Sau nhiều đêm ẩn mình trong rẫy “mai phục” bò tót, chúng tôi chỉ nghe được tiếng bò rống vọng lại từ phía núi; nhóm “thợ săn” chúng tôi đành ra về tay không, con bò tót vẫn còn là ẩn số…
“MAI PHỤC” TRONG ĐÊM
Mấy ngày qua, người dân huyện Đồng Xuân không ngớt lời bàn tán, đồn thổi về vụ bò tót trên núi thường xuyên xuất hiện trong đêm tối, xuống làng phá hoa màu của nông dân thôn Đồng Hội (Xuân Quang 1). Từ nguồn tin này, sau khi chuẩn bị máy móc, dụng cụ cần thiết để đảm bảo an toàn, khoảng 18 giờ chiều 1/7, nhóm “thợ săn” không chuyên chúng tôi khăn gói từ thị trấn La Hai lên thôn Đồng Hội, nơi mà người dân phát hiện và khẳng định rằng bò tót liên tục xuất hiện vào ban đêm.
Sau khi vượt quãng đường gần 30km đồng dốc, bụi mù, tiếp cận hiện trường và được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn, chúng tôi chia làm 2 nhóm, chọn 2 vị trí lý tưởng để “mai phục” ghi hình khi bò tót xuất hiện. “Màn trời, chiếu đất”, nhóm 5 người chúng tôi (gồm 3 phóng viên, 1 kiểm lâm viên, 1 người dân) ngả mình nằm trên một đống cát nhỏ do người dân tập kết để xây chòi canh rẫy, bắt đầu cuộc “săn” bò tót.
Đêm, triền núi miền sơn cước tĩnh lặng đến lạnh gáy, không tiếng động gì khác ngoài tiếng muỗi bay, kêu như ve sầu bên tai và những tiếng ngáy phát ra từ các “thợ săn” đã thấm mệt trong giấc ngủ sâu. Đến khoảng 2 giờ sáng, bất chợt một người trong nhóm phát hiện tiếng động lạ phát ra từ phía hàng rào đám rẫy trước mặt, cách vị trí chúng tôi chừng 10m. Nhà báo Đoàn Thế Lập, Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Phú Yên, nói khẽ: “Dậy, dậy, hình như bò tót xuống núi”. Cả nhóm bừng tỉnh, rón rén tìm máy ảnh, máy quay phim để kịp ghi lại hình ảnh bò xuất hiện. Niềm vui chưa đến đã vụt tắt khi chúng tôi nghe tiếng xào xào như cây đổ, rồi vài giây sau đó là tiếng bò rống vọng lại từ phía núi đằng xa như trêu tức.
Điều làm chúng tôi hết sức bất ngờ là khi bò tót đã “cao chạy, xa bay”, trong ánh sáng lờ mờ, chập choạng, đột nhiên xuất hiện nhiều nhóm người chui ra từ các lùm cây, đám mía. Vậy mà trước đó, chúng tôi cứ tưởng rằng duy nhất chỉ có nhóm mình “tham chiến” ở đây.
Ai nấy tay bắt mặt mừng, cùng tiếp cận hiện trường, ghi lại những dấu vết bò tót để lại rồi bàn phương án tác nghiệp lần sau.
BÒ LẠ GÂY XÔN XAO
Theo nhiều người dân thôn Đồng Hội, hơn một tháng nay, đêm đêm (từ khoảng 12 giờ đêm đến 3 giờ sáng), có 2 con bò tót từ khu rừng gần suối Bà Tiền (cách khu dân cư khoảng 2km) xuống rẫy tìm thức ăn, uống nước. Đám rẫy bị chúng phá nhiều nhất là của gia đình hai ông Trần Văn Bình và Trần Đình Cường. Ông Lê Quốc Hải, Trưởng thôn Đồng Hội, người thường xuyên bắt gặp con bò này cho biết, đêm nào chúng cũng xuống đám bắp, sắn, mía của người dân để cắn phá. Con bò này rất nhát, khi nghe động tĩnh hoặc hơi người là nó bỏ chạy vào rừng.
Tại hiện trường lúc mờ sáng ngày 1/7, chúng tôi nhận thấy trên ruộng bắp của 2 ông Bình, Cường và đám cỏ trồng xung quanh có nhiều vết chân bò lớn, nghi là bò tót. “Ước đã có hơn 5.000m2 cây trồng tại đây bị bò ăn, đạp nát. 2 con bò thường xuyên xuống núi là bò tót có lông màu đen xám, phần dưới cả 4 chân đều có màu lông trắng, sừng dài, nhọn. Một con nặng gần 1 tấn, con còn lại khoảng 700kg” - ông Lê Quốc Sơn, người có rẫy tại khu vực này cho hay. Sau khi đi thực tế, ông Đặng Chí Hậu, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1 cũng cho rằng, con bò lạ trên nặng khoảng 1 tấn, có 4 chân lông màu trắng, nghi là bò tót.
Trao đổi với Báo Phú Yên, ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh nói: “Chúng tôi đã đi kiểm tra thực tế. Tại hiện trường ngày 2/7, nơi con bò lạ đã phá rẫy của người dân, có hai dấu chân khác nhau. Dấu chân lớn rộng khoảng 13cm, dấu chân nhỏ khoảng 7cm. Đây có thể là dấu chân trước và chân sau của một con bò, nhưng cũng có thể là dấu chân của một con lớn, một con nhỏ như người dân phản ánh. Con bò này chỉ ăn phần ngọn và trái bắp chứ không ăn cả thân như bò thông thường. Qua kiểm chứng từ phía người dân và thực địa, khu vực này không có ai chăn thả bò, nhất là vào ban đêm, nên có thể khẳng định con bò lạ đi ra từ trong rừng, nhưng chưa biết chúng thuộc loài nào. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền người dân không bẫy, săn bắt bò trái phép, đồng thời ngăn chặn các đối tượng lợi dụng để trục lợi”. Ông Công cho biết đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện cử lực lượng luân phiên bám trụ, ghi hình con bò lạ khi nó xuất hiện trong mọi tình huống. Nếu đúng là bò tót, sẽ báo cáo lên cơ quan chức năng để có biện pháp bảo vệ. Đơn vị cũng đã trang bị thêm ống nhòm hồng ngoại (thiết bị quan sát ban đêm) cho lực lượng canh giữ để quan sát hoạt động của con bò từ xa. Sáng 4/7, Chi cục Kiểm lâm tăng cường lực lượng cùng với địa phương tuần tra khu rừng cách rẫy của người dân thôn Đồng Hội hơn 1km tìm dấu vết, tung tích con bò để có biện pháp tiếp theo.
Theo ông Vũ Công Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân, thời bao cấp, Ban Định canh, định cư huyện nuôi thả rong hàng trăm con bò. Trong thời gian dài, bò sinh sản nhiều nên bị lạc trong rừng và trở thành bò hoang. Nay gặp thời tiết nắng nóng kéo dài, cây cỏ khô héo, các con suối kiệt nước nên chúng thiếu thức ăn, khát nước buộc phải ra khỏi rừng xuống rẫy kiếm ăn. Việc người dân cho rằng, bò xuống núi phá rẫy ở thôn Đồng Hội là bò tót, hiện chưa có cơ sở để khẳng định. Hạt Kiểm lâm huyện đang huy động lực lượng xác minh thông tin, ghi lại hình ảnh thật, đồng thời bảo vệ người dân tránh khỏi nguy hiểm, thiệt hại do con bò lạ này gây ra.
Ông Nguyễn Thành Long, cán bộ kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân: Đêm 3/7, lực lượng “mai phục” và phát hiện con bò lạ mà người dân cho là bò tót xuất hiện ở vị trí cũ. Tuy nhiên, do máy ảnh có cấu hình thấp nên khi chụp, máy chỉ ghi lại được một vệt sáng ngay trước mặt, không thấy bóng dáng con bò để báo cáo lên cấp trên.
PHƯƠNG NAM