Thứ Bảy, 05/10/2024 10:26 SA
Con trẻ miền núi ăn xin
Thứ Bảy, 24/08/2013 14:00 CH

Nhiều năm qua, tình trạng trẻ em một số vùng đồng bào dân tộc ít người kéo từng đoàn xuống đô thị để ăn xin liên tục diễn ra. Bây giờ, đi đâu người ta cũng dễ dàng gặp cảnh những cháu nhỏ đen đúa lang thang, ngửa tay xin tiền. Các cơ quan chức năng đã có hàng loạt biện pháp nhưng “đâu lại hoàn đấy”…

Tre-an-xin130824.jpg

Phó thôn Soi Nga Mang Hận (bìa trái) nói chuyện với ông Mang Đạt cùng con trai Mang Vẽ và con gái Mang Thị Giăng - Ảnh: H.PHIÊN

PHỐ PHƯỜNG “LẮC ĐẦU”

Buổi chiều, tại một quán ăn trên đường Trần Phú, TP Quy Nhơn (Bình Định), chúng tôi thấy một nhóm trẻ em đen nhẻm khoảng 7 đến 8 tuổi, đang chia nhau ra các bàn, xìa tay xin tiền. Các em tỏ ra rất “kiên trì”, khi khách cho tiền rồi mới đi nơi khác, mặc chủ quán cho người xua đuổi... Khi chúng tôi hỏi chuyện, hầu hết các em nói “không biết”, duy có một cậu bé nói “…ở Phú Yên”, chúng tôi hỏi “ai dẫn tới đây?” thì lại “không biết”. Có em còn mặc nguyên đồng phục có in tên trường.

Theo bà chủ quán tên Hiền, đây chỉ là một nhóm trong những tốp trẻ em do người lớn đưa từ vùng dân tộc ít người huyện Đồng Xuân (Phú Yên) xuống Quy Nhơn để chuyên đi ăn xin. “Mấy tốp trẻ này có mặt ở Quy Nhơn 5 đến 7 năm rồi, ở TX An Nhơn cũng có. Quán xá, chợ búa, siêu thị… chỗ nào có đông người là lại thấy tụi trẻ đến xin xỏ, xin lì lắm… Khách khứa người ta than phiền quá!”, bà Hiền nói.

Đại diện Sở LĐ-TB-XH Bình Định thừa nhận vấn đề trên thuộc dạng “dây dưa, khó nhằn” đối với địa phương, gây nhiều hệ lụy xã hội. Những năm qua, đơn vị đã đưa trên 500 trường hợp lang thang, ăn xin trên địa bàn về Trung tâm giáo dục và lao động xã hội của tỉnh, đồng thời trả về các địa phương hàng ngàn người khác; trong đó có nhiều trẻ em dân tộc Chăm H’roi và Ba Na ở xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân, Phú Yên). Tuy nhiên, năng lực của trung tâm đang hạn chế, đối với người ngoại tỉnh chỉ có thể cưu mang vài ngày rồi phải trả về các địa phương. Đơn vị đã mấy lần làm việc với Sở LĐ-TB-XH Phú Yên và một số địa phương khác có đông người lang thang đến Quy Nhơn, thế nhưng mọi chuyện vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm…

Ông Trần Văn Hòa, một người Đồng Xuân hiện sống ở TP Tuy Hòa cho biết: Cách đây vài năm, trẻ em miền núi Xuân Lãnh kéo về Tuy Hòa ăn xin rất đông. Chính ông đã nhiều lần cho tiền, “bắt” một số nhóm đưa lên xe trở về nhà. “Bây giờ tình trạng này có bớt nhưng thỉnh thoảng vẫn còn thấy một số nhóm trẻ nhỏ Xuân Lãnh ăn xin ở Tuy Hòa. Tôi biết, mấy đứa nhỏ chuyển địa bàn khác, vì ở Tuy Hòa thường gặp nhiều người quen, kiểu như tôi…”.

“CON NUÔI CHA MẸ”

Ngược đường về xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân), chúng tôi mới thấu hiểu vì sao tình trạng ăn xin trong trẻ em nhiều thôn buôn diễn ra dai dẳng đến thế. Khoảng 10g sáng, ông Mang Hận, Phó thôn Soi Nga đưa chúng tôi đến nhà gặp Mang Đạt (người Chăm H’roi, 38 tuổi). Dù đang trong mùa chặt mía, nhổ mì nhưng “Hôm qua uống rượu mệt quá nên bữa nay ở nhà nghỉ” - ông Đạt nói. Nhà Mang Đạt được xây theo diện hỗ trợ xóa nhà tạm; người vợ đầu của ông mất năm 2002, ông lấy tiếp vợ hai nhưng “khổ quá, vợ dắt con gái 5 tuổi về nhà nó rồi”. Hiện ông đang sống với 3 người con, con gái đầu là Mang Thị Giăng (13 tuổi) và hai con trai là Mang Văn (11 tuổi), Mang Vẽ (7 tuổi).

Theo Mang Đạt, bé Giăng phải ở nhà nấu cơm cho ba, “chỉ có Văn và Vẽ đi xin ăn thôi”. Ông cho biết, bây giờ đang hè là mùa cao điểm để “tụi nó đi Quy Nhơn” (xin ăn); ngay cả trong năm học, hai ngày nghỉ cuối tuần, thỉnh thoảng “hai đứa cũng đi Quy Nhơn rồi về học”. Lộ trình đi xin của hai em: Buổi sáng, ông Đạt chở xe máy khoảng 20km đến huyện Vân Canh (Bình Định) để con ông theo xe buýt xuống TP Quy Nhơn “tác nghiệp”. Thế nhưng theo Trưởng thôn Mang Hận, có khi Mang Đạt cũng đi theo con về Quy Nhơn…

Mang Vẽ cho biết: Mỗi đợt đi Quy Nhơn 2 đến 3 ngày, hai anh em xin được vài trăm ngàn, trừ tiền ăn uống (5.000 đến 10.000 đồng/bữa), còn lại “mỗi đứa đưa ba 100.000 đến 150.000 đồng mua gạo…”. Theo Vẽ thì “gặp đâu ngủ đó, cũng có khi bị đánh…”. Chúng tôi hỏi: “Sao không vay vốn làm ăn?”, Mang Đạt nói: “Thôi, không vay đâu, sức đâu mà làm. Mấy cái nương rẫy cũng làm không xong mà…”.

Ông Mang Hận cho hay: Cả 3 người con đang sống với Mang Đạt đều được đi học, lớp khá đúng độ tuổi; ngoài việc miễn học phí, mỗi em còn được Nhà nước hỗ trợ 70.000 đồng/tháng. “Thôn, xã luôn ưu tiên giúp đỡ nhưng nhà Mang Đạt vẫn nghèo. Có hứa không đưa con đi xin ăn nhưng rồi cũng lén đi; nhiều người cho rằng: con cái phải giúp, nuôi cha mẹ. Ở Soi Nga này, nhà ông La O Vang có đủ vợ chồng, đất đai nhưng vẫn cho con là Mang Đức (10 tuổi) đi ăn xin. Vài năm trước đây, Soi Nga luôn có 10 đến 15 hộ thường xuyên cho con em đi ăn xin, nay còn khoảng 3 đến 4 hộ. Tình trạng xin ăn không thể dứt được…”.

ĂN XIN, XIN ĂN…

Nguyên là một cán bộ uy tín gắn bó với buôn làng, thầy thuốc - già làng La Chí Thái (người Ba Na ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh) nói: “Người dân miền núi này không nói là “ăn xin” như dưới xuôi, mà nói là “xin ăn”. Xuân Lãnh có 4 thôn vùng đồng bào Ba Na và Chăm H’roi, nhưng Xí Thoại và Hà Rai có ai đi xin ăn đâu, chỉ có ở Soi Nga và Da Dù là triền miên cái nếp đi xin ăn, cả người lớn và trẻ con. Trước đây, có lúc cả trăm người đi xin ăn, giờ chỉ còn khoảng chục nhà có người đi lai rai. Đâu phải người nghèo đói mới xin ăn, nhiều nhà cũng có ăn mà vẫn cho con đi xin ăn!”.

Ông Ma Nghĩa - già làng thôn Phú Lợi, xã vùng cao Phú Mỡ (Đồng Xuân) có cách lý giải riêng: “Bà con miền núi mình đa phần còn nghèo khổ mà chưa chịu thay đổi cung cách làm ăn. Hễ nó làm được 50.000 đồng là nó ăn cho hết rồi mới đi làm chuyện khác. Cứ vậy thoát nghèo đã khó, mong chi giàu có”.

Số liệu thống kê của chính quyền cho thấy, Xuân Lãnh đang còn trên 1.500 hộ nghèo (chiếm 63%); riêng số hộ nghèo ở thôn Soi Nga là 194/213 hộ (91,1%), thôn Da Dù là 260/300 hộ (86,7%).

“CÀ KÊ DÊ NGỖNG”

Theo ông Mạnh Minh Tâm, người từng nhiều năm làm Trưởng phòng VH-TT huyện Đồng Xuân, hiện Phụ trách Phòng Văn hóa cơ sở (Sở VH-TT-DL Phú Yên), đồng bào các dân tộc ít người ở Phú Yên có một tập quán dễ cản trở sự phát triển, đó là: lãng phí thời gian lao động.

“Mỗi lần về các thôn, buôn miền núi, tôi thường chứng kiến việc sử dụng thời gian lao động của đồng bào mà thấy tiếc. Sáng mở mắt ra là chụm 5, chụm 3 ngồi trà thuốc phì phèo, “cà kê dê ngỗng” cho đến 9, 10g mới mang gùi, vác rựa vào nương rẫy; chiều mới 3, 4g đã thấy họ có mặt ở nhà. Kiểu “làm bằng mai, ăn bằng chiều” nên số hộ làm ăn khá, giàu trong từng buôn làng thường chiếm số ít. Hồi chưa có máy xay xát, mỗi hộ khi đổ lúa vào cối giã gạo, chỉ giã đủ ăn cho cả nhà trong ngày hôm ấy; hôm sau muốn có cơm lại phải cho lúa vào cối giã tiếp… Có nghĩa là họ quen với cách làm ăn “phủi lủm”, làm ngày nào xào ngày nấy, chứ không nghĩ đến việc tích lũy, phòng xa” - ông Tâm nói.

Theo ông Tâm, những năm qua thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, các công trình “điện, đường, trường, trạm” được ưu tiên cho đồng bào miền núi vùng sâu, vùng cao đã phát huy hiệu quả nên đời sống nhân dân từng bước cải thiện đáng kể. Điều dễ thấy nhất là hiện nay đồng bào không còn đói ăn mỗi khi vụ mùa giáp hạt. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số ít hộ có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của chính quyền, sự tiếp tế của cộng đồng… mà sinh ra tệ lười biếng, ngại khó, sợ khổ. Ít làm nhưng lại thích chè chén say sưa, xúi con đi lang thang xin ăn…

Tre-an-xin-1130824.jpg
Già làng La Chí Thái (phải) làm việc với phóng viên - Ảnh: T.NHUNG

NHIỀU CẤP VÀO CUỘC

Bà Phạm Thị Tương Lai, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên cho biết: Vấn nạn “ăn xin liên tỉnh” trên là một thực trạng “đau đầu” đã diễn ra nhiều năm tại Xuân Lãnh (Đồng Xuân). Theo bà Lai, không phủ nhận chuyện nghèo khó ở địa phương miền núi này, cũng không phải gia đình nào khó khăn cũng đều đưa con em đi ăn xin, thế nhưng có một thực tế là tâm lý “đám đông” bị rủ rê ở một vài thôn tại Xuân Lãnh; phần lớn trẻ ăn xin “liên tỉnh” là do chính bố mẹ hoặc người bà con đưa đi, nhiều người không ra mặt nhưng ở lảng vảng gần nơi con em ăn xin… Một tâm lý khác, đó là suy nghĩ “mau thấy” của một số phụ huynh trong đồng bào dân tộc ít người ở đây, ấy là so sánh với ngày công làm rẫy thì việc ăn xin “hiệu quả” hơn, mà trẻ con bỏ học đi xin thì càng… hiệu quả(!).

Cách đây vài năm, đơn vị đã trực tiếp gặp gỡ, truyền thông đến phụ huynh, già làng, trưởng thôn, người có trách nhiệm tại một số thôn ở Xuân Lãnh. Cán bộ đã cùng già làng phân tích, giải thích những “thiệt, hơn” khi con em bị đưa đi ăn xin. Một số phụ huynh đã nhận ra vấn đề, tình trạng trẻ em đi ăn xin có giảm, tuy nhiên vẫn chưa dứt hẳn, nhất là các em “đổ bộ” về Quy Nhơn…

“Sự thiệt thòi lâu dài, cuối cùng đều thuộc về trẻ em; chẳng những phải nghỉ học để đi ăn xin “liên tỉnh” dài ngày, các em còn dễ bị xâm hại, méo mó về nhân cách, cùng nhiều hệ lụy khó lường khác. Sau đợt truyền thông, nhiều phụ huynh đã “nghe ra”, tình trạng đưa trẻ đi lang thang ăn xin có lắng xuống. Thế nhưng số trẻ này lớn lên hết đi xin, lại có lớp trẻ em khác tiếp tục đi xin; cứ lặp đi lặp lại và tình trạng trẻ miền núi đi ăn xin đang bùng phát trở lại. Chúng tôi đã tính đến việc xử phạt vi phạm hành chính đối với những cha mẹ cho trẻ đi ăn xin, vì đã vi phạm quyền trẻ em” - bà Lai nói.

Ông Phan Đình Phùng, Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân bày tỏ: Việc tồn tại dai dẳng tình trạng trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số ở Xuân Lãnh đi ăn xin là một thực tế phải có những biện pháp căn cơ hơn nữa giải quyết triệt để trong thời gian tới. Trước hết, phải tập trung nâng cao mức sống cho người dân Xuân Lãnh…

LÀM NHƯ ĐÀ NẴNG?

Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh Võ Trọng Nam cho biết: Tình trạng nhiều người ở hai thôn Soi Nga và Da Dù kéo đi ăn xin đã diễn ra trên 10 năm nay. “Nhiều người rất tự trọng, chăm làm nhưng vẫn còn một bộ phận suốt ngày rượu chè, muốn con cái phục dịch mình. Họ sẵn sàng đi xin hoặc đưa con đi xin, ai nói cũng mặc kệ, miễn có tiền để ăn uống. Nhiều nguồn vốn vay không tính lãi nhưng một số hộ không muốn nhận, họ chỉ muốn được “cho không”. Tháng 4/2013, đại diện chính quyền địa phương cùng ngành chức năng của huyện đi Quy Nhơn để “nhận về” hai trường hợp lang thang ăn xin từ Trung tâm Xã hội Bình Định. Bản thân ông Nam khi đi công việc ở Tuy Hòa cũng nhiều lần “bắt” mấy trẻ em người Xuân Lãnh lang thang phải lên xe “hồi hương”...

Theo ông Nam, địa phương luôn dành sự quan tâm trong thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với các hộ có khuynh hướng cho con em đi ăn xin. Vấn đề “phạt chuyện đi xin ăn” cũng đã đưa vào hương ước buôn làng. Tình trạng này có thuyên giảm nhưng không chấm dứt, cứ dây dưa dai dẳng. “Quá khó để chấm dứt tình trạng trẻ em ở đây đi ăn xin. Tôi nghĩ, chỉ còn cách là đề xuất các trung tâm xã hội phải “giữ chân” những trường hợp lang thang ăn xin này, để họ sợ “bó chân” mà không dám đi ăn xin nữa. Bởi tâm lý bà con miền núi rất sợ phải ngồi tù túng một chỗ, họ sẽ không dám đi ăn xin nữa…”, ông Nam nói.

Theo già làng La Chí Thái, trước đây, nhiều người ở hai thôn Soi Nga và Da Dù đã “trôi dòng” đi xin ăn đến tận TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…, sau giảm dần. Nhất là khi Đà Nẵng làm mạnh việc “nói không” với tình trạng ăn xin thì nhiều người không dám đi nữa. “Nếu Bình Định cũng làm như Đà Nẵng thì tôi tin nhiều người ở đây không dám cho con em lang thang xuống Quy Nhơn xin ăn nữa”, ông Thái nói.

 

HÙNG PHIÊN - TUYẾT NHUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhớ lắm Trường Sa
Thứ Bảy, 17/08/2013 14:00 CH
Hồi ức của một lính pháo
Thứ Tư, 14/08/2013 08:35 SA
Giữ nghề đan nong tre
Thứ Bảy, 10/08/2013 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek