Chủ Nhật, 24/11/2024 09:55 SA
Hồi ức của một lính pháo
Thứ Tư, 14/08/2013 08:35 SA

Tôi nhập ngũ khi chưa được 17 tuổi. Lúc đầu ở bộ binh, tôi thích thế, vì “nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực”, anh hùng mười thằng, thì hết chín là bộ binh rồi. Và trên hết, chỉ bộ binh tôi mới có nhiều cơ hội để trả thù cho anh trai mình. Anh tôi bị bom Mỹ sát hại hồi 1966. Thế nên thật buồn khi tôi phải chuyển sang làm lính pháo. Đấy là khoảng cuối tháng 12 năm 1970, lúc tiểu đoàn tôi từ Lào vượt Trường Sơn để trở lại đất ta (khu vực huyện 40 Kông-Tum). Cú ngã chí mạng làm trật khớp tay, buộc tôi phải nằm lại trạm xá Binh trạm 44. Thế là phải tạm biệt mấy thằng bạn cùng quê, tạm biệt luôn giấc mơ kiêu hùng của tôi.

 

Luc-luong-phao-binh.jpg

Lực lượng pháo binh huấn luyện chiến đấu - Ảnh: TƯ LIỆU

Mấy ngày nằm ở Trạm 258 thật buồn chán, chờ đơn vị mới ra nhận người. Đồng đội vào Bình Định hết cả, mình tôi ở lại với cái tay băng bó. Tôi nguyền rủa số phận mình sao hẩm hiu! Mà chỉ tại cái thói láu táu, trời mưa đường trơn, mắt cứ trợn như Đại thánh, không cẩn thận nên mới ra nông nỗi. Sau này khi đã trải nghiệm, tôi mới ngộ được chính nhờ sự cố như thế, lính pháo ít chạm địch hơn, bớt được phần nào cái trực diện ác liệt, tôi mới được sống sót để trở về. Đám bạn làng tôi năm đứa cùng nhập ngũ, thì thằng Lương bị thương cụt giò, ba thằng: Trung, Bôi, Hạ hy sinh, thân xác nay hãy còn vùi đất lạnh…

 

Tôi trở thành lính Quân giải phóng khi ông Bàng, người của Tiểu đoàn 17 ra trạm thu dung lấy quân. Ông chấm tôi ngay vì trông tôi có vẻ nhanh nhẹn, chắc làm trinh sát được. Ông Bàng rõ là một cựu binh bởi nước da sốt rét và những dạn dày kinh nghiệm về cuộc sống rừng rú. Nhớ ông cười mỉm khi nghe những tuyên bố của đám lính trẻ, đại loại: “Sắn ấy à, ăn cả tháng cũng chả chán!”, rồi ông phán chậm một câu gợi tò mò: “Rồi các cậu sẽ biết!”

 

D17 là tiểu đoàn pháo độc lập trực thuộc Quân khu 5. Đón chúng tôi ở doanh trại là một thủ trưởng có cái tên gợi nhớ về đồng quê lúa nước - anh Vũ Xuân Chiêm, người đã cùng tôi có nhiều kỷ niệm gắn bó những năm tháng sau này.

 

Bữa tiệc đón lính mới là nồi sắn luộc nóng hổi. Ai cũng khoái, ăn đến no vì lạ miệng. Có mới nới cũ, lính trẻ cao hứng dốc cả phần gạo còn lại cho mấy tay lính cựu, phải toàn tâm toàn ý với sắn chứ. Ai cho gạo, dù ít hay nhiều, ông Chiêm, ông Bàng cũng gom hết.

 

Bữa sắn thứ hai thì đã kém đi phần hào hứng, không ai tuyên bố gì nữa. Đến bữa sắn thứ ba, mọi người tỏ ra uể oải, vài ông đã nhắc đến những bữa cơm ngoài trạm. Bữa thứ tư thì chán thật sự, chán ê chề... Không nuốt nổi sắn, lính bỏ bữa, nhưng đói không ngủ được. Khuya, ông Chiêm gọi dậy cho ăn cơm độn sắn, nấu từ gạo được biếu hôm rồi… Ôi chao, mới thấy bát cơm sao quý giá!

 

Quảng Đà hồi ấy được chia thành ba cánh Bắc, Trung, Nam. Chúng tôi hoạt động ở cánh Bắc, nhưng chỉ ở khu vực ba xã Hòa Vinh, Hòa Hiệp và Hòa Lạc. Chiến sự khá ác liệt, mấy lần tụi tôi hút chết ở Kim Liên, Cầu Đen, Thủy Tú, rồi những lần vượt sông Cu Đê vào ban đêm, bị ca nô địch rượt... Nhưng bù lại ở cánh Bắc đời sống khá hơn, bộ đội không phải ăn độn, lại có nhu yếu phẩm, có trà, thuốc lá Ruby quân tiếp vụ... Các má, các chị cưng mấy thằng lính Bắc trẻ, gặp cứ xoa đầu hỏi han, rồi khóc. Má khóc vì thương chúng tôi phải xa nhà, gian khổ. Má khóc vì lo sợ hòn tên mũi đạn, như bao lần đã cướp đi những cuộc đời trai trẻ, cả phía bên này bên kia...

 

Mùa mưa miền Trung dài lê thê, mưa thối đất thối cát. Chính vì vậy mà lính ta buồn lắm. Nơi hội họp sinh hoạt chi đoàn là một hang đá khá rộng, được dọn sạch sẽ. Chúng tôi đọc báo, những tờ Văn nghệ Giải phóng hiếm hoi và thường là đã cũ. Rồi nghe đài, nghe những bài hát Hà Tây quê lụa, Bài ca năm tấn, Hà Nội - niềm tin và hy vọng... để thấy miền Bắc yêu thương như đang bên cạnh mình. Họp xong, cả lũ tụm lại tán dóc, bốc phét về... con gái. Rồi cùng nhau hát hò dưới ánh sáng đèn dầu, vách đá lung linh huyền ảo. Mỗi lần thế, những thằng có chất giọng như tôi lại được dịp biểu diễn trổ tài. Không khí hồ hởi, ai đó trầm trồ… Thế là đủ sướng, thỏa mãn!

 

Lần ấy, chúng tôi lại họp trong hang đá và sau đó hát những ca khúc hùng tráng, những bài hát gắn liền với một thời trai trẻ, hát bằng tất cả nhiệt tình và niềm tin tha thiết. Ước mơ tương lai theo câu hát đang bay bổng thì bỗng một gã thấp bé, dáng vẻ cau có hiện ra ở cửa hang, đó là ông Sinh - một lính cựu, y tá đại đội. Ông bảo: “Rửng mỡ hả, chúng mày có im đi để ngủ không đấy?”.

 

Ông Sinh đi B từ những năm 63-64, nhưng có vẻ chậm tiến, nói chuyện toàn những nhớ nhà, tiêu cực! Chả hiểu sao lão rất hay cáu bẳn, mọi người đặt biệt danh “Sinh rồ” để chỉ cái tính cách hay nổi khùng vô lý. Ông là y tá duy nhất của cả đại đội, chữa bệnh, phát thuốc cho mọi người, có quyền kết luận thằng này, thằng kia bệnh tư tưởng, giả ốm, lười... Ông mà ghét không cho thuốc lúc mình sốt rét thì chết! Tuy vậy lão rất dũng cảm, quyết đoán và rất có kinh nghiệm chiến trường.

 

Thằng Nghĩa bị bệnh tư tưởng, ông Đỉnh bảo thế, cả Sinh rồ cũng bảo thế, tại lười không chịu đi gùi (tức gùi đạn, gạo). Chúng tôi đành để Nghĩa lại giữa rừng một mình, trông kho trung chuyển - căn nhà nhỏ lợp lá chứa vài chục bao gạo, cạnh một con suối. Tôi tạm biệt Nghĩa để đi xuống căn cứ tiền phương vùng giáp ranh, nơi quân ta và quân nó thường đụng độ nhau. Nhìn đôi mắt vàng đục của Nghĩa mà lòng tôi thắt lại. Nhưng có ai nghĩ điều gì khác, ai ngờ đến cái kết cục bi thảm sẽ đến với nó.

 

Hai tuần sau bọn tôi lại gấp gáp trở về hậu cứ, đi hai ngày đường mới tới kho, chỗ Nghĩa nằm lại với căn bệnh tư tưởng hôm nào.

 

Càng gần về đến kho càng thấy nóng ruột, không hiểu sao ai cũng đi như chạy, không nói một lời. Chưa tới lán đã nghe tiếng kêu rên thảm thiết. Chúng tôi ào vào nơi Nghĩa nằm, ôm lấy bạn, xoa nắn cái bụng vàng ệch đã sưng trướng lên của nó. Nghĩa nắm chặt tay tôi, người oằn oại, rồi lịm đi trong cơn đau. “Thằng Cát đâu rồi?”- Nghĩa thều thào và khi biết không thể gặp ông cậu họ, Nghĩa đứt quãng “Bình ơi, tau đi đây, chào tất cả mọi người, mi bảo thằng Cát về nói với bố mẹ...”

 

Tụi tôi quýnh quáng vì sợ hãi và thương bạn. Có ai đó gào lên gọi ông Sinh, vừa lúc “vị cứu tinh” duy nhất cũng chạy tới. Lấy ra vài dụng cụ y tế, lão giật phăng cái võng, đặt Nghĩa nằm xuống đất và ra lệnh chúng tôi giữ tay chân Nghĩa. Lão vén cao vạt áo đã cáu bẩn bốc mùi của nó và rạch mạnh lưỡi dao lên ổ bụng... Tất thảy ai cũng trố mắt sợ hãi. Tiếng thủ trưởng Chiêm lập cập: “Sinh, Sinh, ông làm gì vậy...?”. Sinh rồ chẳng nói chẳng rằng, lão luồn bàn tay vào trong ổ bụng Nghĩa, ra sức ấn bóp, chắc làm hô hấp nhân tạo. Nghĩa đã ngừng thở, bất động. Chúng tôi khóc, tất cả đều khóc thương cho cuộc đời ngắn ngủi của người bạn, người đồng đội quê Nông Cống, Thanh Hóa, khóc cho cuộc giải cứu bệnh - nhân - tư - tưởng thất bại hoàn toàn. Cho đến khi lão y tá quát lên vài tiếng, tất cả mới choàng tỉnh, vội tất bật lo việc chôn cất Nghĩa. Lúc ấy là khoảng 6 giờ chiều một ngày tháng 9 năm 1971, tại một ngọn đồi gần khe Mun, cách Đà Nẵng chừng 15km đường chim bay. Đại đội trưởng Chiêm nói vài lời vĩnh biệt, sáu phát súng ngắn cùng loạt AK xé lòng trong buổi chiều lạnh, đưa tiễn người bạn xấu số về cõi vĩnh hằng.

 

Sau khi chiến dịch Quảng Đà kết thúc (tháng 3 năm 1972), C17 được lệnh trở về, hội quân cùng các đơn vị khác để thành lập Cụm 572, sau là Trung đoàn 572. C17 đóng ở khu vực Cây Gỗ Vuông (trên đường đi Đồng Làng, Trà Linh, Thạch Bích). Doanh trại là những ngôi nhà lợp lá mây, do chúng tôi tự làm bên con suối khá lớn, có những tảng đá to và thác nước rất đẹp. Mỗi chiều, bọn tôi vẫn thường xuống tắm, vui đùa té nước nhau. Tôi nằm dưới làn nước trong vắt, để mặc cho thác nước xối tràn qua người, ngắm những cụm phong lan đu đưa theo gió... Bao lần như thế, tôi cứ nghĩ mông lung, nhớ nhà, nhớ miền Bắc, không biết bao giờ chiến tranh mới kết thúc, cho dù mai này có đi đâu, ở nơi nào thì cũng không bao giờ quên được hậu cứ thác đá và C17. Mà quên sao được, vì chính nơi này, con suối trông hiền hòa là thế, vậy mà đã cướp mất của chúng tôi một người bạn. Thằng Hùng người Thái Bình vừa về đơn vị được mấy ngày, đi chặt nứa làm nhà, chẳng may trượt chân ngã xuống vực sâu, ngay bên dưới, cách chừng một trăm mét.

 

Năm 1972, chiến sự ngày càng ác liệt. Chúng tôi thay nhau đi chiến dịch, ở hậu cứ ít khi được đông đủ mọi người, ngay cả những ngày tết. Hồi đánh Quế Sơn, chúng tôi đặt đài quan sát tại cao điểm 441. Từ đây có thể quan sát toàn bộ thung lũng Quế Sơn, chạy dài theo sông Rù Rì xuống phía quốc lộ 1. Bên trái là dãy Hòn Tàu loang lổ vết bom pháo đỏ quạch, nhìn từ xa như mặc chiếc áo hoa. Ngay trước mặt, cách khoảng 1km là Hòn Chiêng - ngọn núi nhô cao giữa thung lũng, địch ở đây có ba đại đội lính dù, cùng hai trung đoàn bộ binh, một trung đoàn thiết giáp tại Cấm Giơi yểm trợ cho Chi khu quân sự Quế Sơn. Trong 2 ngày 18 và 19 tháng 8 năm 1972, pháo ta, trong đó có 12 khẩu đội 130mm của Cụm 572 đã áp chế hoàn toàn các trận địa pháo 105mm và 155mm của địch ở Cấm Giơi, Núi Quế, cầu Ông Triệu, cắt đứt phòng tuyến Quế Sơn - Cấm Giơi, yểm trợ đắc lực cho bộ binh E31, E38 đánh chiếm, giải phóng quận lỵ và toàn bộ thung lũng Quế Sơn. Thật ấn tượng khi pháo 85mm của ta từ Bằng Thùng và các cứ điểm lân cận bắn thẳng trực tiếp Hòn Chiêng vào lúc hửng sáng. Từ đài 441, chúng tôi quan sát thấy rõ sự hoảng loạn của địch, và chỉ sau khoảng hơn một giờ đồng hồ, cờ chiến thắng đã được bộ đội 38 cắm trên đỉnh cao cứ điểm.

 

Chiến dịch Nông Sơn - Trung Phước kéo dài gần 2 năm, từ cuối 1972 đến tháng 7 năm 1974 mới kết thúc. Có hai trận đánh rất đáng nhớ như thế này:

 

Trận thứ nhất diễn ra vào đúng ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973). Về công tác đo đạc, chuẩn bị thì chúng tôi đã tiến hành từ nửa năm trước. Đám trinh sát, kế toán C17 trên đài 531 suốt mấy ngày đêm chỉ chợp mắt hai, ba tiếng đồng hồ, tập trung cao độ quan sát và tính toán phần tử bắn. Đại đội trưởng Vũ Xuân Chiêm là người trực tiếp chỉ huy bắn. Đúng 4g15 chiều bắt đầu phát hỏa. Anh Chiêm với kinh nghiệm và tự tin vào kết quả tính toán, đã cho giảm tầm bắn 200m trái 130 ly đầu tiên. Và thật tuyệt vời, điểm rơi đã được quan sát thấy, lập tức tầm bắn được điều chỉnh để rồi ngay trái thứ hai, quả 130 phát nổ đã hất nhào cột cờ cứ điểm. Chúng tôi nhảy lên reo hò! Kết quả quá tốt, anh Chiêm quyết định không bắn bao bọc, cho quân bình phần tử và chuyển bắn tạt ngang, liên tục 40 phát. Qua ống kính, chúng tôi thấy những đám cháy, lửa khói bốc lên khắp nơi, địch hoảng loạn chạy tứ tán. Anh Chiêm lệnh cho pháo chuyển làn, hướng bến sông Thu Bồn nơi bọn địch rút xuống. Bỗng có lệnh dừng của Trung đoàn trưởng Trần Sỹ Tư! Có dấu hiệu cho thấy dân binh cũng chạy lẫn trong đám lính, chắc trước đó bọn địch bắt dân lên cứ điểm làm việc.

 

Hôm sau, Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực. Trên dòng Thu Bồn trong xanh, chúng tôi trần truồng bơi lội, hò reo, bắn những loạt AK lên trời, sung sướng! Thế là kết thúc chiến tranh, từ nay không còn bom đạn bắn giết nhau nữa! Ai đó còn nói sắp sửa được về Bắc rồi. Ba ngày sau, ông Sau, ông Chiêm về Trung đoàn họp. Sau đó là những quán triệt mục tiêu nhiệm vụ, uốn nắn tư tưởng, thống nhất quan điểm... Và cuộc chiến lại vẫn tiếp diễn.

 

Trận pháo kích thứ hai chính là trận kết thúc chiến dịch vào ngày 18 tháng 7 năm 1974. Sở chỉ huy tiền phương của chiến dịch đặt ngay đỉnh An Châu Đao cao 474m. Tại đây có mặt các chỉ huy cao cấp nhất của ta như cụ Chu Huy Mân, cụ Đoàn Khuê (Tư lệnh và Chính ủy quân khu). Còn có cụ Tô Thuận - trưởng phòng pháo quân khu, chỉ huy Trung đoàn có cụ Tư, cụ Cách. Anh Chiêm lại vinh dự được trực tiếp chỉ huy bắn. Lần này hỏa lực của Trung đoàn, ngoài pháo 130 ly, lựu pháo 122 ly nòng dài, canon 85 ly, còn có Cối 120 ly và 160 ly. Từ sáng sớm pháo binh đã khai hỏa, bắn chế áp, bắn phá hoại... liên tục đến tận chiều. Pháo 130, 122 cấp tập. Canon 85 ly hạ nòng bắn thẳng. Đặc biệt là Cối 160 ly, khi tầm bắn đạt 8.000m thì cao độ đường đạn cũng đạt tới 8.000 m với đầu đạn xuyên phá, có khả năng khoan sâu phá hủy boongke hầm ngầm. Chỉ trong một ngày, với sự yểm trợ mạnh mẽ và hiệu quả của pháo binh, đến 5g chiều bộ binh ta đã chiếm được hầm chỉ huy, tiêu diệt xong cụm cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước - Cà Tang, nối liền giải phóng toàn bộ vòng cung Tây Quế Sơn - Tiên Phước.

 

Đến tháng 5 năm 1973, C17 được tách làm đôi, một nửa đại đội về Quảng Ngãi tham gia thành lập Trung đoàn 576. Tôi rất buồn nhưng biết làm sao được, đời lính là những cuộc chia ly, chả biết bao giờ mới gặp lại.

 

Đại đội được bổ sung nhiều lính mới, họ cũng trạc tuổi tôi nhưng nhập ngũ sau vài năm. Vùng Đại Lộc, Quế Sơn tuy không ác liệt hơn cánh Bắc, nhưng có lẽ về sự khắc nghiệt, gian khổ thì không nơi nào trên toàn chiến trường miền Nam sánh được. Đời sống lính chiến kham khổ không kể xiết, đói gạo, thiếu muối và thiếu tất cả những gì cần thiết nhất cho cuộc sống tối thiểu. Khoai mì là bài ca muôn thuở, thực phẩm thì chỉ có muối và bột ngọt. Rau thì môn thục, môn gióc, lá sắn, lá khoai... Tất cả tự cấp và tự túc. Lính chỉ được ăn cơm gạo với thịt mỗi năm vài lần vào các dịp tết, lễ.

 

Nhắc đến khoai sắn lại nhớ đến chuyện hai lần tôi suýt bị kỷ luật vì để mất vũ khí.

 

Đấy là khoảng đầu tháng 3/1971. Vừa vào Nam chưa được mấy ngày, tôi đã theo tiểu đội phó Kháng đi mua khoai sắn. Hai người lên một bản người Cơtu. Ban ngày nhổ sắn, bóc vỏ, thái mỏng, buổi tối đốt lửa sấy khô, vài bữa gùi về cho đơn vị.

 

Hôm đó như thường lệ, ông Kháng chạy đi đâu, khoảng 5g chiều tôi đang lúi húi rửa sắn dưới suối cạnh lán thì như từ dưới đất hiện lên ba chàng trai dân tộc, đóng khố ở trần bước vào. Họ chào bộ đội, nói làm rẫy bên cạnh, tới bộ đội xin nước uống. Tôi rót nước mời, họ ngồi nói chuyện vu vơ bằng một thứ giọng Kinh lơ lớ. Tôi giảng giải cho họ, ra lối thầy giáo giảng bài cho học sinh, cố không tỏ vẻ sốt ruột vì tinh thần “quân dân cá nước”.

 

Bỗng một người đi lại chỗ khẩu AK đang treo đầu võng, nói: “Ồ, bộ đội có súng đẹp quá, cho mình xem

 nhé!”. Chẳng đợi tôi đồng ý, hắn cầm cây súng làm bộ ngắm nghía. Tôi chưa kịp phản ứng gì thì hắn đã lảng bước ra phía ngoài, rồi lẩn mất vào rừng cây. Trong khi tôi nháo nhác tìm kiếm, thì hai người kia cũng biến luôn.

 

Rừng là nhà của đồng bào, nên một khi đồng bào lẩn trốn thì đến ông trời cũng chẳng tìm ra. Mất súng đối với quân nhân là tội lớn. Ông Kháng bảo có thể phải ra tòa án binh! Nhưng may hồi đó ở trong rừng, lập tòa án chắc cũng mất công nên tôi chỉ phải viết kiểm điểm, tường trình sự việc và lo lắng chờ đợi. Sau đó thì có lệnh điều động đi Quảng Đà. Vậy là thoát!

 

Lần thứ hai, đấy là vào cuối tháng 5 năm 1972 khi mới từ cánh Bắc về được một tháng, trên đường đi chuẩn bị chiến dịch Nông Sơn - Trung Phước, theo lệnh cụ Luyện chúng tôi quay sang Quế Sơn, nơi đang có chiến sự ác liệt. Độ 5g chiều, lúc sắp qua thôn 4 Sơn Phúc, trinh sát báo có phục kích. Nhưng rồi thấy người đằng mình đi ngược lại nói vẫn an toàn nên chúng tôi tiếp tục đi. Đi đầu là anh bạn V600, rồi hai ông 711 (Sư đoàn 711). Các cha này xem tụi lính pháo “nhát như cáy, vùng này ngày nào tớ chả đi, có gì đâu mà hoáng cả lên!”. Đi sau khoảng 5, 6 thước là anh Lập, dân Hà Bắc, trung đội phó trinh sát rất có kinh nghiệm. Sau anh Lập là Lê Đỗ Bình, sau tôi là anh Chiêm rồi những người khác. Tôi ngoài đồ đạc cá nhân, còn khẩu AK và cuộn dây thông tin nữa, vừa nặng vừa căng thẳng, mồ hôi vã ướt hết áo. Lội qua con suối, bước vào đoạn đường hẻm hai bên bờ đất thoải dốc, cây rừng thưa hơn, mọi người bước từng bước cảnh giác. Vừa ngoặt khúc cua, dường như linh tính mách bảo, anh Lập cúi xuống lượm cành cây định ra hiệu, thì bỗng hàng loạt AR15 nổ chát chúa quất thẳng vào những người đi trước. Ông bạn V600 chỉ kêu được một tiếng là gục ngay. Tôi chưa kịp định thần thì anh Lập, anh Chiêm đã bắn trả, vừa hô mọi người nằm xuống, lăn qua 2 bên đường tránh đạn và mìn. Chúng tôi cũng kịp nổ súng, những loạt đạn nổ xé tan màn đêm tối. Bên địch có vẻ đông, chúng vừa bắn, vừa la lối “bắt sống bọn Bắc Việt”. Hai bên bắn nhau loạn xạ, ánh chớp lóe lên trong bóng tối nhập nhoạng, lố nhố bóng người phía xa... Chừng mười lăm phút trôi qua, tiếng súng lặng dần. Anh Chiêm bảo quay lại, chúng tôi chạy thục mạng ngược về nơi tập kết hồi chiều. Khoảng một tiếng sau thì hội quân, thấy thiếu hai người (ông bạn V600 bị thương nửa đêm bò về được). Riêng tôi, cuống cuồng giữa cái sống và cái chết đã chọn cách quẳng bỏ cuộn dây để chạy cho lẹ. May là ông đại đội trưởng cũng trong cuộc, nên chỉ chỉnh cho một trận rồi thôi.

 

Thằng B.52 uýnh ác thế nào chắc không nhiều người biết. Tôi thì đã vinh hạnh được trải nghiệm sức mạnh của nó rồi. Đấy là vào một buổi chiều mùa thu năm 1973, khoảng tháng 10, tôi và anh Sau - chính trị viên trên đường từ hậu cứ lên sở chỉ huy tiền phương (tại cao điểm An Châu Đao). Đường đi mất hai ngày, buổi chiều vừa hạ trại xong, tôi lội dọc con suối kiếm rau môn gióc, nấu cơm ăn, rồi mắc võng nằm nghỉ sớm. Một buổi tối yên tĩnh lạ thường! Hai anh em nằm cạnh nhau, nghe đài rồi chìm vào giấc ngủ mệt từ lúc nào... Bỗng thình lình như xảy ra trận động đất, tiếng nổ ở đâu đó phát ra đinh tai nhức óc, rồi cây đổ mù mịt, mùi cháy khét lẹt. Tôi nhào người từ trên võng xuống đất, ôm chặt khẩu AK, nhưng không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi cũng đã kịp chui vào căn hầm mà từ trước ai đó đã đào. Trận cuồng phong bom rơi đạn nổ kéo dài khoảng 5 phút, vừa dứt đã nghe tiếng anh Sau hú gọi. Khi biết tôi còn sống, anh gào lên, nhắc tôi nằm yên tại chỗ. Đúng y như vậy, khoảng 15 phút sau lại tiếp diễn một đợt cuồng phong bom đạn nữa như vừa nãy. Ba đợt liên tiếp và khi mọi chuyện đã hoàn toàn kết thúc thì trời cũng hửng sáng. Mới biết chúng tôi đã lọt vào giữa tọa độ bom B.52 trải thảm. Tôi không thể nào nhận ra quang cảnh khu vực mà tôi vừa đi qua. Cây đổ ngổn ngang mất hết lối đi, cả một diện rộng cháy nham nhở, và thật là rùng mình khi thấy chiếc võng bị mảnh bom cắt ngang thân. Hút chết!

 

Năm 1975, vào giai đoạn chiến tranh sắp kết thúc, Trung đoàn cho một số người đi học, đào tạo sĩ quan để phục vụ quân đội lâu dài. Tôi là một trong số tám người được chọn.

 

Chiến tranh kết thúc, tôi chuyển ngành ra ngoài công tác và sống một cuộc sống bình thường như bao người khác. Chỉ có điều, mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm thời chiến tranh, nhớ về đồng đội xưa, tôi lại xúc động. Viếng nghĩa trang Trường Sơn, đứng trước những hàng mộ trắng xóa, tôi đã khóc như một đứa trẻ. Mỗi khi nghe bài hát “Đàn sếu” (phổ thơ của Gamzatốp), tim tôi như thắt lại. Bài hát nói về những người lính hy sinh trong chiến tranh không trở về, mà biến thành những con hạc trắng, dang cánh bay về phía chân trời…

 

Tôi cứ nghĩ: những chàng trai đẹp nhất

Từ chiến tranh không trở lại ngày nào

Không phải chết đang nằm sâu dưới đất,

Mà biến thành đàn sếu trắng trên cao...

(Thái Bá Tân dịch)

 

Bài thơ làm trái tim tôi đau, tôi tự hỏi: Có chỗ nào còn trống trong đàn chim hạc kia, để cho tôi chắp cánh bay cùng, có chỗ nào để dành cho tôi, cho các bạn tôi?

Và trong đàn vẫn còn kia một khoảng nhỏ

Có lẽ là một chỗ để cho tôi

Cảm ơn đồng đội đã hy sinh để cho tôi được sống!

 

ĐẶNG BÌNH (VNQĐ)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài cuối: Đường đêm Tuy Hòa
Thứ Hai, 05/08/2013 14:00 CH
Bài 2: Câu đêm trên biển Hòa
Chủ Nhật, 04/08/2013 14:00 CH
Bài 1: Chợ đêm Tuy Hòa
Thứ Bảy, 03/08/2013 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek