Thứ Bảy, 23/11/2024 00:13 SA
Tiếng vọng Trường Sơn
Bài cuối: Nghĩa tình đồng đội
Thứ Ba, 29/07/2014 14:00 CH

Trở về thời bình, những người lính Trường Sơn vẫn lặn lội vượt đường xa tìm đến nhà thăm hỏi đồng đội cũ - Ảnh: K.MY

Thời gian dần lùi xa, nhưng đường Trường Sơn vẫn vẹn nguyên, khắc khoải và nóng bỏng trong từng hơi thở, trong con tim của các cựu chiến binh. Và hôm nay, về thăm chiến trường xưa, những người lính Trường Sơn vẫn khắc khoải nhớ về một thời đạn bom và nguyện tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.

 

KÝ ỨC ĐONG ĐẦY

 

Về thăm lại chiến trường xưa, nhiều cựu chiến binh vô cùng bất ngờ trước những đổi thay trên tuyến đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh hôm nay. Ánh mắt của những con người từng vào sinh ra tử trên con đường này thường đăm chiêu, cố lục lọi trong ký ức dấu vết con đường cũ, các binh trạm của một thời đạn bom. Thiếu tá Lê Hữu Thanh, chiến sĩ công binh nhiều năm mở đường Trường Sơn, chỉ tay nói: “Kia là đoạn đường cua cánh chỏ gần cầu Đắk Rông, một trong những túi lửa. Hồi đó, chúng tôi thề “Máu có thể ngừng chảy, nhưng quyết không để đường tắc”. Nhiều chiến sĩ công binh và thanh niên xung phong hy sinh ở đó. Giặc bịt một con đường thì lập tức nhiều con đường khác xuất hiện để đưa hàng, vũ khí liên tục vào chiến trường”.

 

Còn với trung tá Trần Thành Chính, người lái xe nhiều năm trên con đường Đông và Tây Trường Sơn, không thể nào quên những năm tháng mưa bom, bão đạn, nắng lửa mưa dầm, đói cơm, lạt muối trên con đường huyền thoại mà mình và đồng đội đã gắn bó bám trụ suốt thời gian dài. Ông vanh vách kể về cánh lái xe Trường Sơn như một ký ức đã nằm lòng. Ông nói: Phần lớn chiến sĩ lái xe trên đường Trường Sơn chỉ vừa 18, đôi mươi. Tuổi trẻ thông minh, dũng cảm nhưng cũng vô cùng tinh nghịch. Nhiều cậu dọc đường hạ kính thò tay lấy mũ của thanh niên xung phong để đón nhận những mẻ đất, mẻ bùn bay vào buồng lái và cười khanh khách. Những thỏi lương khô chia nhỏ, những ngọn rau rừng, những ngụm nước suối cũng thành buổi liên hoan của lính. Đường ra trận “tiếng hát át tiếng bom”, vui như trẩy hội. Rồi những năm chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975, cả dãy Trường Sơn như thức trắng. Cảnh người, xe, phương tiện, hàng hóa tạo thành dòng chảy rung chuyển cả núi rừng. “Cuộc đời người lính trải qua bao thử thách, ác liệt, hy sinh. Nhiều lúc cái chết cận kề trong gang tấc. Đồng đội sáng điểm danh còn đủ, qua đợt oanh kích của máy bay địch, nhiều người đã hy sinh. Nhiều xe mới xuất phát vài cây số đã bị máy bay địch đánh cháy. Nhìn phần cơm đồng đội còn đó mà không có người ăn thật ứa nước mắt. Thương anh em quá nên chúng tôi thề quyết tâm dũng cảm bám xe, bám đường vượt tọa độ lửa đưa hàng an toàn đến đích nhanh nhất để trả thù cho đồng đội”, ông Chính trải lòng.

