Tôi đã đến Hạ Long nhiều lần, chủ yếu là đứng trên bờ ngắm nhìn trời xanh mây trắng và non xanh nước biếc. Có hai lần tôi xuống thuyền, lần đầu thì thuyền nhỏ, chỉ bơi loanh quanh gần bờ, lần này thuyền lớn, đẳng cấp 4 sao, bơi một vòng quanh vịnh, rồi còn ghé đảo Titov và một số hang động.
Trong chuyến công tác Hà Nội vào đầu những năm 2000, tranh thủ ngày nghỉ, tôi rủ nhà văn Trần Thiện Lục và nhà thơ Huỳnh Văn Quốc ở Hội Văn nghệ Phú Yên du lịch “bụi” Hạ Long. Ba anh chàng nhà quê, bắt taxi ra Hạ Long, rảo một vòng ở bến thuyền khảo giá rồi mặc cả, cuối cùng thuê hẳn một chiếc thuyền đánh cá thuộc loại đã thanh lý để bồng bềnh trên sóng nước. Trước khi xuống thuyền, tôi hỏi hai anh có biết bơi không, cả hai gật đầu lia lịa, còn tôi thầm nghĩ, chỉ mong rớt xuống nước mình không chìm ngay để chờ người đến vớt. Chuyến ngao du ngẫu hứng ấy, kể cả bữa trưa tôm - cua - cá mực trên thuyền, chi phí mỗi người bay gần nửa tháng lương, nhưng ai cũng vui vẻ, hả hê: Dẫu gì thì ta cũng đã ngao du một ngày trong cái vịnh đẹp nhất thế giới! Hỏi, mấy người có được cái diễm phúc ấy? Về khoe cả tuần vẫn còn khoái.
Du khách chụp ảnh lưu niệm bên tượng đài nhà du hành vũ trụ Titov trong vịnh Hạ Long - Ảnh: CTV |
Ngày nay, thuyền chở khách du lịch vịnh Hạ Long không còn là loại thuyền đánh cá nữa mà toàn là du thuyền 4-5 sao; phòng được trang bị máy lạnh; thực khách được phục vụ hải sản tươi sống. Còn giá cả, dĩ nhiên là cũng tương xứng với số sao. Bến thuyền được xây mới rất hiện đại và tiện lợi. Nhìn hàng chục du thuyền sang trọng neo trong bến chờ du khách, nhớ lại cảnh chúng tôi dắt tay nhau bước xuống con thuyền đánh cá chòng chành là có thể cảm nhận được sự thay đổi cơ bản của ngành Du lịch nơi đây. Bạn tôi là dân làm dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, đăng ký trước cả tháng mà chi phí cho mỗi người trong chuyến du ngoạn này cũng hơn nửa tháng lương. Hóa ra, tình hình vật giá và nền kinh tế đất nước khá ổn định, hơn chục năm mà tour du lịch Hạ Long vẫn giữ nguyên ở mức nửa tháng lương công chức, chẳng biến động gì cả. Ngoài chuyện ngao du trên vịnh, du khách còn được mời tham gia các dịch vụ chèo thuyền kayak (thuyền nhỏ làm bằng nhựa, một người chèo), câu mực, tham quan các đảo và hang động.
Hòn đảo đầu tiên mà chúng tôi ghé vào mang tên nhà du hành vũ trụ Liên Xô Gherman Titov (1935-2000), là người điều khiển tàu Phương Đông II bay vào vũ trụ năm 1962, chụp ảnh bề mặt trái đất và mặt trăng, tiến hành những thí nghiệm y sinh quan trọng và thực hiện phương pháp liên lạc bằng radio từ vũ trụ... Ông nguyên là Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô - Việt, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Nga - Việt, đã có những đóng góp quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam và vun đắp cho tình hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây, cũng như Liên bang Nga ngày nay.
Ngày xưa, đảo Titov có tên là Cát Nàng, đến đầu thế kỷ XX được gọi là đảo Hồng Thập Tự hay đảo Nghĩa Địa vì vào năm 1905 một tàu chở hàng của Pháp đã bị đắm ở vũng Con Cóc do không thông thạo luồng lạch, các thủy thủ được đưa về chôn ở đảo này. Sang thế kỷ XXI, sau chuyến thăm đảo của nhà du hành vũ trụ Titov cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 22/11/1962, Bác Hồ đã đặt tên cho đảo là Titov để ghi dấu kỷ niệm chuyến đi đó.
Với mong muốn góp phần phát triển tình hữu nghị truyền thống quý báu giữa Việt Nam với Liên bang Nga, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Hội Hữu nghị Việt - Nga xây dựng tượng đài anh hùng vũ trụ Gherman Titov trên vịnh Hạ Long. Để có kinh phí xây dựng tượng đài, Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Nga đã thành lập Ban Vận động tài trợ kinh phí xây dựng, kêu gọi toàn thể hội viên đóng góp mỗi người ít nhất 100.000 đồng vào quỹ xây dựng tượng đài, còn Chủ tịch Trung ương Hội gửi thư kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước và tại Liên bang Nga hỗ trợ kinh phí cho dự án. Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Hội, Hội Hữu nghị Việt - Nga ở các địa phương và các chi hội đã phát động phong trào quyên góp tiền trong hội viên cùng những người bạn của Hội. Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Phú Yên là một trong những đơn vị đầu tiên quyên góp đủ tiền gửi ra Trung ương Hội.
Trước khi chính thức thực hiện tượng đài bằng đá, trong dịp sang Nga tham dự các hoạt động kỷ niệm lần thứ 55 ngày thành lập Hội Hữu nghị Nga - Việt vào cuối năm 2013, lãnh đạo Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Nga đã giới thiệu mẫu tượng đài của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới với lãnh đạo Hội bạn và bà Tamara Titova, phu nhân Gherman Titov. Phía Nga đánh giá cao và đồng tình với mẫu sáng tác của Việt Nam. Sang đầu năm 2014, Hội Hữu nghị Việt - Nga ký hợp đồng tạc tượng Titov với Công ty TNHH Mỹ thuật Thiên Kỳ (TP Hồ Chí Minh). Tượng được chế tác bằng đá xanh Thanh Hóa gồm hai khối, cao gần 6m, nặng hơn 26 tấn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng Nghệ thuật và Ban Quản lý dự án theo dõi, chỉ đạo, đồng thời cũng để tiết kiệm chi phí vận chuyển sau khi hoàn thành, tượng đài được thực hiện tại một cơ sở chế tác đá ở Hà Nam. Đến đầu tháng 8/2015, tượng hoàn thành và được vận chuyển bằng thuyền đến vịnh Hạ Long. Sau đó, vào ngày 14/9/2015, Khu tổ hợp tượng đài Titov được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga, ngày thành lập Hội Hữu nghị Việt - Xô (sau này là Việt - Nga) và 80 năm ngày sinh của anh hùng vũ trụ Gherman Titov (11/9/1935-11/9/2015).
Tượng đài được thực hiện với chất lượng cao về nội dung tư tưởng, về kỹ thuật và mỹ thuật, góp thêm một công trình kiến trúc đặc sắc, tôn vinh thêm giá trị lịch sử - văn hóa và đối ngoại giữa Việt Nam và Liên bang Nga, trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo trên vịnh Hạ Long. Từ một hòn đảo hoang sơ, nhờ được đầu tư cơ sở hạ tầng và tôn tạo, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, đồng thời phát huy những giá trị lịch sử, giờ đây đảo Titov có vẻ đẹp độc đáo, trở thành một trong những điểm tham quan hấp dẫn nhất vịnh Hạ Long, mỗi ngày đón hàng ngàn du khách lên đảo để ngắm cảnh và tắm biển.
Trong vịnh Hạ Long, ngoài đảo Titov ra, còn nhiều danh thắng khác cũng đáng được du khách ghé chân, một trong số đó là hang Sửng Sốt nằm trên đảo Bồ Hòn. Thoạt đầu, mới chỉ nghe đến cái tên, tôi đoán mò là do người dân địa phương vào hang thấy nhiều điều kỳ lạ đến mức phải sửng sốt, nên đặt tên cho nó là Sửng Sốt. Hóa ra cái sự đoán mò của tôi cũng đúng một phần. Sau này tìm hiểu thêm, tôi mới biết hang Sửng Sốt do người Pháp phát hiện vào năm 1901, và trong quá trình thám hiểm, với những hình thù kỳ lạ của các khối thạch nhũ luôn mang lại những điều bất ngờ, nên trong cuốn Du lịch Hạ Long xuất bản năm 1938, người Pháp gọi hang này là Grotte des surprise, tức là hang động của sự sửng sốt. Năm 2012, hang Sửng Sốt được Hiệp hội Các văn phòng và môi giới du lịch Cộng hòa Czech bình chọn là một trong 10 hang động rộng nhất, đẹp nhất thế giới nhờ vẻ đẹp huyền ảo của các nhũ đá và phong cảnh sơn thủy hữu tình bên ngoài hai cửa hang. Có một điều đặc biệt là ở trong hang, âm thanh không bị dội lại như các hang khác, nên dẫu có nói to hay nhỏ đều nghe rất rõ. Đây chính là một dạng hang đá vôi điển hình (hang karst) có giá trị khoa học cao.
Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP