Chủ Nhật, 24/11/2024 07:43 SA
Nguy cơ “xóa sổ” rừng giáp ranh
Bài 2: Thâm nhập rừng già
Thứ Sáu, 30/08/2013 10:25 SA

Bài 1: Cuộc chiến không cân sức

Cùng 2 cán bộ kiểm lâm và Trạm quản lý, bảo vệ rừng buôn Đức, nhóm phóng viên Báo Phú Yên quyết định thâm nhập tiểu khu 309 thuộc địa bàn xã Ea Trol (Sông Hinh) giáp ranh với xã Ea M’Doal (M’Đrắk, Đắk Lắk) để “mục sở thị” nạn phá rừng già nơi đây.

R9130830.jpg

Gỗ do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh thu giữ tại tiểu khu 309 - Ảnh: A.NGỌC

GIAN NAN ĐƯỜNG VÀO RỪNG

Để đến được tiểu khu 309, nơi diễn ra hàng loạt vụ phá rừng trong vài năm trở lại đây, chúng tôi phải vòng qua huyện M’Đrắk, Đắk Lắk với gần 30km đường mòn dốc dựng đứng, sình lún, đất đá lởm chởm mới đến được bản Mông (thôn 4, xã Ea M’Doal, M’Đrắk). Đây là một trong những địa bàn có rừng giáp ranh với tỉnh Phú Yên. Khi chỉ còn cách tiểu khu 309 chừng 5km, chúng tôi bắt gặp hai bên đường nhiều lán trại được người dân dựng lên để khai thác rừng trồng. Xa hơn, là những dãy núi cao hàng trăm mét, dài hàng chục cây số đã được phủ xanh bởi cây keo có độ tuổi từ 5 đến 10 năm. Để khai thác rừng trồng này, đầu năm 2013, các doanh nghiệp của tỉnh này đã mở con đường rộng từ 3 đến 5m vào khu vực rừng trồng để vận chuyển gỗ. Và hiện đã có hàng trăm hécta keo được khai thác, đốt cháy thực bì, để lại những cánh rừng trơ trọi.

Anh N.V.T, cán bộ Trạm Kiểm lâm số 2, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ núi Vọng Phu, thuộc Ban quản lý dự án Rừng phòng hộ núi Vọng Phu (Đắk Lắk) cho biết, trạm có 10 người, quản lý hơn 19.000ha rừng tự nhiên và khoảng 10.000ha rừng trồng, nằm ở địa bàn các xã Ea Trang, Cư Róa, Ea M’Lay, Chư M’Ta và Ea M’Doal; trong đó rừng thuộc địa bàn xã Ea M’Doal và Ea M’Lay giáp ranh với rừng Phú Yên. Anh T. thừa nhận, thời gian gần đây, nhiều người dân của tỉnh Đắk Lắk qua địa bàn Phú Yên phá rừng, khai thác gỗ trái phép. Mặc dù đơn vị đã nhiều lần phối hợp với các trạm quản lý, bảo vệ rừng của huyện Sông Hinh tuần tra, kiểm soát nhưng nạn phá rừng giáp ranh vẫn diễn biến phức tạp. Theo Ban quản lý rừng phòng hộ núi Vọng Phu, cách đây vài năm, trong lâm phần quản lý, đơn vị này phát hiện 95 hộ với hơn 580 nhân khẩu di dân tự do, chủ yếu là từ các tỉnh Cao Bằng và Hà Giang. Gần đây nhất, trong tháng 11/2012, đơn vị tiếp tục phát hiện lâm tặc vận chuyển gần 4,5m3 gỗ chò tập kết tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên. Đây mới chỉ là những vụ điển hình được phát hiện, còn trên thực tế thì không thể thống kê, kiểm soát hết được.

“ĐỘT KÍCH” TIỂU KHU 309

Xẻ núi, vượt hàng chục cây số đường cheo leo suốt 3 giờ liền, cuối cùng chúng tôi cũng tiếp cận được tiểu khu 309 vào lúc giữa trưa. Suốt chặng đường đi, chúng tôi bắt gặp nhiều cây gỗ lớn bị đốn ngã nằm chỏng chơ, vắt ngang cản đường. Ngay tại cửa rừng, toàn cảnh khu rừng là những cây gỗ lớn có tuổi thọ hàng trăm năm, mọc dày đặc, sừng sững cao chọc trời. Kề bên, ngổn ngang những cây gỗ chò vừa bị lâm tặc “xẻ thịt”, để lại bột cưa, ván bìa nằm vương vãi còn thơm mùi gỗ. Để bảo đảm an toàn, chúng tôi phải nhờ một cán bộ kiểm lâm ở lại cửa rừng canh chừng mấy chiếc mô tô, phòng lâm tặc phá hoại, biển thủ; còn một người khác được trang bị vũ khí đưa chúng tôi thâm nhập “mục sở thị” rừng già. Từ đây, đổ dốc theo con đường rộng hơn 3m, men theo lối mòn được lâm tặc dọn sẵn dài hơn 100m, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng chục cây chò đường kính từ 0,8cm đến hơn 1,3m, dài trên 20m bị triệt hạ, vừa ráo mủ còn tươi màu đỏ chót. Xung quanh là cả một vạt rừng bị đổ theo bởi những cây gỗ lớn. Ở đây, lâm tặc phân ra thành nhiều khu vực, chọn những cây gỗ lớn để khai thác vừa để che mắt, phân tán lực lượng chức năng với ý đồ, dễ dàng gây áp lực, vừa dễ dàng tẩu tán phương tiện và dụng cụ khai thác khi bị kiểm lâm phát hiện. Tại mỗi địa điểm khai thác, lâm tặc dựng nhiều lán trại, dự trữ nhu yếu phẩm phục vụ phá rừng dài ngày. Chỉ tay về phía một lán trại vừa bị lực lượng chức năng phá hủy, anh Huỳnh Hiếu, cán bộ Trạm quản lý, bảo vệ rừng buôn Đức cho biết, mỗi lán trại, chúng tập trung từ 5 đến 7 người, được trang bị cưa lốc mới tinh, cùng dao, rựa, sẵn sàng “hỗ trợ” nhau phản kháng lại lực lượng chức năng. Tại đây, ngày 11/6 vừa qua, đã xảy ra xô xát giữa lâm tặc với lực lượng truy quét, rất may là không có ai bị thương. “Do chúng quá đông và quá hung hãn nên lực lượng chức năng chỉ khống chế, tịch thu được 63 cây gỗ với gần 300m3, chứ không thể vây bắt người, tịch thu dụng cụ, phương tiện khai thác”, một cán bộ kiểm lâm nói. Sau khi vận chuyển hàng chục khúc gỗ được lâm tặc phát thành hộp có cạnh từ 60 đến 70cm, dài hơn 3m về Trạm quản lý, bảo vệ rừng buôn Đức, lực lượng chức năng cho máy xúc đào nhiều hố sâu gần 3m cắt các con đường vào rừng để đề phòng lâm tặc đưa phương tiện vận chuyển vào tẩu tán những khúc gỗ tròn còn lại.

Theo quan sát của chúng tôi, riêng tại tiểu khu 309, lâm tặc đã mở hàng chục lối mòn xuyên thẳng vào giữa rừng già để khai thác và vận chuyển gỗ, nên rất có thể lượng gỗ trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” được phát hiện, vì diện tích rừng tự nhiên giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh quản lý rộng tới gần 16.600ha với trữ lượng gỗ lớn. Đây là “miếng mồi” ngon cho lâm tặc hoạt động có tổ chức, quy mô lớn.

BÀI CUỐI: Giải pháp nào để giữ rừng?

NHÓM PHÓNG VIÊN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 1: Cuộc chiến không cân sức
Thứ Năm, 29/08/2013 07:35 SA
Khi nông dân cầm micro hát
Thứ Hai, 26/08/2013 14:00 CH
Con trẻ miền núi ăn xin
Thứ Bảy, 24/08/2013 14:00 CH
Nhớ lắm Trường Sa
Thứ Bảy, 17/08/2013 14:00 CH
Hồi ức của một lính pháo
Thứ Tư, 14/08/2013 08:35 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek