“Cắt nửa vầng trăng, cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ. Chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng…” - Có lẽ chưa có nơi nào ở dải đất Nam Trung Bộ đầy nắng và gió này lại trỗi dậy mạnh mẽ làn sóng nhạc sống “hát cho nhau nghe” như ở các làng quê Phú Yên. Giờ thì ở “vựa lúa Tuy Hòa”, cả thanh niên, cụ già, những nông dân, các cô gái áo nâu non nhuộm bùn, xắn quần lên khỏi bờ ruộng là… cầm micro và hát. Món ăn văn hóa tinh thần này dường như không thể thiếu của dân nông thôn, đến cả đám giỗ, sinh nhật, tân gia, họp mặt, được mùa lúa, nhăm nhi ly rượu hay tách cà phê… cũng hát nhạc sống! Họ hát say sưa như chưa bao giờ được hát; lắm khi thâu đêm suốt sáng, lắm lúc ồn ào, náo nhiệt, âm thanh xập xình đinh tai, nhức óc…
Cô Thừa trải lòng mình qua lời ca tiếng hát với lớp trẻ ở quán cà phê nhạc sống
Bài 1: Tình tang nhạc sống cà phê đồng quê
Chiều bên cánh đồng vừa gặt, ngai ngái mùi rơm rạ, các anh, các chị rỉ tai nhau, giọng rặc “xứ Nẫu”: Tối cà phơ (cà phê) nhạc sống hông! - Đi chớ. Mà chị Tư chọn quán hen. Mấy bữa nay quán M.A đánh nhạc không phơ (phê), mình “đẩu gió” (đổi gió) sang quán Kim Yên hay Tư Đờn… cũng được!... Chuyện tình tang cùng “hát cho nhau nghe” ở các “hội quán” cà phê dường như luôn thường trực trong tâm thức, cả trong cuộc sống hằng ngày đối với nhiều người dân vốn chân lấm tay bùn. Và rồi các quán cà phê nhạc sống ở quê lúa Tuy Hòa đua nhau mọc lên… như nấm. Ở đó, người hát, người thưởng thức âm nhạc cùng hòa vào nhau trong niềm vui, niềm hân hoan, niềm lạc quan, sảng khoái sau một ngày lao động mệt nhọc...
“DANH CA” Ở TUỔI “XƯA NAY HIẾM”
Đêm ở hội quán cà phê Tiên Dương bên đồng làng, một người đàn bà cầm micro cất cao giọng hát trong trẻo, truyền cảm, sâu lắng: “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…” (Nhớ mùa thu Hà Nội - Trịnh Công Sơn). Những tiếng vỗ tay rào rào, tán thưởng không ngớt. Một fan hâm mộ âm nhạc bật mí với tôi: “Danh ca” Nguyễn Thị Cầu đó, mọi người thường gọi bà với cái tên trìu mến là cô Thừa. Ở các quán cà phê “hát cho nhau nghe” tại huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa…, dân “ghiền” nhạc sống đều biết đến tiếng tăm cô Thừa. Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng đêm nào (trừ tối thứ hai hàng tuần) cô Thừa cũng đi hát, có khi hát “chạy sô” ở nhiều quán cà phê nhạc sống, giống như ca sĩ chuyên nghiệp. Chị Vũ Thị Hương - ở xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, vừa phấn khích nghe nhạc, vừa nói: “Là người thường xuyên đi thưởng thức cà phê nhạc sống, tui “mê” cô Thừa lắm. Dù đã lớn tuổi như mẹ mình, nhưng cô có sức khỏe tốt, “chịu chơi” với lớp trẻ, sống chân tình, hát nhiệt tình và hát rất hay…”
Tất thảy những người nông dân, thanh niên “mê” nhạc sống ở quê lúa Tuy Hòa đều ngưỡng mộ, nể phục trí nhớ tuyệt vời của cô Thừa, bởi bà hát được hàng trăm bài hát với nhiều làn điệu khác nhau mà không cần nhìn vào màn hình chạy chữ hay giấy chép nhạc. “Chính xác là tôi thuộc nằm lòng 588 bài hát với cả tên tác giả. Bốn năm nay, tôi ghi tỉ mỉ trong 6 quyển sổ tay với tên bài hát, được hát ở đâu, thời gian nào…”, cô Thừa cho hay. Không cần lật sổ chép nhạc, cô Thừa đọc vanh vách cho tôi nghe: Này nhé, ở cà phê Hitech (Thuận Thảo) hát bài “Việt Nam quê hương tôi”, “Tiến về Hà Nội”; ở cà phê Minh Anh thì hát “Lời tỏ tình đáng yêu”, “Con kênh xanh xanh”; ở nhà cô Thúy Hồng (Hòa Trị) thì hát “Một thoáng quê hương”…
Anh Nguyễn Viết Tá - “ông bầu” của ban nhạc Sóng Xanh ở phường Phú Lâm, tâm sự: “Có thể nói, cô Thừa là một “danh ca” tuổi 70 có một không hai ở Phú Yên. Từng đêm, cô thường hát “đổi tông” nhạc, có khi hát những làn điệu sống động Rumba, Chachacha… cho giới trẻ khiêu vũ; có lúc hát nhạc nhẹ, trữ tình, hát cả nhạc trống quân, quan họ… cho những người luống tuổi thưởng thức… Giọng hát “không có tuổi” của cô đã lay động trái tim của những người yêu phong trào ca hát ở làng quê!”
Sinh ra ở “Làng quan họ” bên dòng sông Cầu thơ mộng của tỉnh Bắc Ninh, năm 1976, cô Thừa khăn gói theo chồng là Phan Tấn Đích (nguyên là sĩ quan Quân đội tập kết ra Bắc) vào lập nghiệp ở huyện Tuy Hòa (cũ), Phú Yên. Giống như nhiều cô gái Bắc Ninh khác, cô Thừa mê nhạc từ nhỏ, nhưng cuộc sống gia đình trải qua nhiều biến cố, không một giờ ngơi nghỉ để tìm đến niềm vui ca hát. Cô đã từng tan nát trái tim và cạn khô nước mắt khi đứa con trai là kiến trúc sư giỏi, tháo vát, bị té ngã xuống lầu chết. Cô đau quặn thắt khi trắng tay, nợ nần chồng chất, vì gia đình dốc tài sản đem bán, vay mượn gần 1,5 tỉ đồng để hùn vốn làm ăn với một công ty tư nhân nhưng bị thua lỗ và chủ doanh nghiệp này ôm nợ bỏ trốn… Bốn năm nay, khi “vết cắt trong tim” đã dần lành, cô rũ bỏ mọi lo toan, phiền muộn và đắm mình trong lời ca, tiếng hát. “Cuộc đời “ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh”, mình vất vả nhiều rồi, bây giờ già rồi, thôi thì cứ sống hết mình, vui hết mình, hát hết mình…”, cô Thừa bộc bạch.
…Đêm rằm mùa hạ. Ánh trăng vằng vặc nơi đồng làng. Quán cà phê Tiên Dương, Minh Ánh… lại “dậy sóng” nhạc sống để mọi người cùng “hát cho nhau nghe”. Tôi lại nghe “danh ca” Thừa trải lòng mình trong giai điệu ngọt ngào của bài hát Yêu cô gái Bạc Liêu - nhạc Thanh Sơn: “…Đời nhà nông sống quanh năm ruộng lúa nắng mưa, mưa nắng hai mùa. Nhọc nhằn, nhưng vẫn cười đùa….”.
Đêm “hát cho nhau nghe” ở hội quán cà phê Tiên Dương
TÌNH TANG NHẠC SỐNG ĐỒNG QUÊ
Không thể ngăn cấm kinh doanh cà phê nhạc sống. Khi tôi đặt bút viết bài này, ông Đỗ Đình Tây - Trưởng phòng VHTT huyện Đông Hòa, điện thoại cho biết: “Vì nhà chùa và người dân phản ứng gay gắt quán cà phê nhạc sống Ảo Ảnh gây ồn ào xáo trộn đời sống, nên huyện vừa vận động chủ quán này tạm ngưng hoạt động. Chỉ tạm ngưng thôi, chứ không thể ngăn cấm họ kinh doanh trở lại, bởi hiện vẫn chưa có văn bản pháp quy nào quy định về quản lý cà phê nhạc sống!”.
Thời thịnh cà phê nhạc sống đã và đang đua nhau mọc lên như nấm ở khắp các làng quê Phú Yên. Thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, nằm bên cánh đồng lúa Tuy Hòa “thẳng cánh cò bay”, nhưng ở đây có đến 4 điểm cà phê nhạc sống, 4 dàn nhạc lưu động, hơn hẳn các nơi khác. Đêm nào các điểm cà phê Ảo Ảnh, Kim Yên, Hai Hạt, Tư Đờn cũng xập xình nhạc sống như xé tan không gian tĩnh lặng. Mùa hè - mùa nông nhàn, trai tráng, cả những nông dân chân đất làng trên xóm dưới kéo nhau đến các quán cà phê để “hát cho nhau nghe”. Và dĩ nhiên, không hiếm những người “ghiền” nhạc, hát “chạy sô” như cô Thừa. Ở quán cà phê Kim Yên, anh Nguyễn Văn Thành, vui vẻ nói: “Dù làm nông vất vả, nhưng đêm đến chúng tôi tranh thủ làm vài bổn (bài hát) để thư thái, để trải lòng mình trong lời ca, tiếng hát”.
Đêm ở chốn đồng làng dường như mất hút tiếng ếch nhái, tiếng côn trùng rả rích hay bờ tre kẽo kẹt, thay vào đó là âm thanh Drum and Bass ầm ào, là giai điệu ngọt ngào về tình yêu, về quê hương: “Cắt nửa vầng trăng, cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ. Chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng. Đưa tôi về, đưa tôi về với người tôi yêu. Để cùng ngâm khúc dân ca quê mình, để nghe tiếng sáo thênh thang cánh cò…” (Ca dao em và tôi). Cà phê nhạc sống nông thôn giá rẻ, không đòi hỏi phải có ca sĩ chuyên nghiệp. Bất cứ ai đến đây cũng uống một tách cà phê hay chai nước giải khát tùy loại từ 15.000 đến 25.000 đồng, và có thể ngồi nhiều giờ liền để thưởng thức nhạc hoặc đăng ký hát một bài. Có quán chỉ chơi nhạc với cây đàn organ, nhưng đa số đều sắm dàn nhạc đầy đủ trống, đàn organ, guitar, hệ thống âm thanh. Người nghe chỉ cần một giọng hát chuyển tải được cảm xúc. Ông Nguyễn Phi Hổ, Bí thư đồng thời là Chủ tịch thị trấn Hòa Vinh, bộc bạch: “Những tưởng cà phê nhạc sống chỉ “sống” được ở các trung tâm đô thị, nhưng loại hình sinh hoạt văn nghệ này lại đang “hot” ở nông thôn. Tôi vui, buồn lẫn lộn anh ạ! Vui lắm vì đời sống văn hóa, tinh thần hưởng thụ âm nhạc của người dân được “nâng tầm” như ở… đô thị; buồn là “thị trấn cà phê nhạc sống” Hòa Vinh, như cách gọi của nhiều người, đang nảy sinh một số hệ lụy vì đêm nào cũng hát ồn ào, ảnh hưởng đến sinh hoạt chung trong cộng đồng dân cư…”.
Vâng, không thể phủ nhận niềm đam mê, sức sống mãnh liệt của người dân thị trấn Hòa Vinh trong phong trào ca hát nhạc sống đồng quê. Có thể xem nhạc sống như liều thuốc tinh thần xóa hết những nỗi niềm ưu tư, trăn trở, lam lũ của người dân trong cuộc sống thường nhật. Nhưng cái cách một số người đua nhau kinh doanh dịch vụ cà phê nhạc sống ở cạnh chùa chiền… thì quả là quá phiền toái! Sư thầy Nhuận Đức thổ lộ: “Bà con mở quán cà phê nhạc sống để hát, nhảy múa, la hét từng đêm ở ngay cạnh chùa chiền, đã làm cho các sư thầy, đạo hữu, những người tu học ở chùa luôn phải ám ảnh, khó tịnh tâm thiền định, đọc sách, nghe giảng đạo… Nhà chùa phải bắt loa, mở to âm thanh khi chú giảng đạo pháp nhằm để át đi tiếng nhạc, tiếng trống âm vang cả xóm làng…”.
Đêm, tôi vãn cảnh ở chốn thanh tịnh, yên bình của chùa Cảnh Thái, nhà thờ Đông Mỹ. Khi các sư thầy ở chùa đang chú tâm tụng niệm: Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni Phật…, thì nhạc sống ở quán Ảo Ảnh (nằm chung vách tường rào với chùa) thình lình xập xình, rồi một giọng ca trẻ gào thét: Dốc hết tình này, ta trả nợ người/Dốc hết tình này, ta trả nợ đời/Trả hết tình tôi vẫn nợ không thôi… (Trả nợ tình xa). Cứ thế, từng đêm, nhạc sống “động”… cửa thiền, và câu kinh như rơi tõm vào giai điệu tình ca, vào thế giới âm nhạc chát chúa!...
Bài cuối: “Dậy sóng” nhạc sống tại gia
Bút ký NGUYÊN LƯU