Thứ Năm, 17/10/2024 18:25 CH
Mùa xuân lên đỉnh Thạch Bi Sơn
Thứ Bảy, 10/03/2018 13:00 CH

Đường mòn lên đỉnh núi Đá Bia - Ảnh: HÙNG PHIÊN

Không ít người từng thất bại với ý định chinh phục núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn, thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa), trong đó có người viết bài này. Một dịp đầu xuân, tôi cùng nhóm bạn “ham leo” đã “trả nợ” được với chính mình.

 

Đường đến… mây trời

 

Tôi nhớ lần đầu đặt chân leo núi Đá Bia là khoảng năm 1994. Cũng “trang bị” đầy đủ: giày bata, gậy, mũ lá, ba lô gọn nhẹ đựng thức ăn, nước uống và cả... bia. Hồi đó, chúng tôi gọi leo núi Đá Bia là “du khảo” bởi chưa nhiều người dấn bước lên đỉnh núi này. Ớn nhất là những khúc gần như dựng đứng, chỗ bám lại không chắc chắn, lơ mơ là “tiêu”. Khoảng vài trăm mét đầu thì vô cùng khí thế, vừa đi vừa hát, nói chuyện tiếu lâm. Thế nhưng tiếp đó là những dốc núi “trật ót”, những đoạn chui dưới đá, những khúc luồn cây vẹt lối, đu dây, bám rễ cây, đầy bất trắc...

 

Vậy là… thở, thở và thở đứt quãng trong mặn đắng mồ hôi. Chân cẳng cứ như muốn rời ra từng khúc, miệng luôn kêu đồng đội dừng nghỉ. Đúng là ngọn núi thử thách tim mạch, lòng người! Nửa đoàn “du khảo” trong đó có tôi “chịu hổng thấu”, đành “nghỉ chơi” giữa chừng, thất thểu ngồi đợi những người “chiến thắng” trở về... “nổ” điếc tai! Mấy anh em “rớt đài”, sau đó hình như có ý thức hơn trong việc tập luyện thể lực…

 

Đến năm 2001, Tỉnh đoàn Phú Yên được giao chủ trì thi công lối đi lên núi Đá Bia. Một trong những người tham gia thiết kế con đường đặc biệt này là kiến trúc sư Lê Trọng Cường. Ông Cường nhớ lại, khi ấy có rất nhiều cuộc băng rừng khảo sát và phương án làm đường được đưa ra. Cuối cùng, phương án làm đường từ phía tây sườn núi Đá Bia đã được chọn. Kế đó, những công nhân trai tráng được chọn tham gia thi công con đường. Anh em công nhân đã phải gùi, vác từng can nước, bao xi măng, cát… từ chân núi để thi công từng bậc, từng đoạn, nhích dần lên đỉnh Đá Bia. Còn đá thi công thì vừa vác từ bên dưới, vừa tiến hành khai thác tại chỗ. Vậy mà việc thi công con đường lên đỉnh núi đầy gian lao này đã hoàn tất trong 9 tháng. Con đường có chiều dài khoảng 2,5km, dọc đường có 3 cây cầu vượt khe sâu, dốc đứng. Xen giữa các đoạn lối mòn có gần 2.100 bậc đi, được xây cao thấp khác nhau, tùy theo địa thế triền núi đá…

 

Vẹn nguyên thách đố

 

Có con đường rồi, mấy năm sau tôi mới cùng bạn bè tổ chức leo núi Đá Bia, trong một dịp Nguyên tiêu. Quả thật, việc thi công lối lên đã hỗ trợ rất nhiều cho du khách leo ngọn núi này. Thế nhưng vẫn còn đó những cung đoạn dựng đứng, khúc ngoặt chênh vênh…

 

Nhìn từ đèo Cả (quốc lộ 1), thấy Thạch Bi Sơn thật gần, tưởng chỉ nhoáng một cái là có thể đứng bên chụp ảnh với “cụ đá”, vậy mà càng đi càng thấy... xa! Trước khi chúng tôi đi, mưa lũ đã làm trôi tuột một đoạn bậc cấp dài khoảng 50m, ngay khúc dựng đứng giữa đường lên Đá Bia. Chúng tôi đã phải bò theo một số cây thông bị ngã để tìm lối lên... Nói chung là vẫn còn nhiều đoạn... bở hơi tai!

 

Khối đá Linga khổng lồ trên núi Đá Bia - Ảnh: HÙNG PHIÊN

 

Nói thật, tôi leo núi Đá Bia lần này vì “tự ái” nhiều hơn là mấy thứ khác! Còn động lực để tôi vững chân… chính là trong nhóm có ông bạn già đã trên 60 tuổi. Chính điều này tạo cho tôi cảm giác đang... hơn một người và cố “lết” lên phía trước. Hóa ra trong “nghề” leo núi, mục tiêu phía trước đôi khi không quyết định bằng... có đồng đội đang còn sau ta! Thời gian nghỉ nhiều hơn đi, leo vài trăm mét thấy chỗ “rộng rộng, mát mát” là ngồi - nằm la liệt, thở đã thở đời, rồi... nhấc gối. Tính ra, chỉ hơn 2km lên núi mà chúng tôi dừng nghỉ đến chục lần!

