Trước đây ở miền quê hầu như nhà nào cũng có nong tre để phơi lúa trên sân đất. Khi đời sống phát triển, sân đất ngày nào đã được “xi măng hóa” cộng với sản phẩm mới ra đời làm công cụ phơi nông sản thay thế chiếc nong. Tuy vậy, ở thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2 (Đồng Xuân) vẫn còn một người giữ nghề đan nong tre.
Cụ Điềm (84 tuổi) người duy nhất ở xã Xuân Quang 2 “giữ lửa” nghề đan nong - Ảnh: M.H.NAM
GIỮ NGHỀ XƯA
Cụ Phạm Điềm ở tuổi 84, nhưng vẫn còn khỏe. Vừa đi thăm đồng về, uống ly nước trà là ông ngồi xuống cầm rựa vót nan. Đôi tay còn dẻo, quen nghề nên từng nan ông vót mỏng, đều. Chỗ sân đất rộng chếch ra phía sau hè là nơi “năm này qua tháng nọ” ông ngồi vót nan, đan nong. Ông cho biết, vót nan phải tỉ mẩn. Nan nghiêng là chẻ cây tre ra có phần cật và ruột, còn nan ngửa thì nan cật riêng, nan ruột riêng. Thường đan nong đan nan ngửa cho nong chắc bền. Tuy nhiên đan nan cật thì tốn nhiều tre vì thế đan xen một nan cật và một nan ruột. “Nghề này ngồi trong mát nhưng nhọc công dữ lắm! Chỉ tính khâu lận vành nong phải chọn cây tre đực lâu năm, chẻ ra vót thanh tre dày to bằng 3 ngón tay người lớn, sức trai mới uống cong tròn lại được. Tuổi già như tôi phải dùng “thế”, dựa một đầu vào vách nhà, vất vả lắm mới lận được vành nong”, cụ Điềm nói.
Ngưng một lát, uống thêm ngụm nước trà, ông kể, hồi khoảng 10 tuổi, thế hệ ông lúc đó đứa nào không đi chăn bò thì ẵm em mòn hông. Nhà 5 anh em, ông được cha mẹ phân công ẵm em. Ngày nào bồng em qua nhà hàng xóm chơi, ông chăm chú nhìn người lớn đan nong. Hai năm sau đó, ông biết cách đan nong, năm sau nữa biết lận vành, léo viền.
Nói đến đây, cụ Điềm lo lắng: “Khác với các loại sản phẩm khác như đan ky, giỏ, rổ rá thì khâu léo viền nong đòi hỏi bằng dây mây, chỉ có dây mây mới giữ nong tre khỏi bùng vành. Trong khâu léo viền là làm sao vành nong tròn đều là một “bí quyết” khó, vì thế hiện nay lớp già như tôi có nhiều người khuất núi, lớp trẻ mấy ai còn biết được khâu léo viền?”.
Đề cập đến thời “vàng” của nghề đan nong tre, cụ Điềm nhớ lại, 20 năm trở về trước nghề đan nong ở xóm này rất thịnh. Vào mùa mưa lũ, công việc đồng áng gác lại thì nghề đan nong bắt đầu rầm rộ. Có nhà 4 đến 5 người thay phiên nhau, người chẻ tre, vót nan, người thì ngồi đan. Nhiều nhà chong đèn dầu đan đến nửa đêm, gà gáy. Sản phẩm làm ra đem lên tận các xã Xuân Phước, Xuân Sơn Bắc cách xóm 30 đến 40 cây số để bán. Trước đó nữa thì bán nong đổi lấy lúa. Một cái nong đổi 5 giạ lúa (tương đương 5 thúng lúa) gánh về. Nhiều gia đình có của ăn của để từ nghề đan nong tre.
Hồi đó là vậy, bây giờ trong xóm chỉ còn mình ông cần mẫn ngồi đan nong tre. Theo ông, đan cho “lấy có”. “Trước đây đan một ngày xong cái nong, còn nay lận vành lâu lâu mới lấy ra đan, vài tháng mới hoàn thành một cái. Đan xong gác trên gác bếp chờ cả năm mới có người hỏi mua”, cụ Điềm tỏ ra buồn lòng.
Tuy vậy, nói về “giữ lửa” nghề đan nong tre, ông tự hào với một câu nói vui: “Nong tre có từ thời Thánh Gióng. Đó là lúc Thánh Gióng ăn xong 3 nong cơm, 3 nong cà lớn như thổi cưỡi ngựa sắt đánh giặc. Tôi đan nong tre là giữ cái nghề cổ truyền có từ thời Thánh Gióng đến tận ngày nay”.
3 cái nong cũ được bà Hương lưu giữ - Ảnh: M.H.NAM
VẪN CÒN CÔNG DỤNG?
Gần đây các loại sản phẩm nghề truyền thống gần như mai một vì hàng nhựa ra đời chiếm lĩnh thị trường. “Rổ, rá nhựa bây giờ có nhiều sản phẩm nhưng nong nhựa thì chưa thấy ai bán. Nong nhựa không khó làm nhưng không bao giờ sản xuất vì nhẹ nhưng cồng kềnh. Hơn nữa hiện nay phơi lúa trên xi măng, bằng tấm bạt to rộng, vì vậy nong nhựa “lỡ” sản xuất ra bán không ai mua. Nong tre tồn tại chỉ đan đát bằng nghề truyền thống. Bây giờ con cháu trong xóm đứa nào học tôi sẵn sàng truyền nghề”, cụ Điềm quả quyết.
Rời nhà cụ Điềm, chúng tôi tìm đến nhà bà Trương Thị Hương, ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3, người còn cất giữ nguyên vẹn 3 cái nong tre cũ. Bà Hương cho hay, cách đây 10 năm bà mua 3 cái nong tre này từ một người ở thôn Triêm Đức vác đến tận nhà bán. Bà nói: “Tôi mua 3 nong về phơi một mùa lúa, hai mùa đậu phộng. Sau đó sân đất trước nhà tráng xi măng, tôi dựng cái nong trên bậc thềm. Sợ mối mọt ăn, đem treo sau vách hậu gần bếp nên mới còn nguyên đến bây giờ. Nói đâu xa, cả xã này không có ai còn cặp nong cũ như tôi”.
Bà Hương còn kể, ở miền quê thời nhà tranh vách đất rồi đến thời nhà vách đất lợp ngói thì “mười nhà như chục” nhà nào cũng có nong tre để khi vào mùa thu hoạch phơi lúa, sắn, đậu… Đến khi cả xóm đều có nhà xây, sân xi măng thì nong tre không còn vì chỉ cần bỏ ngoài mưa nắng hai năm sau thì bùng vành, gãy mục. Theo bà Hương, bà cố giữ nong tre làm…kỷ niệm!
Lâu lâu đến mùa thu hoạch lúa, bà Hương dùng mấy cái nong tre làm “bàn ăn” cho những người gặt lúa ngồi ăn nửa buổi. “Người gánh lúa áo quần dính bùn đất nên ngả cái nong tre dọn ăn tiện nhất. Xong rồi tôi đem treo chỗ cũ”, bà Hương kể.
Nghe chúng tôi hỏi về thời mua nong tre về phơi nông sản, anh Đinh Văn Phước (54 tuổi), giáo viên Trường tiểu học Xuân Phước 1, kể liền một mạch, phơi nông sản trên nong tre rất tiện, khi mưa rào bất ngờ ập đến, chỉ cần nhấc nong lên lắc mạnh dồn lúa hay sắn lại một phía, khiêng lên đặt chỗ hiên nhà, thì không bị ướt. Chứ bây giờ phơi sân xi măng hay tấm bạt, hễ mưa là lúa bị ướt vì thu dọn không kịp. “Hôm rồi tôi mua bao lúa hạt đỏ từ một người quen ở Tuy An về phơi sân xi măng làm giống. Mưa to hốt không kịp làm lúa ướt nhũng. Mấy ngày sau mưa tiếp tục kéo dài, lúa ẩm móc ngâm ủ không nảy mầm. Uổng thật. Nếu có cái nong phơi thì ăn chắc rồi!”, anh Phước tiếc.
Tuy rất ít nhưng vẫn còn người thích dùng đến nong tre. Và cụ Điềm vẫn hy vọng sẽ truyền lại cho lớp trẻ để tiếp tục giữ cái nghề mà cụ cho là gắn bó với nông dân.
MẠNH HOÀI NAM