Thứ Bảy, 05/10/2024 08:22 SA
Nguy cơ “xóa sổ” rừng giáp ranh
Bài 1: Cuộc chiến không cân sức
Thứ Năm, 29/08/2013 07:35 SA

Tình trạng phá rừng tại địa bàn các xã Ea Trol, Ea Ly (Sông Hinh), giáp ranh với huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) gần đây càng diễn biến phức tạp. Lợi dụng việc mở đường khai thác rừng trồng của các doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk, lâm tặc mở nhiều đường nhánh vào khu vực rừng già thuộc địa bàn xã Ea Trol, dùng nhiều thiết bị, phương tiện chuyên dùng khai thác rừng trái phép với quy mô lớn. Mặc dù Chi cục Kiểm lâm 2 tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk đã có cam kết “chung tay” bảo vệ, từng lập chốt ngay tại cửa rừng để ngăn chặn nhưng thực trạng phá rừng vẫn “nóng”, dẫn đến nguy cơ “xóa sổ” nhiều khu rừng tự nhiên đầu nguồn.

Bài 1: Cuộc chiến không cân sức

Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Hinh thuộc Sở NN-PTNT được giao quản lý gần 20.000ha rừng, trong đó có 16.597ha rừng tự nhiên giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk. Những năm vừa qua, tình trạng phá rừng nơi đây diễn ra rầm rộ, trong khi đó, lực lượng bảo vệ quá mỏng, không được trang bị công cụ hỗ trợ nên thường xuyên bị lâm tặc uy hiếp.

R2130829.jpg

Lực lượng chức năng tịch thu tang vật của lâm tặc phá rừng tại tiểu khu 309 thuộc địa bàn xã Ea Trol (Sông Hinh)- Ảnh: P.NAM

“MIẾNG MỒI” NGON CHO LÂM TẶC

Là đơn vị trực thuộc Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Hinh, Trạm quản lý, bảo vệ rừng buôn Đức được giao trọng trách giữ hơn 3.000ha rừng; trong đó có nhiều tiểu khu giáp ranh với huyện M’Đrắk (Đắk Lắk). Ông Võ Trọng Bình, Phó giám đốc phụ trách Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Hinh cho biết: “Tình trạng phá và lấn chiếm đất rừng giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk đang diễn ra hết sức phức tạp. Tại các khu 299, 305, 309, rừng phong phú, đa chủng loại gỗ có giá trị kinh tế cao, nên thu hút lâm tặc, chủ yếu là ở tỉnh Đắk Lắk tham gia khai thác rừng trái phép với quy mô lớn. Trong khi đó, muốn tuần tra, kiểm soát rừng khu vực này, chúng tôi phải đi đường vòng hàng chục cây số qua huyện M’Đrắk nên gặp rất nhiều khó khăn”.

Theo Sở NN-PTNT, ranh giới rừng tiếp giáp giữa huyện Sông Hinh (Phú Yên) với huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) dài hơn 20km. Khu vực này phần lớn là rừng tự nhiên với nhiều loài gỗ quý như chò, huỷnh, trâm, gõ… tập trung chủ yếu ở các xã Ea Trol, Ea Ly, Ea Bar do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh quản lý. Rừng ở khu vực này được đánh giá chủ yếu là rừng giàu với trữ lượng gỗ trung bình trên 200m3/ha, cây có đường kính phổ biến từ 40cm đến hơn 1,3m. Do rừng nằm trên núi cao, hiểm trở, bị chia cắt bởi các con suối Ea Trol, Ea Cơ, Ea Doal. Khu vực này không có đường giao thông và đường lâm nghiệp, lại nằm cách xa các khu dân cư của huyện Sông Hinh, nên rất khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng. Trong khi đó, về phía huyện M’Đrắk (Đắk Lắk), thì có địa hình khá bằng phẳng, giao thông thuận lợi, mật độ dân cư sinh sống dày, tạo sức ép tiêu cực cho các khu rừng màu mỡ hàng trăm năm tuổi của tỉnh Phú Yên.

R6130829.jpg
Những cây chò đại thụ bị lâm tặc đốn hạ tại tiểu khu 309 thuộc địa bàn xã Ea Trol (Sông Hinh) - Ảnh: A.NGỌC

CUỘC CHIẾN KHÔNG CÂN SỨC

Chỉ có 4 người nhưng Trạm quản lý, bảo vệ rừng buôn Đức phải đảm trách nhiệm vụ kiểm soát gần 3.000ha rừng ở địa bàn giáp ranh là nhiệm vụ vô cùng nặng nề. Trong khi đó, công cụ hỗ trợ của người giữ rừng nơi đây không có gì khác ngoài những cây gậy được sơn xanh, đỏ và một vài khoản “phụ cấp” ít ỏi, nên công việc của họ không thể làm gì khác hơn ngoài việc tuần tra mà mọi người nói vui là “cưỡi ngựa xem hoa”. Một nhân viên thuộc đơn vị này cho biết: Lâm tặc thường tập trung thành từng nhóm hàng chục người, chúng phân chia các khu rừng, dùng cưa lốc hạ những cây gỗ lớn. Khi bị phát hiện, chúng dùng cưa lốc, dao, rựa, thậm chí cả súng kíp chống trả quyết liệt, giành lại dụng cụ khai thác từ tay lực lượng bảo vệ rừng. Nếu không được lực lượng công an và kiểm lâm hỗ trợ kịp thời, nhân viên bảo vệ rừng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Theo các cán bộ Trạm quản lý, bảo vệ rừng buôn Đức, chỉ cần 3 máy cưa lốc, một đêm lâm tặc có thể hạ từ 20 đến 30 cây gỗ lớn, phát hộp tại chỗ, dùng xe cơ giới vận chuyển ra bìa rừng. Do lực lượng quản lý bảo vệ rừng mỏng, lại không được trang bị công cụ hỗ trợ cần thiết nên khi tuần tra, lực lượng của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh dường như bất lực, thậm chí còn vô tình tạo tác dụng ngược, “đánh động” cho lâm tặc ẩn náu, chờ lực lượng tuần tra rút, lại mặc sức phá rừng. Anh Huỳnh Hiếu, cán bộ lâm nghiệp Trạm quản lý, bảo vệ rừng buôn Đức kể, trong một đợt tuần ra mới đây, lực lượng gồm 4 người, dựng 2 mô tô ở cửa rừng, rồi vượt dốc, lặn lội gần 3km rừng già kiểm tra rừng. Khi quay trở ra, mọi người mới “tá hỏa” thấy 2 mô tô bị lâm tặc cắt lốp, đổ đất vào lốc máy, buộc anh em phải khiêng xe thoát ra khỏi rừng trước khi trời tối, tránh bị lâm tặc bao vây, tấn công. Sau đó, anh em dắt xe hàng chục cây số đến tiệm sửa xe súc rửa động cơ, thay phụ tùng, mới trở về được đơn vị.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cách đây vài năm, người dân tự mở đường, dùng xe độ đưa hàng chục hộ dân, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số Dao, Mông di cư từ các tỉnh phía bắc và Đắk Lắk vào thành lập làng sinh sống dọc bờ suối Tre và suối Trỏ thuộc khu vực rừng Phú Yên, chiếm đất rừng để sản xuất và khai thác rừng trái phép. Sau đó bị lực lượng chức năng truy quét, phá cầu khỉ, hoa màu, buộc họ ra khỏi rừng. Tuy nhiên, đầu năm 2012, khi các doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk mở đường khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng giáp ranh với rừng tự nhiên đầu nguồn thuộc xã Ea Trol, vô tình đã tạo điều kiện thuận lợi cho lâm tặc băng núi, ồ ạt phá rừng. Anh Huỳnh Hiếu cho biết thêm, tháng 7/2012, đối tượng Ma Huân, trú xã Cư Prao, huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) dùng xe đào mở đường xâm phạm sâu vào rừng tự nhiên thuộc địa bàn xã Ea Ly, hạ 7 cây gỗ thì bị bắt quả tang. Lực lượng bảo vệ rừng đã phải khóa ống nhớt xe đào, không cho đối tượng điều khiển phương tiện bỏ trốn. Tuy nhiên, do trời tối, anh em buộc phải rút ra khỏi rừng để bảo đảm an toàn tính mạng, chờ sự giúp sức, hỗ trợ của lực lượng chức năng để xử lý nên ngay trong đêm đó, đối tượng đã đưa xe đào về cất giấu tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nhưng đã bị công an bắt giữ, xử phạt 190 triệu đồng và truy tố trước pháp luật.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Bài 2: Thâm nhập rừng già

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Khi nông dân cầm micro hát
Thứ Hai, 26/08/2013 14:00 CH
Con trẻ miền núi ăn xin
Thứ Bảy, 24/08/2013 14:00 CH
Nhớ lắm Trường Sa
Thứ Bảy, 17/08/2013 14:00 CH
Hồi ức của một lính pháo
Thứ Tư, 14/08/2013 08:35 SA
Giữ nghề đan nong tre
Thứ Bảy, 10/08/2013 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek