Hôm nay (5/11), kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XII bước sang tuần làm việc thứ ba với việc tiếp tục thảo luận ở hội trường về báo cáo của các cơ quan tư pháp.
Nhiều vấn đề đã được đưa ra thảo luận sôi nổi, trong đó phải kể đến yêu cầu nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án hành chính, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa… Về đẩy mạnh cải cách tư pháp trong tình hình mới, theo đại biểu Nguyễn Văn Quyền (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu), mặc dù cải cách tư pháp tiến hành chậm so với cải cách hành chính nhưng mấy năm qua, cải cách tư pháp thu được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của người dân trước yêu cầu hội nhập, đại biểu Nguyễn Văn Quyền cho rằng, các cơ quan tư pháp cần chủ động hơn nữa để đến năm 2010, chúng ta phải tạo được dấu ấn trong xây dựng nền tư pháp của Việt Nam. Năm 2008, chúng ta phải xây dựng Tòa án sơ thẩm cho xứng tầm với vị trí, vai trò hiện nay. Bởi quan trọng nhất trong hoạt động xét xử của các cơ quan tư pháp là chúng ta đã thực hiện chủ trương hai cấp xét xử. Do đó, cấp sơ thẩm rất quan trọng.
Vừa rồi chúng ta đã triển khai tăng thẩm quyền cho tòa án cấp huyện nhưng tiến tới phải xây dựng tòa án cấp huyện mạnh. Ngoài ra, các cơ quan tư pháp cũng phải công khai các quy định để người dân dễ tiếp cận các thủ tục hành chính của cơ quan tư pháp.
Nhiều ý kiến của các đại biểu đã chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, yếu kém trong hoạt động tố tụng, nổi cộm là số án tồn đọng xét xử và thi hành án còn nhiều, đặc biệt là án dân sự, mặc dù đã phân loại án có điều kiện thi hành và không có điều kiện thi hành. Theo nhận định của các đại biểu, hiện nay chúng ta mới chỉ chú trọng đến điều tra, xử án, chứ chưa thực sự chủ động trong công tác phòng chống tội phạm. Một thực tế là công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm hiện đang gặp những thách thức lớn.
Tình trạng tội phạm có xu hướng trẻ hóa, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, tội phạm có hành vi phạm tội phức tạp, tinh vi có chiều hướng gia tăng. Một số đại biểu đề nghị cần nâng cao hiệu quả công tác của ngành tòa án, việc giải quyết các tranh chấp về hành chính, dân sự, lao động và xét xử các vụ án hình sự. Một số ý kiến khác góp ý đề nghị cần có ưu tiên thỏa đáng cho công tác đào tạo cán bộ, kiểm sát viên, cán bộ thi hành án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế.
HOÀI THƯƠNG