 

Không chỉ canh cánh trong lòng nỗi nhớ chiến trường xưa, các cựu chiến binh Trường Sơn còn muốn truyền lửa đến thế hệ trẻ những hồi ức gian khổ mà đẹp đẽ. Cựu chiến binh Trần Bình Trọng, một trong những người lính gùi thồ đầu tiên trên đường Trường Sơn, ngày 1/4/2014 đã đến Bảo tàng Phú Yên hiến tặng 5 hiện vật phục vụ trên đường Trường Sơn mà ông cất giữ 40 năm qua, gồm: bi đông đựng nước, đôi dép cao su, ăng gô đựng cơm, một lưỡi lê và một túi đựng gạo. Ông Trọng tâm sự: “Với hành trang như thế, tôi và đồng đội của mình đã gùi thồ hàng chục ký súng đạn, thuốc men, lương thực trên vai, ngày đêm băng rừng vượt suối, chi viện cho chiến trường miền Nam. Bàn chân rớm máu, quần áo, ba lô ướt đẫm mồ hôi. Nhiều lúc bụng đói, thiếu cơm ruột gan cồn cào nhưng chỉ ăn dè ít lương khô, lá rừng và uống nước suối. Đó đều là những kỷ vật thiêng liêng từng gắn bó với tôi trong những năm chiến tranh. Hiến tặng cho bảo tàng, tôi muốn thế hệ trẻ khi đến đây, nhìn những đồ vật ấy, sẽ phần nào cảm nhận được những gian lao, vất vả của người lính Trường Sơn; càng tự hào và trân trọng nền độc lập đang có, ra sức gìn giữ và xây dựng quê hương giàu đẹp”.

 

NGHỊ LỰC THỜI BÌNH

 

Đi qua chiến tranh, trở về cuộc sống thời bình, mang trong mình bao vết thương, những người lính Trường Sơn lại tiếp tục lao động, sản xuất, làm giàu cho bản thân và gia đình. Không ai ở xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) không biết đến cựu chiến binh Lê Anh Bá. Từ 2 bàn tay trắng, với nghị lực phi thường của một chiến sĩ lái xe binh trạm 12, Đoàn 559, ông Bá đã vẽ nên bức tranh kinh tế đa sắc màu, trở thành triệu phú dưới chân núi Hòn Ngang (huyện Tây Hòa). Sau khi xuất ngũ trở về, gia đình ông Bá gặp nhiều khó khăn. Vợ chồng ông phải quyết định chia gia đình ra làm đôi, 2 đứa con theo cha vào Phú Yên lập nghiệp, 3 đứa ở lại Thanh Hóa với mẹ. Vậy là với “tài sản” duy nhất là chiếc ba lô con cóc, bộ quân phục bạc màu, đôi dép cao su và nghị lực của người lính Cụ Hồ được tôi luyện trong chiến tranh, ông Bá và các con vào Phú Yên tìm kiếm cơ hội thoát nghèo. Hàng ngày, ông dành thời gian đi phát rẫy, khai hoang trồng bắp, trồng sắn… ở chân núi Hòn Ngang. Sau 22 năm lập nghiệp ở vùng đất mới, hiện gia đình ông Bá có một cơ ngơi mà nhiều người mơ ước, gồm trang trại sản xuất với 5 hồ nuôi cá các loại rộng hơn 4.000m2, cùng hơn 5.000m2 cây ăn quả, 2ha mía, 2ha sắn, 1ha lúa nước hai vụ, 1.000m2 trồng cỏ để chăn nuôi bò lai sind… mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, với vai trò là Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh xã Sơn Giang, ông Bá còn tích cực tham gia công tác xã hội, giúp đỡ đồng đội, người nghèo vươn lên trong cuộc sống.

 

Ngoài gia đình ông Bá, gia đình thượng úy Nguyễn Đình Huồng, xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) cũng khiến nhiều người phải nể phục. Sau 13 năm chiến đấu và công tác ở đường 9 Nam Lào, tháng 1/1986, ông Huồng phục viên về địa phương. Năm 1992, ông chọn xã Sơn Long làm quê hương thứ 2 của mình. Gia đình ông cật lực lao động, khai phá và mở mang ruộng rẫy. Ông tìm hiểu, học tập các điển hình sản xuất giỏi ở các nơi, kinh nghiệm canh tác của đồng bào địa phương, kết hợp nghiên cứu sách vở để áp dụng vào thực tế. Suốt chặng đường hơn 20 năm, gia đình ông đã khai phá 12ha đất hoang để trồng cà phê, cao su, cây keo, sắn. Năm 2013, gia đình ông thu nhập cao nhất, lên tới 450 triệu đồng. Nhưng niềm tự hào lớn nhất của gia đình ông Huồng là 5 đứa con đều ăn học đến nơi đến chốn. 2 người con đầu đã tốt nghiệp thạc sĩ ngành Luật; 3 người con còn lại đều tốt nghiệp đại học. Hiện nay, ông Huồng là Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sơn Long, là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên.

 

Không chỉ có 2 tấm gương trên, rất nhiều cựu chiến binh Trường Sơn sau khi đi qua chiến tranh, phải bắt đầu tạo dựng cuộc sống từ 2 bàn tay trắng. Nhưng họ vẫn rất lạc quan và tràn đầy nghị lực. Ông Huồng tâm sự: “Vẻ vang trong quá khứ là điều đáng trân trọng, nhưng hiện tại phải sống gương mẫu để thế hệ trẻ noi theo mới là điều quan trọng”.

 

ẤM ÁP NGHĨA TÌNH

 

Chiến tranh kết thúc, những cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên tuyến đường Trường Sơn trở về với cuộc sống mới. Mỗi người mỗi hướng, thất lạc tin tức của nhau, nhưng với tấm lòng của những người từng vào sinh ra tử, người lính của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên vẫn lặn lội đi tìm đồng đội có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ, cưu mang. Gia đình bà Đỗ Thị Ngạn là một trong những người được hội giúp đỡ từ khi mới thành lập. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà Ngạn từng là thanh niên xung phong tham gia mở đường Trường Sơn. Sau khi xuất ngũ trở về Hải Dương, gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn. Bà và con trai đùm túm vào thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) lập nghiệp. Cuộc sống hai mẹ con bà nghèo khó trong căn nhà tạm bợ, không nghề nghiệp. Chia sẻ với hoàn cảnh của bà, năm 2013, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng xây dựng ngôi nhà Nghĩa tình Trường Sơn cho bà với tổng trị giá 40 triệu đồng. Nhớ lại niềm xúc cảm dâng trào trong ngày đón nhận căn nhà mới, bà Ngạn rơm rớm nước mắt, nói: “Tôi biết ơn đồng đội cũ nhiều lắm. Không có các anh chị chắc tôi không bao giờ có được ngày hôm nay, có khi còn vất vưởng lang bạt làm thuê cuốc mướn ở đâu đó”.

 

Theo Trung tá Trần Thành Chính, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên, qua một năm thành lập, hội đã liên tục có những hoạt động giúp đỡ các cựu chiến binh gặp hoàn cảnh khó khăn. Hội đã xây dựng 5 căn nhà Nghĩa tình Trường Sơn để tặng cho các hội viên nghèo khó ở các huyện miền núi. Hội còn tổ chức gặp gỡ những đồng đội khi xưa cùng sống, cùng chiến đấu, ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc; đồng thời nhắc nhở, động viên người lính làm tròn trách nhiệm, phát huy truyền thống bất khuất, kiên cường của Bộ đội Cụ Hồ. Ngoài ra, vào các dịp lễ, tết, các cựu chiến binh còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đồng đội cũ và dâng hương cho các liệt sĩ đã mất. Ông Chính bộc bạch: “Những món quà không lớn nhưng đầy ắp tình cảm của những người đồng đội năm xưa cùng chung chiến tuyến, chúng tôi mong muốn các cựu chiến binh tiếp tục tỏa sáng trong cuộc sống đời thường, cùng nhau sát cánh, chia sẻ khó khăn, chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng với hào khí anh hùng của Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh năm xưa”.

 

 

HÀ KIỀU MY

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 2: Lắng lòng nơi “đất lửa”
Thứ Hai, 28/07/2014 08:29 SA
Bài 1: Về với “ngôi nhà chung”
Chủ Nhật, 27/07/2014 14:00 CH
Trở lại thủy điện La Hiêng 2
Thứ Bảy, 19/07/2014 14:00 CH
“Săn bò tót” trong đêm
Thứ Bảy, 05/07/2014 17:00 CH
Rừng ươi bật “khóc”
Thứ Bảy, 28/06/2014 16:36 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek