Thứ Sáu, 10/01/2025 13:39 CH
Trên con đường Champagne nước Pháp
Kỳ 1: Mênh mông ruộng nho, thênh thang hầm rượu
Thứ Sáu, 06/04/2018 16:00 CH

Tác giả và chủ xưởng cơ khí bên máy kéo dùng để chăm sóc nho - Ảnh: CTV

Trải qua hàng trăm năm, Champagne đã trở thành một nhãn hiệu rượu huyền thoại gắn liền với vùng đất Champagne - Ardene miền Đông Bắc nước Pháp, với những bữa tiệc đăng quang của các vua Pháp, với tên tuổi của tu sĩ Dom Perignon - người có công lớn trong việc phát triển Champagne, với các thủy thủ và những con tàu xuyên đại dương… Trong những dịp kỷ niệm, lễ hội khắp nơi, hầu như không thể thiếu tiếng nổ đặc trưng khi nút chai Champagne được mở ra và những ly rượu sủi tăm lấp lánh.

 

Chiếc xe lướt nhanh trên những con đường nhựa phẳng lỳ, vượt qua những thành phố cổ kính, làng mạc êm đềm, những cánh đồng lúa mì đã thu hoạch với các đụn rơm được máy cuốn thành từng khối tròn nằm rải rác, những cánh đồng hoa hướng dương vàng rực. Sau đó, xe rẽ vào một thị trấn nhỏ, qua khỏi khu vực đông dân cư rồi đến vùng đất trồng nho hai bên của làng Ville - sur - Arce với một số tấm bảng lác đác bên đường nổi bật dòng chữ “La Route de Champagne” (Con đường Champagne).

 

Những dãy nho xanh rì trĩu quả từ những cánh đồng thấp nối dài lên các triền đồi xung quanh, vậy mà vẫn thấy có lúc bên này đường là ruộng nho xanh ngắt, ngay bên kia đường là ruộng lúa mì bỏ không sau mùa gặt. Anh Vinh, người đã gắn bó với việc chăm sóc, thu hoạch nho nhiều năm, giải thích với tôi rằng theo quy định của nhà nước thì chỉ vùng nào, mảnh đất nào quy hoạch mới được trồng nho dùng làm rượu, còn đất không nằm trong quy hoạch thì dù nằm sát bên ruộng nho vẫn không được trồng để duy trì sản lượng phù hợp và giữ giá trị cho rượu sản xuất ra.

 

Vì vậy, chỉ cách nhau một con đường nhỏ mà đất trồng nho có giá đến 1 triệu Euro mỗi hécta, còn đất trồng loại cây khác thì giá trị thấp hơn nhiều. Vùng đồi thấp xung quanh còn nguyên sơ, cây cối bạt ngàn cũng không được tự khai phá để trồng nho. Thế mới biết việc quản lý của nhà nước quan trọng như thế nào đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là loại cây nguyên liệu dùng để tạo ra một sản phẩm không chỉ là thức uống đơn thuần mà còn là sản phẩm văn hóa tiêu biểu cho quốc gia.

 

Được biết, nước Pháp có 14 vùng trồng nho rải rác, hình thành nhiều thương hiệu rượu vang gắn liền với du lịch văn hóa nhưng chỉ rượu vang sủi bọt được sản xuất từ những giống nho trồng trên khu vực 35.000ha đã được khoanh vùng và bảo hộ ở vùng Champagne Ardenne nằm giữa hai TP Troyes và Reims mới được mang nhãn hiệu Champagne theo một đạo luật ban hành vào năm 1919. Các hiệp ước quốc tế cũng quy định bản quyền của thương hiệu này hết sức chặt chẽ.

 

Nhìn từ trên xe và khi đã đặt chân xuống đồi nho, tôi hết sức ngạc nhiên thấy mặt đất khô cằn xen lẫn đá vụn màu xám trắng nhưng dây nho chính lớn như cổ chân người, lá xanh rì và những chùm quả chín nặng trĩu dưới dây treo. Quả nho dùng làm rượu nhỏ hơn nho dùng để ăn nhưng giá trị thương mại rất cao. Có ba loại nho chính, trong đó có hai loại màu đen là Pinot Noir, Pinot Meunier và nho màu xanh Chardonnay.

 

Tùy theo các đợt nho thu hoạch vào các mùa vụ khác nhau trong từng năm, quá trình sản xuất mà giá cả dao động từ vài chục đến vài trăm USD cho chai rượu loại 750ml. Còn những chai rượu nhiều tuổi và gắn liền với một sự kiện lịch sử đặc biệt như Heidsieck & Co sản xuất năm 1907 vớt được từ xác tàu đắm dưới đáy biển Baltic được bán với giá 275.000 USD!

 

Để có được ruộng nho tươi tốt và sai quả như trên, nho đã được trồng từ hơn 50 năm trước, đồng nghĩa với việc ông bà trồng nho mà đến đời cháu vẫn còn được hưởng thụ, chỉ phải chăm sóc đúng quy trình và thu hoạch đúng cách. Đi quanh đồi, tôi được xem ruộng nho có tuổi đời 70, 80 năm cũng như những gốc nho mới trồng vài năm, được chạm vào và nhấm nháp trái nho chín chỉ còn chưa đầy tháng nữa là đưa vào chế biến, lòng bâng khuâng khi nghĩ đến công sức bao thế hệ đã làm nên những ruộng nho tuyệt vời như vậy.

 

Tuy nhiên, sẽ thật là thiếu sót nếu không nói đến khí hậu mát mẻ và đặc biệt là lớp đất giàu đá phấn dày hàng trăm mét bên dưới - yếu tố thiên nhiên cực kỳ quan trọng góp phần tạo nên chất lượng nho. Đá phấn nằm trong đất quanh năm giữ một nhiệt độ chừng 100C, giữ được nước cho cả những rễ nho dài hàng trăm mét, làm cho nho phát triển được trong tiết trời lạnh giá, chống chọi với những đợt khô hạn khắc nghiệt, tạo cho nho chín từ từ và cung cấp dưỡng chất để tạo nên vị chua thanh đặc trưng cho rượu.

 

* * *

 

Bạt ngàn những ruộng nho - Ảnh: NGUYỄN THANH

 

Bởi việc chăm sóc ruộng nho có ý nghĩa quan trọng đối với sản lượng và chất lượng nho nên người chăm sóc nếu đã có nhiều kinh nghiệm và được đào tạo chuyên môn tốt thì chủ ruộng nho sẵn sàng hợp đồng lâu dài (đến hết đời nếu muốn).

 

Vào xưởng cơ khí xem các phương tiện và công cụ phục vụ cho ruộng nho, tôi thật sự choáng ngợp trước các máy kéo đặc biệt với gầm cao, các vệt bánh xe được thiết kế phù hợp để khi chạy qua luống đất hai bên giàn nho mà không đụng đến dây nho. Loại máy kéo này có nhiều chức năng, trong đó có việc tỉa bớt lá nho trong thời gian chưa ra quả để tập trung sức cho việc hình thành những chùm nho lớn và mướt mắt.

 

Đặc biệt, dù nền nông nghiệp Pháp đã cơ giới hóa rất cao, việc hái nho phải thực hiện hoàn toàn bằng tay để lấy ra những chùm nho nguyên vẹn, nếu nho bị dập hoặc có vết thâm phải lập tức loại bỏ. Giàn nho chỉ cao 1m và lẩn khuất trong lá nên người hái nho với chiếc kéo trong tay phải lom khom trong tư thế nửa nằm nửa ngồi để cắt nho cho vào khay đựng; thu nhập được tính theo số kilogram nho hái được.

 

Vào mùa thu hoạch, chẳng những cư dân địa phương mà người lao động Việt Nam, sinh viên, nghiên cứu sinh Việt từ các nơi, kể cả ở Paris cách đó hàng trăm cây số đổ về để hợp đồng hái nho. Hợp đồng ký kết hết sức chặt chẽ, chia ra tổ, nhóm cụ thể và sau khi thanh toán tiền công, chủ ruộng nho luôn không quên tặng mỗi người hai chai rượu Champagne để về làm quà. Một hình thức thể hiện phong cách lịch thiệp của người Pháp!

 

Bao giờ các nhóm hái nho cũng tổ chức một buổi liên hoan thịnh soạn để bù lại những nỗi nhọc nhằn trong thời gian thu hoạch. Với khoảng mười ngày hoặc nửa tháng đi hái nho thuê mà có đủ thu nhập cho hai chuyến bay khứ hồi Pháp - Việt Nam là một niềm phấn khởi cho những người muốn về quê thăm gia đình, hơn nữa dù vất vả nhưng được trải nghiệm làm nông dân Pháp với kỷ luật lao động nghiêm túc là vốn quý cho mỗi người trong cuộc sống tương lai.

 

Tiếp tục đi lên phía bắc, đến TP Reims có Nhà thờ Đức Bà Reims - một tác phẩm kiến trúc kiểu Gothic điển hình, được xây dựng từ thế kỷ thứ XIII. Đây là nơi đăng quang trong suốt 8 thế kỷ của các vua Pháp, kể từ vua Hugh Capet năm 987. Trong tiệc đăng quang, rượu vang - tiền thân của Champagne ngày nay - đã được sử dụng. Việc này cũng thành truyền thống.

 

Từ rượu vang không sủi bọt, người Pháp đã phát triển sản phẩm này thành rượu vang có sủi bọt vào thế kỷ thứ XVIII, từ chỗ rượu được các tu viện sản xuất để dùng trong các thánh lễ đến việc các hoàng gia Pháp, châu Âu và các tầng lớp quý tộc sử dụng.

 

Cũng phải kể đến khi Napoléon đệ I thua trận và quân Nga chiếm đóng vùng Champagne thì các hầm rượu đều phải cống nộp, vô tình tạo ra một lượng khách hàng nước ngoài mới, trong đó có cả các vua Nga (Sa Hoàng), tiếp theo là tầng lớp trung lưu.

 

Giờ đây, Champagne đã phổ biến khắp thế giới. Champagne đã du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Còn nhớ nhà thơ Tú Xương (Trần Tế Xương, 1870-1907) sau khi ngán ngẩm với các khoa thi chữ Nho đã phải chắc lưỡi:

 

… Chi bằng đi học làm thầy Phán

Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò

 

---------------------

(Kỳ cuối: Để có được loại rượu lay động mọi giác giác quan) 

 

NGUYỄN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Một chuyến đi ấm áp nghĩa tình
Thứ Bảy, 31/03/2018 14:00 CH
Mùa xuân lên đỉnh Thạch Bi Sơn
Thứ Bảy, 10/03/2018 13:00 CH
Bài 1: Bước ra từ chiến tranh
Thứ Sáu, 23/02/2018 13:00 CH
Miền đất nhớ
Thứ Tư, 21/02/2018 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek