Thứ Bảy, 23/11/2024 04:28 SA
Người làm hồi sinh làng nghề chiếu cói Thọ Lâm
Thứ Bảy, 12/07/2014 14:00 CH

Sản phẩm chiếu máy khi đã thành phẩm - Ảnh: T.THẢO

Giữa lúc cả làng nghề xếp khung thôi dệt chiếu, ruộng cói quy hoạch nuôi tôm, nhiều người bỏ nghề thì có một phụ nữ dám đầu tư số tiền lớn mua máy dệt, thuê đất trồng cói để giữ nghề truyền thống của cha ông với niềm tin một ngày không xa, nghề sẽ hưng thịnh trở lại. Đó là bà Nguyễn Thị Hạnh, người dám đem cả cuộc đời mình để giữ thương hiệu chiếu cói thôn Thọ Lâm (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa).

 

Từ ngày bà Hạnh quyết định đầu tư gần 100 triệu đồng mua máy dệt chiếu và thuê nhân công sản xuất nhiều chiếc chiếu đẹp, nhiều mối đặt hàng tìm đến, làng chiếu cói Thọ Lâm đã vươn mình trỗi dậy sau nhiều năm sống thoi thóp.

 

AI CŨNG BẢO… ĐIÊN!

 

Nhiều người không còn nhớ nghề dệt chiếu ở Thọ Lâm có từ khi nào và cũng không ai nhớ tiếng kẽo cà kẽo kẹt của khung dệt thưa dần từ bao giờ, vì lâu rồi không còn ai mặn mà với công việc này nữa. Những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều loại chiếu có mẫu mã đẹp, giá rẻ hơn xuất hiện khiến chiếu cói mất dần thị trường. Theo nhiều bậc cao niên ở Thọ Lâm, người làm nghề ở làng cũng ra sức duy trì nhưng giá nguyên liệu cao và phải trả tiền “tươi”, còn sản phẩm bán ra thì chậm, có lúc không ai mua vì vậy làng nghề đuối sức. Hiệu quả kém nên xã Hòa Hiệp Nam quy hoạch ruộng trồng cói thành vùng nuôi tôm. Đến cuối những năm 90, nghề dệt chiếu ngưng trệ và hầu như bị “xóa sổ”!

 

Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một dấu tích “sống” của làng nghề chiếu cói Thọ Lâm. Đó là bà Hạnh với niềm tin mãnh liệt: “Ai bỏ nghề thì bỏ, riêng tôi vẫn sống chết với nghề, bởi đã theo gần cả đời người. Suy thịnh là chuyện thường”. Niềm tin ấy theo bà Hạnh không phải không có cơ sở, bởi các nơi khác phát triển được thì tại sao mình không thể?. Chính niềm tin ấy mà bà Hạnh không phá ruộng cói để nuôi tôm, ngược lại bà đi góp nhặt giống cói ở các nơi về trồng, vì cói ở địa phương đã bị triệt phá. Chỉ có 2 sào cói mà phải mất 2 năm bà mới trồng xong. Bà Hạnh nhớ lại: “Năm 2002, mới mùng 3 tết, tôi trốn con mang cơm ra đồng chăm sóc cói từ sáng đến chiều và cứ thế đến ngày thu hoạch. Ngày ngày cặm cụi, ai hỏi gì cũng không nói, nhiều người bảo “con Hạnh nó điên rồi” vì người khác nuôi tôm cứ tính tiền triệu, “tự nhiên đi nhổ cây cói về trồng mòn quần, mòn áo nhưng không được gì hết”.

 

Một năm sau, bà Hạnh thu hoạch cói, không chỉ mang lại nguồn thu nhập gần 10 triệu đồng mà còn có nguyên liệu để dệt chiếu. Cũng năm đó, nhiều người nuôi tôm thất bại, họ bảo: “Con Hạnh nó cấy cói mà trúng tôm!” (lãi từ trồng cói cao gần bằng thời điểm trúng tôm - PV).

 

LÀNG NGHỀ HỒI SINH

 

Thấy diện đất 5% của xã lúc bấy giờ bỏ hoang, bà Hạnh mạnh dạn thuê để trồng cói. Từ đó, nguyên liệu cói để dệt chiếu ngày càng dồi dào. Vậy là bà thu vén việc gia đình, đầu tư thời gian, công sức tìm đến các làng dệt chiếu cói trong cả nước để học hỏi kinh nghiệm và tham gia các lớp dạy nghề dệt chiếu cối.

 

Năm 2012, bà đại diện làng nghề Thọ Lâm làm báo cáo để bảo vệ thương hiệu chiếu của làng nghề tại một hội thảo tổ chức ở TP Tuy Hòa. “Mặc dù không nói ra nhưng nhiều người nghĩ rằng thất bại là cái chắc. Tôi rất lo lắng nhưng nhờ tình yêu nghề, tôi đã thuyết phục được mọi người tại hội thảo bằng những phương án khả thi và được UBND tỉnh công nhận làng nghề” bà Hạnh kể.

 

Từ đó, Sở Công thương Phú Yên quyết định hỗ trợ kinh phí để bà mua máy dệt chiếu nhưng đến khi nghiệm thu bà mới được nhận 20 triệu đồng. Máy dệt chiếu xuất hiện đánh dấu cột mốc phát triển mới của làng nghề. Bà Ngô Thị Thay, người làm chiếu lâu năm ở làng, cho hay: “Nghe tin bà Hạnh bỏ số tiền lớn để mua máy dệt chiếu trong thời buổi kinh tế khó khăn mà tôi cứ tưởng là chuyện đùa, nhưng khi chứng kiến Sở Công thương về nghiệm thu và bàn giao tiền hỗ trợ thì tôi mới giật mình. Thú thật là tôi mừng cho bà Hạnh, nhưng cũng lo vì thời buổi cạnh tranh này biết nghề có sống được hay không?”.

 

Chiếu sản xuất đến đâu bán hết đến đó khiến mọi nghi ngờ, bàn tán của nhiều người gần như tan biến. Ngoài duy trì các mẫu sản phẩm truyền thống, bà mày mò nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng sản phẩm. Chiếu được bán với giá từ 70.000 đến 80.000 đồng/chiếc, mỗi ngày sản xuất 8 đôi, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi 100.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, để tạo ra được nó cũng lắm bước công phu, đòi hỏi đôi tay người làm nghề phải khéo léo. Làm chiếu quan trọng nhất là khâu nhuộm màu. Người thợ phải biết phơi cói bao nhiêu “nắng” là đủ để có màu đẹp; đồng thời khéo léo trong việc phối hoa văn. Bà Hạnh cho biết: “Người học nghề phải qua được các bước này thì mới coi là lành nghề. Không ít người chỉ có thể làm các khâu phụ”.

 

Chị Hiền (con gái bà Hạnh) quyết cùng mẹ giữ nghề - Ảnh: T.THẢO

 

MỘT DẠ GIỮ NGHỀ

 

Sinh ra, lớn lên ở xứ Bắc nhưng bà Hạnh về làm dâu xứ nẫu. Ngày đó, mẹ chồng bà truyền nghề đến đâu bà nhớ đến đó và hứa khi mẹ mất sẽ kế tục nghề. Như định mệnh, mẹ mất, chồng mất, bà vẫn bám theo chiếu để nuôi con ăn học.

 

“Hồi trước chỉ cần bước ra ngoài đường thôi là nghe chuyện về chiếu, dễ dàng học hỏi lẫn nhau. Còn bây giờ, mình tự làm và tự rút kinh nghiệm. Để chiếu của mình làm ra cạnh tranh được trên thị trường đâu phải chuyện dễ. Giá như còn các cụ truyền lại nghề thì hay biết mấy”, bà Hạnh tiếc nuối. Nhưng bà cười mãn nguyện khi tôi nhắc đến chuyện theo nghề của lớp trẻ: “Ngày trước, không đứa nào để ý đến nghề này, thậm chí được truyền nghề miễn phí, tạo công ăn việc làm nhưng rất ít đứa theo. Còn bây giờ nhiều cháu tìm đến tôi để học nghề này lắm”. Thật may mắn, 3 người con của bà Hạnh dù tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định nhưng cũng quyết chí nối nghiệp mẹ. Cậu con trai út vừa tốt nghiệp đại học cũng quyết định ở nhà làm kỹ thuật cho mẹ. Con gái bà, chị Trần Thị Thu Hiền, cho biết: “Chồng là sĩ quan, bản thân là cán bộ nhưng rời túi xách là mình bắt tay dệt chiếu ngay. Mình lớn lên nhờ chiếu nên không thể quay lưng với nó và nhớ lời mẹ dặn: Cần có cái tâm với nghề”. Giờ đây, ai đến xin học nghề bà Hạnh cũng nhận dù máy móc còn thiếu. Bà Hạnh đúc kết: “Nhiều người biết nghề để cùng giữ nghề, đó là phúc cho đời sau”.

 

Ông Ngô Tận, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam cho biết: Trước đây, chiếu cói Thọ Lâm chưa có nhiều người mua. Vì vậy, sống được với nghề không phải là dễ, nhưng bà Hạnh vẫn âm thầm “giữ lửa” để làng nghề hồi sinh như hôm nay là điều rất đáng quý. Chúng tôi đã kiến nghị huyện cho mở rộng diện tích trồng cói để phục vụ làng nghề trong thời gian đến.

 

THÙY THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Săn bò tót” trong đêm
Thứ Bảy, 05/07/2014 17:00 CH
Rừng ươi bật “khóc”
Thứ Bảy, 28/06/2014 16:36 CH
Sống tạm bợ giữa phố thị sầm uất
Thứ Bảy, 14/06/2014 14:00 CH
Ai đang hất đi bát nước đầy?
Thứ Bảy, 07/06/2014 08:08 SA
Hành trình “xẻ dọc Trường Sơn”
Thứ Bảy, 31/05/2014 08:57 SA
Một thời gian lao và hào hùng
Thứ Sáu, 30/05/2014 07:37 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek