Thứ Tư, 27/11/2024 00:42 SA
Phú Yên trong mối tương tác phát triển khu vực
Thứ Tư, 26/03/2008 14:00 CH

LTS: Ngày mai (27/3), tại TP Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng Đầu tư Tài chính tổ chức hội thảo “Miền Trung - vận hội mới cho đầu tư và phát triển”. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Ngọc Chi đã gởi đến hội thảo này tham luận với nội dung Phú Yên trong mối tương tác phát triển khu vực. Báo Phú Yên xin trân trọng trích giới thiệu cùng bạn đọc. Đầu đề và các tít xen do Tòa soạn đặt.

 

080326-hoadau1.jpg

Mô hình toàn cảnh Hạ tầng KCN Hóa dầu Hòa Tâm và Tổ hợp hóa dầu Naphtha Cracking

 

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã mở ra nhiều cơ hội mới, đồng thời cũng sẽ đối đầu với không ít thách thức. Điều đó đòi hỏi mỗi tỉnh, thành phố tăng cường hợp tác để phát triển bền vững.

 

LỢI THẾ CỦA KHU VỰC

 

Để kinh tế miền Trung phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, phải đặc biệt coi trọng giải pháp liên kết phát triển. Với điều kiện tự nhiên nằm ven biển, nhiều tỉnh, thành phố miền Trung có tiềm năng và lợi thế gần giống nhau để phát triển sân bay, cảng biển, du lịch sinh thái… nên không tránh khỏi cạnh tranh thu hút đầu tư, đòi hỏi mỗi địa phương phải chọn cho mình thế mạnh để có định hướng phát triển phù hợp. Tuy nhiên nếu mạnh ai nấy làm sẽ manh mún, không tạo được động lực phát triển chung.

 

Vấn đề quan trọng là các tỉnh miền Trung phải tìm được tiếng nói chung, đẩy mạnh hợp tác để phát triển, thay vì cạnh tranh chia nhỏ thị trường. Tập trung liên kết, hợp tác trong công tác quy hoạch; đảm bảo quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực của từng tỉnh, thành phố phải phù hợp với quy hoạch phát triển chung của cả khu vực. Hợp tác đầu tư hệ thống giao thông, đảm bảo thông suốt trong toàn vùng. Hợp tác phát triển du lịch xuyên miền Trung…

 

Qua khảo sát, dải địa hình nối Tây Nguyên với vùng Nam Trung Bộ qua thung lũng sông Ba ít đèo dốc nhất, thuận lợi nhất để xây dựng tuyến đường sắt lên Tây Nguyên. Tỉnh đang triển khai dự án trục giao thông dọc miền Tây của tỉnh nối liền Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk và đã phối hợp với các tỉnh trong khu vực cùng kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương triển khai các dự án lớn có vai trò làm động lực cho phát triển kinh tế của khu vực như: Quy hoạch tuyến đường sắt nối Tuy Hòa với Tây Nguyên, xây dựng hầm đường bộ đèo Cả,  nâng cấp ĐT645 của tỉnh thành quốc lộ nối với Đắk Lắk cùng với quốc lộ 25 nối Phú Yên với Gia Lai sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế Đông Tây... nhằm hình thành mạng lưới giao thông quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho cả khu vực. Tỉnh đã, đang và sẽ đầu tư để từng bước xây dựng Phú Yên thành một “cửa ngõ” phía Đông cho Tây Nguyên và khu vực ba biên giới Việt Nam- Lào- Campuchia bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không.

 

TIỀM NĂNG LIÊN KẾT VÙNG

 

Phú Yên đã và sẽ tăng cường hợp tác liên kết vùng để tăng thêm sức mạnh cho phát triển. Trong đó, liên kết với các khu kinh tế trọng điểm, các tỉnh trong  lưu vực sông Ba và phụ cận để khai thác tiềm năng và thế mạnh của mỗi tỉnh; tránh đầu tư tràn lan, chồng chéo, như hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu, khu sản xuất tập trung; xây dựng cơ sở hạ tầng liên tỉnh; liên kết phát triển du lịch…từng bước hình thành tiểu vùng kinh tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Phối hợp với Khánh Hoà hình thành khu kinh tế trọng điểm “Nam Phú Yên- Bắc Khánh Hòa” mà trọng tâm là Vân Phong- Vũng Rô; phối hợp tỉnh Bình Định quy hoạch xây dựng khu kinh tế Bắc Sông Cầu gắn với khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) để sau năm 2015 các khu kinh tế này từng bước trở thành những hạt nhân, trung tâm phát triển của tỉnh và của vùng. 

 

Hiện nay, tỉnh đang triển khai nghiên cứu đề tài ‘‘Xây dựng luận cứ phát triển kinh tế-xã hội lưu vực Sông Ba và vùng phụ cận giai đoạn 2006-2020’’. Ký kết và tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội và an ninh-quốc phòng với các tỉnh: Gia Lai, Đăk Lăk, Bình Định, Khánh Hòa nhằm khai thác các tiềm năng và lợi thế của mỗi tỉnh trong mối quan hệ phát triển kinh tế chung; tạo điều kiện để từng bước hình thành các hành lang phát triển kinh tế, từng bước hình thành tiểu vùng kinh tế.

 

Ở phía Nam tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho lập quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội vùng Nam Phú Yên, Bắc Khánh Hoà; đồng ý về chủ trương thành lập khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh đã hoàn chỉnh đề án trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Đây là khu kinh tế nằm ở ven biển phía Đông-Nam tỉnh Phú Yên, có diện tích tự nhiên là 20.370 ha, có các khu công nghiệp tập trung gắn liền cảng biển Vũng Rô, sân bay Tuy Hoà và  gắn với khu kinh tế Vân Phong của Khánh Hoà theo hướng đa ngành, đa chức năng; trở thành địa bàn phát triển đột phá của tỉnh; trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

 

Ở phía Bắc, tỉnh định hướng xây dựng tiểu khu kinh tế Đông Bắc Sông Cầu diện tích trên 10.000 ha với các khu công nghiệp tập trung, cảng biển, cơ sở đóng tàu gắn với khu kinh tế Nhơn Hội và cảng biển Quy Nhơn của Bình Định.

 

080326-CAU-TAU.jpg

Đóng tàu biển ở Nhà máy Đóng tàu Phú Yên - Ảnh: N.Lưu

 

TẠO ĐỘNG LỰC THU HÚT ĐẦU TƯ

 

Hiện nay, tỉnh Phú Yên đã và đang áp dụng đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ và có một số chính sách ưu đãi riêng của tỉnh; đồng thời tiếp tục sửa đổi, ban hành cơ chế chính sách mới, phù hợp với xu thế phát triển chung và đặc thù của tỉnh Phú Yên để huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cùng với nhà đầu tư làm việc với các bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh việc triển khai dự án đã đăng ký.

 

Tích cực hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư lập thủ tục đầu tư với thời gian ngắn nhất. Tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư khoảng từ 5-10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; rút ngắn thời gian cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh còn 3 ngày; cấp chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, công ty, chi nhánh công ty cũng được rút ngắn từ 2-5 ngày. Tiếp tục tạo môi trường đầu tư, xây dựng mặt bằng “đất sạch”, kinh doanh thông thoáng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài để thu hút đầu tư. Tạo điều kiện giải quyết việc cấp đất, đền bù giải phóng mặt bằng nhanh chóng, thuận lợi…

 

Công tác thu hút vốn đầu tư được tỉnh chú trọng, đã tổ chức một số hội nghị xúc tiến đầu tư tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nước ngoài như Singapore, Đức, Hàn Quốc... Trong năm 2007, tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư tại Singapore. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ký bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư dự án Cơ sở hạ tầng khu công nghiệp hoá dầu và dự án Tổ hợp hoá dầu Naphtha Cracking với Công ty SP Chemicals (SPC) - Singapore dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Singpore. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham dự hội nghị đều là những doanh nghiệp hàng đầu của Singapore và của các nước đầu tư tại Singapore. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư khu vực Đông Nam Á, Trung Đông, Hoa Kỳ, Canada, Nhật, Úc, Hàn Quốc đến thăm, làm việc và ký một số biên bản ghi nhớ đầu tư.

 

Nhờ làm khá tốt công tác xúc tiến đầu tư mà thu hút đầu tư vào Phú Yên có những bước đột phá quan trọng, nhất là trong năm 2007. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) đạt khá, được xếp thứ 23/64 tỉnh, thành phố cả nước. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ vị trí thứ 44, năm 2007 Phú Yên đã vươn thứ nhì cả nước (sau TP Hồ Chí Minh), dẫn đầu khu vực miền Trung. Giai đoạn 1988-2007 có 39 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh, xếp thứ 7 cả nước.

 

Trong đó có ba dự án lớn là dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô (đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư) do Công ty Technostar Management Ltd (Vương quốc Anh) và Công ty Dầu khí Telloil (Cộng hoà Liên bang Nga) làm chủ đầu tư với tổng vốn 1,7 tỉ USD, công suất 4 triệu tấn/năm, dự kiến khi đi vào hoạt động từ năm 2011 sẽ tạo ra doanh thu bình quân hàng năm 2,23 tỉ USD. Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hoá dầu và Tổ hợp hóa dầu Naphtha Cracking (đã công bố chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ) do Công ty SP Chemicals (Singapore) làm chủ đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng một khu công nghiệp hiện đại và đồng bộ dành cho công nghiệp hóa dầu trên diện tích 1.300 ha mặt đất và 1.300 ha mặt nước; xây dựng một khu cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu có trọng tải trên 250.000 DWT. Dự án sẽ được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2007-2014), giai đoạn 2 (2014-2024). Dự kiến khi khu công nghiệp hóa dầu được đầu tư hoàn chỉnh thu hút khoảng 11 tỉ USD tạo việc làm 15.000- 20.000 lao động, doanh thu khoảng 20 tỉ USD. Dự án khu du lịch liên hợp cao cấp  do Công ty New City (Vương quốc Brunei) làm chủ đầu tư, với tổng vốn 2,3 tỉ USD, diện tích 565 ha với các dịch vụ, du lịch cao cấp. Hiện nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ để trình cấp giấy chứng nhận đầu tư.

 

CHỦ ĐỘNG LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN

 

Hướng phát triển mang tính đột phá theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020 là xây dựng khu kinh tế Nam Phú Yên gắn với khu kinh tế Vân Phong của tỉnh Khánh Hoà; xây dựng tiểu khu kinh tế Đông Bắc Sông Cầu gắn với khu kinh tế Nhơn Hội của tỉnh Bình Định. Tỉnh Phú Yên khuyến khích thu hút các dự án đầu tư vào các khu kinh tế và thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng các khu kinh tế này. Tỉnh Phú Yên sẽ tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, đồng thời đề nghị sự hợp tác của các tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Đắk Lắk để thúc đẩy các công trình có tính chất liên vùng và kêu gọi vốn của các nhà đầu tư bằng nhiều hình thức đầu tư (BOT, BTO, BT) để đầu tư hoàn chỉnh các công trình lớn như: trục giao thông dọc miền Tây, trục giao thông ven biển, hầm đường bộ đèo Cả, đường sắt Tuy Hòa - Tây Nguyên, nâng cấp ĐT 645 thành quốc lộ, đường ống dẫn dầu lên Tây nguyên, nâng cấp sân bay  Tuy Hòa… tạo ra hành lang phát triển kinh tế của từng tiểu vùng. 

 

Khuyến khích thu hút đầu tư phát triển các ngành kinh tế trọng điểm mà tỉnh có lợi thế như nhà máy nhiệt điện, các nhà máy thuỷ điện, nhà máy lọc dầu, hóa dầu, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hóa dầu; các nhà máy chế biến thủy sản; phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá; khu nông nghiệp công nghệ cao; nhà máy cấp nước có quy mô lớn để cung cấp cho  khu kinh tế Nam Phú Yên và khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa); nhà máy chế biến sâu làm giàu các quặng: bauxit, sắt, diatomít, vàng sa khoáng … Tiếp tục ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư các dự án đầu tư phát triển du lịch dịch vụ cao cấp, nhằm khai thác tốt tiềm năng và lợi thế phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Đặc biệt liên kết với TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên hình thành, khai thác có hiệu quả các tour du lịch. Theo quy hoạch du lịch tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến 2020 có 3 cụm với 20 điểm du lịch; trong đó huyện Đông Hòa có bốn điểm, TP Tuy Hòa và vùng phụ cận 8 điểm, huyện Sông Cầu 8 điểm.  Về phát triển đô thị, tỉnh khuyến khích thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để xây dựng cơ sở hạ tầng của khu đô thị Nam TP Tuy Hòa với diện tích gần 400 ha. Đây là dự án xây dựng khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa theo hướng hiện đại do Công ty Tư vấn TPO của Singapore thực hiện đồ án quy hoạch và thiết kế quy hoạch chi tiết 1/500.

 

Với những tiềm năng và lợi thế thuận lợi để phát triển nhiều lĩnh vực, tỉnh Phú Yên  kêu gọi đầu tư, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi, chào đón các nhà đầu tư trong, ngoài nước đến Phú Yên để hợp tác đầu tư, kinh doanh cùng phát triển.

 

PHẠM NGỌC CHI

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek