Trong đời, tôi đã từng đặt chân đến nhiều nơi ở vùng núi phía Bắc, nhưng chủ yếu là vì công việc nên không có thời gian, để ngắm nhìn phong cảnh và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa. Năm nay, nhóm bạn ở Đại học Thăm dò địa chất Moskva rủ nhau ngao du vịnh Hạ Long và Tràng An. Tiện đường, tôi đi luôn một mạch đến Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn.
Thật tình mà nói, tôi đã có ý định đi Cao Bằng từ dạo còn công tác ở Trường Địa chất. Bạn và đồng nghiệp của tôi là kỹ sư địa chất, nhà thơ, nhạc sĩ Triệu Lam Châu, người dân tộc Tày, quê Cao Bằng, năm nào về quê nghỉ phép cũng rủ rê tôi. Bạn khoe, quê bạn đẹp lắm, non xanh nước biếc, mây núi điệp trùng, người dân hiền hòa chất phác, con gái da trắng môi hồng… rất hấp dẫn với những kẻ lãng mạn như chúng tôi.
Tôi muốn đi lắm vì vốn có máu phiêu lưu, nhưng ngại “đường xa ngàn dặm”, cứ lần lữa mãi, dự tính nhân một chuyến công tác nào đó ở Hà Nội sẽ kết hợp cùng đi với bạn, nhưng chưa kịp thực hiện thì Châu đã mất, và tôi đã kể lại trong bài ký Lá rụng về miền biên ải. Lần này, vợ chồng tôi lên Cao Bằng, đến thăm bạn vừa đúng dịp giỗ Châu 100 ngày.
Việc đầu tiên khi tôi đặt chân đến TP Cao Bằng là gọi điện vào số máy của Châu, vợ anh là Dương Thúy Vân cầm máy, nhận ra tôi ngay. Biết tôi vừa lên Cao Bằng, cô mừng lắm, mời chúng tôi đến nhà chơi. Taxi vòng vo một hồi lên dốc xuống dốc, chẳng khác gì Đà Lạt, cuối cùng xe dừng giữa một con dốc hẹp. Vừa mở cửa xe, tôi thấy thấp thoáng một bóng áo dài dân tộc Tày màu đen và tiếng Vân réo rắt “Đây rồi, đây rồi, anh Hiệp ơi”, rồi cô rối rít dẫn chúng tôi đi vào một con hẻm nữa mới đến nhà. Sau khi rót nước mời khách, Vân đốt mấy nén nhang đứng trước bàn thờ chồng, tôi nghe loáng thoáng “Anh Châu ơi, vợ chồng anh Hiệp từ trong Nam ra thăm anh đây này…” rồi cô bật khóc.
Tôi nhìn bức ảnh Châu trên bàn thờ, cổ họng như nghẹn lại. Trước mắt tôi là một khuôn mặt thân quen suốt bao nhiêu năm nay, vẫn là nét hào hoa, lịch lãm và rất đẹp trai của một người bạn chân thành, tốt bụng, tài năng đã vội ra đi vào một ngày giá lạnh, núi đồi Cao Bằng phủ đầy tuyết trắng. Vân bảo, giá mà anh Châu còn, anh ấy sẽ đưa anh chị đi khắp Cao Bằng… giọng Vân như nghẹn lại. Mấy hôm sau, Vân gọi điện báo cho tôi biết, cô vừa xuống Hà Nội có công việc, muốn đến thăm. Tiếc quá, chúng tôi vừa đi Hạ Long, giá Vân đến sớm hơn, chúng tôi đã rủ cô cùng đi cho khuây khỏa.
* * *
Sáng hôm sau, chúng tôi đi tham quan động Ngườm Ngao và thác Bản Giốc. Trước khi đến động Ngườm Ngao, phải qua một ngọn đèo khá cao và hiểm trở, với những khúc cua uốn lượn ngoằn ngoèo theo các triền núi, đó là đèo Mã Phục nằm trên quốc lộ 3 ở huyện Trà Lĩnh, cách Cao Bằng khoảng 22km. Theo sử sách và những câu chuyện lưu truyền trong dân gian vùng núi Đông Bắc, con đèo này gắn với tên tuổi của một nhân vật gần như là huyền thoại, đó là thủ lĩnh Nùng Trí Cao người dân tộc Tráng (hay còn gọi là Choang).
Nùng Trí Cao (1025-1055) là con của tù trưởng Nùng Tồn Phúc và bà A Nùng ở châu Quảng Nguyên (nay là tỉnh Cao Bằng). Thời kỳ đó, châu Quảng Nguyên là vùng đất tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam, nhưng tù trưởng ở đây chủ yếu cống nạp cho phía Việt Nam. Ông Nùng Tồn Phúclàm tri châu ở Quảng Do, có em là Tồn Nhai làm tri châu Vạn Nhai, em vợ là Nùng Đương Đạolàm tri châu Vũ Lịch. Lớn lên và trưởng thành trong một gia đình quyền quý, nhưng Nùng Trí Cao lại là một nhân vật khá phức tạp.
Ông vừa là thủ lĩnh của phong trào nông dân nổi dậy chống chính quyền, rồi khi được triều đình thu phục, ông trở thành một quan chức do chính quyền bổ nhiệm (từng giữ chức châu mục Quảng Nguyên và tước Thái Bảo do vua Thái Tông phong cho) để lãnh đạo nhân dân chống kẻ thù phương Bắc, bảo vệ phên dậu bờ cõi. Không những thế, ông còn có công dẹp được các cuộc nổi loạn trong vùng, mang lại sự bình yên cho nhân dân miền biên viễn.
Khi xe chạy tới chân đèo, cậu hướng dẫn viên chỉ ra ngoài cửa sổ, kể: “Một lần, trên đường tuần tra biên giới trở về, đến khu vực này, không hiểu tại sao con chiến mã của ông Nùng Trí Cao không chịu đi nữa mà nằm phục xuống, thúc mãi cũng không đi. Thấy lạ, ông Nùng Trí Cao cho quân lính kiểm tra xung quanh và phát hiện có binh lính mai phục trên đèo. Ông liền tổ chức tấn công và đánh tan đội quân mai phục. Sau sự kiện đó, ngọn đèo có tên gọi là đèo Mã Phục”.
Non xanh nước biếc Cao Bằng - Ảnh: ĐÀO MINH HIỆP |
Năm 1053, trước sự tấn công của giặc phương Bắc, ông Nùng Trí Cao sai thủ hạ là Lương Châu đến cầu cứuĐại Cồ Việt. Lý Thái Tông cử quân đi tiếp ứng cho Nùng Trí Cao, nhưng khi quân Lý chưa tới nơi thì Nùng Trí Cao đã bị quân địch đánh bại, phải chạy trốn sang nướcĐại Lý. Năm 1055, nhà Tống cho người theo đường Vân Nam đánh úp, bắt được mẹ, em trai và con trai của Nùng Trí Cao, rồi tiếp tục đưa người vào đất Đại Lý để lùng bắt ông.
Nhưng trong lúc quân Tống chưa tới nơi, thì người nước Đại Lý không muốn gây hấn với nhà Tống nên đã bắt Nùng Trí Cao chém chết, mang đầu nộp cho quân Tống. Sẵn dịp này, nhà Tống giết luôn cả gia đình Nùng Trí Cao. Sự nghiệp của Nùng Trí Cao kết thúc tại đây, nhưng tên tuổi và sự ảnh hưởng của một thủ lĩnh dân tộc đã được lưu truyền trong sử sách và trong tâm trí không chỉ của người dân miền biên giới Đông Bắc, mà còn lan sang cả Trung Quốc và Thái Lan. Khi ông mất, vua Lý đã ban sắc phong Nùng Trí Cao làm Khau Sầm Đại Vương, đồng thời nhân dân trong vùng thần thánh hóa như một vị thần.
Xe chúng tôi bắt đầu chạy lên đèo Mã Phục uốn lượn quanh co, hiểm trở bên những dãy núi đá vôi cao chót vót, hầu như không có một bãi đất rộng và bằng phẳng nào. Nhưng thật lạ, người dân địa phương lại chọn đỉnh đèo này để họp chợ phiên chứ không phải là những bãi đất bằng phẳng dưới chân đèo. Chợ phiên trên đỉnh đèo Mã Phục là trung tâm buôn bán sầm uất của cả khu vực, họp vào các ngày mùng 3, 8, 13, 18, 23 và 28 âm lịch. Hàng hóa ở chợ vùng cao khá đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân trong vùng. Tiểu thương khắp nơi kéo về họp chợ khiến cho không khí trở nên tấp nập, nhộn nhịp, đây cũng là nơi nam thanh nữ tú gặp nhau giao lưu, kết bạn.
Hiện nay, ở gần TPCao Bằng, ngoài di tích thànhNà Lữ, nơi ông Nùng Trí Cao đóng quân, còn có đềnKhau Sầm Đại Vương và đền Phia Đenglà nơi thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Nùng Trí Cao, thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc Tày - Nùng với dân tộc Kinh. Ngay sát biên giới, còn có chùa Trúc Lâm thờ Nùng Trí Cao do người dân xây dựng, vừa là chốn tâm linh vừa để xác định chủ quyền dân tộc.
Vùng núi Cao Bằng là khu vực địa chất núi đá vôi nên ở đây cũng có nhiều hang động. Động lớn nhất, với những khối thạch nhũ hình thù kỳ lạ và độc đáo, mang hình dạng của người, vật, cây cối, chính là động Ngườm Ngao mà theo tiếng địa phương nghĩa là động Hổ. Động Ngườm Ngao có 3 lối ra vào, khả năng thông khí tốt, khô ráo nên trong cuộc chiến tranh biên giới được sử dụng làm nơi trú ẩn cho nhân dân.
--------------------
Bài 2: Non xanh nước biếc hồ Ba Bể
Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP