Theo website Chính phủ, phát biểu tại Hội nghị ban chỉ đạo tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm ngày 23-9, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương điều chỉnh qui hoạch ngành, nhanh chóng triển khai các qui hoạch chi tiết, nhất là qui hoạch các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh và các công trình then chốt về kết cấu hạ tầng công nghiệp.
Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương cần xác định rõ trách nhiệm của mình để điều phối phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả. Các vùng kinh tế trọng điểm nên ưu tiên phát triển hệ thống khu công nghiệp và khu công nghệ cao, công nghiệp mũi nhọn; xác định rõ thế mạnh của từng địa phương. “Vấn đề con người và cách thức điều phối sao cho có hiệu quả là một trong những yếu tố quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng kinh tế trọng điểm” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Các vùng kinh tế trọng điểm bao gồm 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phát triển tương đối nhanh. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2001 - 2005 của vùng đạt khoảng 8,1%, bằng 1,08 lần bình quân của cả nước. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 14,6 triệu đồng, bằng 1,44 lần so với trung bình cả nước.
Tuy nhiên, ba vùng kinh tế trọng điểm (Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ) đang bộc lộ một số hạn chế và điểm yếu: cơ cấu kinh tế chưa hiện đại, chưa hài hòa giữa khối sản xuất sản phẩm vật chất với khối sản phẩm dịch vụ; tốc độ tăng trưởng chưa đạt mức bằng 1,3 lần mức trung bình của cả nước; môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, rõ nhất là ở các làng nghề, một số dòng sông, khu công nghiệp và đô thị.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ cho rằng các địa phương nên qui hoạch và bố trí đủ quĩ đất cho phát triển kết cấu hạ tầng thương mại. Thứ trưởng Bộ GT-VT Ngô Thịnh Đức cho rằng mạng lưới đường cao tốc cần phải được xác lập qui hoạch đồng bộ, đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các cửa khẩu chính, các đầu mối giao thông quan trọng có nhu cầu vận tải lớn. Hiện qui hoạch đường cao tốc VN có tổng chiều dài 6.313km.
Theo TTO