Trở thành thanh niên tự vệ chiến đấu khi 15 tuổi, rồi tuyên truyền Việt Minh; 17 tuổi tham gia Vệ quốc quân; 19 tuổi tuyên thệ đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam; tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, được tặng thưởng 13 huân chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác, ông luôn giữ trọn lời thề trước cờ Đảng, là “kho tư liệu sống” về vũ khí tự tạo của chiến trường Liên khu 5. Ông là đại tá Hồ Hoanh, cựu chiến binh cao tuổi tiêu biểu của xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa.
Ông Hồ Hoanh vui thú chăm sóc cây cảnh - Ảnh: BÁ THUYẾT |
Sớm giác ngộ cách mạng, trở thành kỹ nghệ quân giới tài năng
Quê ông ở xã Tam Quang, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định - một vùng quê có truyền thống hiếu học và tinh thần cách mạng rất cao. Tháng 8/1945, cách mạng thành công, luồng gió mới thổi vào tâm hồn người thiếu niên Hồ Hoanh, thúc đẩy ông đi theo cách mạng. Tròn 15 tuổi, Hồ Hoanh tham gia vào Đội Thanh niên tự vệ chiến đấu của xã, hoạt động sôi nổi, tích cực nên được tuyển chọn vào Đội Tuyên truyền Việt Minh của huyện Hoài Nhơn. Vâng theo lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ, tháng 3/1947, ông tình nguyện nhập ngũ. Với bản tính thông minh, bàn tay khéo léo bẩm sinh, ông được tuyển dụng làm thư ký Ban Quân giới tỉnh Bình Định. Là một người cần cù, ông say sưa nghiên cứu sáng tạo, chế tạo thành công nhiều loại vũ khí, trang bị chiến đấu cho LLVT Bình Định.
Với tài năng và kinh nghiệm, ông được Liên khu 5 luân chuyển đến các xưởng quân giới CK2 Tây Nguyên, QB 280 Quảng Ngãi, QB 410 Phú Yên để làm nòng cốt, cố vấn chế tạo vũ khí phục vụ chiến trường. Năm 1948, ông được điều về làm Chánh Văn phòng Quân giới Liên khu 5. Các loại vũ khí, trang bị do ông và đồng đội ở các xưởng quân giới cải tiến, chế tạo đã góp phần to lớn giúp LLVT các địa phương ở Liên khu 5 giành thắng lợi. Theo lời ông Hoanh kể, trong chiến tranh chống Pháp, Liên khu 5 là vùng tự do, nên vật liệu để làm vũ khí tự tạo của ta lúc đó khá thuận lợi. Tận dụng gang, ống xi len, chất hóa học… thu được từ quân Pháp ở nhà máy Đồng Bò, các tàu chiến, các mỏ khai thác quặng…, ông và các chiến sĩ quân giới đã nghiên cứu nguyên lý chuyển động, nguyên lý nổ, chế tạo ra lựu đạn (mỏ vịt, đập, chạm nổ…), bộc phá (thuốc phóng, thuốc phá, ngòi nổ) và mìn các loại. Các xưởng của ta lúc đó còn chế tạo được cả súng cối 28 ly, đạn bằng gang, súng DKZ không giật, súng Ba-Dô-Ka, đạn chống tăng có sức sát thương và độ chính xác cao. Đó là những vũ khí lợi hại của quân chủ lực, du kích Khu 5.
Vinh dự được Bác Hồ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba
Đầu năm 1955, ông theo đoàn tập kết ra miền Bắc. Từ 1955-1963, ông đảm nhiệm các cương vị Chánh Văn phòng Xí nghiệp bến Hòn Gai, Trưởng Phòng Hành chính mỏ Hồng Gai, Trưởng Phòng Kế hoạch mỏ Hà Tu. Ở cương vị nào ông cũng tỏ ra là người cán bộ, đảng viên gương mẫu, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 1961, ông được bầu là chiến sĩ thi đua, được chọn báo cáo điển hình trong Đại hội mừng công cả nước. Đặc biệt, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ký Lệnh số 30/LCT, ngày 24/6/1962, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba vì đã lập nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.
Đầu năm 1963, ông được điều động về Hòa Bình học tập, chuẩn bị vào chiến trường miền Nam. Ông được cử về Trường đại học Bách khoa Hà Nội học tập cách xây dựng lò cao thủ công bằng gạch chịu nhiệt chế tạo gang để sản xuất vũ khí tại chiến trường. Tại đây, ông và đồng đội được thầy Thừa, Phó Hiệu trưởng nhà trường, phụ trách Khoa Luyện kim, trực tiếp hướng dẫn giúp đỡ.
Tháng 8/1963, hoàn thành khóa học, ông được điều vào chiến trường Khu 5, với cương vị Phân xưởng trưởng luyện gang C13. Lúc này ở chiến trường, vật liệu chế tạo vũ khí của ta vô cùng thiếu thốn, nên việc chế tạo ra gang trở nên vô cùng cần thiết và cấp bách. Ông đã chỉ đạo C13 tập trung mọi nỗ lực nghiên cứu, xây dựng lò cao chế tạo gang. Sau một thời gian mày mò, nghiên cứu, thử nghiệm, tháng 3/1966, Phân xưởng C13 đã vận hành cho ra mẻ gang đầu tiên khoảng 4kg, mỗi đêm cho ra lò 20kg. Đây là loại gang xám rất thích hợp cho chế tạo mìn và lựu đạn Việt Nam. Với chiến công này, Phân xưởng C13 đã được tặng Huân chương Lao động hạng ba. Mô hình lò cao sản xuất gang của C13 được nhân rộng, phổ biến cho toàn quân học tập. Hiện mô hình hoạt động và quy trình sản xuất gang của C13 những năm chống Mỹ được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 5, được công nhận bằng sáng kiến chế tạo cấp bộ. Đoàn tham quan của cán bộ Cu Ba hết sức cảm phục khen ngợi.
Ông Hoanh kể: “Trong chiến tranh chống Mỹ, chiến trường Khu 5 thiếu thốn mọi mặt, vũ khí, trang bị còn thô sơ, chủ yếu là vũ khí tự tạo, như súng kíp, bom mìn, chông, cạm bẫy… nên việc chế tạo vũ khí, trang bị cung cấp cho chiến trường vô cùng quan trọng, không có vũ khí không thể đánh thắng quân địch. Tôi cùng đồng đội làm việc suốt ngày đêm, dưới sự truy sát gắt gao của quân địch. Với khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai”, chúng tôi tập trung mọi nỗ lực để cung cấp kịp thời vũ khí, trang bị cho bộ đội”.
Sau giải phóng, ông được giao nhiệm vụ Xưởng trưởng Cơ khí liên hợp 367, Trưởng Ban Thiết kế T380, Giám đốc Xưởng tàu Cục Hậu cần Quân khu 5, Giám đốc Xưởng sửa chữa tàu thuyền Cục Kỹ thuật Quân khu 5, xưởng 387, Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng Trường Hạ sĩ quan kỹ thuật Quân khu 5. Ông đã góp phần giáo dục, đào tạo cung cấp hàng vạn lái xe, thợ cơ khí, hạ sĩ quan chuyên ngành các quân, binh chủng phục vụ chiến trường Campuchia và các đơn vị trên địa bàn 11 tỉnh và các đơn vị chủ lực của Quân khu 5. Ông cho chúng tôi xem nhiều tài liệu quý về vũ khí tự tạo của LLVT Quân khu 5 và Phú Yên, trong đó có ba vật phẩm mà ông luôn trân trọng, đó là: Huân chương Lao động hạng ba do Bác Hồ trực tiếp ký, mô hình lò cao chế tạo gang năm 1963-1966, cây đèn dầu làm bằng vật liệu vũ khí lấy được của giặc Mỹ.
Tích cực tham gia phong trào địa phương
Năm 1990, đại tá Hồ Hoanh nghỉ hưu. Ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Bí thư Chi bộ thôn Ngọc Phước, Đảng bộ xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa. Ông tiếp tục nêu cao tấm gương “Bộ đội Cụ Hồ”, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng, các phong trào hoạt động Hội Cựu chiến binh, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế và quốc phòng - an ninh ở địa phương.
Trong quá trình công tác cũng như khi nghỉ hưu, ông Hồ Hoanh luôn toát lên tinh thần của một chiến sĩ cộng sản được tôi luyện, giữ vững và phát huy phẩm chất trong sáng của “Bộ đội Cụ Hồ”. Là người có bề dày thành tích, bản lĩnh vững vàng, tự tin nên ở bất cứ cương vị nào ông cũng nhiệt tình với mọi công việc, sống có tình người sâu sắc. Ông Nguyễn Cao Thế Truyền, Bí thư Đảng ủy xã Bình Ngọc, chia sẻ: “Bác Hồ Hoanh là lớp cán bộ tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, luôn là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ học tập, nhất là về bản lĩnh, kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức trong sáng và tình thương yêu nhân dân… Bác Hoanh luôn được mọi người hết sức tôn trọng, quý mến”. Khi được hỏi về cuộc đời và sự nghiệp của mình, ông Hồ Hoanh tươi cười và nói: “Tôi là đảng viên, trước khi vào Đảng đã thề rồi thì phải phấn đấu thực hiện; phải học tập gương Bác Hồ mà làm, đóng góp của mình còn nhỏ nhoi lắm, nên dù già rồi cũng phải cố gắng rất nhiều…”.
Ông còn là tấm gương tiêu biểu về tinh thần thiện nguyện; vào dịp lễ tổng kết năm học năm nào ông cũng đều tự nguyện tặng 9 suất quà cho các cháu học giỏi của ba trường học trên địa bàn xã, trị giá mỗi suất 100.000 đồng. Hàng tháng, ông còn đóng 50.000 đồng hỗ trợ Quỹ Vì người nghèo, tham gia đầy đủ các quỹ hỗ trợ khác. Khi nghe ai gặp khó khăn, hoạn nạn, ông đều đến thăm và tặng quà. Tuổi cao nhưng ông vẫn “mãi mãi là sao sáng dẫn đường” truyền lửa, truyền nhiệt huyết cách mạng cho thế hệ trẻ. Nói về ông, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình Ngọc Nguyễn Văn Đức cho biết: “Ông Hồ Hoanh là một người đức độ, có nhiều đóng góp cho quân đội và phong trào của địa phương. Ông là tấm gương sáng, mẫu mực trong công tác cũng như trong sinh hoạt. Gia đình ông là gia đình văn hóa tiêu biểu, con cháu ngoan hiền, thành đạt, hiếu thảo. Bản lĩnh và phong cách làm việc của ông luôn là tấm gương để thế hệ chúng tôi học tập và noi theo”.
Ông Hồ Hoanh giờ đã 89 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, vui vẻ sống bên người bạn đời 84 tuổi và các con, cháu; hàng ngày vui thú chăm sóc cây cảnh, trồng rau và tập dưỡng sinh. Ông luôn khuyên bảo con cháu chăm ngoan, học giỏi lao động tốt. Gia đình ông đang là tấm gương trong phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” của xã Bình Ngọc.
Với những cống hiến của mình, ông Hồ Hoanh vinh dự được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó nổi lên là 13 huân chương các loại: 1 Huân chương Độc lập hạng ba, 1 Huân chương Kháng chiến hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 1 Huân chương Chiến thắng hạng ba, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 1 Huân chương Lao động hạng ba, 3 Huân chương Giải phóng, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, 1 Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng; 14 bằng khen của Ủy ban Hành chính khu Hồng Quảng, Bộ Công nghiệp nặng, Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Quốc phòng, UBND TP Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên…
NGUYỄN BÁ THUYẾT