Thứ Năm, 17/10/2024 14:28 CH
Sâu lắng Paris - Bài 1: Mỗi bước chân trên trục đường lịch sử
Thứ Bảy, 04/08/2018 14:00 CH

Một góc Bảo tàng Louvre - Ảnh: NGUYỄN THANH

Thật băn khoăn khi viết về Paris, bởi thủ đô của nước Pháp đã quá nổi tiếng khi được mệnh danh là kinh đô ánh sáng, thủ đô của thời trang, thành phố tình yêu… Cái tên nào cũng có cội nguồn và cũng thật xứng đáng. Với Việt Nam, Paris còn gần gũi hơn với “duyên nợ trăm năm” từ thời các vua triều Nguyễn, sau đó Paris được chọn làm nơi tiến hành cuộc đàm phán hòa bình dài nhất trong lịch sử nhân loại để giải quyết cuộc chiến đầy máu lửa. Từng để lại những dấu chân kỷ niệm nơi đây, những dòng này xem như lời tự tình của người viết với Paris.  

 

Bài 1: Mỗi bước chân trên trục đường lịch sử

 

TP Paris có gần 200 bảo tàng, cái nào cũng lớn và trưng bày nhiều chủ đề khác nhau nhưng cũng có những bảo tàng tổng hợp. Du khách đến Paris không thể không đến Louvre, viện bảo tàng lớn nhất thế giới, xây dựng trải dài trong 225 năm, trưng bày thường xuyên 35.000 trong số 380.000 hiện vật ở 8 khu vực chuyên đề.

 

Louvre nguyên là một pháo đài rồi cung điện hoàng gia, đến thời Cách mạng Pháp mới trở thành bảo tàng. Với quy mô cực lớn, ngay trong Louvre khách cũng chỉ có thể lướt qua những điểm mình thích. Bức tranh nàng Mona Lisa của họa sĩ thiên tài Leonardo da Vinci vẽ trên tấm gỗ dương kích thước 77x53cm thu hút 6 triệu khách mỗi năm đến chiêm ngưỡng nụ cười bí ẩn từng tạo cảm hứng cho nhiều nhà phân tích khoa học, nghệ thuật, tâm lý.

 

Như mọi du khách, tôi phải đứng xếp hàng sau đám đông, zoom máy thật gần để có được bức ảnh, bởi sau vụ mất trộm năm 1911 báo hại nhà thơ Guillaume Appollinaire bị cảnh sát tạm giữ một tuần thì bức tranh được bảo vệ bằng kính chống đạn và duy trì chế độ bảo quản nghiêm ngặt. Các tượng bằng đá cẩm thạch có từ trước Công nguyên như tượng thần Vệ nữ thành Milo mất hai tay khắc họa nữ thần tình yêu và sắc đẹp Aphrodite của Hy Lạp, tượng Nữ thần Chiến thắng Somathrace có hai cánh, không đầu, không tay cũng là những tác phẩm tuyệt vời thu hút người xem mà tôi thấy nhiều phiên bản thu nhỏ được bán cùng với đồ lưu niệm xinh xắn trong cửa hàng của bảo tàng. Có nhiều sách giới thiệu về Paris, về Louvre tuyệt đẹp in bằng 13 ngôn ngữ khác nhau, dù cân nhắc từng ký hành lý nhưng tôi cũng chọn mua vài quyển để lưu niệm.

 

Với cơn bão du khách đến Louvre, những lối vào cũ không thể đáp ứng nổi. Theo sáng kiến của Tổng thống François Mitterand, ba kim tự tháp bằng kính được xây dựng trong sân Napoléon, trong đó kim tự tháp lớn nhất làm chức năng của lối đi ngầm dưới mặt đất đưa 25.000 khách vào bảo tàng hàng ngày. Đứng trong sân, tôi nhìn thấy hàng người dài rồng rắn sắp hàng vào tham quan. Trèo lên khối đá trong sân và giơ ngang cánh tay, tôi có được bức hình với đỉnh kim tự tháp dưới lòng bàn tay mình. Cách làm du lịch này cũng tựa như khách đến Ý làm bộ đẩy cho tháp Pisa nghiêng, thật là thú vị!

 

* * *

 

Bức tượng vua Louis XIV cưỡi ngựa trong sân Napoléon là điểm đầu trên trục quan trọng nhất của quy hoạch đô thị Paris thế kỷ XIX, đó là trục lịch sử (axe historique): Louvre, Khải hoàn môn Caroussel, vườn Tuileries, quảng trường Concorde với cột đá Obélisque, đại lộ Champs Éslyssés, Khải hoàn môn Ngôi Sao, đại lộ Grand Armée. Một thuận lợi là các địa điểm trên nằm liên tục trên một cự ly ngắn mà chỗ nào cũng đẹp, mang đầy dấu ấn lịch sử nên tôi không thể nào bỏ sót.

 

Khải hoàn môn Caroussel được Napoléon đệ I cho xây dựng vào năm 1807 theo cảm hứng từ Khải hoàn môn Constantine ở Roma (Ý) để ca ngợi chiến thắng Austelitz, nguyên là cổng vào của cung điện hoàng gia mà nay đã không còn nữa sau biến động năm 1871. Chỉ còn lại trơ trọi Khải hoàn môn với bức tượng xe tứ mã làm theo mẫu bức tượng mà quân Pháp lấy từ nhà thờ San Macro ở Venezia nước Ý đem về đây nhưng đã đưa trở lại chỗ cũ sau thất bại của Napoléon đệ I. Dòng đời vẫn chảy, thế sự đổi thay, cung điện xưa chỉ còn là hoài niệm, tượng ngựa xe đến rồi đi, may mắn còn lại một phần dấu tích nhắc nhở một thời binh lửa…

 

Vườn Tuileries là khu vườn cổ nhất, lớn nhất Paris, nằm trên nền cung điện hoàng gia cũ. Các đường đi nội bộ chia Tuileries thành các khu vườn nhỏ với trung tâm là các hồ nước và bồn hoa, đài phun nước. Từ thế kỷ XVII, theo thiết kế của André le Nôtre, nơi đây là địa điểm nghỉ ngơi, gặp gỡ, giải trí ưa thích của người Paris. Rất nhiều tượng của nhà điêu khắc Pháp lừng danh Auguste Rodin, nhà điêu khắc Thụy Sĩ Alberto Gicometti…, Khải hoàn môn Caroussel và vườn Tuileries hình thành một bảo tàng tượng ngoài trời sinh động với cây cối xanh rì, hoa khoe sắc thắm, tượng nghệ thuật tinh xảo, các ghế sắt đặt rải rác khắp nơi để du khách nghỉ chân.

 

Rộng 8,64ha với nền lát đá cổ, Concorde là quảng trường lớn nhất và là đầu mối giao thông quan trọng nhất của Paris được vua Louis XV cho thiết kế, đến thế kỷ XIX kiến trúc sư Jacques Ignace Hittorff đã xây dựng thêm Đài phun nước của các dòng sôngvà Đài phun nước của các đại dương tượng trưng cho các sông lớn, biển và nông nghiệp, nghề đánh cá biển. Có 18 cột đèn trang trí hình mũi tàu chiến, các bức tượng tiêu biểu cho 8 thành phố lớn của Pháp cùng với cột đá cổ Ai Cập từ đền Luxor. Đây là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lớn trong lịch sử nước Pháp. Thời kỳ cách mạng Pháp, máy chém đã được đặt tại đây để hành hình nhà vua, hoàng hậu và hàng ngàn người khác.

 

Nằm giữa quảng trường là cột đá Obélisque hơn 3.300 năm tuổi, cao gần 23m được tạc nguyên khối từ đá syenite hồng, bốn mặt khắc chìm các chữ tượng hình Ai Cập cổ thể hiện các mốc vinh quang của Pharaon Ramesses II. Bệ đỡ cột cao 9m, chóp nhọn mạ vàng cao 3,5m được lắp thêm thay cho phần chóp đã mất từ trước Công nguyên. Cột đá là quà tặng của Ai Cập vào năm 1831 để thể hiện tình hòa hảo giữa hai nước cũng như để ghi công nhà nghiên cứu Pháp Jean François Champollion, người giải mã thành công chữ tượng hình Ai Cập cổ. Ba đời vua Pháp đã trải qua từ khi thương lượng đến khi nhận về. Thực sự là Ai Cập đã tặng cả hai cây cột đá tại đền Luxor nhưng với phương tiện vận chuyển và tháo lắp thô sơ ngày đó không bảo đảm nhận cả hai nên người Pháp đã chọn cây cột nhỏ hơn để đem về. Hành trình gian nan hơn 20.000km kéo dài hơn hai năm và gần ba năm sau đó dưới thời vua Louis Philippe I với phương tiện thủ công và một lực lượng binh lính hùng hậu mới dựng được cột đá vào vị trí hiện nay. Cây cột đá còn lại dù vẫn nằm nguyên tại đền Luxor nhưng đã là tài sản nước Pháp rồi, nên 150 năm sau ngày được tặng, Tổng thống François Mitterand chính thức trả lại cột đá này cho Ai Cập như một cử chỉ rõ ràng và dứt khoát: đã không nhận thì gửi trả lại. Hẳn những tiền nhân của hai nước đã thỏa lòng với sự kiện lịch sử này.

 

Đứng dưới chân cột đá ngàn năm giữa quảng trường lịch sử từng ngập tràn máu chảy đầu rơi, tôi đọc những tấm bảng đồng ghi tóm tắt quá trình dựng cột và bảng ghi ngày hành hình vua Louis XVI, hoàng hậu MarieAntoinette mà lòng miên man nghĩ rằng trong hàng chục triệu du khách qua đây hàng năm, nhiều người cũng đã dành những phút lặng lẽ để lắng nghe nhịp thở của nước Pháp từng trăn trở chuyển mình và trở thành một quốc gia tự do, bình đẳng, bác ái hôm nay.

 

Rời quảng trường Concorde là đến đại lộ Champs Élysées. Dọc theo đại lộ rộng thênh thang dài hai cây số với 10 làn xe và những hàng cây xanh mát, những lối đi bộ thênh thang là khu thương mại, giải trí sang trọng nhất Paris với những rạp chiếu phim, quán cà phê, cửa hàng thời trang nổi tiếng, gian trưng bày của các hãng ô tô lừng danh. Đại lộ từng chứng kiến những thời khắc đen tối cũng như vinh quang trong lịch sử nước Pháp. Mỗi năm vào ngày quốc khánh Pháp, một cuộc diễu binh hùng hậu đi qua Khải hoàn môn và đại lộ này để đến quảng trường Concorde, nơi các tổng thống Pháp đón đoàn diễu binh từ trên khán đài dưới chân cột đá Obélisque. Champs Élysées cũng là đích của chặng cuối cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp (Tour de France) hàng năm. Cuối năm 2004, cơn sóng thần Nam Á cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người đã làm bùng lên cơn sóng tình người, toàn bộ thân cây của đại lộ đang rực sáng ánh đèn đón Noel và năm mới đã được quấn những dải băng đen, toàn bộ các công sở và trường học trên nước Pháp đã dành ba phút mặc niệm các nạn nhân. Một chiến dịch vận động cứu trợ lớn và đạt kết quả nhanh chưa từng thấy lại cho thấy một Paris, một nước Pháp đầy nhân văn.

 

Nằm ở điểm cuối của đại lộ Champ Élysées, Khải hoàn môn (tên đầy đủ là Khải hoàn môn Ngôi Sao) là một trong những biểu tượng lịch sử của nước Pháp do Napoléon đệ I cho xây dựng năm 1806 để vinh danh quân đội sau chiến thắng lừng lẫy Austelitz: trận chiến ba vua Pháp, Nga - Áo. Được làm bằng đá hoa cương trắng với chiều cao 50m, rộng 45m và dày 22m, Khải hoàn môn có bốn tác phẩm điêu khắc lớn nhất: Kháng chiến 1814, Hòa bình 1815 quay về hướng đại lộ Grand Armée, Xuất quân tức La Marseillaise và Khải hoàn 1810 quay về hướng Champ Élysées, trong đó Xuất quân là nổi tiếng nhất. Ở các cạnh bên cũng có nhiều phù điêu khác, mặt trong của bốn chân Khải hoàn môn là các phù điêu mô tả các trận đánh nổi tiếng, bên dưới khắc tên các danh tướng Pháp trong thời Napoléon. Cuối năm 1920, thi hài một người lính Pháp vô danh được chôn bên dưới Khải hoàn môn với dòng chữ đơn sơ “Nơi đây yên nghỉ một người lính Pháp chết cho Tổ quốc”. Ba năm sau, một ngọn lửa vĩnh cửu được thắp trên ngôi mộ và không lúc nào mộ thiếu những vòng hoa tươi. Khánh thành sau 30 năm xây dựng, bốn năm sau đó thi hài Napoléon được đưa từ nơi lưu đày qua đây trước khi về nơi an táng. Đại văn hào Victor Hugo khi mất cũng được đặt tại đây một đêm để hai triệu người Paris đưa tiễn.

 

Khải hoàn môn nằm giữa quảng trường nay mang tên Charles de Gaulle có đường kính 240m, là điểm giao của 12 đại lộ tỏa về ba quận của Paris như những cánh của ngôi sao. Muốn đến chân của Khải hoàn môn phải đi theo đường hầm dưới chân quảng trường có tên Passage du Souvenir (Lối đi Kỷ niệm), ở giữa có bán vé để đi lên nóc Khải hoàn môn bằng thang máy hay leo lên hàng trăm bậc thang để ngắm một Paris tuyệt vời. Quy hoạch không cho các tòa nhà xung quanh cao quá 4, 5 tầng nên Khải hoàn môn vẫn là công trình uy nghi, hùng tráng nhất tại đây dù bao năm tháng đã đi qua. Từ trên nóc nhìn ngược về hướng ngoại ô, tôi thấy rõ khu La Défense hiện đại với Grande Arche (Cổng vòm lớn) dài 112m, rộng 107m, cao 112m được xem như Khải hoàn môn thứ ba nằm thẳng hàng với hai Khải hoàn môn kia và các tòa nhà chọc trời, nơi rất nhiều công ty hàng đầu thế giới đặt văn phòng, tách biệt hẳn với phần Paris cũ.

 

Bài 2: Hai bờ sông Seine và những ngọn đồi

 

NGUYỄN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek