Hơn một tháng nay, tại các đường ngang dân sinh giao nhau với đường sắt tại khu phố 5, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa xuất hiện câu cảnh báo: “Bà con chú ý, tàu lửa qua đường ngang!”. Đây là âm thanh phát ra từ những chiếc loa tự chế của ông Nguyễn Minh Lễ ở khu phố 5, phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa), khi có tàu lửa chạy qua khu vực này.
Hệ thống phát âm thanh tự chế
Thời gian gần đây, khi đi qua đường ngang giao nhau với đường sắt tại khu phố 5, phường Phú Thạnh, người đi đường lại nghe thấy âm thanh: “Bà con chú ý, tàu lửa qua đường ngang!”. Câu phát hiệu ngắn gọn, dễ hiểu khiến các phương tiện đều dừng lại hai bên đường sắt để tàu lửa chạy qua. Chú ý kỹ, mọi người mới phát hiện âm thanh này phát ra từ chiếc loa được gắn trên trụ gỗ, phía sau những tán cây rậm rạp hai bên đường.
Ông Nguyễn Minh Lễ (đứng trên) đang kiểm tra tín hiệu của chiếc loa tại một đường ngang dân sinh - Ảnh: HỒ NHƯ |
Đã gần hai tháng nay, những chiếc loa tự chế vẫn phát đều đặn tại các đường ngang dân sinh nhằm cảnh báo người dân biết để tránh các mối nguy hiểm khi tàu lửa đi qua. Ba chiếc loa tự chế của ông Nguyễn Minh Lễ được đặt tại ba đường ngang dân sinh qua đường sắt không có rào chắn. Dù chỉ mới hoạt động được một thời gian ngắn nhưng âm thanh cảnh báo “Bà con chú ý, tàu lửa qua đường ngang” đã trở nên quen thuộc đối với người dân ở khu phố 5, phường Phú Thạnh.
Đến khu phố 5, hỏi nhà ông Lễ, người tự chế ra hệ thống phát âm thanh cảnh báo khi có tàu lửa đến, người dân đều vui vẻ chỉ dẫn tận tình. Ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi khi đến nhà là hình ảnh một người đàn ông lớn tuổi ngồi trực trước hệ thống âm ly, máy phát… được bày tại hiên nhà. Bất ngờ có một tín hiệu âm thanh reo lên, sau đó, ông Lễ bật máy phát phát ra âm thanh: “Bà con chú ý, tàu lửa qua đường ngang”. Thấy chúng tôi tò mò, ông Lễ giải thích: “Hệ thống phát âm thanh này của tôi hoạt động theo cơ chế nhận tín hiệu bằng micrô từ chuông cảnh báo của ngành Đường sắt tại khu vực có rào chắn cách đây hơn 800m, truyền về máy chủ. Ngay sau đó, tôi sẽ bật âm ly, truyền câu “Bà con chú ý, tàu lửa qua đường ngang” được ghi sẵn trong thẻ nhớ, truyền đến loa phóng thanh để cảnh báo cho bà con thận trọng quan sát khi đi ngang qua đường sắt”.
Vậy là đều đặn từ 5-20 giờ mỗi ngày, những chiếc loa đều phát ra âm thanh cảnh báo liên tục mỗi khi chuẩn bị có tàu lửa đi qua. Giữa đời sống hiện đại, những chiếc loa này trông khá thủ công nhưng đằng sau đó là cả một quá trình tìm tòi, nghiên cứu của ông Lễ. Là một lão nông bình thường, chưa hề học qua trường lớp đào tạo về kỹ thuật nhưng ông đã tự mình bỏ tiền mua sắm thiết bị, vật liệu để sáng chế ra hệ thống phát tín hiệu mà theo ông là “có một không hai” này.
Ông Lễ chia sẻ: Nhìn hệ thống khá thô sơ thế thôi nhưng tôi đã nghiên cứu suốt nhiều tháng ròng rã. Tôi phải tìm mua từng thiết bị, sau đó lắp đặt lại với kinh phí trên 10 triệu đồng. Mới đầu thí nghiệm, hệ thống trục trặc nên tôi cũng nản. Nhưng nghĩ tới cảnh bà con mình qua lại đường sắt hàng ngày mà không được cảnh báo, tai nạn luôn rình rập nên tôi lại quyết tâm làm đến cùng. Cuối cùng thì công sức của tôi cũng được đền đáp, hệ thống phát âm thanh cảnh báo đến giờ hoạt động khá ổn định.
Cùng đồng hành với hoạt động đầy tính nhân văn của ông Lễ còn có anh Nguyễn Duy Thạnh ở phường Phú Thạnh, cũng không quản ngày đêm túc trực, hỗ trợ. Anh Thạnh cho biết: “Hệ thống này còn khá thô sơ, hoạt động thủ công nên đòi hỏi lúc nào cũng phải có người túc trực để bật máy phát âm thanh. Mình thấy mô hình rất hiệu quả vì nhiều lúc bà con đi qua không để ý tàu hoặc bị khuất tầm nhìn. Những loa này phát lên, mọi người biết, dừng lại, đi qua đúng thời gian và an toàn. Nhất là mấy em học sinh khi nghe tiếng loa phát là dừng lại, chờ tàu chạy qua mới đi qua đường sắt. Tôi dự định sẽ tuyên truyền mô hình này trong nhà trường để tất cả các em học sinh biết. Mong muốn của hai chú cháu là trong thời gian sắp đến sẽ được ngành Đường sắt quan tâm để cải tiến những chiếc loa này tiên tiến hơn, đồng thời nhân rộng mô hình cho nhiều địa phương”.
Vác tù và hàng tổng
Làm mà không mong chờ lợi ích, xem đó là trách nhiệm, niềm vui là tâm sự của ông Nguyễn Minh Lễ và anh Nguyễn Duy Thạnh. “Ở đây lâu, mình hiểu được tâm trạng bất an của bà con khi qua lại đi làm, trẻ em đi học. Đoạn này nằm ở khúc cua nên bị khuất tầm nhìn và rất nguy hiểm khi có chuyến tàu tới. Cách đây mấy tháng, một cụ già ở đây khi đi qua đường ngang dân sinh giao nhau với đường sắt, do khuất tầm nhìn, không thấy tàu lửa đang chạy tới nên xảy ra tai nạn rất thương tâm. Từ đó, tôi muốn góp chút công sức để giúp bà con qua lại được an toàn. Đôi lúc thấy tôi tối ngày nghiên cứu rồi mất thời gian ngồi túc trực cả ngày để canh tàu lửa đến rồi bật máy phát, vợ con cũng khó chịu, nói tôi là “vác tù và hàng tổng”. Nhưng sau khi thấy hệ thống phát âm thanh này có ích, ai cũng vui nên vợ tôi còn phụ tôi ngồi trực máy!”, ông Lễ tươi cười nói.
Người dân đi qua lại đường ngang dân sinh giao nhau với đường sắt tại khu phố 5, phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) - Ảnh: HỒ NHƯ |
Theo bà Trương Thị Lụa, vợ ông Lễ, mỗi khi chồng có việc đi ra ngoài, bà lại ngồi trực máy thay ông. Bà Lụa chia sẻ: “Thấy ông ấy vất vả, tôi cũng xót. Nhưng tôi nghĩ ông ấy vì cái chung, bà con đi lại an toàn nên tôi ủng hộ. Giờ cả nhà tôi cùng tham gia, mọi người thay phiên nhau trực máy phát khi ông ấy vắng nhà. Hy vọng mọi người cùng nhau chú ý hơn khi qua lại đường ngang giao nhau với đường sắt để đảm bảo an toàn”.
Chỉ trong 4km đường sắt qua khu phố 5, phường Phú Thạnh có khoảng 15 đường ngang dân sinh tự phát qua đường sắt với lưu lượng người và phương tiện qua lại đông đúc. Tại cung đường này cũng đã xảy ra nhiều trường hợp tai nạn và mới đây có một trường hợp tử vong do va chạm với tàu lửa. Chính vì thế, những loa phát âm thanh cảnh báo của những người “vác tù và hàng tổng” như ông Lễ, anh Thạnh được bà con ủng hộ và biết ơn.
Theo ông Lê Văn Nguyên, người dân khu phố 5, phường Phú Thạnh, bà con ở đây rất hoan nghênh việc làm của ông Nguyễn Minh Lễ. Nếu mô hình này được nhân rộng tại hầu hết đường ngang dân sinh giao nhau với đường sắt thì quá tốt, sẽ góp phần hạn chế được tai nạn thương tâm có thể xảy ra”. Còn chị Nguyễn Thị Minh ở phường Phú Lâm thì cho biết: “Tôi thấy hệ thống phát âm thanh cảnh báo tại đường ngang giao nhau với đường sắt tại khu phố 5 rất hữu ích. Người dân ở đây quen thì họ biết rõ giờ tàu chạy để né, còn mình lâu lâu mới đi qua đoạn đường này thì khá căng thẳng vì sợ tàu lửa bất ngờ chạy tới”.
Ông Nguyễn Y Tam, Chủ tịch UBND phường Phú Thạnh, cho hay: Đoạn đường sắt đi qua phường Phú Thạnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông vì hệ thống đường ngang dân sinh khá dày. Hiện ngành Đường sắt chỉ mới làm đường gom ở một số đoạn. Chính vì thế, hệ thống loa cảnh báo tàu lửa tại các đường ngang dân sinh giao với đường sắt của ông Nguyễn Minh Lễ đã phần nào đảm bảo được an toàn giao thông cho người dân mỗi khi qua đây.
Theo ông Nguyễn Minh Lễ, hệ thống loa phóng thanh cảnh báo của ông sáng chế ra không ảnh hưởng đến tín hiệu của ngành Đường sắt. Nếu tương lai hệ thống này được nhân rộng, phải nhờ chính quyền và các ngành liên quan, làm sao cho các đường dân sinh có rào chắn và phát tín hiệu loa rộng rãi hơn, máy móc hiện đại hơn. Đó là điều ông Lễ mong muốn nhất.
Mặc dù chưa có cơ quan chức năng nào chính thức đánh giá mức độ hiệu quả của mô hình này, nhưng một điều chắc chắn rằng người dân địa phương rất ủng hộ việc tự nguyện gắn loa cảnh báo tại các đường ngang dân sinh của ông Nguyễn Minh Lễ. Ông Ngô Trung Dự, Cung trưởng Cung đường Đông Tác, Công ty Đường sắt Phú Khánh, cho biết: Việc mở các đường gom dân sinh và lắp thiết bị cảnh báo là rất khó khăn ở những tuyến đường ngang. Hệ thống loa cảnh báo như của ông Nguyễn Minh Lễ đã làm rất hiệu quả trong việc nâng cao ý thức cho người dân khi qua đường sắt. Chúng tôi cũng đang kiến nghị với cấp trên để có những đánh giá mức độ hiệu quả, an toàn. Bước đầu có thể đánh giá đây là mô hình có thể nhân rộng.
NHƯ THANH - ANH NGỌC