Trong những năm qua công tác kiểm tra của Đảng đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; giữ gìn nguyên tắc và sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ; đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, đáp ứng những đòi hỏi bức xúc của thực tiễn, nâng cao uy tín của Đảng, thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng.
Hát múa ca ngợi Đảng - Ảnh: MINH KÝ
Tuy nhiên, công tác kiểm tra của Đảng đối với việc ngăn chặn, đẩy lùi và đấu tranh khắc phục sự suy thoái tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên trong thời gian qua có nơi, có lúc còn bị buông lỏng, xem nhẹ, nhiều dấu hiệu vi phạm còn bỏ sót hoặc không được kiểm tra; việc xử lý kỷ luật ở một số nơi thực hiện chưa nghiêm túc. Do vậy: “Nạn tham nhũng và lãng phí vẫn còn rất nghiêm trọng”. (Dự thảo: Đề cương văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X trang 6) “Suy thoái, biến chất của một số bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn còn rất nghiêm trọng”. “Một bộ phận cán bộ, đảng viên kém cả về phẩm chất và năng lực” (Dự thảo: Đề cương văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X trang 7).
Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, trong đó có công tác kiểm tra của Đảng còn nhiều yếu kém, bất cập, nhiều cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn vai trò của công tác kiểm tra đối với việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Một số tổ chức đảng còn coi nhẹ, buông lỏng với công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, không coi công tác kiểm tra là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng suy thoái. Một nguyên nhân quan trọng khác rất phổ biến hiện nay là bệnh quan liêu. Đó là tình trạng những người và những cơ quan lãnh đạo các cấp không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Mặt khác, công tác kiểm tra thường làm một chiều từ trên xuống, chưa mở rộng dân chủ, chưa coi trọng kiểm tra từ dưới lên, chưa có quy chế và tổ chức cho cấp dưới, nhân dân kiểm tra, giám sát công việc, tư cách đạo đức của cán bộ lãnh đạo cấp trên và đảng viên.
Để khắc phục những yếu kém bất cập nói trên và phát huy vai trò của công tác kiểm tra trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị của cán bộ, đảng viên, góp phần vào cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay cần quan tâm làm tốt một số vấn đề cơ bản sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò của công tác kiểm tra. Công tác kiểm tra phải trở thành công việc thường xuyên, trực tiếp hằng ngày của các cấp ủy Đảng, của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành chứ không chỉ của cơ quan tham mưu, Ủy ban kiểm tra các cấp. Công tác kiểm tra phải gắn liền với giám sát cần giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Nội dung kiểm tra của Đảng phải hướng trọng tâm vào kiểm tra sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiểm tra việc chấp hành và thực hiện đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiểm tra việc chấp hành nghiêm nguyên tắc dân chủ tập trung, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, chế độ tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất của Đảng, giữ gìn mối quan hệ với nhân dân và sự giáo dục, rèn luyện đảng viên về quan điểm lập trường, ý thức tổ chức kỷ luật của giai cấp công nhân; kiểm tra dấu hiệu vi phạm và hành vi vi phạm của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước và cán bộ, đảng viên.
Hai là, kiểm tra bản lĩnh chính trị, phẩm chất và năng lực của cán bộ, đảng viên. Công tác kiểm tra cần tập trung làm rõ những biểu hiện và mức độ của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, trong đó cần lưu ý những biểu hiện như thiếu thống nhất về nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật; phai nhạt lý tưởng cách mạng, mơ hồ về bản chất giai cấp của Đảng, giao động hoài nghi về con đường đi lên CNXH, xa rời định hướng XHCN, đi ngược lại đường lối, chính sách của Đảng, kịp thời phát hiện và đưa ra khỏi Đảng những phần tử cơ hội chính trị, vi phạm nguyên tắc, Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước, những kẻ thoái hóa, biến chất về đạo đức, lối sống.
Ba là, cùng với việc nâng cao chất lượng công tác kiểm tra của cơ quan lãnh đạo, cơ quan kiểm tra cần coi trọng và mở rộng dân chủ, dựa vào dân, phát huy quyền làm chủ, quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên; đồng thời xây dựng và hoàn thiện quy chế tăng cường kiểm tra từ dưới lên và đặc biệt coi trọng sự kiểm tra giám sát của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ: “Kiểm tra có 2 cách: Một là từ trên xuống. Tức là người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình. Một cách nữa là từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cải cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên” (*)
Từ khi mới thành lập đến nay, Đảng ta rất coi trọng công tác kiểm tra. Tăng cường công tác kiểm tra là một trong những biện pháp quan trọng nhất để góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bởi: “Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”. Nhiệm vụ công tác kiểm tra trong thời gian tới rất nặng nề, đòi hỏi người làm công tác kiểm tra của Đảng phải không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, nghiệp vụ và nhất là bản chất trung thực, công tâm của người làm công tác kiểm tra Đảng.
TÔ PHƯƠNG
————
(*) Hồ Chí Minh toàn tập – NXB CTQG – H 1995, T5, tr 288