 

Thế nhưng cảnh quan râm mát của những tầng rừng nguyên sinh, nhiều loài động vật, cây lá, hoa trái… lạ mắt đã dần làm nguôi tan những mệt nhọc. Người khỏe đỡ đần người mệt, người thì kể chuyện tiếu lâm. Tiếng cô bạn nữ “có hơn 2 cây số chứ mấy, em thân gái cũng leo tuốt”... đã thúc đẩy nhiều người thêm khí thế dấn bước. Cái vui, cái tình của leo núi tập thể là ở đây! Vật vã “đoạn đi, đoạn ngồi”, sau khoảng 2 giờ, cả đoàn đặt chân lên đỉnh núi Đá Bia. Thật lạ, đường lên mệt là thế nhưng đến đỉnh rồi thì chợt thấy khỏe khoắn như... voi. Nhìn quanh, quang cảnh hữu tình bất tận; nhà cửa trong các xóm làng bên dưới, xe cộ chạy ở đường đèo Cả bé xíu xiu; những hồ tôm nơi cửa sông Đà Nông đổ ra biển chỉ như bàn cờ của trẻ con chơi; còn Vũng Rô như tấm gương phẳng lặng, xanh biếc một màu. Ai cũng dạt dào cảm xúc và có cơ hội trở thành… thi sĩ.

 

Ngay trên đỉnh núi Đá Bia sừng sững một khối đá vạn tấn uy nguy, xanh đen, như một Linga vĩ đại chọc lên mây trắng. Ghi nhận của cơ quan chức năng tại Phú Yên, đến nay vẫn chưa có ai leo được lên đỉnh khối đá này. Và sự thách đố chinh phục vẫn còn đó...

 

Ngọn núi huyền tích

 

Theo tài liệu của Sở VH-TT-DL Phú Yên, núi Đá Bia (tên chữ là Thạch Bi Sơn) cao 706m, đường lên đỉnh dài khoảng 2,2km. Trên đỉnh núi nhô lên khối đá cao 76m, ước nặng hàng vạn tấn. Tương truyền, năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã cho quân tiến đến đèo Cả và đề thơ tại đỉnh Đá Bia, đánh dấu cột mốc trấn biên. Năm 2008, núi Đá Bia được công nhận là Thắng cảnh cấp quốc gia.

 

Đỉnh Đá Bia thường xuyên có mây mù bao phủ. Vào những ngày trời nắng, có thể nhìn thấy ngọn núi này từ nhiều vị trí ở khoảng cách trên 50km. Cuối thế kỷ XIX, người Pháp gọi khối đá lớn trên đỉnh Đá Bia là Ngón Tay Chúa. Theo truyền thuyết của người Chăm, Đá Bia được mệnh danh là núi thiêng bởi trên đỉnh có khối đá Linga (tượng trưng cho dương tính) tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á; và biển Vũng Rô kề bên được xem như là một Yoni (tượng trưng cho âm tính). Nhìn từ một góc khác, khối đá này còn mang vóc dáng thiếu phụ bồng con trông chồng nơi bể Đông. Chính khối đá này cũng đã góp thêm một truyền thuyết “Hòn vọng phu” trên dải đất Việt. Sinh thời, nhạc sĩ Lê Thương cho biết đã lấy cảm hứng từ đây để viết trường ca bất hủ Hòn vọng phu...

 

Chinh phục xong núi Đá Bia, một người bạn tôi đúc kết: “Dù ngọn núi không quá cao nhưng dân “bàn giấy”, không luyện tập thường xuyên thì phải hết sức “gồng mình” mới lên được đỉnh. Trong chuyện leo núi, trẻ người - to con chưa chắc là... ngon độ; và cũng phải hết sức “cảnh giác” mấy ông lão và các cô bé... ôm ốm. Vấn đề “bạt sơn”, tinh thần mới là điều tiên quyết, chứ chẳng phải “vai u thịt bắp”, đồ ăn thức uống xách theo nhiều...”.

 

Địa thế và huyền tích độc đáo của núi Đá Bia là điểm nhấn quan trọng trong hệ thống cảnh quan du lịch ở xứ “Hoa vàng trên cỏ xanh”. Tỉnh đã và đang có nhiều chương trình để giữ gìn, tôn tạo danh thắng quý giá này. Theo kế hoạch, tháng 3/2018, tỉnh sẽ tổ chức Giải Leo núi chinh phục đỉnh Đá Bia dành cho cả hệ chuyên nghiệp lẫn phong trào. Hiện đã có một số đơn vị du lịch lữ hành tổ chức tour chinh phục núi Đá Bia dành cho du khách đến Phú Yên.

 

Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên Phạm Văn Bảy

 

HÙNG PHIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 1: Bước ra từ chiến tranh
Thứ Sáu, 23/02/2018 13:00 CH
Miền đất nhớ
Thứ Tư, 21/02/2018 13:00 CH
Du lịch ở Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà
Thứ Bảy, 03/02/2018 13:00 CH
Tinh thần nghĩa hiệp Lục Vân Tiên thời nay
Chủ Nhật, 28/01/2018 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek