách mang vào chụp hình nghệ thuật và những đôi cực lớn thì khách có thể ngồi vào như ngồi trong chiếc thuyền mà không thu thêm bất cứ khoản phí nào.

 

Ở trong nhà và ngoài hiên, sân vườn của nhiều ngôi nhà ở Hà Lan, tôi cũng bắt gặp những đôi giày gỗ nhiều kích cỡ dùng để trang trí. Chúng được trưng bày khá nhiều bên cạnh những mô hình cối xay gió mãi quay trong sân vườn và trong tâm khảm của người Hà Lan.

 

Những ngôi nhà gỗ cổ xinh đẹp

 

 

Những cối xay gió trong làng cổ ở Hà Lan - Ảnh: NGUYỄN THANH

 

Những ngôi nhà gỗ cổ được dựng lại trong làng với màu xanh lá cây, có ngoại hình đặc trưng với đỉnh đầu hồi và khung cửa sổ màu trắng, nằm trong khu vườn nhỏ xinh xinh đầy những bông hoa nhiều màu sắc cùng cây cầu gỗ cong cong bắc qua bờ kênh, trong nhà người dân vẫn sinh sống bình thường và buôn bán đồ lưu niệm, các sản phẩm đặc trưng của Hà Lan.

 

Những ngôi nhà không kết hợp bán hàng chỉ mang tính cách trình bày nhà cổ trong không gian làng quê xa xưa thường đóng cửa trước vì theo tập quán thì người dân quê dùng cửa hông cho sinh hoạt hàng ngày, còn cửa trước chỉ mở ra trong những dịp đặc biệt như tổ chức lễ cưới hoặc tang lễ khi có người trong nhà qua đời.

 

Trong ngôi nhà bán bánh nướng, tôi theo chân hai cô gái trẻ làm bánh vào tận bếp để cảm nhận mùi thơm ngào ngạt của bánh mới ra lò. Nóng bức là vậy, nhưng những nụ cười không tắt trên môi các cô, làm ấm lòng du khách. Đã vậy du khách còn được nghe giải thích tường tận quá trình một miếng bánh ra đời.

 

Trong một ngôi nhà bán hàng lưu niệm, khi tôi đề nghị cô gái bán hàng đội mũ truyền thống ngẩng mặt lên để tô điểm thêm trong bức hình tôi đứng trước quầy thì cô nhanh chóng bước ra ngoài đứng cạnh tôi với nụ cười tươi tắn.

 

Cửa hàng pho mát De Catherina Hoeve

 

Nằm trên con đường dẫn ra các cối xay gió dọc bờ sông, De Catherina Hoeve là hình mẫu của một trang trại pho mát Hà Lan. Đủ loại pho mát được trưng bày, khách được nếm thử trước khi chọn mua. Không có điều kiện đến thành cổ Alkmaar được mệnh danh là thủ đô pho mát để tham dự lễ hội pho mát thì De Catherina Hoeve cũng đủ cho du khách hình dung rõ ràng về một loại thực phẩm từ hơn 250 năm trước đã đưa Hà Lan vào danh sách các nước nổi tiếng nhất thế giới. Khách cũng được xem và nghe trình bày về quy trình làm pho mát. Tại đây còn có bán chocolate Hà Lan, bánh quế, da cừu và nhiều món đồ lưu niệm khác…

 

Những bảo tàng trong làng

 

Trong ngôi làng nhỏ này có đến bảy nhà bảo tàng: Bảo tàng Bekary trưng bày các hiện vật liên quan đến nghề làm bánh nướng; Bảo tàng Honig Breethuis trình bày nội thất ngôi nhà của một gia đình thương gia ở thế kỷ XIX; Bảo tàng đồng hồ Hà Lan với những bộ sưu tập đồng hồ đeo tay, đồng hồ lớn phong phú và độc đáo, trong đó có những đồng hồ cổ đủ hình dáng vẫn còn hoạt động chính xác; Bảo tàng sưu tập đồ dùng, tranh ảnh và sự phát triển của khu vực sông Zaan; Bảo tàng sản xuất chocolate và ca cao thế kỷ XX gắn liền với tên người sáng lập Ericus Verkade và các máy móc để sản xuất chocolate và bánh cookie tốt nhất; Bảo tàng Albert Heijn giới thiệu lịch sử các chuỗi siêu thị lớn nhất Hà Lan và Bảo tàng giày gỗ.

 

Mỗi nơi mỗi vẻ, bức tranh lịch sử của Hà Lan được tái hiện sống động qua từng bước chân du khách. Như người ta thường nói, các thành phố châu Âu đều xứng đáng với danh hiệu “thành phố của những bảo tàng”, vì có hàng chục, hàng trăm bảo tàng với những chủ đề trưng bày khác nhau, chủ thể quản lý và cách quản lý khác nhau thì Zaanse Schans cũng xứng đáng là “Ngôi làng của những bảo tàng” theo ấn tượng của những người đã đến và đắm mình trong không gian lãng mạn của làng.

 

Trước làn sóng phát triển của các đô thị cũng như sự tiến bộ vượt bậc của kỹ thuật hiện đại, việc bảo tồn di sản văn hóa, kiến trúc được coi trọng đúng mức. Bên cạnh một Hà Lan hiện đại, văn minh, khi đến Bảo tàng mở Zaanse Schans với cảnh quan thanh bình, hòa nhịp với thiên nhiên trong lành và không gian văn hóa truyền thống, du khách vừa thả hồn theo dòng lịch sử xa xưa, vừa ngưỡng mộ tầm nhìn, tài quy hoạch của các nhà quản lý văn hóa. Mỗi năm, hàng triệu du khách bốn phương đổ về đây để viếng thăm một Hà Lan xa xưa thu nhỏ, mang lại nguồn thu du lịch đáng kể cho đất nước.

 

NGUYỄN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek