Bên sông Chùa lộng gió, những người lính Trường Sa năm nào vui mừng gặp nhau, ôn lại kỷ niệm không thể nào quên được khởi đầu bằng một ngày đáng nhớ: ngày nhập ngũ 15/8/1985.
Một cựu chiến binh Trường Sa bát hài “Gần lắm Trường Sa” tại buổi họp mặt - Ảnh: P.TRÀ
Những bài hát về Trường Sa vang lên khi lính Trường Sa ngày ấy lại vai kề vai, tay bắt mặt mừng. Người từ Phú Hòa xuống, người từ Đông Hòa ra, người đến từ phường 5, phường 6, phường 9 (TP Tuy Hòa)... Có những người mới gặp nhau hôm 14/3, tại Sơn Thành Đông (Tây Hòa), trong buổi họp mặt tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh vào ngày 14/3/1988. Có những người lâu lắm rồi mới được dịp hàn huyên, ôn lại kỷ niệm đời lính. Lắng trong tiếng nói cười là niềm xúc động của những người đàn ông đã coi nhau như anh em, khi từng cầm súng bảo vệ phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông cồn cào sóng dữ.
NGÀY NÀY, NĂM ẤY…
Trong số các cựu chiến binh Trường Sa, có lẽ ông Nguyễn Chịt ở thị trấn Phú Hòa (Phú Hòa) là người lớn tuổi nhất, dù năm sinh trên giấy tờ của ông là 1964. Gần 30 năm đã trôi qua song người Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo cao xạ năm ấy vẫn nhớ như in ngày đến với Trường Sa. Ông hào hứng kể: “Nhập ngũ, chúng tôi được huấn luyện một tháng rưỡi thì có hiệu lệnh báo động chiến đấu. Các chiến sĩ mang theo quân trang chạy qua bãi cát, tập trung tại hội trường. Và chúng tôi biết mình được lệnh ra giữ đảo”.
Ông Chịt sống ở nông thôn; hình ảnh ruộng đồng núi non đã thấm vào ông từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Khi cùng các chiến sĩ mới lên tàu ra đảo nhận nhiệm vụ, ông Chịt bỡ ngỡ trước bốn bề biển xanh. “Tôi thấy những hòn đảo như tảng san hô nổi lên trên mặt nước”- ông ví von. “Rồi tôi ý thức rằng tất cả là máu thịt của Tổ quốc mình”- ông Chịt nói, giọng xúc động.
Người lính này làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Lớn trong 2 năm, là Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo cao xạ thuộc Đại đội 4. Sau đó ông về đất liền dự đại hội Đoàn ở đơn vị thuộc Lữ đoàn 146.
Hành trình ra đảo lần thứ hai của ông Chịt và những người lính ở Vùng 4 Hải quân thật khó quên! Ông bồi hồi nhớ lại: “Chúng tôi theo tàu chở hàng, ra đảo Tiên Nữ đúng vào ngày 29 tết năm 1987. Lữ đoàn 146 cấp cho chúng tôi một con heo và một con bò nghé chở ra đảo ăn tết. Trước đó, công binh đã vào đảo, dựng một nhà chòi. Anh em mang cờ Tổ quốc cắm lên nóc nhà. Chúng tôi đón tết trong ngôi nhà chòi trên đảo Tiên Nữ…”.
Anh Lê Hữu Hải, người đã có 3 năm làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Lớn, hiện công tác ở Sở Giáo dục - Đào tạo, kể lại sự kiện đáng nhớ trong đời lính của mình: “Sau một thời gian huấn luyện, 7 giờ tối hôm đó, chúng tôi được lệnh hành quân và được đưa lên tàu. Lúc ấy chúng tôi mới biết mình ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Là một người lính, tôi nhận lệnh, lên đường và không ngại gì”. Anh Đàng Văn Thảo, người từng bám trụ tại đảo Trường Sa Đông trong 2 năm, hiện ở phường 8 (TP Tuy Hòa), tiếp lời: “Hồi đó chúng tôi không sợ gì cả. Tuổi trẻ mà”.
NHỚ LẮM TRƯỜNG SA!
Trong tâm tưởng những người lính trở về từ Trường Sa, nỗi nhớ đảo giữa trùng trùng sóng nước chưa bao giờ tắt, mặc cho thời gian trôi và cuộc mưu sinh nhọc nhằn. Anh Thảo cho biết đảo Trường Sa Đông nơi anh đóng quân, chỗ rộng nhất chỉ khoảng… 60m, dài nhất chưa tới 200m. “Thiếu thốn nhất là nước ngọt và rau xanh. Mùa nắng, mấy anh em chia nhau lon nước. Tháng 10, nước biển dâng lên ngập đảo” - anh Thảo kể, giọng xốn xang.
Những năm tháng gian khổ thiếu thốn đó, anh thương binh Nguyễn Văn Dũng đến từ TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) vẫn nhớ như in. Anh cho biết: “Sáu tháng mới có tàu ra đảo một lần, mang theo nhu yếu phẩm, thư từ, báo chí… Trong cảnh thiếu thốn đó, anh em vẫn chắc tay súng vì biết cả nước hướng về Trường Sa”.
Anh Dũng là người khá đặc biệt trong buổi gặp mặt chiều 15/8. Nhập ngũ vào tháng 2/1987, anh trở thành lính thông tin, từng đóng quân ở hai đảo: Sinh Tồn, Nam Yết và bị thương. Một thời gian sau khi trở về với cuộc sống đời thường, anh Dũng lặn lội ra Phú Yên tìm gia đình liệt sĩ Phan Tấn Dư - một trong hai người con Phú Yên đã ngã xuống trong cuộc chiến ngày 14/3/1988. Sau đó, anh tiếp tục lặn lội tìm đồng đội ở Phú Yên. Từ những nỗ lực của anh cùng một số cựu chiến binh Trường Sa người Phú Yên như Nguyễn Hồng Trung, Nguyễn Thanh Hòa, Đào Thái Thi…, năm 2008, tròn 20 năm sau ngày đồng đội của họ hy sinh, những người lính từng chắc tay súng bảo vệ Trường Sa có cuộc họp mặt đầu tiên, vô cùng xúc động tại nhà liệt sĩ Phan Tấn Dư ở xã Hòa Phong (Tây Hòa) vào đúng ngày giỗ của liệt sĩ Dư.
Anh Dũng thổ lộ: “Tôi rất nhớ đảo. Lính Trường Sa ai cũng nhớ đảo. Nhớ nhất là những nơi mình từng bảo vệ, nơi đồng đội mình đã ngã xuống. Tôi ước ao được một lần thăm lại Trường Sa, thả một vòng hoa, thắp một nén nhang cho đồng đội của mình”.
PHƯƠNG TRÀ