Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, song ký ức một thời đạn bom và khát vọng cuộc sống hữu ích hôm nay vẫn không ngừng chảy trong mỗi con người Việt Nam yêu nước. Với các cựu chiến binh đường Trường Sơn năm xưa, tinh thần ấy còn mãnh liệt hơn. Loạt bài “Tiếng vọng Trường Sơn” như là món quà tri ân các chiến sĩ đường Trường Sơn nhân kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7).
Vượt quãng đường dài gần 700km cùng cái nắng như đổ lửa của những ngày hè, hơn 20 cựu binh Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên đến với Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - một “ngôi nhà chung” được dựng lên trên đồi Bến Tắt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) để tri ân những người con anh hùng.
CÕI THIÊNG GIỮA ĐẠI NGÀN
Đứng ngoài nhìn vào, nghĩa trang như một lâm viên với những cánh rừng bạt ngàn thông reo. Vào sâu bên trong, nghĩa trang tĩnh lặng, thâm nghiêm. Khi xe dừng ở chân đồi Bến Tắt, các cựu binh nhanh chóng leo lên những bậc thang, xếp thành hai hàng, đứng nghiêm trang dâng hương, hoa lên đài tưởng niệm. Giữa bạt ngàn bia mộ, tượng đài bằng đá trắng, cao vút, uy nghiêm và sừng sững. Nơi đây khói hương nghi ngút tỏa.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn rộng 52ha, nằm trên 5 quả đồi sát bờ sông Bến Hải, thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại; đồng thời, là nơi tôn vinh hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước và trong những năm chiến tranh ở biên giới của đất nước. |
Nhiều cựu chiến binh, thanh niên xung phong lần đầu đến với nghĩa trang để dâng hương cho đồng đội đã không giấu nổi niềm xúc động trước quy mô và sự trang nghiêm của nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất cả nước. Hàng ngàn ngôi mộ trải dài típ tắp, phủ trắng cả khu đồi. Xen giữa các khu mộ là đồi cây, lối đi lát đá và hoa nở hai bên. Từ khu tưởng niệm nhìn ra phía trước là hồ nước trong xanh. Nghĩa trang nằm ở thế “địa linh” với đồi núi, sông suối bao quanh. Bà Nguyễn Thị Liên, Phó chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Đông Hòa, bộc bạch: “Dẫu đã nghe nhiều người nói về Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn nhưng đến đây, tôi vẫn quá đỗi ngạc nhiên trước sự rộng lớn của nơi này. Các khu mộ đều được phân theo vùng miền và mỗi khu đều có nhà tưởng niệm mang tính đặc trưng của từng địa phương. Tôi thấy ấm lòng vì đồng đội mình đã có một chốn an nghỉ khang trang, sum vầy”. Còn ông Lê Bá Được (79 tuổi), nguyên chiến sĩ Đoàn 70, Đoàn vận tải chuyển hàng đưa quân vào miền Nam, Đoàn 559, cho biết rất ấn tượng với các nhóm tượng đài khuôn viên nghĩa trang. Nhóm tượng “lên đường” bằng đồng thể hiện không khí rạo rực lên đường của đoàn quân. Nhóm tượng “tiễn con lên đường” với hình ảnh mẹ già bịn rịn lúc con đi. Nhóm tượng “thanh niên xung phong” với những cô gái mở đường, gùi hàng… “Mỗi nhóm tượng đài đều mang một hình thù riêng. Tất cả những bức tượng ấy đã làm sống lại những ký ức hào hùng về một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước trong các cựu chiến binh chúng tôi”, ông Được tâm sự.
Trong suốt 6.000 ngày đêm khai mở, giữ vững và phát triển con đường Trường Sơn huyền thoại, hơn 1 vạn chiến sĩ đã ngã xuống ở tuổi mười tám, đôi mươi xanh ngời. Để rồi, khi đất nước hòa bình, các anh cùng về đây, nằm kề bên nhau yên nghỉ dưới lòng đất mẹ, giữa sự biết ơn của bao người Việt đang sống…
Theo ông Hồ Tất Ái, Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, từ cuối năm 1974, những ngôi mộ liệt sĩ đầu tiên đã được quy tập về đây. Nhưng đến cuối tháng 10/1975, nghĩa trang này mới được xây dựng và hoàn thành vào tháng 4/1977. “Toàn bộ nghĩa trang được chia làm 5 khu và 68 ngôi mộ vô danh. Cùng với sự vươn mình đổi thay của đất nước, nghĩa trang đã trải qua 3 lần tôn tạo, trùng tu và nâng cấp, trở thành một công trình của văn hóa tâm linh, một minh chứng bi hùng của cuộc chiến tranh cách mạng dân tộc thế kỷ XX”, ông Ái cho biết.
NÉN NHANG CHO NGƯỜI NẰM XUỐNG
Đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đứng trước hơn 10.000 ngôi mộ liệt sĩ trải dài trên đồi núi mênh mông, nhiều cựu chiến binh Hội Truyền thống Trường Sơn - Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên đã rưng rưng xúc động khi nghĩ về đồng đội. Đặt bó hoa cúc lên mộ người đồng đội đã từng vào sinh ra tử, một cựu thanh niên xung phong khe khẽ đọc những dòng thơ xúc động: “Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn/Nơi gặp gỡ những người con/Thời gian không thêm tuổi/Nơi chiến trường và hậu phương xích lại/Tên liền dòng trên bia đá xanh/Ngày sinh và ngày hy sinh/Cách nhau nửa quãng đời tuổi trẻ” (Ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn - Vương Trọng). Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi dâng hương tại khu mộ 68 liệt sĩ vô danh.
Phú Yên tự hào có 6 người con anh hùng yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Trong đó, có 5 ngôi mộ nằm ở khu mộ Nam Bộ. Chỉ riêng mộ của liệt sĩ Lê Phụng Kỳ, nguyên thiếu tá, Chính ủy Binh trạm 36, Đoàn 559 (quê Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) nằm liền kề bên phải tượng đài. Từng gắn bó mật thiết với liệt sĩ Phụng Kỳ, từ khi cùng công tác ở miền Bắc vào những năm 1958-1959 đến lúc vào chiến trường Trường Sơn, trung tá Trần Thành Chính, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên, nguyên Phó chính ủy Trung đoàn 142 Bộ đội Trường Sơn không giấu nổi xúc động khi nhắc về người anh cùng chia nhau từng vắt cơm, từng tăng võng với mình. Ông Chính bộc bạch: “Tính tình anh Phụng Kỳ vui vẻ, nói chính trị hay và rất có duyên nên được nhiều người yêu quý, nể trọng. Tôi còn nhớ như in cái ngày anh mất. Đó là vào đêm 13/5/1969, lợi dụng lúc địch ngừng thả bom, anh Phụng Kỳ xuống mép nước thăm dò tình hình để chuẩn bị chỉ huy bộ đội vượt sông Bạc từ hào Nam sang bờ Bắc, tức từ tỉnh A-tô-pư đi tỉnh Sa-la-van, nhưng không may, đúng lúc máy bay của địch bất ngờ quay lại quần phá và đánh bom tọa độ. Anh em trong đơn vị đã dùng vỏ hòm đạn B41 đóng làm quan tài chôn liệt sĩ Kỳ tại chân đèo bản Long, cách mép sông Bạc chừng 40m. Sau khi nghĩa trang này được thành lập, hài cốt anh Kỳ và một số liệt sĩ khác được đưa về đầu tiên”.
Còn với anh Lê Phú Tân, con trai liệt sĩ Phụng Kỳ, dẫu đã 7 lần đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn để dâng hương cho ba mình, nhưng mỗi khi đến đây, khóe mắt anh lại cay xè. Anh Tân thổ lộ: “Lúc đầu, gia đình tôi có ý định đưa hài cốt ba tôi về quê nhà để gần gũi, tiện bề chăm nom, nhưng khi đến nghĩa trang, thấy mộ phần được các quản trang chăm sóc chu đáo, tôi rất hài lòng. Đồng đội ba tôi cũng thường xuyên đến đây dâng hương cho ông. Tôi rất tự hào vì ba mình đã có quãng đời thanh xuân hào hùng. Ông đã chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng cao đẹp. Tôi nguyện noi gương ba vì nước quên thân, vì dân quên mình”.
“CÁC ANH TRỞ THÀNH BẤT TỬ…”
Nán lại ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn một buổi sáng, chúng tôi thấy nơi đây không lúc nào ngơi người đến dâng hương. Ngoài các cựu chiến binh đến thăm đồng đội cũ, thân nhân của các liệt sĩ đến viếng mộ, còn có rất nhiều đoàn, nhiều cá nhân đến đây như về chốn tâm linh. Chẳng ngại vượt dặm đường xa, họ tìm đến, lặng thầm thắp hương, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ. Tới đây, ai cũng có ý thức giữ yên lặng khi đi lại, nói chuyện để không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của các anh chị. Trong lòng mỗi người trào dâng sự xúc động, nghẹn ngào. Đó không chỉ là niềm thương tiếc, xót xa mà xen lẫn lòng biết ơn, tự hào và thầm nguyện cầu cho các anh chị yên giấc ngàn thu.
Mỗi năm, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn đón hơn 70.000 lượt khách đến viếng trong niềm biết ơn chân thành. Sau khi dâng hương cho các liệt sĩ, mọi người thường tề tựu dưới gốc cây bồ đề xanh lá hơn 40 năm tuổi nghe đại diện Ban quản lý nghĩa trang kể những câu chuyện linh thiêng ở đây. Nào là chuyện họ nhiều lần gặp vong hồn các liệt sĩ về thăm hỏi; nghe thấy tiếng các anh tập thể dục, hát hò, tiếng bước chân hành quân, chào cờ, hô khẩu hiệu… Và chuyện các thân nhân liệt sĩ mấy chục năm trời đằng đẵng tìm tung tích các anh, khi đến nghĩa trang, như có người đưa đường dẫn lối tìm đến ngay ngôi mộ khắc tên người thân của mình. “Những chuyện tâm linh đầy tính nhân bản ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn không làm tôi sợ hãi mà ngược lại, giúp tôi cảm nhận được rằng, các liệt sĩ vẫn đang hiển hiện đâu đây, thật gần gũi, thiêng liêng. Tin rằng trong tâm khảm của tôi và hàng triệu người dân Việt, những hùng binh Trường Sơn đã trở thành bất tử. Các anh sống mãi trong lòng đất mẹ, trong lòng nhân dân theo suốt chiều dài lịch sử của dân tộc”, bà Lê Thị Vân, quân y Viện 112 chuyên phục vụ Bộ đội Trường Sơn, chia sẻ.
Rời nghĩa trang, đi dưới những vòm cây xanh tỏa bóng mát sườn đồi, chúng tôi không khỏi nghẹn lòng trước những điều hiện hữu quanh mình và càng thấm thía hơn việc phải gìn giữ giá trị của hòa bình, độc lập.
Bài 2: Lắng lòng nơi “đất lửa”
HÀ KIỀU MY