Thứ Bảy, 23/11/2024 04:38 SA
Tiếng vọng Trường Sơn:
Bài 2: Lắng lòng nơi “đất lửa”
Thứ Hai, 28/07/2014 08:29 SA

Trước đây, chúng tôi chỉ biết đến vùng đất thiêng Quảng Trị qua từng trang lịch sử và qua những câu chuyện của cha anh. Nhưng khi đặt chân đến, ai nấy như được đắm mình trong truyền thống, để rồi hun đúc thêm niềm tự hào, vững vàng trên hành trình đến với ngày mai.

 

Cột cờ phía Bắc cầu Hiền Lương, chứng tích của cuộc đấu tranh “chọi cờ” - Ảnh: K.MY

 

Quảng Trị - nơi ôm ấp hai con sông từng mang vác sứ mệnh lịch sử làm dòng sông giới tuyến: Bến Hải và Thạch Hãn. Mỗi con nước, tấc đất nơi đây đều thấm máu của các anh hùng, liệt sĩ.

 

BÊN SÔNG NGÀY LẶNG GIÓ

 

Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và Thành cổ Quảng Trị vừa được đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 30/4/2014. Hai di tích này đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc đấu tranh vì khát vọng thống nhất đất nước.

 

60 năm trước, ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneva đã lấy sông Bến Hải làm giới tuyến phân chia 2 miền Nam - Bắc Việt Nam. Chiếc cầu mang tên Hiền Lương dài 178m với 894 tấm ván bắt qua sông Bến Hải đã bị ngăn chia từ 2 phía. Một nửa phía bắc do Công an giới tuyến của miền Bắc quản lý, nửa phía nam thuộc chính quyền Sài Gòn. Cũng từ đây, cây cầu đi vào lịch sử của dân tộc như một nỗi đau không bao giờ nguôi.

“Sông Bến Hải bên trong bên đục/Trách ai làm cho non nước chia đôi”. Đã 39 năm thống nhất đất nước nhưng mỗi lần nghe lại câu hò xưa, từng lời, từng giai điệu vẫn lắng sâu vào lòng người.

 

Chúng tôi đến thăm cụm di tích Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải vào một sáng trời ngập ngừng gió và nhiều nắng. Đặt từng bước chân chậm rãi đi trên từng thanh gỗ gập ghềnh của cầu Hiền Lương, nhìn 2 màu sơn xanh và vàng tượng trưng cho 2 miền Bắc - Nam, chính giữa là vạch sơn trắng ngăn đôi, lòng người như chùng lại, rưng rưng. Dòng sông Bến Hải lững lờ trôi trong nắng, khó ai tưởng tượng nơi đây năm xưa từng bị xẻ làm 2 bờ giới tuyến, trở thành nỗi khắc khoải chờ mong ngày thống nhất của người dân ở 2 miền Nam - Bắc.

 

Suốt hơn 20 năm “Cách một dòng sông mà đó thương, đây nhớ/ Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”, nơi đây đã chứng kiến bao cảnh tang tóc, đau thương nhưng cũng vô cùng anh dũng. Đưa chúng tôi tham quan một vòng quanh cụm di tích Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải, ông Ngô Văn Minh, Trưởng ban quản lý di tích này kể nhiều câu chuyện cảm động về tình người sống giữa hai miền Nam - Bắc. Đó là câu chuyện về người mẹ nghèo Nguyễn Thị Diệm đêm đêm trong căn hầm tối, đốt đèn dầu, vá cờ Tổ quốc. Sức mẹ già, tay mẹ run nhưng với lòng yêu nước vô bờ bến, mẹ đã miệt mài vá xong lá cờ cho bộ đội ta treo trên đỉnh cột cờ cao 34,5m nơi đầu cầu phía bắc để cho đồng bào ta phía nam mỗi lần ra gánh nước nhìn sang thấy miền Bắc gần lắm và ngày thống nhất đất nước đang rất gần. Đó là câu chuyện về mối tình rất đẹp giữa hai bờ Nam - Bắc mà không ai bên bờ sông Bến Hải không nằm lòng. Yêu nhau từ khi mới lớn, ông Trần Ngọc Châu và bà Nguyễn Thị Dĩnh hò hẹn đến ngày kháng chiến thành công sẽ cưới. Nhưng chờ đợi mãi mà chưa thấy ngày đất nước thống nhất nên hai ông bà quyết định làm đám cưới. Hôm đó, ông Châu vượt dòng Bến Hải sang bờ Nam làm đám cưới. Để tránh chính quyền Việt Nam cộng hòa nghi ngờ, gia đình bày ra một tiệc giỗ. Lúc sắp đón dâu thì mật thám ập đến, chú rể phải trốn, còn cô dâu đơn độc quỳ lạy trước bàn thờ mà nước mắt đầm đìa. Ngay đêm hôm đó, chủ rể phải vượt sông Bến Hải để sang lại bờ Bắc. Cô dâu ở lại, hằng ngày đem quần áo ra sông giặt, rồi mò cua, bắt ốc cố tìm chỗ gần nhất để mong sao thấy rõ mặt chồng. Và cứ thế, suốt 13 năm, họ chỉ nhìn bóng nhau qua dòng sông Bến Hải, cho đến ngày đất nước thống nhất mới được sum vầy.

 

Đến cụm di tích Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải hôm nay, tận mắt nhìn thấy những vỏ bom B52, vỏ bom bi mà một thời địch ngày đêm dội xuống đất lửa Quảng Trị; nhìn thấy cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” với hình tượng những tàu lá dừa cách điệu vừa mảnh mai, vừa mạnh mẽ vút thẳng lên trời và bà mẹ miền Nam đau đáu dõi nhìn về phương Bắc..., nhiều người không thể giấu nổi niềm xúc động. Chỉ tay về phía cột cờ bờ Bắc sừng sững, uy nghi, ông Hà Văn Lộc, nguyên bộ đội của Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 250, Bộ đội Trường Sơn, bồi hồi nói: “Bên lề giới tuyến 17, quân dân ta đã có cuộc đấu trí, đấu lý rất gay gắt và quyết liệt với địch bằng các cuộc đấu tranh màu sơn, chọi loa và chọi cờ. Về thăm cụm di tích Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải là để chúng ta hoài niệm một thời đất nước chịu cảnh chia cắt, hiểu được sức mạnh của một dân tộc thiết tha yêu hòa bình, một ý chí và khát vọng giành độc lập tự do, để có một Việt Nam tươi đẹp như hôm nay”.

 

BÊN DÒNG THẠCH HÃN LẶNG SÓNG

 

Xe chúng tôi chạy men theo dòng sông Thạch Hãn. Nước sông hôm nay đã yên bình, trong vắt. Dấu tích của “dòng sông nghĩa trang” cũng đã mờ dần cùng thời gian. Nhưng trên dòng sông, vào dịp lễ, những nhành hoa cúc vàng, cúc trắng tri ân các liệt sĩ đã hy sinh tại đây vẫn được người dân thả xuôi theo con nước, trôi mênh mang.

 

Dòng người đến dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị - Ảnh: K.MY

 

Đứng bên dòng Thạch Hãn bình yên hôm nay, thượng úy Nguyễn Đình Huồng, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2, Trung đoàn 98, Đoàn 559, nhớ lại: “Ngày 16/9/1972, toàn bộ lực lượng bộ đội trấn giữ Thành cổ được lệnh rút về bờ bắc sông Thạch Hãn, nhưng không may, lúc này đang mùa lũ lớn. Hàng ngàn chiến sĩ, thương binh khi qua sông đã không còn đủ sức chống chọi với dòng nước lũ đang chảy xiết. Sông Thạch Hãn trong những ngày ấy đã trở thành dòng sông máu, là nơi yên nghỉ vĩnh viễn của các chiến sĩ Thành cổ kiêu hùng”. Rồi dõi mắt đăm chiêu nhìn về tượng đài mô phỏng 19 giọt máu tượng trưng cho 19 chiến sĩ Trung đội huyền thoại Mai Quốc Ca, ông Huồng khe khẽ đọc 4 câu thơ của nhà thơ Lê Bá Dương viết cho đồng đội: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Hóa tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”. Không ai bảo ai, cả đoàn lặng đi, chỉ nghe tiếng sóng dâng lên trong lòng…

 

Thành cổ Quảng Trị trầm mặc soi bóng bên dòng sông Thạch Hãn. 42 năm trước, giữa mùa hè đỏ lửa 1972, nơi này là chiến tuyến ác liệt. Hàng vạn người con ưu tú đã ngã xuống đây khi tuổi vừa đôi mươi. Máu các anh chị hòa vào đất đai, cây cỏ, sông nước, để mỗi độ xuân về, cây cỏ như xanh hơn, hoa dại dọc hai bờ Thạch Hãn lại lung linh sắc nắng. Đứng trong khuôn viên Thành cổ, nhìn cây cỏ tươi xanh rạng ngời hôm nay, chúng tôi không thể nào hình dung nổi mỗi tấc đất nơi này năm xưa đều dày đặc bom đạn, dày đặc máu xương của những người lính. Thành cổ bây giờ là một nghĩa trang không bia mộ mà chỉ có chung một đài tưởng niệm, vút lên trời một cây Thiên Mệnh hiên ngang.

 

Trưa Quảng Trị nắng gió bạt mặt người. Tuy nhiên, chúng tôi đều bỏ mũ nón và chỉnh đốn trang phục, đội nắng để dâng hương lên đài tưởng niệm. Khoảng cách từ cổng vào đài tưởng niệm hơn 100m nhưng đoàn người vẫn chầm chậm bước trong thinh lặng như sợ chạm vào giấc ngủ các anh linh. Đưa đoàn đi tham quan Thành cổ, thuyết minh viên Trần Thị Tám sang sảng kể về trận chiến 81 ngày đêm đỏ lửa năm 1972 diễn ra tại đây. Trong 81 ngày đêm giữ đất, giữ thành, giữ niềm tin, trung bình mỗi ngày, chiến sĩ Thành cổ phải hứng chịu trên 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Khoảng 1,8 vạn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, mãi mãi nằm xuống mảnh đất này. Nước mắt như chực trào khi chúng tôi được nghe câu chuyện của người lính trẻ Lê Văn Huỳnh viết bức thư cuối cùng vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Một bức thư anh không kịp gửi bởi anh cùng những đồng đội cuối cùng trong tiểu đội đã ngã xuống trong Thành cổ. Lời lẽ trong thư thể hiện bao tâm tư tình cảm, hoài bão đành gác lại phía sau để quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: “Toàn thể gia đình kính thương... Con viết mấy dòng cuối cùng trước khi “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”. Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày tin mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng ở bên mẹ, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…”. 42 năm trôi qua, những lá thư như thế tiếp tục được gửi về cho những người đang sống hôm nay và cho cả mai sau, tiếp thêm niềm tin và sự lạc quan vào ngày mai tươi đẹp.

 

Tham quan Bảo tàng Thành cổ, nhiều cựu chiến binh của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã không giấu nổi niềm xúc động khi thấy trong những bức ảnh về Thành cổ có các chiến sĩ đồng hương của mình. Chỉ vào bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị”, ông Phan Văn Minh, cựu chiến binh Trường Sơn, bộc bạch: “Chiến sĩ này là Lê Xuân Chinh, cùng quê Thái Bình với tôi. Mỗi lần nhìn thấy bức ảnh này, lòng tôi như vui lây. Nụ cười thản nhiên của những con người sẵn sàng vì Tổ quốc mà xem cái chết nhẹ tựa lông hồng”.

 

Rời chân khỏi Thành cổ Quảng Trị, tôi nhớ mãi câu nói của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi viết về những người lính nơi đây: “Những người chết không phải vì để trở thành anh hùng mà chính là để đằng sau họ những người khác được tiếp tục sống trong tự do và hòa bình, chết cho nhân loại sống còn và thức tỉnh”. Tôi tin rằng, sự hy sinh lớn lao của chiến sĩ Thành cổ sẽ mãi mãi được khắc ghi và hình ảnh những nụ cười bất tử sẽ mãi sống trong tim mọi người.

 

Bài cuối: Nghĩa tình bộ đội Trường Sơn

 

HÀ KIỀU MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 1: Về với “ngôi nhà chung”
Chủ Nhật, 27/07/2014 14:00 CH
Trở lại thủy điện La Hiêng 2
Thứ Bảy, 19/07/2014 14:00 CH
“Săn bò tót” trong đêm
Thứ Bảy, 05/07/2014 17:00 CH
Rừng ươi bật “khóc”
Thứ Bảy, 28/06/2014 16:36 CH
Sống tạm bợ giữa phố thị sầm uất
Thứ Bảy, 14/06/2014 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek