Thứ Năm, 17/10/2024 16:29 CH
Non xanh nước biếc miền Đông Bắc:
Bài 3: Chuyện nàng Tô Thị xưa và nay
Thứ Hai, 07/05/2018 13:00 CH

Núi Tô Thị nhìn từ động Tam Thanh - Ảnh: ĐÀO MINH HIỆP

Lên Lạng Sơn, chúng tôi được đưa đi ngắm “nàng Tô Thị” từ một góc nhìn khá độc đáo, tức là chui vào động Tam Thanh rồi leo lên lưng chừng núi. Từ đây, tầm mắt có thể bao quát cả một vùng rộng lớn bán kính vài chục cây số với những dãy núi đá vôi chập chùng, hình thù kỳ lạ nổi bật trên nền sông nước và đồng ruộng xanh ngắt, dĩ nhiên là thấy cả cột đá vôi cao sừng sững gắn liền với truyền thuyết về nàng Tô Thị. Cảnh quan như một bức tranh sơn thủy hữu tình.

 

Nàng Tô Thị: Từ đá vôi đến... xi măng

 

Chuyện nàng Tô Thị là “đặc sản văn hóa” của các tỉnh biên giới phía Bắc, nổi tiếng đến mức hầu như người Việt nào cũng biết. Chính vì vậy mà khách du lịch đến đây đều được các hướng dẫn viên kể lại câu chuyện đời đầy oan trái, đậm chất nhân văn của miền đất này và không quên đọc lại câu ca dao xưa: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”. Chuyện nàng Tô Thị có thể tóm tắt vài dòng như sau: Trong một gia đình ở Bắc Giang có hai anh em Tô Văn và Tô Thị, từ bé đã lưu lạc mỗi người mỗi ngả, lớn lên tình cờ gặp nhau ở Lạng Sơn nhưng không nhận ra nhau, rồi nên vợ nên chồng. Thế rồi, trong một lần gội đầu cho vợ, người anh đã nhận ra em gái qua vết sẹo trên đầu từ lúc còn bé. Ngay sau đó, người chồng liền tìm cớ bỏ đi và không quay về nữa. Còn người vợ - người em gái vẫn cứ chờ mãi, chờ mãi, ngày nào cũng bồng con lên ngọn núi cao ngóng chồng, cho đến khi hai mẹ con hóa thành đá và cứ đứng mãi ở đó như một biểu tượng về lòng chung thủy của người phụ nữ Việt. Nhưng đó là truyền thuyết về nàng Tô Thị xưa, sang đến thế kỷ XX, số phận của “nàng Tô Thị” cũng không kém phần gian truân, khổ ải.

 

Theo lời hướng dẫn viên thì vào năm 1991, không hiểu vì lý do gì mà trong một đêm mưa to gió lớn, cột đá gắn liền với truyền thuyết về nàng Tô Thị trên núi bỗng đổ sập xuống. Lan truyền tin đồn, có kẻ xấu đã nổ mìn “nàng Tô Thị” để lấy đá nung vôi, gây nên bao nỗi oán giận của người dân, bởi lẽ “nàng Tô Thị” không chỉ là một cột đá vôi bình thường mà là biểu trưng đầy kiêu hãnh về lòng chung thủy của người phụ nữ. Thế là ngay sau đó, trong dân gian xuất hiện câu ca dao mới: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị nó vừa nung vôi”. Vì núi Tô Thị là một thắng cảnh quốc gia, có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động du lịch của địa phương nên người ta quyết tìm ra hung thủ. Một số người bị nghi ngờ, gây dư luận không tốt, buộc công an phải vào cuộc. Kết quả là đến tháng 6/1991, một người đàn ông tên là Đoàn Văn Quyết, nhà ở gần chân núi, bị bắt. Ông Quyết quê ở Thị Cầu, Bắc Ninh, đi bộ đội năm 1975, là lính Sư đoàn 308, tham gia giải phóng miền Nam, rồi chiến đấu ở Campuchia và biên giới phía Bắc. Sau khi bị thương, giải ngũ, ông Quyết ở lại Lạng Sơn, lấy vợ rồi lập nghiệp nơi đây, mở quán bán hàng ăn uống ở chân núi Tô Thị. Khi bị bắt, ông Quyết chẳng hiểu mô tê gì, nhưng bị ép cung, ông đành phải nhận bừa là đã phá “nàng Tô Thị” cho xong chuyện. Tuy nhiên, sau đó điều tra lại, người ta khẳng định, giữa đêm mưa to gió lớn như thế, ông Quyết chẳng có lý do gì và không thể mạo hiểm tính mạng leo lên núi để phá “nàng Tô Thị”, hơn nữa chỗ gãy trên tảng đá không có dấu vết của thuốc nổ mà là đứt gãy tự nhiên. Vì không có cơ sở để kết tội, nên ông Quyết chỉ bị tạm giam một tháng, nhưng khi thả ra cũng chẳng được minh oan, suốt bao nhiêu năm vẫn bị mang tiếng xấu là người đã phá “nàng Tô Thị”.

 

Mãi đến năm 2012, Trường đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh có tổ công tác đến đây nghiên cứu. Ông Trương Minh Khuyên, giảng viên của trường, tình cờ ghé vào quán nước của ông Quyết, nghe chính nạn nhân kể lại câu chuyện, rồi ông lên núi khảo sát, nghiên cứu hồ sơ, sau đó viết lại câu chuyện với những chứng cứ khoa học xác đáng, gửi cho Công an Lạng Sơn đồng thời gửi đăng báo để minh oan cho ông Quyết. Và thế là công an lại vào cuộc một lần nữa, cuối cùng thì sau 21 năm chịu bao oan ức thiệt thòi, ông Quyết cũng được giải oan.

 

Kể đến đây, cậu hướng dẫn viên chỉ tay về phía trụ đá đứng chơ vơ trên vách núi phía xa, khẳng định bằng một giọng hài hước: Cô chú thấy đấy, bây giờ, “nàng Tô Thị” vẫn bồng con đứng trên vách núi, nhưng đó không phải là Tô Thị “xịn” mà chỉ là phiên bản được làm lại bằng xi măng. Và vì thế mà trong dân gian lại xuất hiện câu ca dao mới: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị làm bằng xi măng”.

 

Tác giả trước cổng chùa Tam Thanh - Ảnh: LÊ DIỆP

 

Chuyện ở vùng “phên dậu”

 

Để bảo vệ miền biên ải, ngoài việc điều động những người có tài, có đức từ dưới đồng bằng lên, các triều đại phong kiến còn phong quan tước cho các tù trưởng là người địa phương nắm giữ các chức vụ trọng yếu để lãnh đạo nhân dân đối phó với giặc ngoại xâm bằng một chính sách rất đặc biệt và cũng rất nhân văn.

 

Lạng Sơn hiện nay là một trong số các cửa khẩu thương mại lớn nhất khu vực Đông Bắc và đã có truyền thống từ những năm đầu thế kỷ thứ XX. Để bảo vệ vùng biên cương phía Bắc, các triều đình phong kiến từ thời nhà Lý đã có chính sách “nhu viễn”, ngoài việc phong quan tước còn gả công chúa hay cung nữ (chủ yếu là công chúa vì vua chúa có nhiều vợ, nhiều con) cho các tù trưởng ở các vùng biên viễn. Với ân huệ này, các tù trưởng trở thành các con rể vua (phò mã), rồi được phong cho một chức quan nào đó để điều hành công việc, đồng thời thắt chặt thêm mối quan hệ dòng tộc giữa vua - quan. Bằng cách này, triều đình rất thuận lợi trong việc điều hành các “công chức” vốn là các con rể để đối phó với giặc phương Bắc, bảo vệ vùng “phên dậu” của đất nước, cũng là bảo vệ lãnh thổ cho cha vợ, tức là của chính gia đình mình. Họ sẽ là những chiến binh trung thành và quả cảm nhất trong cuộc chiến bảo vệ biên cương Tổ quốc.

 

Với chính sách này, vua Lý Thái Tổ đã gả Lĩnh Nam công chúa cho tù trưởng Giáp Thừa Quý, rồi cho đổi họ Giáp thành họ Thân (Thân Thừa Quý). Đến thời vua Lý Thái Tông (con vua Lý Thái Tổ) lại gả Bình Dương công chúa cho tù trưởng Thân Thiệu Thái (con trai của Thân Thừa Quý), đến đời cháu là Thân Cảnh Phúc (là người có công rất lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1075) lại được vua Lý Thánh Tông gả con gái là Thiên Thành công chúa cho. Vậy là ba đời tù trưởng ở miền biên viễn đều lấy con vua, và “phên dậu” biên giới đã được các quan chức - phò mã bảo vệ chắc chắn. Ngoài dòng họ Giáp đổi sang họ Thân nói trên, các họ Giáp khác vẫn giữ nguyên.

 

Nghe kể đến đây, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về chính sách “nhu viễn” của các triều đại phong kiến. Ngày xưa, các vua chúa gả con gái của mình cho các tù trưởng vùng biên ải, mục đích không phải là để củng cố quyền lực của bản thân, mà là để gắn trách nhiệm của các quan chức đó trong công cuộc bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, tức là vì công việc chung. Về phía các tù trưởng, sau khi lấy được các công chúa cành vàng lá ngọc thì coi như đã được ban thưởng một cách xứng đáng. Vậy là các bên đều có lợi. Tôi chỉ thương cho các công chúa, thay vì được sống trong cung điện xa hoa thì họ phải theo chồng lên miền biên ải khó khăn, gian khổ...

 

-------------------- 

Bài cuối: Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới

 

Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek