“Trăng lên đồi Trại Thủy/Chuông khuya ngời âm ba...”. Đồi Trại Thủy được cổ nhân gọi là danh thắng “ngọc bức hoàn hàm” (dơi ngọc ngậm vòng ngọc) với 5 ngôi chùa đẹp nổi tiếng tọa lạc ở cửa ngõ trung tâm thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa). Và Long Sơn tự - một trong những biểu tượng đẹp của “xứ trầm hương”, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Tiếc rằng đến nơi “ngọc bức hoàn hàm”, ai cũng chạnh lòng khi chứng kiến những phận người sống tạm bợ ngay cạnh chốn thiền môn, với phố thị sầm uất.
Trên đỉnh đồi, ở phía bên trái và trước mặt bức tượng Kim Thân Phật Tổ cao lớn của chùa Long Sơn, hàng trăm căn nhà nhỏ của dân thập phương (trong đó có hàng chục nhà của người dân trước đây đi kinh tế mới Nhiễu Giang, Sơn Giang, huyện Sông Hinh trở về) dựng lên lố nhố, xô bồ, “vá chằng vá đụp”... bấu víu vào vách đá núi cheo leo.
SỐNG TẠM BỢ TRÊN ĐỒI TRẠI THỦY
Đỉnh dốc. Từ “ngã ba rác” ở phía trước mặt tượng Kim Thân Phật Tổ, tôi vòng vào khu nhà “ổ chuột” tổ 11. Ở đây vô số đường hẻm nối nhau, ngoằn ngoèo, nhếch nhác, có đường dốc dựng đứng, trắc trở, đá và đá cheo leo.
Dẫu vậy, hàng trăm ngôi nhà vẫn mọc lên san sát, cao thấp, chen chúc như “vồ” lên nhau. Gọi là nhà cho “oách”, chứ hầu hết đều ọp ẹp, vách dừng cót, nhựa hoặc tôn, mái cũng lợp tôn, thấp tè. Dù trời chiều dịu mát nhưng ở trong mỗi căn nhà đều nóng hầm hập. 10, 20 năm trước, dân nghèo thập phương lên đồi Trại Thủy phá đá, phá cây dại, dựng tạm túp lều và thoạt đầu nghĩ chỉ ở tạm để mưu sinh qua ngày. Song, cái nghiệp làm thuê làm mướn qua năm dài tháng rộng cũng không thể thoát cảnh cơ hàn, nên hầu hết đành bám trụ lâu dài trên vách đá.
Hẻm dốc. Tôi cuốc bộ bở hơi tai. Vậy mà em Nguyễn Thị Thanh Tuyền (học sinh lớp 10) với thân hình nhỏ bé lại đèo theo chiếc xe đạp, lúc dắt, lúc vác vượt từng gờ đá để lên nhà trên mõm đá. Tuyền mồ hôi nhễ nhại, vừa thở hổn hển vừa tâm sự: “Vác xe thế này riết rồi cũng quen anh ạ. Khổ nhất là lúc trời mưa trơn trượt không đi nổi, đành gửi xe nhờ dưới chân núi”. Trong căn nhà nhỏ dừng cót, bà Tiêu Thị Quý (mẹ của Thanh Tuyền) đang bệnh, mệt nhọc lê từng bước chân về phía chiếc bàn, nói với tôi: “Tui quê gốc ở tỉnh Bình Thuận theo chồng lên đồi lập nghiệp từ năm 1986. Tội cho ba đứa con sinh ra ở nơi này phải chịu cực nhọc mỗi khi phải “xuống đồi” học hành hay theo mẹ mưu sinh. Cái nhà của tui đã xuống cấp lắm rồi, có thể đổ sập bất cứ lúc nào nên cũng muốn dời đi nơi khác cho sắp nhỏ đỡ vất vả. Nhưng chồng mất rồi, tui cũng chưa biết đi đâu, về đâu!”.
Lại hẻm dốc, gấp khúc. Không gian chật hẹp. Bức bách. Nhà nhà bày biện ra ngoài đủ thứ hầm bà lằng. Trẻ em nô đùa bên dòng nước thải bốc mùi hôi thối. Ở đó, tôi bắt gặp hai bé gái ngồi bên căn nhà rộng chừng 15m2 (ngang 2,5m, dài 6m) nằm sát họng nước đen ngòm. Hỏi ra mới biết đó là nhà của anh Huỳnh Đình Huy, Tổ trưởng tổ 11, người đang “quản” hơn 180 hộ dân trong khu “ổ chuột” này.
Nhà trên vách đá đồi Trại Thủy - Ảnh: L.PHONG |
GIEO NEO PHẬN NGHÈO
Ngồi “đối thoại” với tôi trong căn nhà rệu rã trên vách đá, bà Trần Thị Lựng, gốc ở Bình Định vào ngụ cư ở khu ổ chuột tổ 11 gần 20 năm, cho hay, chồng mất đã 17 năm, một mình bà tất tả buôn gánh bán bưng nuôi 5 đứa con ăn học. Vậy nên cái đói cái nghèo cứ đeo bám mãi, không ngẩng đầu lên được! Giờ thì những đứa con của bà Lựng đã lập gia đình, cũng gắn đời mình trên đồi và mưu sinh bằng nghề đạp xích lô, làm mướn ở nơi phố thị Nha Trang. Cùng cảnh ngộ như bà Lựng, chị Phan Thị Kim Ngân ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) theo mẹ lên đồi, dựng nhà ở phía trái tượng Phật Tổ. Ban đầu chị Ngân đi gánh nước thuê, sau bán dạo mũ, quạt cho khách du lịch. Chồng bỏ 3 năm rồi, mình chị lo 2 đứa con, nhưng giờ đứa con gái lớn bỏ học, đi bụi đời.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Phó chủ tịch phường Phương Sơn, hơn 450 hộ dân với khoảng 3.000 người ở khắp các nơi trong cả nước, đặc biệt là dân kinh tế mới ở xã Sơn Giang (Sông Hinh) về sinh sống trên đồi Trại Thủy. Trong số đó có đến 80% hộ nghèo; khoảng 100 hộ sống tự phát, không hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân. Họ sử dụng “ké” điện, nước... của hộ khác với giá rất cao. Đa số con cái của họ bỏ học giữa chừng, lêu lổng, không nghề nghiệp. Và chính cuộc sống tạm bợ, thiếu việc làm, nghèo đói đã phát sinh nhiều tệ nạn xã hội phức tạp...
Ma túy đã giết chết tương lai của rất nhiều trẻ vị thành niên trên đồi Trại Thủy. Ở đây có hàng chục đối tượng nghiện ma túy, thậm chí nghiện nặng và khét tiếng trộm cắp ở Nha Trang. Bà T.T.M.C, một người dân ở đây, nén nỗi đau khi có đứa con bị nghiện, bộc bạch: “Năm 1979, gia đình tôi cùng nhiều hộ khác đi kinh tế mới Nhiễu Giang, xã Sơn Giang. Vì làm ăn bấp bênh, lại mắc bệnh sốt rét, rồi chồng mất, nên năm 1992 tôi đành về lại Nha Trang và che tạm nhà sinh sống trên đồi này. Không tấc đất cắm dùi, tôi sớm hôm chạy đi may vá dưới phố để kiếm tiền, không có thời gian lo cho con cái học hành. Một hôm khi về nhà, tôi phát hiện con mình đang hút chích ma túy. Nó đã nhiễm HIV. Rồi nó đi trộm cắp để có tiền giải cơn nghiện, với 5 lần đi tù thụ án 14 năm. Tôi già mà đang phải nuôi 2 đứa con của nó…”.
Phận nghèo sinh sống trên đồi cao, nhiều hộ dân ăn ở trong những ngôi nhà chưa đầy 15m2, không bếp núc, không có nhà vệ sinh, nhà tắm..., rất khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Bà Phạm Thị Huệ ở tổ 11 bức xúc nói, quanh đồi toàn đá và đá, không thể đào hố tiêu được, nên đa số người dân đi vệ sinh ở nhà vệ sinh công cộng, hoặc phóng uế bừa bãi ra ngoài bãi rác, lùm cây, gây ô nhiễm môi trường. Trước đây, Tổ chức phi chính phủ Hội nhập xã hội và Phát triển đô thị Cộng hòa Pháp đã hỗ trợ triển khai dự án giải quyết các vấn đề dân sinh, chủ yếu là cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường ở khu vực đồi Trại Thủy. Thế nhưng, chương trình này lại rút ngắn thời gian, thiếu đồng bộ nên không hiệu quả.
VỜI VỢI GIẤC MƠ VỀ NƠI ĐẤT LÀNH
Bà Trương Thị Cúc (65 tuổi) ngồi ở bậu cửa, chua chát nói: “Gia đình tôi với 5 người ở nhà tạm chỉ 20m2. Từ năm 2000, cán bộ tỉnh, thành phố đến khảo sát, đo đạc để di dời dân về khu tái định cư (TĐC) Đất Lành, xã Vĩnh Thái, nhưng qua mấy đời bí thư, chủ tịch tỉnh, đến nay dự án không thấy động tĩnh gì. Bà con mừng hụt, mòn mỏi chờ TĐC. Vậy nên đành chấp nhận ăn ở tạm và đau đáu nỗi lo sợ sạt lở núi, sợ mưa gió hất tung những căn nhà vốn đã rệu rã, mục nát...”.
Hiện khu “ổ chuột” đồi Trại Thủy ngày càng “nở” rộng, xấu xí, nhưng dự án di dời TĐC vẫn tiếp tục “treo”. Ông Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND TP Nha Trang, phân trần rằng vẫn biết dân trên đồi bức xúc về nơi ở nhưng do tỉnh chưa “rót” vốn nên đành chịu. Hiện thành phố đang đề nghị tỉnh tiếp tục đầu tư dự án này.
Như vậy, mơ ước của người dân nơi đây về một ngôi nhà đàng hoàng ở Đất Lành dường như còn xa vời vợi.
LƯU PHONG