Thứ Năm, 17/10/2024 16:24 CH
Non xanh nước biếc miền Đông Bắc:
Bài 2: Non xanh nước biếc hồ Ba Bể
Chủ Nhật, 06/05/2018 10:30 SA

Non xanh nước biếc hồ Ba Bể - Ảnh: ĐÀO MINH HIỆP

Hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Trời nước mênh mang, bầu trời xanh màu ngọc bích không một gợn mây và mặt hồ phẳng lặng như gương với một màu xanh kỳ lạ mà một người đam mê hội họa như tôi cũng khó có thể diễn tả bằng lời. Đó là sự pha trộn huyền ảo giữa màu xanh ngọc bích của bầu trời và màu xanh lá cây của những cánh rừng bạt ngàn bên hồ, tạo thành một màu nước xanh rất đặc biệt, không hề có trong bảng màu của các họa sĩ…

 

Ba Bể huyền ảo

 

Để đến được với danh thắng nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả thế giới này không phải là chuyện đơn giản, nhất là với những người hay bị say xe. Hơn nửa ngày ngồi trên xe khách từ Hà Nội, chạy trên các cung đường uốn lượn ngoằn ngoèo với các đoạn cua gấp, rồi lên đèo xuống dốc theo các triền núi chập chùng, sương mù bảng lảng, vốn là dân địa chất, nhiều năm ngồi xe tải vậy mà khi xe dừng lại bên cái nhà sàn bằng gỗ nằm trong vườn quốc gia Bắc Kạn, tôi cũng bơ phờ nói gì đến các quý bà, quý cô chân yếu tay mềm. Nhận phòng xong, mọi người gần như thiếp đi, gọi mãi mới chịu dậy ăn cơm rồi đi tham quan hồ Ba Bể.

 

Trời nước mênh mang, bầu trời xanh màu ngọc bích không một gợn mây và mặt hồ phẳng lặng như gương với một màu xanh kỳ lạ mà một người đam mê hội họa như tôi cũng khó có thể diễn tả bằng lời. Đó là sự pha trộn huyền ảo giữa màu xanh ngọc bích của bầu trời và màu xanh lá cây của những cánh rừng bạt ngàn bên hồ, tạo thành một màu nước xanh rất đặc biệt, không hề có trong bảng màu của các họa sĩ, và cũng không giống với màu nước của bất cứ hồ nào mà tôi đã đặt chân tới như hồ Baikal ở Nga, hồ Tonle Sap ở Campuchia, rồi hồ Tây, hồ Gươm ở Hà Nội, Biển Hồ ở Gia Lai… Phải đến tận nơi, vục tay vào làn nước trong vắt và xanh biêng biếc, mới cảm nhận được sự huyền ảo của thiên nhiên hùng vĩ nơi này.

 

Chúng tôi xuống những chiếc thuyền nhỏ chỉ chứa khoảng 5-7 người, có mái che và chèo bằng tay, được các cô lái đò cho ngao du một buổi quanh hồ. Ở đây không có các loại động cơ chạy bằng xăng dầu và phun ra khí thải, còn các bến thuyền đều bố trí ở các nhánh sông. Thế mới hiểu vì sao nước hồ trong xanh còn không khí thì trong lành đến thế! Hồ Ba Bể có diện tích 500ha, độ sâu trung bình khoảng 20m và đáy hồ có một lớp đất sét dày 200m nên nước trong hồ không bị thấm đi và mực nước luôn ổn định. Thuyền chúng tôi bơi ngang qua hòn đảo ở giữa hồ, nhìn xa như một hòn non bộ rất thơ mộng, nhưng lại có cái tên rất dân dã là gò Bà Góa, chẳng ăn nhập chút nào với cảnh quan lãng mạn nơi đây. Từ trên thuyền có thể nhìn rõ những khối đá vôi xếp chồng lên nhau tạo nên hòn đảo, nhưng cây cối trên đảo vẫn xanh tươi, rậm rạp, rễ cây bám chắc vào những phiến đá xù xì, góc cạnh.

 

Theo lời cô lái đò người địa phương thì tên gọi gò Bà Góa bắt nguồn từ một truyền thuyết. Ngày xưa, có một bà lão mắc bệnh hủi, áo quần rách rưới, hôi hám đến ngôi làng Nam Mẫu xin ăn. Bà đi hết nhà này đến nhà khác nhưng mọi người đều e sợ, xua đuổi, duy chỉ có người đàn bà góa ở với con trai là cho ăn uống tử tế và cho ngủ lại ở chỗ vựa thóc. Nửa đêm, hai mẹ con bỗng giật mình thức giấc vì những tiếng động lạ từ phía vựa thóc. Mở cửa vựa thóc ra, hai mẹ con không thấy bà lão đâu cả, mà chỉ có một con giao long lớn uốn mình phát ra những tiếng động ầm ầm như sấm.

 

Sáng hôm sau, bà lão hủi từ vựa thóc đi ra, nói: “Tôi không phải là người, mà là một con giao long giả dạng ăn mày để thử lòng dân làng. Sắp tới sẽ có một trận đại hồng thủy, tôi cho mẹ con cô gói tro để rắc quanh nhà và hai mảnh trấu này để phòng thân”. Nói xong, bà lão biến mất. Ngày hôm sau, trong lúc mọi người đang lễ Phật, thì một cơn lũ khủng khiếp bất ngờ ập xuống. Nước cứ dâng lên mãi, ngập hết cả làng, chỉ riêng nhà bà góa nước dâng tới đâu thì mảnh đất nhà bà lại nâng cao tới đó. Bà góa bỏ hai mảnh trấu xuống nước, biến thành hai chiếc thuyền, rồi bất chấp mưa to gió lớn, hai mẹ con chèo thuyền đi cứu người. Khu đất nhà bà sau này trở thành hòn đảo và gọi là gò Bà Góa, còn vùng nước ngập mênh mang ở ngã ba sông Pé Lầm, Pé Lù, Pé Lèng thì biến thành hồ Ba Bể.

 

Ao Tiên - Ảnh: ĐÀO MINH HIỆP

 

Ao Tiên

 

Phiêu du hồ Ba Bể xong, trời đã xế chiều nhưng trong chương trình còn có thác Đầu Đẳng và ao Tiên. Muốn xem thác thì phải đi khá xa, còn ao Tiên chỉ cách hồ Ba Bể khoảng 100m. Vậy là chúng tôi quyết định đi ao Tiên.

 

Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp một dãy hàng quán bán các sản vật địa phương, nhiều nhất là các loại rễ củ phơi khô mà theo lời các cô bán hàng là “bổ đủ thứ”. Nhiều người dừng chân, nhất là các ông bà sồn sồn, hỏi han cặn kẽ công dụng của từng gói rồi mua ào ào. Tôi cũng dừng chân nhưng chẳng mua gì, chỉ ngắm nhìn cô bán cá khô - đặc sản của hồ Ba Bể. Cá ở đây có nhiều loại, nhưng tôi chỉ nhận ra hai loại vẫn thường gặp là cá chép và cá mương. Cô bán cá mặc bộ quần áo dân tộc màu hồng, đầu quấn chiếc khăn đen, làn da trắng mịn, đôi mắt bồ câu và giọng nói ngọt như mật.

 

Thấy tôi cứ láng cháng, bấm máy ảnh liên tục, cô nói bằng một giọng nửa như trách móc, nửa như hờn dỗi: “Nãy giờ, anh chụp em liên tục mà chẳng mua cho em xâu cá nào”. Tôi nghệt mặt ra, không biết nói sao. Trời đất quỷ thần ơi, giá mà em bán đồ lưu niệm hay cái gì đó xinh đẹp như em, hẳn là tôi đã móc hầu bao mua đại một thứ, nhưng đằng này là cá khô, thứ thực phẩm đã từng “ám ảnh” tôi hơn chục năm khi còn công tác ở các đoàn địa chất trên Tây Nguyên.

 

Những năm đó, Đoàn địa chất 702 của chúng tôi “đóng quân” ở huyện Chư Prông, Gia Lai, sát biên giới, cách xa khu dân cư, nên thức ăn hàng ngày trong bữa cơm tập thể không có gì khác ngoài cá khô và bầu bí, và không chỉ vài bữa mà là thường xuyên, liên tục, ngán đến mức nhiều năm sau này, khi đã xuống đồng bằng mà mỗi lần nhìn thấy cá khô tôi vẫn có cảm giác… ớn.

 

Đến ao Tiên, ấn tượng đầu tiên của tôi là hơi thất vọng vì nước trong ao có màu vàng như nghệ, mặc dù cảnh quan xung quanh rất đẹp. Theo truyền thuyết, ngày xưa ao Tiên nước trong vắt, in hình mây trời xanh biếc, là nơi các tiên nữ xuống tắm. Tôi không biết, từ khi nào thì nước ao chuyển sang màu vàng, nhưng với cái nhìn của một nhà địa chất như tôi, dưới đáy ao hẳn phải có một vỉa quặng nào đó, rất có thể là lưu huỳnh nên mới có một màu vàng đặc trưng như vậy. Và mặc dù rất gần hồ Ba Bể nhưng hai nguồn nước ở hai nơi này không ảnh hưởng lẫn nhau do có vỉa đá vôi ngăn cách.

 

Bài 3: Chuyện nàng Tô Thị xưa và nay

 

Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek