Dự án Hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Hóa dầu Hòa Tâm và tổ hợp hóa dầu Naphtha Cracking của Công ty SP Chemicals Ltd (Singapore) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là một dự án quan trọng, góp phần sớm hình thành Khu kinh tế Nam Phú Yên trong tương lai. Hiện dự án đang được Công ty SP Chemicals Ltd cùng UBND tỉnh Phú Yên tích cực triển khai.
Mô hình Khu công nghiệp và Tổ hợp hóa dầu Naphtha Cracking – Ảnh: TƯ LIỆU |
Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Hóa dầu Hòa Tâm và Tổ hợp hóa dầu Naphtha Cracking được triển khai tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa trên diện tích khoảng 1300 ha mặt đất và 1.300 ha mặt nước. Tổ hợp này gồm các nhà máy Naphtha Cracking, sản xuất Etylen glycol, sản xuất Dicloctan (EDC), Polypropylen (PP), sản xuất xút/clo, các chất thơm (Aromatic) sản xuất PTA cùng các sản phẩm khác như Acrylonitrile, axit acrilic, PO, Epoxy…
Theo chủ đầu tư, tất cả các nhà máy đều sử dụng công nghệ hiện đại và đảm bảo các tiêu chuẩn tốt nhất về môi trường của Việt
Trước khi xây dựng các nhà máy, Công ty SP Chemicals Ltd sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng một khu công nghiệp hiện đại và đồng bộ dành cho công nghiệp hóa dầu có đầy đủ các tiện ích tốt nhất với tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD. Các hạng mục công trình gồm hệ thống đường giao thông hoàn chỉnh, nhà máy điện công suất 580 MW, nhà máy cấp nước 100.000m3/ngày đêm, nhà máy xử lý nước thải, kho ngoại quan, hệ thống phòng cháy chữa cháy và một cảng nước sâu tại bãi Gốc có thể tiếp nhận tàu có tải trọng trên 250.000 DWT. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng được chia làm hai giai đoạn, trong đó dự kiến đến năm 2011, cơ sở, hạ tầng của giai đoạn 1 sẽ được hoàn tất nhằm phục vụ khởi công xây dựng Tổ hợp Hóa dầu Naphtha Cracking. Năm 2012, đê chắn sóng cùng các công trình phụ trợ, tiện ích cũng sẽ được xây dựng xong.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Phú Yên, dự án Hạ tầng KCN Hóa dầu và Tổ hợp Hóa dầu Naphtha Cracking là một dự án quan trọng, góp phần sớm hình thành Khu kinh tế Nam Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép quy hoạch, phát triển. Hiệu quả kinh tế, xã hội mà dự án này mang lại là rất to lớn với mức doanh thu dự kiến trên 20 tỉ USD/năm, đóng góp cho ngân sách Nhà nước ở giai đoạn 1 trên 100 triệu USD/năm và giai đoạn 2 trên 1 tỉ USD/năm. Dự án sẽ tạo việc làm mới cho 10.000 lao động trong thời kỳ xây dựng và 15000 trong thời kỳ vận hành.
UBND tỉnh Phú Yên còn cho biết, trong giai đoạn đầu, nhà đầu tư sẽ xây dựng khu tập thể cho công nhân với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong khu vực nhà máy. Sau đó khi công nhân có nhu cầu, nhà đầu tư sẽ xây dựng khu nhà ở mới ngoài khu vực dự án để bán lại cho cán bộ, công nhân nhà máy theo giá vốn; đồng thời cho vay không lãi 10.000 USD/người và cho vay thêm 15.000 USD/người với lãi suất thấp để cán bộ, công nhân viên có trên 10 năm công tác, sau khi vay vốn nếu không bị kỷ luật hành chính, sẽ được miễn trả khoản nợ vay không lãi 10.000 USD hoặc được miễn một phần hay toàn bộ số nợ nếu có những đóng góp đặc biệt trong thời gian công tác.
Các nhà máy trên được xây dựng trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2008 đến năm 2014) gồm nhà máy Naphtha Cracking, công suất 800.000 tấn ctylen/năm (chế biến từ 2,4 triệu tấn naphtha nhập từ Trung Đông và Singapore); nhà máy sản xuất Etylen glycol công suất 600.000 tấn/năm; nhà máy sản xuất EDC công suất 240.000 tấn/năm, nhà máy PP công suất 200.000 tấn/năm, nhà máy sản xuất xút/clo dạng màng ion công suất 300.000 tấn/năm. Giai đoạn 2 (từ năm 2014 đến năm 2024) sẽ có thêm 6 nhà máy được xây dựng với tổng vốn đầu tư cho cả hai giai đoạn khoảng 5 tỉ USD bằng 100% vốn nước ngoài, trong đó vốn của Công ty SP Chemicals Ltd là 1,5 tỉ USD.
HOÀI TRUNG