Thứ Bảy, 05/10/2024 10:17 SA
Khi nông dân cầm micro hát
Bài cuối: ”Dậy sóng” nhạc sống tại gia
Thứ Ba, 27/08/2013 14:00 CH

Alô! chú Tá hả. 3g chiều nay cho một sô “Sóng Xanh” tại nhà anh nhé! - Có người đặt thuê trước rồi anh ạ! Lại “chậm chân” nữa rồi à! Thôi em gọi dùm anh ban nhạc khác vậy!... Bây giờ không chỉ ca hát ở quán cà phê, trào lưu hát nhạc sống tại gia như vết dầu loang đang lan rộng ở khắp các miền quê nông thôn Phú Yên. “Mốt chơi” thời thượng này mang lại niềm vui, niềm hứng khởi, sự gắn kết tình làng nghĩa xóm. Nhưng cũng có những bữa tiệc nhạc sống ở gia đình phô trương một cách thái quá, thi nhau hát kéo dài đến đêm khuya, âm thanh khuấy động cả khu dân cư như “tra tấn” sự nghỉ ngơi của người già và cả việc học hành của con trẻ…

 

NHAC130827.jpg

Tiếng trống nhạc sống âm vang bên cánh đồng Tuy Hòa

Bài cuối: ”Dậy sóng” nhạc sống tại gia

“MỐT CHƠI” THỜI THƯỢNG TẠI GIA

Một người bạn học từ thời phổ thông, tên Công, ở thôn Phước Lộc 1, xã Hòa Thành (Đông Hòa), mời tôi dự ngày kỵ mãn tang cha. Gia đình không mấy khá giả, các anh em Công gom góp tiền sắm sửa vài mâm cơm chay đạm bạc và cung thỉnh các sư thầy đến tụng kinh cho vong linh cha được siêu thoát ở miền cực lạc. Cứ tưởng giỗ cha lần đầu ở nhà bạn chỉ giản đơn, ấm cúng như vậy. Nhưng khi bà con, anh em, bạn bè được mời ngồi bàn cỗ, Công rót bia mời nâng cốc, rồi dõng dạc tuyên bố là đã thuê dàn nhạc sống để mọi người cùng tham gia hát hò cho vui với gia đình! Ai ai cũng vỗ tay tán thưởng. Rồi “sân khấu” dã chiến được bày biện trên khoảnh sân rộng. Nhạc trỗi lên, âm thanh xập xình và người lớn, cả trẻ em tranh nhau cầm micro và hát.

Ai không thuộc lời ca từ thì… cầm quyển chép nhạc mà hát; giọng hát hay dở, “phô”, chênh nốt nhạc đều không thành vấn đề, miễn là hát hết mình, vui hết mình. Đoạn hơi men hơi ngà ngà, đôi ba cặp vợ chồng hay bạn bè kéo nhau nhảy múa, huơ tay huơ chân theo điệu nhạc. Đám giỗ nhà bạn trở thành bữa tiệc nhạc sống sôi động, tưng bừng như ở… vũ trường và cứ kéo dài miên man, miên man...

Hôm rồi, tôi có dịp về khu dân cư bên núi dốc Ông Nao, thôn Sơn Thọ, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) để tận hưởng không khí trong lành của miền quê êm ả và thanh bình. Thế nhưng một lần nữa, tôi lại “bội thực” nhạc sống khi có đến hai gia đình thân quen mời hát mừng “trúng lớn” vụ trồng hành và chúc vui… đứa con đầy tháng. Rồi hai nhà cứ …chat, bùm, chat…! Tôi đành nhiệt thành hầu rượu với các “danh ca” nhà nông: “Hát nữa đi em, lỡ ngày kia sông cạn đá mòn…, hát nữa đi em, mỗi bước dài nối lấy tương lai…”. Những lá chuối xanh non được kết lại thành “vòng nguyệt quế” để đội lên đầu cho những nông dân có giọng hát hay! Vậy đó, làng quê bây giờ luôn rình rang nhạc sống, và xuất hiện nhiều biệt danh “làng nhạc” Sơn Thọ, “thị trấn nhạc” Hòa Vinh, “xã nhạc” Hòa Phong, “phường nhạc” Phú Lâm… Hễ có bất cứ lễ lộc, tiệc tùng hay được mùa… là người dân họp nhau lại thuê dàn nhạc sống về nhà để vui hát cho nhau nghe. Ông Trần Kim Quang ở Sơn Thọ cho hay, cuộc tiệc ở nông thôn mà không có nhạc sống thì “nhạt miệng”, kém vui. Nó như liều thuốc tinh thần để bà con cùng nhau hát cho khuây khỏa nỗi lòng, nỗi nhọc nhằn mưu sinh cơm áo gạo tiền, nỗi vất vả sớm hôm lam lũ với ruộng đồng… “Nhiều người “nghiện” nhạc sống rồi ông ạ! Hôm nào không làm vài bổn (bài hát), thấy thiếu thiếu trong người, ăn không ngon, làm không chạy việc!”- Ông Quang thổ lộ.

Phong trào nhạc sống khởi phát từ các xã Hòa Phong, Hòa Phú (Tây Hòa), sau đó lan dần sang các làng quê Đông Hòa, Phú Hòa, TP Tuy Hòa, Tuy An… trong 3 năm trở lại đây. Giờ thì phong trào này đang trở thành “mốt chơi” thời thượng tại gia ở khắp các vùng nông thôn Phú Yên. Nhạc sống với âm thanh sống động, phong cách hát ngẫu hứng không chỉ giới trẻ yêu thích mà còn thu hút cả người lớn tuổi, trung niên nhiệt tình tham gia. Họ hát mọi lúc, mọi nơi. Tôi thường bắt gặp ở đây đó những nhóm nam nữ nông dân, sau khi xắn quần lên khỏi bờ ruộng là cùng góp mỗi người vài mươi nghìn đồng để thuê dàn nhạc và cùng hát cho nhau nghe… mệt nghỉ. Các chị em tiểu thương thì vừa bán hàng ở chợ, vừa râm ran luyện giọng, “dạy” cho nhau hát đúng nhạc. Một chiều ở ngay chợ trung tâm xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa), tôi chứng kiến các “danh ca” tiểu thương cầm micrô và thi nhau so “tài” hát nhạc sống. Chị Thiền ở thôn Sơn Thọ, cười tít mắt, nói: “Cả ngày mệt mỏi vì tranh mua, tranh bán, giờ chơi nhạc để xả hơi. Lời ca tiếng hát sẽ gắn kết nghĩa tình… buôn có bạn, bán có phường!”.

NỞ RỘ “BẦU SÔ” DÀN NHẠC

Có cầu ắt có cung, trào lưu ca hát kéo theo sự nở rộ các “bầu sô” dàn nhạc sống. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành văn hóa thông tin ở các địa phương, hiện Phú Yên có đến vài trăm dàn nhạc. Riêng các huyện Đông Hòa, Tây Hòa có khoảng 100 dàn nhạc. Nghề này đang “ăn nên làm ra” nên ở các phường Phú Lâm, Phú Thạnh (tách ra từ huyện Tuy Hòa cũ) có nhiều “bầu sô” như Hồng Phát, Sóng Xanh, Bảo Phúc, Thế Tiến, Quốc Cường,… tậu 2-3 dàn nhạc với dàn nhạc công giỏi, âm thanh chất lượng. Ai có nhu cầu hát hò thì chỉ cần gọi điện thoại là xe chở dàn nhạc đến phục vụ tận nhà. Theo anh Nguyễn Viết Tá – “bầu sô” của ban nhạc Sóng Xanh có tiếng ở phường Phú Lâm, dù số lượng dàn nhạc ngày càng tăng nhưng có thời điểm ngày lễ, thứ 7, chủ nhật vẫn không đủ phục vụ cho nhu cầu ca hát của quần chúng. Còn vào dịp tết hay mùa cưới thì phải đặt ban nhạc trước cả tháng trời.

Anh Nguyễn Viết Tá tâm sự: một dàn nhạc hiện đại luôn có đủ các nhạc cụ guitar, bas, trống, organ, dàn âm thanh, có khả năng tạo ra âm thanh trong sáng, rõ ràng, mạnh mẽ… Khi dàn nhạc sống với tầng âm và trường âm được tái hiện tốt, bạn sẽ có cảm giác như có thể “chạm tay” vào người hát hay người nhạc công đang trình diễn. Rất tiếc những dàn nhạc như thế ở Phú Yên không nhiều. Vì chạy theo lợi nhuận trước mắt và cạnh tranh không lành mạnh, nhiều “bầu sô” ở vùng nông thôn sắm dàn nhạc với mỗi cây organ “dỏm” để phục vụ người chơi với giá chỉ 60.000 đến 80.000 đồng/giờ. Trong khi các dàn nhạc với thiết bị chất lượng cho thuê giá từ 120.000 đến 200.000 đồng/giờ. Ở huyện Đông Hòa có một số người vốn là thợ hồ, thợ sửa xe… bỗng chốc trở thành “ông bầu” kiêm nhạc công phục vụ nhạc sống tại gia. Khi thấy phong trào cho thuê dàn nhạc “ngon ăn”, anh N.T.T bỏ ngang nghề thợ hồ ở xã Hòa Tân Đông, đi học đàn mấy tháng rồi mua cây organ về làm “ông bầu” nhạc sống. Khổ nỗi, nhiều lần T chơi sai tông nhạc không ăn nhập với bài hát, người chơi sành nhạc đành tẩy chay. Thế là anh ta liền ôm đàn “nhảy” sang địa phương khác làm ăn! Vậy mà cũng có người chơi thuê T vì cứ ham dàn nhạc giá rẻ! Hiện vẫn chưa có đơn vị chức năng nào quản lý hoạt động của các dàn nhạc kém chất lượng hoạt động tự do, trôi nổi như vậy!

KHI NHẠC SỐNG… “DẬY SÓNG ”!

Trào lưu nhạc sống tại gia dần dần thành cái nếp sinh hoạt văn hóa đặc sắc, được đông đảo người dân ưa chuộng. Nhưng cũng có những bữa tiệc nhạc sống ở gia đình quá đà, với âm thanh quá lớn làm “dậy sóng” cả khu dân cư, vô tình gây phiền hà cho nhiều người xung quanh. Có những nhóm nông dân, hễ rảnh rang một chút là cùng nhau góp tiền thuê dàn nhạc sống để vừa nhậu vừa hát. Khi được men rượu “hỗ trợ” thì cánh đàn ông huơ tay chân nhảy múa và nổi “máu ca sĩ” nên càng hăng hát, hát cả nhạc cải biên, hát như gào thét, hát quên cả giờ giấc, kéo dài thâu đêm; thậm chí tranh giành hát, đánh nhau loạn xạ. Sự thể này trở thành “thảm họa âm nhạc” với nhiều hệ lụy gây mất trật tự an ninh thôn xóm. Bà Nguyễn Thị Hiếu, 69 tuổi thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, tâm sự: “Tôi như muốn phát điên vì hát hò cả ngày ồn ào, tiếng trống đì đùng làm đinh tai nhức óc. Nó như “đày đọa”, như “tra tấn” sự nghỉ ngơi của người già và cả việc học hành của con trẻ…”.

Pháp luật Việt Nam quy định về việc hát karaoke phải được cấp giấy phép, tuân thủ nghiêm ngặt về thời gian, kích cỡ phòng, hệ thống cách âm…, nhưng hoàn toàn chưa có quy định về các biện pháp chế tài để quản lý đối với hát nhạc sống. Vì thế, trong khi địa phương lúng túng xử lý, người chơi đã lạm dụng tổ chức hát ở mọi lúc, mọi nơi, từ việc đám giỗ, sinh nhật, thôi nôi, đến cả nhà mới, ăn nhậu…. cũng nhạc sống. Hễ xóm có đám tiệc là coi như đêm đó nhiều người bị mất ngủ! Tôi tâm đắc với ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Thái - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Yên, rằng: Việc thụ hưởng loại hình văn hóa nhạc sống là một nhu cầu giải trí chính đáng của mỗi cá nhân, gia đình. Tuy nhiên, để không gây ảnh hưởng đến người khác, các “bầu sô” cho thuê dàn nhạc, các nhóm nhạc cùng người tổ chức chơi nhạc tự nhắc nhở nhau điều chỉnh giờ giấc, âm lượng vừa phải, tạo văn hóa nhạc sống vui tươi, lành mạnh. Các địa phương họp dân thống nhất các nội quy hát nhạc sống để đưa vào quy ước, hương ước của thôn, buôn, nhằm quản lý tốt phong trào này, góp phần phát huy hiệu quả của âm nhạc, gắn kết tình làng nghĩa xóm!

Bút ký NGUYÊN LƯU

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Khi nông dân cầm micro hát
Thứ Hai, 26/08/2013 14:00 CH
Con trẻ miền núi ăn xin
Thứ Bảy, 24/08/2013 14:00 CH
Nhớ lắm Trường Sa
Thứ Bảy, 17/08/2013 14:00 CH
Hồi ức của một lính pháo
Thứ Tư, 14/08/2013 08:35 SA
Giữ nghề đan nong tre
Thứ Bảy, 10/08/2013 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek